Rủi ro địa chính trị thay đổi cách tiếp cận CNTT của các công ty đa quốc gia: Cơ hội và thách thức với doanh nghiệp Việt Nam

Ths. Lê Trung Việt (theo CIO)| 01/09/2022 11:00

Gartner dự báo đến năm 2026, khoảng 70% doanh nghiệp đa quốc gia sẽ điều chỉnh chính sách CNTT tại các quốc gia nơi họ hoạt động bằng cách bảo hiểm rủi ro để giảm mức độ ảnh hưởng về mặt địa chính trị của quốc gia đó.

Hiện nay, CNTT ngày càng đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến giữa các quốc gia để đạt được vị thế tối cao trong các lĩnh vực kinh tế, quân sự và xã hội. Điều này mở ra những thách thức cũng như cơ hội mới cho các nhà lãnh đạo CNTT (CIO) của các doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty đa quốc gia. Gartner cho biết địa chính trị của cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và quy định đang nhanh chóng trở thành một vấn đề mà các nhà lãnh đạo CNTT đa quốc gia phải đặc biệt chú trọng.

Gartner tên chính thức là Gartner, Inc. Là thành viên chính thức của S&P 500 và là một công ty tư vấn và nghiên cứu toàn cầu cung cấp thông tin, tư vấn và công cụ cho các doanh nghiệp về công nghệ thông tin, tài chính, nhân sự, dịch vụ khách hàng và hỗ trợ, pháp lý và tuân thủ, tiếp thị, bán hàng và chức năng chuỗi cung ứng.

Theo dự báo của Gartner, đến năm 2026, khoảng 70% doanh nghiệp đa quốc gia sẽ điều chỉnh chính sách tại các quốc gia nơi họ hoạt động bằng cách bảo hiểm rủi ro để giảm mức độ ảnh hưởng về mặt địa chính trị của họ.

Khoảng 41% ban giám đốc trong các doanh nghiệp (theo một cuộc khảo sát bao gồm 273 người được hỏi trên khắp Hoa Kỳ, Châu Âu và Châu Á Thái Bình Dương) coi sự thay đổi quyền lực địa chính trị và sự hỗn loạn là một trong những rủi ro lớn nhất đối với hoạt động của doanh nghiệp.

Chủ quyền về dữ liệu sẽ là lĩnh vực trọng tâm đối với lãnh đạo CNTT

Theo Gartner, một số lĩnh vực trọng tâm của CIO là chủ quyền kỹ thuật số, giúp xây dựng ngành công nghệ địa phương, vận hành quản lý rủi ro và cung cấp hiểu biết về không gian mạng ở các quốc gia khác nhau.

CIO phải nhận thức được các quy định quốc tế và đảm bảo rằng mô hình, hoạt động CNTT của doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định của địa phương. Vai trò của họ là nhận thức về môi trường pháp lý và làm thông suốt điều này trong ban điều hành về cách tổ chức CNTT hỗ trợ việc tuân thủ trong toàn bộ doanh nghiệp.

Do hầu hết các chính phủ quốc gia hoặc cơ quan quản lý đang tìm cách xây dựng ngành công nghệ địa phương để tránh rủi ro địa chính trị, CIO nên sử dụng cơ hội này để chủ động tham gia với các chính phủ.

Địa chính trị ảnh hưởng đến việc lựa chọn nhà cung cấp

Khảo sát và nghiên cứu cũng cho thấy một vấn đề khác mà CIO phải đối mặt do địa chính trị là việc hạn chế sử dụng một số công nghệ hoặc nhà cung cấp nhất định trong một quốc gia do những chính sách của quốc gia đó hỗ trợ số hóa các hoạt động quân sự và an ninh quốc gia. Những chính sách này có thể dẫn đến việc doanh nghiệp bắt buộc phải mua hàng từ một số nhà cung cấp nhất định.

Để giải quyết vấn đề này, CIO cần thành lập một trung tâm quản lý rủi ro công nghệ và nhà cung cấp phù hợp, được cấp phép đánh giá thường xuyên về mức độ tiếp xúc của các nhà cung cấp chính đối với các hạn chế của chính phủ đang phát triển.

Hơn nữa, CIO sẽ gặp phải những thách thức từ các vấn đề như cạnh tranh quốc gia để giành quyền kiểm soát việc quản lý không gian mạng vì nó có thể ảnh hưởng đến hoạt động của các công ty đa quốc gia.

Mặc dù CIO không thể có nhiều tiếng nói đối với các chính phủ trong vấn đề này, nhưng họ có thể nâng cao hiểu biết của ban điều hành công ty về cạnh tranh xuyên quốc gia để kiểm soát không gian mạng và các tác động đối với hoạt động của doanh nghiệp.

Việt Nam cần phải làm gì trước xu hướng chung của thế giới?

Việt Nam là một đất nước có nền kinh tế đang phát triển. Với đặc điểm chính trị, xã hội và địa lý của mình, Việt Nam đang là thị trường thu hút sự quan tâm của các công ty đa quốc gia.

Thực tế, đã có nhiều công ty đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam ở những lĩnh vực kinh tế khác nhau, trong đó phải kể đến các công ty công nghệ cao như Intel, Samsung…

Trước xu hướng thay đổi chính sách về CNTT của thế giới, Việt Nam và các doanh nghiệp cũng cần phải có cách tiếp cận phù hợp.

Cần phải thấy rằng, xu hướng trên đồng thời mở ra cả cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp công nghệ.

Theo đó, việc các công ty đa quốc gia điều chỉnh chính sách CNTT của họ để tuân thủ và phù hợp hơn với các quy định, chính sách của địa phương nhằm tạo ra mối quan hệ hợp tác lâu dài, hai bên cùng có lợi và đồng thời cũng thúc đẩy cho ngành công nghiệp địa phương phát triển. Đây là cơ hội lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam, đó là để tránh và giảm thiểu rủi ro kinh doanh, các công ty đa quốc gia sẽ cân nhắc kỹ hơn việc lựa chọn công nghệ và nhà cung cấp địa phương, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao như mạng, phần mềm, dữ liệu số… 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tin tức IDS
Đừng bỏ lỡ
Rủi ro địa chính trị thay đổi cách tiếp cận CNTT của các công ty đa quốc gia: Cơ hội và thách thức với doanh nghiệp Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO