Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng công ty công nghệ tài chính (fintech) mang lại nhiều tác động tích cực cho nền kinh tế. Thông qua các nền tảng gọi vốn cộng đồng, cho vay trực tuyến, tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn.
![]() |
Ông Phạm Anh Tuấn trình bày các pháp lý về sandbox theo Nghị định 94/2025/NĐ-CP tại buổi Tọa đàm |
Ngày 2/7, tại TP. Hồ Chí Minh, Ngân hàng Nhà nước tổ chức Tọa đàm Triển khai Nghị định 94/2025/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng.
Đây là tọa đàm thứ hai sau sự kiện tương tự tổ chức tại Hà Nội, tiếp tục khẳng định quyết tâm của ngành Ngân hàng trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo tài chính, tăng cường ứng dụng công nghệ số và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về Fintech.
Tọa đàm được tổ chức trong khuôn khổ Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Thúc đẩy tài chính toàn diện và tài trợ khí hậu” do Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) tài trợ, ủy thác qua Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) quản lý.
Tại buổi tọa đàm, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho biết, Nghị định 94/2025/NĐ-CP được Chính phủ ban hành nhằm cụ thể hóa Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) năm 2024, đánh dấu bước đi đầu tiên trong việc xây dựng khuôn khổ pháp lý cho cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) trong lĩnh vực ngân hàng.
Theo Vụ Thanh Toán, số lượng các công ty Fintech hoạt động tại Việt Nam đã gia tăng nhanh chóng từ khoảng 40 công ty vào cuối năm 2016 lên đến trên 200 công ty ở thời điểm hiện tại với nhiều mảng, lĩnh vực hoạt động khác nhau như thanh toán, cho vay ngang hàng (P2P Lending), chấm điểm tín dụng, quản lý tài chính cá nhân. Trong số đó, các công ty hoạt động trong lĩnh vực thanh toán đóng vai trò chủ đạo với 50 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đã được cấp giấy phép.
Bên cạnh đó, lĩnh vực Fintech còn thu hút được sự tham gia của nhiều công ty, doanh nghiệp công nghệ lớn trong nước, thường là các công ty có thế mạnh về công nghệ, có tập khách hàng lớn như FPT, Viettel, VNPT, Vingroup,… thông qua các hoạt động trực tiếp đầu tư hình thành các công ty Fintech, hay gián tiếp thông qua thành lập các quỹ đầu tư, tạo vườn ươm hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp Fintech.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Fintech mang lại nhiều tác động tích cực cho nền kinh tế và có đóng góp quan trọng vào hệ sinh thái ngân hàng số.
Tại tọa đàm, các đại biểu tập trung trao đổi, chia sẻ và làm rõ các nội dung quan trọng trong nghị định như đối tượng, phạm vi, điều kiện tham gia sandbox, trình tự thủ tục xét duyệt và nguyên tắc quản lý thử nghiệm. Theo quy định, ba nhóm giải pháp công nghệ tài chính được ưu tiên triển khai thử nghiệm giai đoạn đầu gồm: chấm điểm tín dụng, chia sẻ dữ liệu qua Open API và cho vay ngang hàng (P2P Lending).
Đại diện Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục cập nhật các mô hình mới tiềm năng để xem xét mở rộng phạm vi thử nghiệm trong thời gian tới. Song song đó là việc hoàn thiện các văn bản hướng dẫn, thiết lập cơ chế giám sát, báo cáo định kỳ, công bố thủ tục hành chính và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tham gia.
Riêng tại TP. Hồ Chí Minh, quá trình sandbox Fintech cũng nằm trong lộ trình xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế theo Nghị quyết của Quốc hội. Vì thế, đòi hỏi các cơ chế thử nghiệm phải vận hành hiệu quả, tạo động lực cho các doanh nghiệp đổi mới, khuyến khích đầu tư và thúc đẩy phát triển tài chính toàn diện, bao trùm – đặc biệt với các nhóm yếu thế, vùng sâu, vùng xa.
Theo đánh giá của đại diện SECO và ADB, việc thiết lập sandbox là một phản ứng chính sách kịp thời trong bối cảnh công nghệ tài chính phát triển nhanh chóng, tạo điều kiện thuận lợi để các công ty thử nghiệm ý tưởng mới trong môi trường được bảo vệ, thúc đẩy cạnh tranh và sáng tạo lành mạnh. Việt Nam có cơ sở để thúc đẩy các sản phẩm công nghệ tài chính như trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain (chuỗi khối), ngân hàng mở (Open Banking)... phát triển bền vững, an toàn.