Có gì mới trong phần mềm và dịch vụ doanh nghiệp? Dưới đây là tóm tắt nhanh về các xu hướng CNTT chính mà các lãnh đạo CNTT nên tuân theo
Trong bối cảnh dịch vụ và phần mềm doanh nghiệp hiện nay, doanh nghiệp tiếp tục tìm kiếm các giải pháp và công nghệ để cải thiện dịch vụ, cung cấp sản phẩm hấp dẫn hơn, hợp lý hóa quy trình nội bộ và tăng năng suất. Đây là cơ hội để các công ty CNTT thúc đẩy đổi mới và tăng trưởng nhanh chóng.
Dưới đây là tổng quan về các xu hướng mới nhất trong thị trường dịch vụ và phần mềm CNTT dành cho doanh nghiệp, giúp các nhà lãnh đạo CNTT tận dụng tối đa những gì đang nổi lên hiện nay.
Trí tuệ nhân tạo hướng đến doanh nghiệp
Với chiến lược tiếp cận thị trường và mô hình kinh doanh mới, trí tuệ nhân tạo (AI) sẵn sàng định hình lại doanh nghiệp. Các lãnh đạo doanh nghiệp nên xem lại hoạt động hiện tại trong tổ chức của họ để xác định các vấn đề có thể giải quyết bằng AI. Như vậy, doanh nghiệp sẽ cần xây dựng đội ngũ nhân sự với kỹ năng mới để đảm bảo rằng có thể triển khai thành công các hệ thống AI và thiết kế phần mềm cũng như môi trường dữ liệu hoàn toàn tương thích với chiến lược mới.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư mạnh vào AI. Theo nghiên cứu, trí tuệ nhân tạo có tiềm năng mang lại 15,7 nghìn tỷ USD tăng trưởng kinh tế toàn cầu vào năm 2030.
ChatGPT - một lựa chọn tốt
Với mức độ lan truyền nhanh của ChatGPT kể từ khi ra mắt, AI sáng tạo hiện đang là ưu tiên hàng đầu trong suy nghĩ của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp.
Các ứng dụng doanh nghiệp tiềm năng cho các công cụ AI đàm thoại là rất lớn và các doanh nghiệp đang khám phá khả năng của AI sáng tạo, mặc dù một cách thận trọng.
Chatbot, một mô hình AI giao tiếp với khác hàng cũng đang được cải thiện nhanh chóng. Người ta đang khai thác các ứng dụng chatbot để cung cấp các mẫu văn bản cơ bản soạn sẵn, tài liệu pháp lý, báo cáo tin tức, sổ tay hướng dẫn… mặc dù tính sáng tạo của thuật toán sử dụng trong chatbot hiện còn giới hạn bởi hạn chế của tập dữ liệu huấn luyện.
Điện toán biên đến thời
Điện toán biên (edge computing) là một kiến trúc tính toán phân tán, trong đó việc tính toán và lưu trữ dữ liệu được thực hiện tại các thiết bị nằm gần với người dùng (như thiết bị IoT) thay vì phải gửi dữ liệu đi xa hoặc đám mây để xử lý.
Triển khai điện toán biên giúp giảm truyền tải dữ liệu nhanh, giảm chi phí băng thông mạng, tăng tốc độ xử lý dữ liệu và bảo mật thông tin.
Ứng dụng điện toán biên, hay là nền kinh tế biên là một trong những xu hướng quan trọng nhất trong năm nay trên thị trường dịch vụ doanh nghiệp.
Với sự mở rộng của Internet vạn vật (IoT), các doanh nghiệp đang phải xử lý lượng dữ liệu ngày càng tăng. Việc chuyển dữ liệu qua lại tới các nền tảng đám mây lớn để xử lý là tốn kém và mất thời gian. Do đó, rất cần đến khả năng xử lý, lưu trữ dữ liệu được thu thập ngay tại nơi dữ liệu đó phát sinh.
Mạng không dây riêng
Việc áp dụng mạng không dây riêng (private wireless) đang tăng mạnh, cung cấp cho doanh nghiệp một lựa chọn liên lạc ngày càng hấp dẫn và khả thi. Những cải tiến công nghệ gần đây, cùng với nhận thức về lợi ích của mạng 5G và các chính sách phổ tần cởi mở từ phía chính phủ đã thúc đẩy việc áp dụng mạng di động riêng.
Mạng không dây riêng cung cấp cả độ trễ thấp và thông lượng cao. Công nghệ này cũng cho phép doanh nghiệp bổ sung các dịch vụ mới một cách nhanh chóng, đồng thời đáp ứng tốc độ tăng trưởng lưu lượng dữ liệu.
Ước tính sẽ có hơn 20.000 mạng không dây riêng - cả LTE và 5G - vào năm 2026 và các doanh nghiệp sẽ chi hơn 5 tỷ USD cho các mạng này trong 4 năm tới.
Chuyển đổi số bước vào giai đoạn 2.0
Chuyển đổi số vẫn là xu hướng quan trọng. Tuy nhiên, theo khảo sát, cách các doanh nghiệp tiếp cận các chương trình chuyển đổi kỹ thuật số đang thay đổi đáng kể. Việc chuyển đổi trong tổ chức đang được xem xét kỹ lưỡng hơn khi các lãnh đạo tìm cách thúc đẩy giá trị kinh doanh trong thế giới thực.
Các doanh nghiệp sẽ tiếp tục tránh các dự án dịch vụ tập trung vào SLA (service level agreement) - giao dịch không bao gồm bất kỳ yếu tố biến đổi nào. Thay vào đó, chuyển đổi số sẽ được đưa vào các mô hình cung cấp dịch vụ chạy-và-vận hành, chuyển từ tư duy chương trình chuyển đổi lớn sang tư duy chuyển đổi liên tục.
Xác thực không mật khẩu được triển khai
Trước vấn đề an ninh mạng ngày càng cấp bách, thế giới đã vượt ra ngoài ngưỡng mà một mật khẩu đơn giản có thể cung cấp đủ khả năng bảo vệ.
FIDO2 (fast identity online 2) là một tiêu chuẩn xác thực người dùng nhanh và bảo mật cao, cho phép người dùng sử dụng các phương tiện xác thực không phụ thuộc vào mật khẩu như các thiết bị đầu cuối (như điện thoại di động, USB…), để đăng nhập vào các dịch vụ trực tuyến một cách an toàn.
Được thúc đẩy bởi tiêu chuẩn FIDO2, việc chuyển sang xác thực không cần mật khẩu đang tiến triển. Giờ đây nó là xu hướng lớn nhất đối với các công ty phần mềm doanh nghiệp. Những tay chơi lớn nhất trong ngành, bao gồm Apple, Microsoft và Google… đã hỗ trợ mở rộng tiêu chuẩn FIDO2, công bố kế hoạch kích hoạt xác thực không cần mật khẩu trên nhiều thiết bị, trình duyệt và nền tảng. Dự đoán của Gartner rằng đến năm 2025, hơn 50% lực lượng lao động và hơn 20% giao dịch xác thực khách hàng sẽ không cần mật khẩu - một mức tăng lớn từ mức dưới 10% hiện nay.
Với quy trình xác thực mở rộng, người dùng có thể đăng nhập vào tài khoản trực tuyến mà không cần phải nhập mật khẩu. Điều này giúp loại bỏ mối lo ngại về việc quên mật khẩu và khôi phục mật khẩu phức tạp.
Nhìn chung, FIDO2 có khả năng cải thiện cả tính bảo mật và dễ sử dụng để truy cập trực tuyến, đồng thời giảm thiểu đáng kể nguy cơ bị tội phạm mạng đánh cắp thông tin đăng nhập.
Đám mây - gốc là nền tảng được lựa chọn
Dự đoán một tương lai tươi sáng cho các nền tảng dựa trên đám mây - gốc (cloud native), một cách xây dựng và chạy các ứng dụng tận dụng khả năng điện toán phân tán do mô hình phân phối đám mây cung cấp.
Các ứng dụng trên đám mây - gốc được thiết kế và xây dựng để khai thác quy mô, độ đàn hồi, khả năng phục hồi và tính linh hoạt của đám mây, một cách tiếp cận cho phép người dùng sử dụng trực tiếp thông qua cấu hình nền tảng mà không cần phát triển tùy chỉnh đáng kể.