Cho ý kiến về Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ băn khoăn về nhiều vấn đề tại dự thảo như: ngân hàng cung cấp các dịch vụ tài chính, fintech, tập đoàn tài chính, can thiệp vào tổ chức tín dụng trong các trường hợp đặc biệt...
Chiều 9/5, dưới sự chủ trì của ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ băn khoăn rằng, liên quan đến lĩnh vực số hóa ngân hàng, Fintech, quy định trong dự thảo mới chỉ ở mức độ giao dịch điện tử theo hình thức bản giấy nhưng trên nền tảng điện tử. Trong khi đó, Luật Giao dịch điện tử chỉ quy định về quy trình, thủ tục của vấn đề giao dịch điện tử, còn nội hàm cụ thể như thế nào là do các luật chuyên ngành quy định.
“Nếu luật này ra đời cộng với Luật Giao dịch điện tử cũng không đáp ứng được vấn đề phát triển và xây dựng hệ thống số hóa, xây dựng và phát triển Fintech trong giai đoạn hiện nay”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ và yêu cầu cơ quan soạn thảo nghiên cứu để có ý kiến thỏa đáng.
Về tập đoàn tài chính, Chủ tịch Quốc hội cho biết trong chiến lược của Ngân hàng nhà nước đã được phê chuẩn đến năm 2025 và định hướng 2030 có đề cập: hoàn thiện khuôn khổ pháp lý xác định trách nhiệm Ngân hàng Nhà nước trong thanh tra, giám sát các tập đoàn tài chính dưới hình thức công ty mẹ con, trong đó công ty mẹ là tổ chức tín dụng, đầu mối phối hợp với cơ quan liên quan tham mưu cho Chính phủ xây dựng khung khổ pháp lý về tập đoàn tài chính. Vấn đề đặt ra là nội hàm tập đoàn tài chính là cái gì, khung khổ thế nào thì luật này có quy định không?
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ngân hàng chính sách xã hội, Ngân hàng Phát triển là những định chế tài chính quan trọng nhưng lại không có Luật quy định mà chỉ hoạt động theo văn bản dưới Luật. Điều này gây khó khăn trong quá trình hoạt động...
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý đến nội dung về trách nhiệm của Bộ Tài chính, phân định thẩm quyền của Ngân hàng nhà nước và Thống đốc Ngân hàng nhà nước, những nội dung liên quan đến hoạt động phát hiện sớm, xử lý các tổ chức tín dụng, can thiệp các biện pháp đặc biệt. Ngoài ra, vấn đề tương thích giữa luật này với các luật khác như Luật Bảo hiểm tiền gửi, giao thoa giữa các lĩnh vực ngân hàng với bảo hiểm, ngân hàng với đầu tư chứng khoán, trái phiếu…cũng cần được tiếp tục thảo luận, nghiên cứu, làm rõ.
Về phạm vi điều chỉnh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt dấu hỏi khi Dự thảo Luật chỉ đề cập một chút đến xử lý nợ xấu của các ngân hàng thương mại nhưng lại không đề cập đến Ngân hàng chính sách xã hội, Ngân hàng Phát triển.
Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng đại diện các cơ quan cho ý kiến thêm về nội dung này. Bởi lẽ, đây là những định chế tài chính quan trọng nhưng lại không có Luật quy định mà chỉ hoạt động theo văn bản dưới Luật. Điều này cũng gây ra nhiều khó khăn trong thực tiễn hoạt động, thậm chí phải thực hiện quá trình tái cơ cấu.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là dự án luật lớn với hơn 195 điều, lần này là sửa đổi một cách toàn diện nhưng chưa được làm rõ quy mô sửa đổi bao nhiêu điều, giữ nguyên những điều nào.
Thẩm tra sơ bộ về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng.
Uỷ ban Kinh tế đánh giá hồ sơ dự án Luật đã được chuẩn bị khá công phu, đầy đủ theo danh mục quy định tại khoản 1 Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, để có thêm cơ sở nghiên cứu, xem xét các quy định tại dự thảo Luật, đề nghị tiếp tục hoàn thiện một số tài liệu và làm rõ đã sửa đổi, bổ sung và giữ nguyên bao nhiêu điều so với Luật hiện hành.
Để bảo đảm tính hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật, Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục rà soát dự thảo Luật với quy định tại các luật liên quan để hoàn thiện dự thảo Luật, khắc phục tối đa những vướng mắc trong áp dụng, triển khai thực hiện quy định của Luật.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, về phạm vi điều chỉnh (Điều 1) và đối tượng áp dụng (Điều 2), có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung “can thiệp sớm” và “thanh lý, phong tỏa vốn, tài sản của chi nhánh ngân hàng nước ngoài” vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật; tiếp tục nghiên cứu quy định cụ thể về đối tượng áp dụng là tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu, bảo đảm đầy đủ cơ sở pháp lý trong quá trình tổ chức thực hiện.
Về ngân hàng chính sách (Điều 17), một số ý kiến cho rằng nhiều nội dung quy định điều chỉnh hoạt động của hai ngân hàng chính sách vượt quá thẩm quyền quyết định của Chính phủ, cần phải được luật hóa, bổ sung thêm tại Luật Các tổ chức tín dụng để bảo đảm căn cứ pháp lý khi triển khai thực hiện. Có ý kiến cho rằng nên giao Chính phủ xây dựng cơ chế riêng, đặc thù đối với ngân hàng chính sách, phù hợp với đối tượng là hộ nghèo, đối tượng chính sách, vùng sâu, vùng xa.
Về tổ chức, quản trị, điều hành của tổ chức tín dụng, Ủy ban Kinh tế đề nghị cần làm rõ nguyên tắc xây dựng các nội dung tại dự thảo Luật có liên quan đến Luật Doanh nghiệp và các luật khác có liên quan đến tổ chức, quản trị, điều hành của tổ chức tín dụng, không quy định lại các nội dung mà Luật Doanh nghiệp và Luật có liên quan (như Luật Hợp tác xã) đã quy định, chỉ quy định các nội dung có tính chất đặc thù riêng của các tổ chức tín dụng trên cơ sở tiệm cận các nguyên tắc về quản trị công ty của OECD, các nguyên tắc về quản trị công ty tại ngân hàng thương mại của Ủy ban Basel.