Nhanh chóng ổn định bộ máy, đảm bảo quyền lợi người dân và doanh nghiệp

TS. Trần Văn - ĐBQH khóa XII, XIII| 04/07/2025 06:48

Sau khi sáp nhập, các địa phương (tỉnh, xã), có rất nhiều việc phải làm, trong đó, cần ưu tiên làm ngay một số việc phải làm để đảm bảo sự ổn định, hiệu quả quản lý và quyền lợi của người dân, doanh nghiệp. Trong đó, ổn định bộ máy hành chính, rà soát nhân sự, thống nhất quy hoạch, đồng bộ hạ tầng và dịch vụ công là những nhiệm vụ cấp bách.

Quá trình này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành cũng như chú trọng giữ gìn bản sắc địa phương, tạo sự đồng thuận xã hội và tận dụng tối đa cơ hội phát triển từ mô hình mới.

Ổn định bộ máy hành chính

Rà soát, sắp xếp lại cán bộ, công chức, viên chức theo hướng tinh gọn, hiệu quả, tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ và giải quyết hài hòa, thỏa đáng vấn đề dư thừa nhân sự qua việc ban hành hướng dẫn cụ thể về tiêu chuẩn chức danh, chế độ lương, phụ cấp cho cán bộ, công chức tại các đơn vị mới. Trong đó chú ý chuẩn bị kỹ lưỡng về thể chế, nhân sự, hạ tầng để bộ máy vận hành trơn tru ngay, đảm bảo không gây xáo trộn trong hệ thống chính trị, đời sống người dân.

cthq001.jpg
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn kiểm tra công tác giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp tại Trung tâm phục vụ hành chính công phường Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ trong ngày đầu tiên sáp nhập đơn vị hành chính và chính thức vận hành. Ảnh: Hải Hành

Nên xây dựng ngay các chương trình đào tạo, huấn luyện chuyên sâu về quản trị vùng, quy hoạch, công nghệ hành chính, quản lý dữ liệu, quản trị rủi ro chính sách, cập nhật liên tục kiến thức, kỹ năng mới phù hợp với môi trường thay đổi nhanh chóng để đáp ứng yêu cầu quản trị trên địa bàn mới rộng và phức tạp hơn, gắn với cơ chế luân chuyển cán bộ giữa các địa phương trong vùng, giúp cán bộ trẻ tích lũy kinh nghiệm thực tiễn đa dạng và tăng cường liên kết nội bộ hành chính.

Khi thực hiện mô hình 2 cấp, không còn cấp huyện, cần thực hiện nghiêm túc các quy định về phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho chính quyền địa phương, đặc biệt ở cấp xã và cấp tỉnh gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát, đánh giá chặt chẽ để đảm bảo bộ máy vận hành hiệu quả, kịp thời điều chỉnh những bất cập. Thay đổi phương thức quản lý, vận hành bộ máy, chuyển từ quản lý hành chính tuyến tính sang quản lý theo năng lực giải quyết vấn đề trong bối cảnh đa chiều, liên ngành.

Thống nhất hệ thống pháp lý, quy hoạch và chính sách

Tiếp đó, cần làm ngay việc rà soát, điều chỉnh, thống nhất các văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chính sách đặc thù để phù hợp với quy mô, đặc điểm của địa phương mới, gắn với xây dựng chiến lược phát triển hài hòa, tận dụng thế mạnh của từng khu vực vừa sáp nhập, để người dân và doanh nghiệp sớm được tiếp cận và cũng là cơ sở để nghiên cứu, xem xét, cấp phép, quyết định đầu tư công trình, dự án cụ thể cho doanh nghiệp hay sử dụng nguồn vốn ngân sách.

Việc này cần làm song song với việc xây dựng cơ sở dữ liệu chung và hợp nhất, cập nhật các hệ thống dữ liệu về dân cư, doanh nghiệp, đất đai, tài chính công để đảm bảo quản lý thống nhất, giảm sai sót và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong các thủ tục hành chính.

Điều chỉnh ngân sách, phân bổ nguồn lực và đầu tư công

Từ việc rà soát, điều chỉnh, thống nhất quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo sự hài hòa, tận dụng thế mạnh của từng khu vực, địa phương vừa sáp nhập, chính quyền các cấp cần cân đối lại ngân sách, phân bổ hợp lý nguồn lực tài chính giữa các khu vực, đặc biệt chú ý đến những nơi từng là trung tâm hành chính cũ để đảm bảo phát triển đồng đều, ưu tiên đầu tư cho hạ tầng giao thông, dịch vụ công, an sinh xã hội tại các khu vực mới sáp nhập. Trong phạm vi thẩm quyền được pháp luật quy định, nên có phương án đảm bảo nguồn lực tài chính, có chính sách giữ lại nguồn thu để đầu tư hạ tầng trong giai đoạn chuyển tiếp.

Đồng bộ hạ tầng, dịch vụ công và giải quyết các thủ tục hành chính

Nâng cấp, kết nối hệ thống giao thông, điện, nước, viễn thông giữa các khu vực để đảm bảo phát triển hài hòa. Để người dân không gặp khó khăn khi chuyển đổi giấy tờ, hộ khẩu, đăng ký kinh doanh, đất đai... cần sớm điều chỉnh các dịch vụ công như y tế, giáo dục, hành chính, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp cập nhật thông tin, đổi giấy tờ nếu cần thiết (hộ khẩu, căn cước, giấy tờ nhà đất, đăng ký xe...).

Đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công theo hướng chuyển giao các nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công mà Nhà nước không nhất thiết phải thực hiện cho doanh nghiệp, tổ chức xã hội đảm nhiệm, giảm gánh nặng cho bộ máy nhà nước. Nếu thấy cần thiết thì có thể ban hành chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong việc thay đổi giấy tờ, thủ tục hành chính, đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh không bị gián đoạn.

Xây dựng thương hiệu, bản sắc địa phương

Nhằm thu hút đầu tư, phát triển du lịch và tạo sự đồng thuận trong cộng đồng, cần thống nhất tên gọi, hình ảnh, chiến lược quảng bá địa phương mới, trong đó ưu tiên giữ lại các địa danh có ý nghĩa lịch sử, văn hóa, tránh lấn lướt, làm phai mờ bản sắc địa phương và gây phản ứng trong cộng đồng. Đẩy mạnh công tác truyền thông, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp nắm bắt các thay đổi về hành chính, quyền lợi, nghĩa vụ.

Những công việc trên cần được triển khai đồng bộ, có lộ trình và phối hợp giữa các cấp, ngành để hạn chế xáo trộn, tận dụng tối đa cơ hội phát triển từ việc sáp nhập, đồng thời luôn đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân và doanh nghiệp.

Bài liên quan
  • Cơ hội phát triển từ không gian kinh tế mới
    Sáp nhập các địa phương là cuộc cách mạng lớn của Đảng và Nhà nước nhằm tinh gọn bộ máy, tối ưu hóa nguồn lực, phát huy tối đa tiềm năng từng vùng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, quá trình này cũng đặt ra thách thức về khả năng thực thi chính sách, yêu cầu bộ máy quản lý phải đổi mới, nâng cao năng lực để đáp ứng hiệu quả nhu cầu phát triển trên quy mô lớn hơn, đa dạng hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật Tin tức IDS
Đừng bỏ lỡ
Nhanh chóng ổn định bộ máy, đảm bảo quyền lợi người dân và doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO