Góp ý dự thảo Luật các TCTD (sửa đổi) và Luật Viễn thông (sửa đổi)

Thanh Dung| 12/05/2023 16:24

Sáng ngày 12/5, Viện Chiến lược phát triển kinh tế số (IDS) phối hợp cùng Uỷ ban Khoa học công nghệ môi trường (KHCN-MT) và báo Sài Gòn Đầu tư Tài chính tổ chức toạ đàm khoa học hoàn thiện thể chế thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới trong chuyển đổi số quốc gia.

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Nhật, Phó Tổng biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng nhấn mạnh buổi toạ đàm hôm nay nhằm lấy ý kiến các chuyên gia đầu ngành, các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, fintech, viễn thông liên quan đến việc sửa đổi bổ sung 2 Luật rất quan trọng: Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi và Luật Viễn thông sửa đổi với tinh thần định hướng đột phá chiến lược tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII.

Phó Tổng biên tập Báo SGGP phát biểu khai mạc tọa đàm

Kết quả cuộc toạ đàm sẽ được Viện IDS tổng hợp, báo cáo với Uỷ Ban KHCN-MT, truyền thông rộng rãi để các Uỷ ban của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội có thể tham khảo, sử dụng trong quá trình xem xét, thảo luận, thẩm tra, quyết định thông qua hai dự án Luật này.

Luật Viễn thông trong bối cảnh số hoá

Nói về bối cảnh xây dựng dự thào Luật Viễn thông sửa đổi, ông Trần Thế Phương đại diện Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết trong bối cảnh hiện nay thì Luật Viễn thông cần sửa đổi toàn diện. Nguyên nhân đầu tiên phải nhắc đến là do sự thay đổi của công nghệ và thị trường. Trước đây hạ tầng viễn thông chỉ là hạ tầng về thông tin liên lạc phục vụ cho các mục tiêu gọi điện nhắn tin thế nhưng bây giờ đã trở thành hạ tầng số bao gồm hạ tầng chuyển đổi số và kinh tế số. Vai trò của hạ tầng viễn thông quan trọng hơn vai trò của hạ tầng thông tin liên lạc.

Cũng theo ông Phương trong dự thảo Luật Viễn thông sửa đổi cũng đề cập khái niệm của hạ tầng số trong chính sách của Nhà nước về viễn thông trong đó nói rõ hạ tầng số bao gồm hạ tầng viễn thông truyền thống và hạ tầng trung tâm dữ liệu, hạ tầng điện toán đám mây.

Với dữ liệu hạ tầng điện toán đám mây cần phải quản lý nhưng hiện nay chưa có luật. Tuy nhiên ở dự thảo Luật Viễn thông sửa đổi sẽ tiếp cận theo hướng hài hoà tức là vừa quản lý nhưng cũng thúc đẩy phát triển. Bởi những dịch vụ này là những dịch vụ mới có sự thay đổi rất nhanh.

Ông Phương cho biết quan điểm của Bộ Thông tin và Truyền thông đối với những vấn đề an toàn, an ninh thì quản lý chặt nhưng ở một số khía cạnh cũng có quản lý mềm để tạo thuận lợi cho phát triển.

Nói về dự thảo Luật Viễn thông sửa đổi, TS. Trần Văn, Nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban TC-NS của Quốc hội, Viện trưởng IDS nhấn mạnh đây là dự án luật khó, mang tính kỹ thuật. Vì vậy, việc hiểu đúng các nội dung mới xem xét, phân tích, đánh giá được tác động của nó, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số là rất quan trọng.

TS Trần Văn chia sẻ về Luật Viễn thông

"Bởi hiện nay còn nhiều ý kiến cho rằng dự án Luật chưa làm nổi bật bối cảnh khoa học, công nghệ đang phát triển nhanh chóng, xu hướng hội tụ, giao thoa giữa viễn thông, công nghệ thông tin, công nghệ số, tự động hóa, phát thanh, truyền hình…, dẫn tới việc khó phân biệt rạch ròi ranh giới giữa các lĩnh vực này. Và hiện đang phần nào gây lúng túng trong quá trình xây dựng các chế định pháp lý phù hợp", TS Trần Văn nói.

Đó là các vấn đề như chính sách “về quản lý dịch vụ ứng dụng internet trong viễn thông”, trong đó có việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật đối với dịch vụ: trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây và ứng dụng internet trong viễn thông (OTT- Over The Top) phù hợp với xu hướng tiến hóa của viễn thông trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, và xu hướng hội tụ trong lĩnh vực này ngày càng trở nên rõ ràng.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Bá Tân, Trưởng Ban công nghệ, Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel, cho rằng thực tiễn của ngành viễn thông và hạ tầng viễn thông đã thay đổi và chuyển dịch rất nhiều nên Viettel rất ủng hộ việc sử đổi Luật Viễn thông.

Phía Viettel cũng có văn bản góp ý với 66 điều gửi về cho Cục Viễn thông nhằm đóng góp vào Luật Viễn thông sửa đổi nhằm sửa một số hạn chế của luật cũ. Ông Tân nhấn mạnh đến việc tạo tiền đề cho nền kinh tế số hoặc một số hoạt động để chuyển đổi số quốc gia.

Ngoài ra liên quan đến vấn đề hạ tầng, viễn thông hay bây giờ được gọi là hạ tầng số cần phải được phát triển an toàn và lành mạnh. Các dịch vụ viễn thông hiện nay đã được cung cấp xuyên biên giới và gần như toàn cầu nên quản lý như thế nào để mang lại giá trị hiệu quả cho xã hội nhưng vẫn đảm bảo an toàn, an ninh quốc gia là vấn đề cần được quan tâm.

Đại diện của Viettel cũng cho rằng Luật Viễn thông (sửa đổi) cần phải làm rõ một số yếu tố như phổ cập, bền vững, hiện đại. Ngoài ra cũng cần làm rõ vấn đề thân thiện, xanh với môi trường. Ngoài ra trong Luật Viễn thông sửa đổi cũng cần các hành lang pháp lý để tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam có thể cân bằng cán cân trong việc cung cấp các dịch vụ điện toán đám mây.

Góp ý cho dự thảo Luật Viễn thông sửa đổi, ông Phạm Huy Hoàng, Phó tổng giám đốc Công ty CNTT Tập đoàn Viễn thông VNPT cho rằng cần bổ sung thêm luật về ứng dụng công nghệ thông tin, an ninh mạng và luật bảo vệ dữ liệu người dùng.

Trao đổi về dự thảo luật này, TS Nguyễn Đức Kiên, Nguyên Tổ trưởng tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch hội đồng khoa học IDS, khẳng định Luật Viễn thông cần thiết phải sửa đổi nhưng có một vấn đề phải đặt Luật Viễn thông lần này trong bối cảnh hội tụ công nghệ vào trong các thiết bị đầu cuối rộng hơn nữa phải đặt trong bối cảnh số hoá. Thực chất hầu hết các hoạt động số hoá bây giờ đều dựa trên nền tảng viễn thông. Ông Kiên cho rằng Luật Viễn thông cần sửa đổi toàn diện chứ không phải một số điều.

Mở rộng quy định cho fintech và NH số

Song hành với việc cho ý kiến về dự thảo Luật Viễn thông sửa đổi thì các đại biểu tham gia toạ đàm hôm nay còn đóng góp rất nhiều ý kiến xung quanh dự thảo Luật các Tổ chức tín dụng (TCTD) sửa đổi.

ThS Dương Quốc Anh, Nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế của Quốc hội, Phó viện trưởng IDS nhìn nhận, dự thảo Luật Các TCTD sửa đổi này, Chính phủ đã kịp thời bổ sung một số nội dung cần thiết hỗ trợ cho việc chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính NH, bao gồm: Bổ sung nguyên tắc TCTD, được thực hiện hoạt động kinh doanh bằng phương tiện điện tử theo quy định của NHNN về các hoạt động NH, hoạt động kinh doanh khác của TCTD và quy định của pháp luật về giao dịch điện tử; Bổ sung quy định điều chỉnh hoạt động cấp tín dụng bằng phương tiện điện tử tại các quy định về quy định nội bộ, quy định về xét duyệt cấp tín dụng, quy định về lưu trữ hồ sơ tín dụng…

Toàn cảnh tọa đàm

Tuy nhiên, dự thảo Luật Các TCTD còn có một số vấn đề cần xem xét thêm. Thứ nhất, dự thảo luật mới chỉ quy định về việc TCTD, chi nhánh NH nước ngoài được thực hiện các hoạt động kinh doanh bằng phương tiện điện tử theo quy định của NHNN về các hoạt động NH, hoạt động kinh doanh khác của TCTD, chi nhánh NH nước ngoài và quy định của pháp luật về giao dịch điện tử. Trong khi đó chưa có những quy định cho phép các công ty fintech được tham gia cung cấp các dịch vụ tài chính NH. Thứ hai, hiện tại ở Việt Nam chưa có NH số.

TS Nguyễn Đức Kiên chia sẻ cảm nhận đầu tiên khi đọc dự thảo Luật các TCTD sửa đổi là NHNN, cơ quan chủ trì soạn thảo bảo vệ quyền lợi của các tổ chức tín dụng truyền thống hơi nhiều mà không chú ý đến khoa học công nghệ hình thành các doanh nghiệp mới, tác động vào thị trường tài chính tiền tệ.

Ngoài ra phần đánh giá về công nghệ trong Luật các TCTD sửa đổi hơi mờ nhạt. Ông Kiên cho rằng cần ghi nhận được sự chuyển đổi của mô hình ngân hàng trong nền tảng công nghệ số theo các phương thức: thứ nhất là ngân hàng số hoá quy trình truyền thống của mình; thứ hai là xây dựng ngân hàng số hoàn toàn mới không dựa theo nguyên tắc của ngân hàng, không tiếp xúc vật lý trực tiếp mà hoàn toàn online. Như vậy các vấn đề mới phát sinh cần có sandbox thí điểm đặt trong sự kiểm soát.

Xu hướng nữa là sự liên kết giữa các công ty fintech và ngân hàng truyền thống để ứng dụng trong lĩnh vực thị trường tiền tệ nhưng phải phân định rõ chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng không làm mất thị phần của ngân hàng truyền thống mà mở ra hướng mới và thị trường ngách và tập trung đến các khoản thanh toán thường xuyên nhỏ lẻ, tiện lợi.

Khép lại toạ đàm, ông Nguyễn Phương Tuấn, Phó Chủ nhiệm Uỷ Ban KHCN-MT gửi lời cảm ơn đến IDS và báo Sài Gòn Đầu tư Tài chính đã tổ chức toạ đàm hôm nay. Ông Tuấn cho biết toàn bộ ý kiến, góp ý của các đại biểu tham gia toạ đàm hôm nay sẽ được nhóm công tác của Uỷ ban KHCN-MT ghi lại, nghiên cứu và tiếp thu đầy đủ từ đó lấy làm cơ sở trao đổi lại với các đại biểu liên quan đến 2 dự thảo luật sửa đổi tại kỳ họp Quốc hội này.

Ông Tuấn cũng cho biết vẫn còn thời gian góp ý cho hai dự thảo này nên mong tiếp tục nhận được các đóng góp của các chuyên gia, doanh nghiệp.

Bài liên quan
  • Muốn phát triển kinh tế số phải gỡ được 'nút thắt' rủi ro pháp lý
    Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 15 tổ chức trong tháng 5 này, Chính phủ sẽ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 6 (trong tháng 10) đối với Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD - sửa đổi), Dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), bên cạnh một số dự án luật khác trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

(0) Bình luận
Nổi bật Tin tức IDS
Đừng bỏ lỡ
Góp ý dự thảo Luật các TCTD (sửa đổi) và Luật Viễn thông (sửa đổi)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO