Bộc lộ nhiều điểm yếu trong cơ cấu các nguồn vốn cho nền kinh tế

Hoàng Lan| 27/08/2024 07:40

Theo TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, cấu trúc vốn của nền kinh tế Việt Nam đang bộc lộ điểm yếu khi quá lệ thuộc vào tín dụng ngân hàng trong khi huy động vốn qua kênh cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp…còn nhỏ và thiếu bền vững…

Tại hội thảo “Phát huy và nâng cao hiệu quả các nguồn lực tài chính phát triển kinh tế đất nước trong bối cảnh mới” do Ban Kinh tế Trung ương chỉ đạo, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy phối hợp với Vụ Kinh tế tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương) đồng tổ chức, TS. Cấn Văn Lực đã khái quát quá trình huy động các nguồn tài lực cho phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2019-2024 theo Nghị quyết 39-NQ/TW do Bộ Chính trị ban hành ngày 15/1/2019.

TS. Cấn Văn Lực cho biết trong 5 năm vừa qua, tất cả các quốc gia trên thế giới đều tăng cường “bơm” tiền giúp nền kinh tế chống chịu và phục hồi sau hàng loạt cú sốc như đại dịch, chiến tranh, xung đột chính trị leo thang.

Theo IMF, trong giai đoạn 2020-2021, các biện pháp hỗ trợ tài khóa (cho y tế và các lĩnh vực khác) tương đương 10,2% GDP toàn cầu năm 2020, chiếm 62,2% tổng các gói hỗ trợ; các biện pháp hỗ trợ tiền tệ và giải pháp khác (bơm vốn, cho vay ưu đãi, bảo lãnh, mua tài sản...) tương đương 6,2% GDP toàn cầu năm 2020 (chiếm 37,8% tổng các gói hỗ trợ).

Tại Việt Nam, trong giai đoạn 2020-2021, Quốc hội và Chính phủ đã thông qua các gói hỗ trợ tài khóa tương đương 1,8% GDP 2020 (chiếm 64,3%), biện pháp hỗ tiền tệ và khác 1% GDP 2020 (chiếm 35,7%). Giai đoạn 2022-2024, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội 2022-2023 với tổng giá trị khoảng 342 nghìn tỷ đồng đã được thông qua.

“Nhờ vậy mà kinh tế phục hồi khá nhanh, sau 2 năm đỉnh dịch 2020-2021 tăng trưởng chậm, từ năm 2022 đến nay đã lấy lại được tốc độ tăng trưởng ổn định và thuộc top cao trong khu vực…”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Tuy nhiên, TS. Lực cũng chỉ ra điểm yếu của nền kinh tế là chất lượng tăng trưởng chưa cao, còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố vốn.

“Vai trò của vốn đối với tăng trưởng mặc dù giảm nhưng vẫn là yếu tố quan trọng nhất, đóng góp 50,6% trong năm 2023; trong khi đó đóng góp của TFP (Total factor Productivity, năng suất các nhân tố tổng hợp) là 44,7%”, TS Lực nói.

Theo vị chuyên gia, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế chậm dẫn đến phân bổ nguồn lực chưa hiệu quả; năng suất lao động còn thấp và chậm cải thiện (tốc độ tăng năng suất lao động 2019-2023 đạt khoảng 5,5%, thấp hơn mục tiêu 6,5% giai đoạn 2021- 2025)…là yếu tố chính kéo tụt chất lượng tăng trưởng.

Tỷ trọng đóng góp của các yếu tố sản xuất vào tăng trưởng (%).
Tỷ trọng đóng góp của các yếu tố sản xuất vào tăng trưởng (%).

Tại hội thảo, TS. Cấn Văn Lực cũng chỉ ra sự mất cân đối trong cơ cấu các nguồn vốn cho nền kinh tế.

Theo đó, Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV tính tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2019-2024 dựa trên phân loại theo nguồn vốn đầu tư, gồm:vốn ngân sách Nhà nước (đầu tư công); vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài; vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước (thông qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam); vốn tín dụng ngân hàng; vốn huy động từ thị trường chứng khoán (trái phiếu, cổ phiếu, cổ phần hoá...); vốn tự có và các nguồn vốn khác.

Theo kết quả nghiên cứu, tín dụng vẫn là kênh cấp vốn chính cho nền kinh tế, với tỷ lệ lên tới 53,54% trong 6 tháng đầu năm 2024; trong khi đó kênh cổ phiếu chỉ chiếm 0,75%; kênh trái phiếu doanh nghiệp 8%...

Cơ cấu các nguồn vốn cho nền kinh tế.
Cơ cấu các nguồn vốn cho nền kinh tế.

“Vốn tín dụng ngân hàng đang chiếm một nửa trong tổng lượng vốn cung cho nền kinh tế, trong khi huy động vốn qua kênh cổ phiếu cực kỳ nhỏ; mỗi năm chỉ được khoảng 120 ngàn tỷ đồng, bằng một ngân hàng trung bình huy động vốn…Như vậy, cần thúc đẩy hơn nữa vai trò huy động vốn của thị trường chứng khoán”, TS Lực nói.

Trái phiếu doanh nghiệp là nguồn vốn trung - dài hạn quan trọng cho nền kinh tế, đạt khối lượng phát hành kỷ lục vào năm 2021 với hơn 740 nghìn tỷ đồng, tuy nhiên, những vụ vi phạm nghiêm trọng trong năm 2022 khiến đà tăng trưởng này bị chậm lại

“Thị trường trái phiếu doanh nghiệp thì có năm rất tốt như 2021, cung ứng đến 23,49% nhu cầu vốn cho nền kinh tế nhưng từ năm 2022 đến 6 tháng đầu năm 2024 sụt giảm mạnh sau nhiều vụ sai phạm, chỉ còn đóng góp khoảng 8% tổng lượng vốn cho nền kinh tế. Đầu tư tư nhân liên tục sụt giảm từ năm 2020 đến nay, chỉ đóng góp khoảng 4-5% tổng lượng vốn cho nền kinh tế”, ông Lực đánh giá.

Theo TS. Cấn Văn Lực, khảo sát của Viện Nghiên cứu BIDV cho thấy thông thường vốn thực góp của các doanh nghiệp chỉ bằng 10-15% vốn đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh. Do đó, nhóm nghiên cứu ước tính vốn tư nhân hằng năm bằng 10% số vốn doanh nghiệp thành lập mới đăng ký (dựa trên số liệu Tổng cục Thống kê công bố).

Đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu huy động nguồn tài lực theo Nghị quyết 39.
Đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu huy động nguồn tài lực theo Nghị quyết 39.

Đánh giá khái quát việc thực hiện các chỉ tiêu huy động nguồn tài lực theo Nghị quyết 39-NQ/TW do Bộ Chính trị ban hành ngày 15/1/2019, TS. Cấn Văn Lực cho rằng giai đoạn 2019-2024, Chính phủ đã kiểm soát nợ công và bội chi ngân sách Nhà nước theo đúng mục tiêu đề ra; các tổ chức xếp hạng tín nhiệm và định chế tài chính quốc tế đánh giá rủi ro của nền kinh tế Việt Nam ở mức trung bình. Tỷ lệ huy động của doanh nghiệp bảo hiểm trên tổng vốn dài hạn của nền kinh tế cũng ghi nhận tăng trưởng tích cực.

Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực đánh giá việc phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa đạt mục tiêu đề ra. Dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp sụt giảm còn 9,64% (tháng 6/2024), khá xa mục tiêu của Chiến lược tài chính 2022 và Chiến lược phát triển Thị trường chứng khoán 2023 là đến năm 2025 đạt 20% GDP. Nhìn chung, thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa thực sự minh bạch, hiệu quả, thiếu bền vững. Cùng với đó, huy động vốn qua thị trường chứng khoán (cổ phiếu) rất khiêm tốn, cổ phần hoá – thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước chậm.

Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh thu từ đất đai, thu từ tài sản công trên tổng thu ngân sách nhà nước hiện nay chưa bền vững, còn tồn tại tình trạng lãng phí, thất thoát.

TS. Cấn Văn Lực khuyến nghị trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác kiểm kê, thống kê các nguồn lực một cách bài bản, khoa học để có phương án quản lý, phân bổ và sử dụng tối ưu.

Thứ nhất,xây dựng cơ sở dữ liệu, áp dụng các nguyên tắc thống kê theo thông lệ quốc tế các chỉ tiêu thống kê liên quan đến nguồn nhân lực, tài lực, vật lực.

Thứ hai, chú trọng công tác thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát.

Thứ ba, tăng cường hợp tác quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tin tức IDS
Đừng bỏ lỡ
Bộc lộ nhiều điểm yếu trong cơ cấu các nguồn vốn cho nền kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO