Một nghiên cứu đã cho thấy người lao động đang ngày càng chấp nhận trí tuệ nhân tạo hơn, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm để giảm bớt những lo ngại
Theo một cuộc khảo sát gần đây của Boston Consulting Group (BCG - tập đoàn tư vấn Boston), bất chấp những cảnh báo về trí tuệ nhân tạo (AI) gây rủi ro cho xã hội, người lao động vẫn tò mò, lạc quan và tin tưởng về sự xuất hiện của AI trong doanh nghiệp và đang dần thích nghi với điều này.
Đối với nhiều người, cảm xúc của họ dựa trên trải nghiệm. BCG nhận thấy rằng mặc dù ChatGPT, sản phẩm tiêu biểu cho các ứng dụng AI sáng tạo, chỉ mới ra mắt vào tháng 11 năm 2022, nhưng đã có 26% số người được khảo sát cho biết họ sử dụng AI sáng tạo vài lần một tuần, trong khi 46% đã thử nghiệm với nó ít nhất một lần.
BCG đã khảo sát 12.898 nhân viên văn phòng giao tiếp với khách hàng, nhà quản lý và lãnh đạo trong các tổ chức lớn trên thế giới về cảm nhận của họ về AI: 61% nói rằng tò mò là một trong hai cảm xúc mạnh mẽ nhất, 52% nêu lên sự lạc quan, 30% lo lắng và 26% tự tin. Một cuộc khảo sát nhỏ hơn của BCG cách đây 5 năm cho thấy 60% vì tò mò, 35% lạc quan, 40% lo lắng và 17% tự tin. Nhiều điều đã xảy ra kể từ cuộc khảo sát cuối cùng về thái độ đối với AI vào năm 2018. BCG cho biết vào thời điểm đó, AI vẫn đang nổi lên và không phải là thứ mà nhiều người sử dụng hoặc biết đến. Nhưng sau khi đại dịch tác động mạnh đến việc làm, AI sáng tạo đã phát triển mạnh mẽ.
Thay đổi cách quản lý
Tuy nhiên, theo phân tích thì sẽ khó khăn trong việc giúp người lao động hiểu những gì AI có thể làm cho họ vì họ muốn cảm thấy rằng AI đang hỗ trợ họ trong công việc chứ không chỉ thay thế.
Phần khó nhất của việc chấp nhận AI là tạo ra một môi trường nơi nhân viên vẫn có thể gia tăng giá trị và không cảm thấy họ đang cạnh tranh với AI để tạo ra giá trị. Phần lớn công việc cần làm khi thay đổi cách quản lý và huấn luyện là giúp nhân viên làm việc với AI, đồng thời thay đổi cách họ gia tăng giá trị cho bản thân, để AI đảm nhận một phần công việc của họ và tập trung vào các nhiệm vụ có giá trị cao hơn.
Bất chấp những phát hiện của BCG về sự lạc quan trong lực lượng lao động, vẫn có một mặt tối. Hơn một phần ba số người được hỏi cho rằng công việc của họ có khả năng bị AI loại bỏ và gần bốn phần năm muốn chính phủ can thiệp và đưa ra các quy định dành riêng cho AI để đảm bảo AI được sử dụng một cách có trách nhiệm. Tỷ lệ đó cao nhất ở Ấn Độ (89%), Tây Ban Nha (88%), Ý (84%), Brazil và Pháp (đều 83%), và thấp nhất ở Nhật Bản (64%), Đức (73%), Mỹ ( 74%), Trung Đông và Hà Lan (cả hai đều 76%).
Chương trình 5-bước
BCG đã đưa ra một số gợi ý cho các doanh nghiệp về cách đưa AI tổng quát vào nơi làm việc một cách an toàn.
Với AI sáng tạo, yếu tố chính để áp dụng thành công là nhân viên phải có cơ hội tự mình thử nghiệm. Điều quan trọng là mọi người có cơ hội tương tác với công nghệ này và sử dụng chúng; dừng thử nghiệm không phải là câu trả lời. AI sẽ được nhân viên phát triển trong toàn tổ chức cho dù người quản lý có biết về nó hay không. Tổ chức hãy nhanh chóng đưa ra một bộ hướng dẫn cho phép nhân viên biết những gì họ có thể và không thể làm, đồng thời thực sự khuyến khích đổi mới có trách nhiệm và thử nghiệm có trách nhiệm.
Đầu tư vào nâng cao kỹ năng, liên tục, không phải một lần, đặc biệt là đối với những nhân viên làm việc với khách hàng, nơi mức độ quen thuộc với công nghệ thấp hơn. Sự chênh lệch giữa các cấp độ sẽ thực sự quan trọng đối với doanh nghiệp trong hành trình thay đổi liên tục mà họ đang thực hiện nhằm cung cấp cho nhân viên những kỹ năng phù hợp.
Doanh nghiệp nên xây dựng một chương trình AI có trách nhiệm để trấn an nhân viên rằng họ sử dụng AI sáng tạo một cách có ý thức.
Có năm phần quan trọng đối với một chương trình như vậy, đó là:
- các nguyên tắc tổng thể đặt ra chiến lược của doanh nghiệp và khả năng chấp nhận rủi ro;
- cơ cấu quản trị thiết lập tổ chức và các lộ trình;
- quy trình tích hợp AI vào quá trình phát triển sản phẩm;
- công cụ cần thiết để thực hiện;
- động lực cho sự thay đổi văn hóa.
Cụ thể, có một số hành động mà doanh nghiệp có thể thực hiện ngay, bao gồm giao trách nhiệm về chương trình cho một giám đốc điều hành cấp cao; đảm bảo kinh phí và nguồn lực để xây dựng chương trình; và nhanh chóng đặt bộ nguyên tắc ban đầu và đảm bảo chúng được tuân thủ.