Trí tuệ nhân tạo định hình lại nhu cầu về nhân lực và kỹ năng CNTT

LTV| 23/06/2023 21:00

Trí tuệ nhân tạo sẵn sàng trở thành ưu tiên kinh doanh trong mọi ngành và nhà tuyển dụng đang chú ý đến các kỹ năng cần thiết cho những bước tiếp theo trong quá trình chuyển đổi số có AI hỗ trợ.

Trí tuệ nhân tạo đang nhanh chóng trở thành một phần thiết yếu trong công việc hàng ngày của các tổ chức. AI đã được sử dụng để giúp cải thiện các quy trình hoạt động, tăng cường dịch vụ khách hàng, đo lường trải nghiệm của nhân viên và thúc đẩy an ninh mạng…. Với việc AI ngày càng hiện diện sâu sắc hơn trong cuộc sống, khi nhiều người sử dụng các dịch vụ bot AI, chẳng hạn như ChatGPT, để trả lời các câu hỏi và nhận trợ giúp, thì việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong kinh doanh sẽ ngày càng phổ biến.

Trong tổ chức, các cuộc thảo luận xung quanh AI tập trung vào những công việc mà nó có thể thay thế. Bên cạng đó, AI cũng dấy lên các vấn đề về đạo đức, tuân thủ và quản trị… Vì vậy, nhiều tổ chức đã có những bước tiếp cận thận trọng khi áp dụng công nghệ AI.

Mặc dù còn sớm để chắc chắn về tương lai của AI nhưng không thể bỏ qua tác động ban đầu của nó đối với doanh nghiệp. Rõ ràng là AI sẽ ghi dấu ấn trong mọi ngành trong những năm tới và nó đã tạo ra sự thay đổi về nhu cầu đối với các kỹ năng, nhân lực mà nhà tuyển dụng đang tìm kiếm. AI cũng khơi dậy mối quan tâm mới đối với nhiều kỹ năng CNTT đã có lâu nay, đồng thời tạo ra những vai trò và kỹ năng hoàn toàn mới mà doanh nghiệp sẽ cần đến để nắm bắt thành công AI.

Những công việc và kỹ năng AI mới nổi

Sự gia tăng của AI tại nơi làm việc đã tạo ra nhu cầu về những vai trò mới trong CNTT. Theo đánh giá, quan trọng nhất trong số này là các vai trò như kỹ sư gợi ý (prompt engineer - chuyên gia tìm kiếm, lựa chọn và sắp xếp các từ, cụm từ hoặc câu văn để hướng dẫn mô hình trí tuệ nhân tạo tạo ra. -ND), chuyên gia tuân thủ AI và quản lý sản phẩm AI.

Các vai trò mới nổi khác bao gồm người chú thích dữ liệu AI, chuyên gia pháp lý chuyên về quy định AI, cố vấn đạo đức AI và kiểm duyệt nội dung để theo dõi thông tin sai lệch tiềm ẩn xung quanh AI.

Nhiều tổ chức cũng đang tìm kiếm các kỹ năng CNTT truyền thống lâu nay như phân tích dự đoán, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, học sâu và học máy.

AI cũng đã tạo ra nhu cầu về vai trò mới của ban lãnh đạo doanh nghiệp là tập trung hoàn toàn vào việc tận dụng AI trong tất cả các khía cạnh của hoạt động kinh doanh, từ cách thức làm việc nội bộ đến các giải pháp sản phẩm do AI cung cấp bên ngoài cho khách hàng.

Kỹ năng nhanh nhẹn sẽ giúp tổ chức đi trước một bước

Sự nhanh nhẹn (agility) ở đây là khả năng dự đoán và đáp ứng nhanh cơ hội. Kỹ năng này luôn cần thiết trong kinh doanh, nhưng nhiều tổ chức đã áp dụng tư duy và quy trình làm việc nhanh nhẹn sẽ ở vị trí tốt nhất để tích hợp các công cụ và giải pháp AI. Điều này sẽ giúp tổ chức chuẩn bị tốt hơn để đáp ứng sự thay đổi nhanh chóng liên quan đến AI, tạo cơ hội áp dụng công nghệ mới khi nó xuất hiện.

Một tổ chức nhanh nhẹn, liên tục triển khai và thử nghiệm các quy trình, dịch vụ hoặc sản phẩm mới, tiếp nhận phản hồi và liên tục cải tiến… sẽ nhanh chóng nắm bắt và triển khai các công cụ và giải pháp AI dễ dàng hơn so với các tổ chức có quy trình chậm hơn, công nghệ cũ hoặc rào cản triển khai.

Tập trung hơn nữa vào bảo mật

Ở một khía cạnh khác, trí tuệ nhân tạo cũng mở ra cánh cửa mới cho những mối đe dọa bảo mật và nhiều vấn đề tuân thủ mà các tổ chức phải chuẩn bị giải quyết.

Xu hướng tìm cách cải thiện quy trình làm việc của người dùng cuối hiện nay thông qua AI chắc chắn sẽ dẫn đến mức độ rủi ro cao hơn về an ninh xung quanh công nghệ mới nổi, và do đó, tác động bảo mật cuối cùng sẽ cần phải được giải quyết chứ không chỉ đơn giản là cố gắng kìm hãm.

Hơn nữa, thực tế là chỉ vài năm trước, các cuộc thảo luận xung quanh việc học máy tập trung vào khả năng phá vỡ mã hóa của nó và với việc học máy lượng tử đang xuất hiện, mối lo ngại đó chỉ tăng lên. Khi các tổ chức sử dụng AI tại nơi làm việc, họ sẽ cần hơn nữa các chuyên gia lành nghề có thể xác định những rủi ro tiềm ẩn và tìm ra giải pháp khả thi.

Đồng thời, sự phức tạp sẽ gia tăng xung quanh việc quản lý cơ sở hạ tầng và nền tảng cung cấp tài nguyên cho các ứng dụng, đồng thời lưu trữ và truy cập dữ liệu. Các tổ chức sẽ cần những người có kỹ năng sử dụng tự động hóa để giúp bảo mật, cung cấp và điều phối các nền tảng phân tán hiện đại này.

Kỹ năng mềm vẫn cần thiết

Kỹ năng cứng về kỹ thuật đang thay đổi nhanh hơn bao giờ hết, đến mức có khả năng những gì sinh viên học được trong năm đầu tiên có thể sẽ lỗi thời ngay sau khi họ tốt nghiệp. AI sẽ chỉ đẩy nhanh tốc độ của công nghệ và thậm chí tự động hóa một số kỹ năng cứng mà chuyên gia CNTT phải đáp ứng. Điều đó có nghĩa là kỹ năng mềm sẽ trở nên quan trọng hơn.

Một điều có thể nhận thấy hiện nay là thời gian tồn tại của những kỹ năng cứng hoặc kỹ năng kỹ thuật ngày càng ngắn lại khi công nghệ thay đổi nhanh chóng. Những kỹ năng lâu dài hơn có xu hướng là khả năng suy nghĩ chín chắn, cách giải quyết vấn đề, giao tiếp hiệu quả và làm việc nhóm.

Với AI, các tổ chức cũng có cơ hội giảm bớt nhiều nhiệm vụ hành chính, đơn điệu và nhàm chán Điều này sẽ giải phóng người lao động để tập trung vào các dự án đòi hỏi nhiều chất xám hơn, chú trọng hơn vào quản lý thời gian, hợp tác nhóm và lãnh đạo để đảm bảo thành công.

Nâng cao tay nghề trong nội bộ

Như với hầu hết mọi thứ về CNTT, nhu cầu về kỹ năng AI sẽ vượt xa thị trường nhân lực, vì vậy các tổ chức sẽ cần phải hướng nội và xác định cơ hội đào tạo.

Để giải quyết vấn đề này, tổ chức cần tạo ra các nhóm xung quanh những cá nhân có nền tảng về AI, giao nhiệm vụ cho họ nâng cao kỹ năng của những người khác trong tổ chức. Cách tiếp cận nhằm xây dựng nguồn nhân lực từ bên trong mang lại lợi ích to lớn vì chúng nhấn mạnh tầm quan trọng của kiến thức về lĩnh vực và tổ chức.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tin tức IDS
Đừng bỏ lỡ
Trí tuệ nhân tạo định hình lại nhu cầu về nhân lực và kỹ năng CNTT
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO