10 rào cản chuyển đổi số và 5 cách vượt qua

LTV| 14/11/2023 11:05

Người lãnh đạo tham vọng có thể học được nhiều điều trong quá trình chuyển đổi số. Dưới đây là tổng hợp những thách thức cần biết giúp doanh nghiệp chuẩn bị cho hành trình phía trước.

Trong thế giới kinh doanh phát triển nhanh chóng ngày nay, các tổ chức đều nỗ lực khai thác sức mạnh của công nghệ số để đổi mới hoạt động, nâng cao trải nghiệm của khách hàng, thúc đẩy đổi mới và từ đó tạo ra giá trị cho các bên liên quan. Nhưng sự thật là nhiều sáng kiến kỹ thuật số không mang lại kết quả.

Những nỗ lực chuyển đổi có thể bị lệnh hướng vì bất kỳ lý do nào, nhưng có một số lý do chung giải thích tại sao các đổi mới lại thất bại — và hầu hết đều xoay quanh khả năng lãnh đạo. Vì vậy, với tư cách là nhà lãnh đạo CNTT, nếu đang tìm cách chuyển đổi tại tổ chức của mình, bạn nên biết 10 lý do phổ biến nhất khiến nỗ lực của mình thất bại và bạn có thể học được gì từ những thất bại đó.

1. Thiếu tầm nhìn

Một lý do phổ biến khiến việc chuyển đổi số thất bại là thiếu tầm nhìn, cùng với việc lập kế hoạch là nền tảng. Nếu không hiểu rõ ràng về những gì mà quá trình chuyển đổi số đạt được, doanh nghiệp sẽ rất dễ bị lạc lối. Các lãnh đạo CNTT phải làm việc với ban lãnh đạo doanh nghiệp để giúp thiết lập sự hiểu biết rõ ràng về các mục tiêu chuyển đổi số và lộ trình thực tế để đạt được chúng.

2. Ngại thay đổi

Thay đổi là điều khó khăn và chuyển đổi số đòi hỏi rất nhiều điều đó. Mỗi bước của quá trình chuyển đổi đều tạo cơ hội cho nhân viên kháng lại công nghệ hoặc quy trình mới, có thể làm hỏng ngay cả những nỗ lực chuyển đổi số được thiết kế và thực hiện tốt nhất.

Việc hình dung lại các quy trình kinh doanh là cốt lõi của chuyển đổi số và do đó, theo định nghĩa, chuyển đổi số thách thức hiện trạng, loại bỏ thói quen lâu nay. Vì điều này, lãnh đạo CNTT phải thực hiện cách tiếp cận chủ động để quản lý thay đổi, truyền đạt lợi ích của chuyển đổi số cũng như hỗ trợ và đào tạo cho nhân viên.

Một nghiên cứu cho thấy các công ty ưu tiên yếu tố văn hóa trong chuyển đổi số có khả năng thành công cao gấp 4 lần so với những công ty chỉ tập trung vào công nghệ. Sự ủng hộ của nhân viên là rất quan trọng và đòi hỏi họ phải tham gia vào quá trình chuyển đổi sớm và thường xuyên.

3. Thiếu sự hợp tác giữa các bộ phận

Chuyển đổi số đòi hỏi sự lãnh đạo và hỗ trợ mạnh mẽ từ tất cả các bộ phận chức năng kinh doanh. Để thành công, phụ trách của các bộ phận trong doanh nghiệp phải bổ nhiệm một lãnh đạo chịu trách nhiệm về nỗ lực chuyển đổi của công ty và là người có thể bảo vệ sáng kiến, thúc đẩy tất cả các hoạt động chức năng cũng như đưa ra hướng dẫn và hỗ trợ.

Mặc dù thông thường, người lãnh đạo này sẽ đến từ các bộ phận công nghệ hoặc kỹ thuật số, nhưng quá trình chuyển đổi số không thể thành công nếu không có sự tham gia của nhiều bộ phận và các bên liên quan. Việc thiếu sự hợp tác giữa các bên liên quan có thể dẫn đến thất bại. Lãnh đạo chuyển đổi phải đảm bảo rằng mọi người đều có cùng quan điểm và có sự giao tiếp và cộng tác hiệu quả trong suốt quá trình chuyển đổi số. Việc cộng tác đa chức năng sẽ phá vỡ các rào cản và dẫn đến kết quả tốt hơn.

4. Triển khai kém

Ngay cả những kế hoạch tốt nhất cũng có thể thất bại nếu việc thực hiện kém. Lãnh đạo chuyển đổi phải đảm bảo tổ chức của họ có đủ nguồn lực và chuyên môn để thực hiện các kế hoạch chuyển đổi số một cách hiệu quả. Điều này có thể yêu cầu thuê chuyên gia bên ngoài và/hoặc đầu tư vào đào tạo và phát triển cho đội ngũ nhân viên hiện có.

5. Hạn chế ngân sách

Quá trình chuyển đổi số có thể tốn kém và đội ngũ lãnh đạo điều hành không phân bổ đủ ngân sách cho việc triển khai có thể gặp khó khăn để thành công. Hãy thực tế về chi phí của chuyển đổi số và phân bổ đủ vốn nhân lực và vốn tài chính để đạt được mục tiêu của doanh nghiệp.

6. Thiếu nhân lực cần thiết

Đội ngũ nhân lực kinh nghiệm năng là yếu tố khác biệt duy nhất mà một tổ chức có. Chuyển đổi số là tạo ra những cách thức kinh doanh mới, sắp xếp lại quy trình kinh doanh, chuyển đổi kiến trúc hệ thống/kinh doanh và thay đổi văn hóa của tổ chức. Nó đòi hỏi một tư duy khác, cũng như một lực lượng lao động nhanh nhẹn, sẵn sàng thử nghiệm và hiểu biết về sự thay đổi. Nhiều tổ chức thiếu các kỹ năng và kiến thức cần thiết để chuyển đổi số thành công. Thuê nhân sự có tay nghề cao hoặc cung cấp đào tạo cho nhân viên hiện tại là điều cần thiết để chuyển đổi thành công.

7. Thách thức về tích hợp công nghệ

Chuyển đổi số thường liên quan đến việc tích hợp công nghệ mới với hệ thống hiện có, và đây có thể là một thách thức. Lãnh đạo chuyển đổi phải đảm bảo tổ chức của họ có chuyên môn để tích hợp công nghệ mới một cách hiệu quả và có khả năng theo dõi để kiểm tra và khắc phục sự cố kỹ lưỡng trước khi đi vào hoạt động. Việc không kết hợp khả năng công nghệ với mục tiêu kinh doanh có thể dẫn đến đầu tư lãng phí vào công nghệ không hỗ trợ cho mục tiêu kinh doanh.

8. Quản lý và quản trị dữ liệu không đầy đủ

Dữ liệu là trung tâm của chuyển đổi số và tổ chức không có quy trình quản lý dữ liệu đầy đủ có thể sẽ gặp khó khăn. Lãnh đạo chuyển đổi phải đảm bảo tổ chức của họ có sẵn hệ thống và quy trình phù hợp để thu thập, lưu trữ và phân tích dữ liệu một cách hiệu quả. Đảm bảo chất lượng dữ liệu, quyền riêng tư và bảo mật là điều cần thiết.

9. Tư duy ngắn hạn và thiếu linh hoạt

Chuyển đổi số là một quá trình lâu dài và tư duy ngắn hạn có thể làm hỏng toàn bộ nỗ lực. Nhà lãnh đạo cần kiên nhẫn và có tầm nhìn dài hạn để đảm bảo chuyển đổi số thành công.

Chuyển đổi số đòi hỏi sự linh hoạt. Doanh nghiệp chậm thích ứng với hoàn cảnh thay đổi hoặc công nghệ mới có thể sẽ gặp khó khăn. Tổ chức nên sẵn sàng thay đổi và sẵn sàng thay đổi khi cần thiết để đảm bảo các sáng kiến chuyển đổi số đi đúng hướng. Chuyển đổi số không phải là sự kiện diễn ra một lần mà là một quá trình liên tục. Việc không cải thiện và lặp lại nỗ lực chuyển đổi có thể dẫn đến công nghệ và quy trình lỗi thời, không đáp ứng được nhu cầu kinh doanh ngày càng tăng.

10. Quan tâm nhu cầu của khách hàng

Chuyển đổi số cuối cùng là cải thiện trải nghiệm của khách hàng và doanh nghiệp không tập trung vào khách hàng sẽ có khả năng thất bại. Lãnh đạo chuyển đổi phải đảm bảo rằng tổ chức của họ hiểu sâu sắc về nhu cầu của khách hàng và các sáng kiến chuyển đổi số của họ được thiết kế hướng đến khách hàng.

Giải quyết các vấn đề cốt lõi

Chuyển đổi số có thể là một quá trình đầy thách thức nhưng bổ ích. Các tổ chức tránh được những vấn đề phổ biến ở trên và luôn tập trung vào mục tiêu cũng như khách hàng của mình sẽ có nhiều khả năng thành công hơn trong nỗ lực chuyển đổi số, bắt đầu từ cấp cao nhất với các giám đốc điều hành và lãnh đạo cấp cao cam kết đầu tư vào năng lực mới, sắp xếp nguồn lực và làm việc, cùng nhau theo những cách mới để đạt được các mục tiêu chung và thúc đẩy văn hóa đoàn kết. Với sự lãnh đạo, tầm nhìn, triển khai và hợp tác đúng đắn, chuyển đổi số có thể là một công cụ mạnh mẽ để thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới.

Dưới đây là năm điều mà lãnh đạo CNTT có thể làm để đảm bảo nỗ lực chuyển đổi số của họ thành công.

Phát triển chiến lược rõ ràng: Một chiến lược rõ ràng vạch ra mục tiêu, mốc thời gian và nguồn lực cần thiết là điều cần thiết để chuyển đổi số thành công. Lãnh đạo phải xác định rõ ràng những gì muốn đạt được thông qua chuyển đổi số và cách thực hiện điều đó.

Thúc đẩy văn hóa đổi mới: Chuyển đổi số đòi hỏi phải đổi mới và thử nghiệm, do đó cần văn hóa đón nhận các công nghệ và ý tưởng mới. Lãnh đạo CNTT giúp tạo điều kiện thay đổi tư duy của tổ chức theo hướng sẵn sàng chấp nhận rủi ro và học hỏi từ những thất bại.

Đầu tư vào nhân tài: Chuyển đổi số đòi hỏi lực lượng lao động lành nghề, có chuyên môn về công nghệ, phân tích dữ liệu và quản lý dự án. Tổ chức cần đầu tư vào đào tạo và phát triển để nâng cao kỹ năng kỹ thuật số quan trọng cho nhân viên của mình và thu hút nhân tài.

Tập trung vào trải nghiệm của khách hàng: Trải nghiệm của khách hàng phải là trung tâm của bất kỳ sáng kiến chuyển đổi số nào. Lãnh đạo phải hiểu nhu cầu, sở thích của khách hàng và xây dựng các giải pháp đáp ứng những nhu cầu đó.

Đo lường và giám sát tiến độ: Chuyển đổi số là một quá trình diễn ra liên tục và tổ chức cần đo lường và giám sát tiến trình chuyển đổi để đảm bảo đi đúng hướng đạt được mục tiêu đặt ra. Điều này liên quan đến việc thiết lập các số liệu và KPI và thường xuyên xem xét chúng để xác định các lĩnh vực cần cải thiện.

Bằng cách tuân theo những nguyên tắc chính này, Lãnh đạo CNTT có thể giúp tổ chức của họ vượt qua những thách thức của chuyển đổi số và gặt hái những lợi ích từ mô hình kinh doanh linh hoạt, hiệu quả và lấy khách hàng làm trung tâm hơn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tin tức IDS
Đừng bỏ lỡ
10 rào cản chuyển đổi số và 5 cách vượt qua
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO