Sự bất ổn về kinh tế, xung đột quân sự giữa các quốc gia đang tạo áp lực cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp đang trong quá trình chuyển đổi số, hay triển khai các ứng dụng CNTT.
Công nghệ thông tin được ứng dụng để thay đổi nhanh và toàn diện hoạt động của doanh nghiệp. Công nghệ mới xuất hiện, công nghệ hiện có phát triển, nhu cầu kinh doanh cũng thay đổi, nhân viên đến và đi... Tất cả những điều đó, tuy nhiên, chưa phải là vấn đề lớn nhất mà các nhà lãnh đạo CNTT phải đối mặt hiện nay.
Đó là sự gián đoạn liên quan đến đại dịch, bất ổn địa chính trị và biến động kinh tế. Kèm theo đó là những yếu tố thông thường vốn là bản chất của công nghệ.
Các doanh nghiệp Việt Nam, phần lớn quy mô nhỏ và vừa, việc chuyển đổi số hiện nay chỉ giới hạn ở mức độ triển khai một số ứng dụng CNTT, chưa đến mức tác động đến toàn bộ hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, với nền kinh tế hòa nhập hiện nay, sự cạnh tranh đến từ bên ngoài là tất yếu, và những vấn đề của thế giới, cũng là vấn đề của chúng ta.
Dưới đây là những gì đáng chú ý nhất khi doanh nghiệp triển khai ứng dụng CNTT, hay ít nhất đối với các nhà lãnh đạo CNTT hiện nay.
1. Nhu cầu chuyển đổi ngày càng tăng
Khối lượng công việc đến với CNTT là một trong những vấn đề hàng đầu được xác định bởi các CIO, nhu cầu tăng nhanh về khả năng kỹ thuật số trong toàn doanh nghiệp.
Nhu cầu ngày càng tăng này do sự phát triển mạnh của các công ty số hóa trong hai năm qua để đối phó với đại dịch. Công việc đó đã đặt nền tảng cho những chuyển đổi mạnh mẽ hơn và tạo ra nhiều cơ hội mới mà các tổ chức nhận thấy áp lực phải nắm bắt.
Chuyển đổi số trong một lĩnh vực, chẳng hạn như bán hàng, phải đi kèm với chuyển đổi trong các lĩnh vực hỗ trợ như chuỗi cung ứng.
Các ngân hàng và các công ty dịch vụ tài chính ở Việt Nam trong vài năm gần đây đã mở ra nhiều dịch vụ tài chính nhắm vào người dùng cuối thông qua kết nối mạng, nhanh, tiện lợi và an toàn cho khách hàng. Chính vì vậy, việc mua bán không tiền mặt diễn ra sôi nổi, từ thanh toán trực tiếp qua thẻ, cho đến sử dụng các ví điện tử, từ những hóa đơn hàng chục, trăm triệu cho đến những món ăn, vật phẩm đường phố đều được thanh toán hoàn toàn phi tiền mặt. Từ đó cho thấy nhu cầu về nguồn lực, đầu tư trang thiết bị, hệ thống thanh toán, bảo mật… đều tăng mạnh.
2. Trải nghiệm của khách hàng
Áp lực thị trường tiếp tục khiến cho trải nghiệm khách hàng trở thành mối quan tâm hàng đầu của CIO.
Theo đó, thực sự hiểu khách hàng là điều cực kỳ quan trọng, và điều này tiếp tục thách thức nhiều doanh nghiệp chưa đủ thân thiết với khách hàng.
Công nghệ phải tiến gần hơn đến khách hàng, nhưng vẫn có khâu trung gian, và CIO chính là mắt xích quan trọng đó, họ đóng vai trò kết nối giữa người dùng thực tế và tổ chức công nghệ.
Mặc dù với khách hàng không chỉ là trách nhiệm của CIO, nhưng nói chung, các CIO cần phải làm nhiều hơn nữa để tích hợp trải nghiệm khách hàng vào các sản phẩm dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp và nâng cao trải nghiệm của khách hàng như một ưu tiên.
3. An ninh mạng, xâm phạm dữ liệu trở nên cấp thiết
An ninh mạng luôn đứng đầu trong danh sách ưu tiên, nhưng nó đã trở thành vấn đề lớn hơn trong năm nay.
Một phần là do các cuộc xung đột quân sự hiện nay và giới tin tặc đang đẩy mạnh các cuộc tấn công mạng vào các mục tiêu của nhiều quốc gia. Điều này đã buộc doanh nghiệp phải chú ý nhiều hơn đến việc hoàn thiện hệ thống bảo mật, thực hiện nhiều phương pháp vệ sinh mạng và hệ thống phòng thủ nhiều lớp.
Tiếp theo đó, xu hướng chuyển đổi số buộc doanh nghiệp phải triển khai, mở rộng nhiều dịch vụ qua mạng. Điều này tăng thêm phần rủi ro cho an ninh, an toàn hệ thống.
Theo ghi nhận từ hệ thống giám sát của Viettel Cyber Security, hàng tháng có từ 100 - 300 cuộc tấn công DDoS chiếm băng thông lớn hơn 1 Gbps/s.
Cũng liên quan đến tấn công DDoS, Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT dự đoán hình thức tấn công này sẽ tăng gấp đôi, từ con số 7,9 triệu vụ được phát hiện vào năm 2018 tới hơn 15 triệu vụ trong năm 2023. Trung bình, mỗi giờ ngừng truy cập Internet các tổ chức, doanh nghiệp sẽ thiệt hại khoảng 300.000 USD tới 1 triệu USD.
Vì thế, chỉ cần một cuộc tấn công DDoS ngắn cũng gây thiệt hại nghiêm trọng.
4. Nâng cao cơ hội dữ liệu
Theo nghiên cứu của tạp chí CIO năm 2022, ưu tiên hàng đầu thứ hai của doanh nghiệp trong chức năng CNTT là xoay quanh dữ liệu và phân tích, trong đó thúc đẩy sử dụng dữ liệu của tổ chức là chìa khóa để đạt được các mục tiêu của doanh nghiệp.
Trong một số trường hợp, việc chuyển đổi số của doanh nghiệp lại nhắm nhiều vào chuyển đổi dữ liệu. Doanh nghiệp nên thúc đẩy việc sử dụng dữ liệu của họ để vượt ra ngoài việc đo lường kết quả đầu ra và thậm chí đo lường kết quả để có tác động đến mục tiêu dài hạn.
Khi khai thác dữ liệu được đặt lên tầm chiến lược thì việc áp dụng dụng máy học (ML - machine learning) và trí tuệ nhân tạo (AI - artificial intelligence) là cần thiềt để có thể phân tích dữ liệu hiệu quả hơn.
Mới đây, trong một hội thảo tại TP. HCM về khai thác dữ liệu có sự tham gia của Đại học Hoa Sen, các chuyên gia đã nhận định rằng sẽ có cơ hội bứt phá khi biết khai phá hiệu quả nguồn dữ liệu dồi dào, ứng dụng công nghệ xử lý thông tin, xây dựng các mô hình tự động hoá và thiết kế những hệ thống thông minh thay con người giải quyết vấn đề. Vì vậy, học tập và làm chủ khoa học dữ liệu, máy học và trí tuệ nhân tạo đang là xu hướng tất yếu.
Về ngành Khoa học dữ liệu của Việt Nam hiện nay, các chuyên gia cho rằng còn quá non trẻ, chưa đủ sức đào tạo nguồn nhân lực bạn trẻ. Vậy nên đào tạo ngành này ở nước ngoài là lựa chọn phù hợp nhất nhất.
5. Chiến lược đám mây doanh nghiệp
Cuộc khảo sát tại Mỹ cho thấy 54% đang đầu tư vào cơ sở hạ tầng đám mây, lĩnh vực chi tiêu lớn thứ hai về CNTT sau an ninh mạng.
Các báo cáo khác cho thấy 43% đang cải tiến chiến lược CNTT và mô hình hoạt động của họ để nhanh nhẹn hơn, 35% đang tận dụng các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng để chuyển từ trung tâm dữ liệu truyền thống sang dựa trên đám mây và 28% đang thiết lập lại kiến trúc doanh nghiệp dựa trên đám mây .
Theo quan điểm của các CIO thì không có chiến lược công nghệ nào không có đám mây ở trung tâm. Sử dụng đám mây để thực sự thay đổi hoạt động kinh doanh: giảm chi phí, cải thiện tiếp thị và phục vụ khách hàng tốt hơn.
Tùy nhu cầu bảo mật, quản trị mà doanh nghiệp Việt Nam có thể lựa chọn các hình thức đám mây công cộng (public) hay riêng (private), do các nhà cung cấp dịch vụ tại Việt Nam cung cấp như FPT Smart Cloud, Microsoft (còn gọi là Microsoft Azure), Google Cloud Platform (còn gọi là GCP), VMware Cloud, Oracle, Amazon Web Service (còn gọi là AWS)…
6. Tác động địa chính trị
Xung đột diễn ra trên thế giới ở cả quân sự, kinh tế… ở những mức độ khác nhau đã tạo thêm áp lực cho các CIO. Sự phát triển của chủ nghĩa dân tộc/phi toàn cầu hóa, sự thay đổi quyền lực địa chính trị và văn hóa cũng như sự hỗn loạn là xu hướng mà các doanh nghiệp quan tâm.
Theo công ty nghiên cứu thị trường Gartner, địa chính trị kỹ thuật số hiện là một trong những xu hướng đột phá nhất mà doanh nghiệp phải giải quyết.
Chính vì lý do này, doanh nghiệp phát triển các hệ thống công nghệ khác nhau cho các khu vực khác nhau. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp phải chuyển dịch vụ CNTT ra khỏi những vùng đang có xung đột.
Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có vị trí địa lý đặc biệt. Một đất nước kéo dài từ Bắc xuống Nam với bờ biển trải dài hơn 3000 km, là cửa ngõ đi vào Thái Bình Dương, vùng biển rộng lớn giàu tài nguyên và quan trọng bậc nhất trên thế giới. Chính vì vậy, địa chính trị là yếu tố không thể không tính đến.
7. Gián đoạn chuỗi cung ứng
Những lo ngại về địa chính trị cũng ảnh hưởng đến CNTT theo những cách khác, đáng chú ý nhất là hiện nay với các vấn đề về chuỗi cung ứng làm trì hoãn các thành phần công nghệ quan trọng. Ví dụ, Intel đã dự báo vào tháng 4 vừa qua về tình trạng thiếu chip sẽ kéo dài đến năm 2024.
8. Cắt giảm chi phí
Khi đề cập đến những ưu tiên hàng đầu trong toàn doanh nghiệp, một khảo sát cho thấy việc tăng hiệu quả hoạt động và thúc đẩy năng suất được nhiều doanh nghiệp đặt ở vị trí số 1.
Những doanh nghiệp khác xác nhận sự tập trung ngày càng tăng vào việc sử dụng công nghệ để giảm chi phí - cả trong CNTT và trong toàn tổ chức.
Các doanh nghiệp thừa nhận rằng CNTT luôn có nhiệm vụ sử dụng công nghệ để cắt giảm chi phí và tăng năng suất, nhưng cũng nhấn mạnh vào nhiệm vụ đó dao động dựa trên một loạt các yếu tố như sức khỏe của nền kinh tế nói chung.
Lạm phát, lo ngại về suy thoái kinh tế có thể xảy ra và lo ngại lạm phát đình trệ đã khiến các nhà điều hành trong khắp các ngành phải đánh giá lại ngân sách và do đó, đưa việc kiềm chế chi phí trở thành mục tiêu chính.
9. Cạnh tranh tìm kiếm tài năng
Trong nhiều năm, doanh nghiệp phải đối mặt với một thị trường khó khăn trong việc tuyển dụng và giữ chân nhân tài công nghệ, vì đơn giản là có nhiều hơn vị trí cần người. Điều đó có thể được nhìn thấy trong tỷ lệ thất nghiệp 1,3% tại Mỹ không đáng kể đối với các nhà công nghệ. Việc chuyển sang làm việc từ xa trong vài năm trở lại đây khiến sự cạnh tranh càng trở nên gay gắt.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng tài năng là nền tảng mà mọi thành tựu và thành công sẽ phụ thuộc vào.