Phát triển trí tuệ nhân tạo: Việt Nam có lợi thế lớn về nguồn nhân lực

Hạnh Nguyễn| 20/08/2024 07:12

Thời gian qua, Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách khuyến khích khởi nghiệp và đầu tư vào công nghệ. Điều này tạo điều kiện cho các doanh nghiệp AI phát triển và cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Việt Nam đã thu hút được hơn 1 tỷ USD đầu tư vào các startup công nghệ trong năm 2023. (Ảnh: Vietnam+)
Việt Nam đã thu hút được hơn 1 tỷ USD đầu tư vào các startup công nghệ trong năm 2023. (Ảnh: Vietnam+)

“Việt Nam có nhiều lợi thế trong việc phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) nhờ vào thị trường, nguồn nhân lực và hệ sinh thái khởi nghiệp.”

Đây là nhận định được các chuyên gia quốc tế nhấn mạnh tại sự kiện GenAI Summit 24 về trí tuệ nhân tạo. Sự kiện do Bộ Kế hoạch và Đầu tư bảo trợ, đồng tổ chức bởi New Turing Institute (NTI) Rethink Healthcare Foundation (RHF), phối hợp tổ chức cùng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và Đại Học Fulbright ngày 18/8.

Việt Nam có vị trí đặc biệt để dẫn đầu sự đổi mới AI trong khu vực

Tại sự kiện, ông Nguyễn Đức Toàn-Giám đốc Quốc gia Google Cloud cho rằng Việt Nam đang ở một vị trí đặc biệt để dẫn đầu sự đổi mới AI trong khu vực Đông Nam Á và hơn thế nữa.

Cụ thể, thị trường Việt Nam đang đón nhận sự trợ lực rất lớn từ Chính phủ, các tập đoàn trong nước (như Viettel, Vingroup…) để có thể đón sóng AI đang “nóng." Thời gian qua, Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách khuyến khích khởi nghiệp và đầu tư vào công nghệ. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp AI phát triển và cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Trong hợp tác quốc tế, đại diện của Google chia sẻ đang đầu tư mạnh mẽ vào việc đào tạo nguồn nhân lực cho tương lai tại Việt Nam với cam kết dành 40.000 học bổng “Google Career Certificates” đồng thời đào tạo 200 công ty khởi nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực liên quan đến AI (thông qua chương trình Google AI Startups Masterclass, thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp AI). Việc này góp phần xây dựng một lực lượng lao động chất lượng cao và tạo ra những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực AI.

Theo tiến sỹ Lương Minh Thắng (Nhà nghiên cứu cấp cao và Quản lý cấp cao tại Google DeepMind; Đồng sáng lập của New Turing Institute), sinh viên Việt Nam có niềm đam mê mạnh mẽ với toán học, điều này giúp họ có vị thế tốt để vượt trội trong kỷ nguyên mới.

vnp_AI.png
Sự kiện GenAI Summit 24 về trí tuệ nhân tạo, ngày 18/8.

Tại sự kiện, các diễn giả có chung nhận định Việt Nam có truyền thống giáo dục tốt, đặc biệt là trong lĩnh vực toán học và khoa học, tạo ra một nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành AI. Trên thực tế, sinh viên Việt Nam thường xuyên đạt thành tích cao trong các kỳ thi toán học quốc tế, chứng tỏ khả năng tư duy logic và giải quyết vấn đề, những kỹ năng cần thiết cho việc phát triển AI.

Báo cáo từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết Việt Nam đã thu hút được hơn 1 tỷ USD đầu tư vào các startup công nghệ trong năm 2023. Sự tăng trưởng nhanh chóng của hệ sinh thái khởi nghiệp này có mức trưởng thành tương đương Singapore và Malaysia. Song, các chuyên gia cũng khuyến nghị Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức trong xây dựng cơ sở hạ tầng AI, thu hút nhân tài đặc biệt trong lĩnh vực toán học và khoa học.

Theo bà Wendy Uyên Nguyễn, Đồng sáng lập và Chủ tịch của Rethink Healthcare Foundation, Việt Nam cần thiết phải đào tạo và giáo dục về AI một cách nhanh chóng, đặc biệt là trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, nơi AI có thể tạo ra tác động đáng kể. Cụ thể, GenAI có thể giúp cải thiện lĩnh vực y tế, và các bác sĩ về cơ bản chỉ cần tập trung vào chuyên môn.

“AI có tiềm năng to lớn trong việc cách mạng hóa lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là trong việc phát triển thuốc mới và dịch thuật y khoa. Bên cạnh đó, AI có thể giúp giảm chi phí, tăng tốc độ nghiên cứu và cải thiện kết quả điều trị cho bệnh nhân, mang đến nhiều cơ hội chữa trị hơn cho người dân ở nông thôn,” bà Wendy nhấn mạnh

Ở lĩnh vực toán học, tiến sỹ Lương Minh Thắng nhấn mạnh đến sự chuyển dịch từ kỷ nguyên "mô phỏng" sang kỷ nguyên "khám phá" trong AI, trong đó lý luận toán học đóng vai trò then chốt. Theo ông, AI đã giải quyết được các vấn đề “siêu phàm,” như AlphaGeometry 2 đã giải quyết thành công một bài toán hình học đầy thách thức trong Olympic Toán học Quốc tế (IMO) chỉ trong 19 giây.

Thời điểm vàng để phát triển AI

Tuy nhiên, tiến sỹ Jeff Dean, Giám đốc Khoa học của Google (Đồng sáng lập của Google Brain, Google Translate, Gemini…) cho rằng những tiến bộ của AI là rất rõ ràng, đặc biệt trong việc hỗ trợ con người giải quyết các vấn đề cấp bách, như dự đoán nguy cơ cháy rừng, giám sát sức khỏe của đàn gia súc và hỗ trợ chẩn đoán bệnh ung thư... Song, các ứng dụng AI cần được đặt ra yêu cầu nghiêm ngặt về tính an toàn và đáng tin cậy. Ông nhấn mạnh trách nhiệm của các nhà phát triển AI là phải đảm bảo các hệ thống không chỉ hoạt động hiệu quả mà còn phải được xây dựng trên nền tảng đạo đức vững chắc.

“AI không chỉ là một công cụ mạnh mẽ để giải quyết các vấn đề phức tạp của xã hội, mà còn đòi hỏi một trách nhiệm cao từ các nhà nghiên cứu và kỹ sư. Tại Google, các nguyên tắc phải tuân thủ trong quá trình nghiên cứu và phát triển bao gồm tính công bằng, an toàn và trách nhiệm với xã hội. Bởi, AI đang mang đến một cuộc cách mạng trong y tế, giáo dục, quản lý xã hội, đây là những lĩnh vực không cho phép xảy ra các sai sót nhỏ nhất,” ông Jeff Dean nói.

Theo tiến sỹ Jeff Dean, thách thức đối với những người làm AI không chỉ ở việc xây dựng công cụ mạnh mẽ đến mà còn phải dựa trên đạo đức, các nguyên tắc trong việc kết hợp giữa AI và trí tuệ con người. Bên cạnh đó, để AI thực sự phát huy tiềm năng, Chính phủ và các công ty công nghệ cần đầu tư vào giáo dục và tạo điều kiện cho những tài năng trẻ tiếp cận với công nghệ này.

Trong một trao đổi, ông Phùng Việt Thắng, Giám đốc Quốc gia Việt Nam, Khối Kinh doanh, Marketing và Truyền thông, Tập đoàn Intel cho hay tại Việt Nam, một trong những thách thức lớn nhất khi triển khai AI là "hiệu quả kinh doanh không rõ ràng hoặc thấp hơn mong đợi."

Vị chuyên gia này cho rằng để đi đúng hướng, các tổ chức cần xác định rõ thách thức mà doanh nghiệp cần giải quyết hoặc kết quả kinh doanh mà họ muốn đạt được thông qua việc ứng dụng AI như là một công nghệ vượt trội, thay vì chỉ chạy theo xu hướng. Doanh nghiệp cần hiểu rằng AI không phải là mục tiêu để hướng đến mà là công nghệ mang đến những phương pháp và công cụ giúp doanh nghiệp đạt được các mục tiêu đã đề ra.

Cũng theo ông Thắng, Việt Nam đang ở thời điểm vàng để gia nhập vào xu hướng phát triển AI mạnh mẽ trong những năm tới. Bằng cách khai thác AI để cải thiện chất lượng sản phẩm, tối ưu hóa quy trình và nâng cao trải nghiệm khách hàng, Việt Nam có thể tạo ra một cuộc cách mạng chưa từng có về cách thức hoàn thành công việc. Sự phát triển không ngừng của công nghệ AI mang đến cho Việt Nam cơ hội lớn để nâng cao sức cạnh tranh toàn diện.

“Tuy nhiên, sự bùng nổ AI cũng sẽ kéo theo nhiều thách thức. Khi các mô hình AI liên tục được cải tiến, phương pháp tiếp cận AI cần được thích nghi và thay đổi. Vì vậy, các hạ tầng về công nghệ, các quy định trong quản lý nhà nước và xã hội được xây dựng và phát triển trong thời điểm hiện tại cần phải linh hoạt và có thể mở rộng,” ông Thắng khuyến nghị./.

Những thách thức về bảo mật của AI

Theo hãng bảo mật Kaspersky, khi AI trở nên ngày càng dễ tiếp cận sẽ “mở cửa” cho các cuộc tấn công mạng tinh vi. Tin tặc có thể tự động hóa các cuộc tấn công, đẩy nhanh quy trình vận hành, triển khai nhiều chiến dịch phức tạp hơn để đạt được mục đích phi pháp.

Cụ thể, thông qua AI, kẻ xấu có thể khai thác các nội dung lừa đảo, bao gồm văn bản, hình ảnh, âm thanh và video để triển khai tấn công phi kỹ thuật. Những mô hình ngôn ngữ lớn (large language model) như ChatGPT-4o được tận dụng để tạo ra kịch bản và tin nhắn lừa đảo vô cùng tinh vi. Vượt qua rào cản ngôn ngữ, AI có thể viết ra một email chân thật, chỉ cần dựa vào thông tin trên mạng xã hội. Thậm chí, AI có thể bắt chước văn phong của nạn nhân. Điều này càng khiến hành vi lừa đảo khó phát hiện hơn.

Song song, Deepfakes hiện hữu như một “vấn nạn” trong an ninh mạng, dù trước đó được xem là sản phẩm nghiên cứu khoa học. Mạo danh người nổi tiếng để trục lợi tài chính là cách thức phổ biến nhất, tiếp đến kẻ lừa đảo còn sử dụng Deepfakes để đánh cắp tài khoản, gọi điện mạo danh tới bạn bè và người thân của nạn nhân nhằm chiếm đoạt tài sản.

Ngoài ra, kẻ xấu còn có thể tấn công những thuật toán AI như: Tấn công “tiêm lệnh” - nhập những câu lệnh độc hại vào các mô hình ngôn ngữ lớn, thậm chí đi ngược những quy tắc đã bị hạn chế trước đó; Tấn công đối kháng (Adversarial attacks): Thêm những trường thông tin ẩn vào hình ảnh, hoặc âm thanh, để gây ảnh hưởng đến khả năng phân loại hình ảnh của hệ thống học máy.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tin tức IDS
Đừng bỏ lỡ
Phát triển trí tuệ nhân tạo: Việt Nam có lợi thế lớn về nguồn nhân lực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO