Sự phát triển của fintech tại Hồng Kông

Dương Quốc Anh - Phó Viện trưởng IDS| 10/05/2023 09:24

Là một trung tâm tài chính quan trọng trong khu vực, Hong Kong-Trung Quốc (HK) có tốc độ tăng trưởng fintech nổi bật. Đặc biệt, đầu tư mạo hiểm vào các công ty fintech có trụ sở tại HK đã tăng từ 215,5 triệu USD vào năm 2016 lên 545,7 triệu USD vào năm 2017 (Alun 2018), tăng 150% so với cùng kỳ năm 2016.

Đóng góp của công nghệ tài chính (fintech) vào các dịch vụ tài chính đang tiếp tục phát triển nhanh chóng khi nó đưa ngành công nghiệp này sang một thời kỳ mới đầy thú vị. Sự quan tâm mạnh mẽ của các nhà đầu tư mạo hiểm toàn cầu vào các công ty fintech đạt 27,4 tỷ đô la trong năm 2017, tăng 18% so với năm 2016 (Alun 2018). Là một trung tâm tài chính quan trọng trong khu vực, Hong Kong-Trung Quốc (HK) có tốc độ tăng trưởng fintech nổi bật. Đặc biệt, đầu tư mạo hiểm vào các công ty fintech có trụ sở tại HK đã tăng từ 215,5 triệu USD vào năm 2016 lên 545,7 triệu USD vào năm 2017 (Alun 2018), tăng 150% so với cùng kỳ năm 2016. Trong điều kiện của một môi trường hợp tác thuận lợi, 82% các ngân hàng và tổ chức tài chính phi ngân hàng tại HK đã hướng tới trực tiếp tham gia vào thị trường tài chính công nghệ hoặc thiết lập quan hệ đối tác với một doanh nghiệp fintech (PwC 2017). Hơn nữa, giai đoạn này tại HK đã có 18 công ty lưu trữ giá trị (SVF-Stored Value Facility) được Cơ quan Tiền tệ Hồng Kông (HKMA) cấp giấy phép. Các nền tảng thanh toán điện tử cũng ngày càng trở nên phổ biến.

fintech-2025-hong-kong-1626943267895140745693.jpg
DBS là một trong những ngân hàng tiên phong số hóa hoàn toàn các hoạt động đầu cuối từ front-end đến back-end. (Ảnh minh họa: Getty Images)

Nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển lành mạnh của hệ sinh thái fintech ở HK và thúc đẩy HK trở thành một trung tâm fintech ở châu Á, vào tháng 3 năm 2016 HKMA đã thành lập Văn phòng hỗ trợ Fintech (Fintech Facilitation Office-FFO) trực thuộc HKMA thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu chuyên ngành về các ứng dụng tiềm năng và rủi ro tiềm ẩn của các giải pháp fintech; nghiên cứu thành lập một nền tảng để trao đổi ý tưởng về các sáng kiến ​​fintech tiên tiến giữa các bên liên quan chính và thực hiện các hoạt động tiếp cận cộng đồng; thành lập một giao diện giữa những người tham gia thị trường và các cơ quan quản lý có liên quan của HKMA; và đồng thời là việc thành lập trung tâm hỗ trợ để nuôi dưỡng nhân tài nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về nguồn nhân lực tay nghề cao của ngành công nghiệp fintech ở HK.

Ngay tháng 9 năm 2017, theo đề xuất của FFO, HKMA đã công bố Chương trình sáng kiến 7 điểm về phát triển ​​ngân hàng thông minh tại HK (HKMA 2017c) gồm: (1) kết nối đầy đủ các khoản thanh toán bán lẻ kỹ thuật số thông qua Hệ thống thanh toán (Electronic Payment Services-EPS); (2) nâng cấp Cơ chế sandbox về Giám sát Fintech (Fintech Suppervisory Sandbox-FSS) phiên bản 2.0; (3) tạo điều kiện cho việc giới thiệu ngân hàng số ở HK;(4) giới thiệu sáng kiến ​​Banking Made Easy mới nhằm giảm thiểu những rắc rối về quy định và cải thiện trải nghiệm của khách hàng; (5) phát triển khung Giao diện Lập trình Ứng dụng Mở (API); (6) tăng cường hợp tác xuyên biên giới trong lĩnh vực fintech; và (7) tăng cường nghiên cứu và phát triển tài năng. Đồng thời, nhằm triển khai thực hiện chương trình này có hiệu quả, HKMA giao cho FFO đóng vai trò trung tâm và đầu mối phối hợp với các đơn vị liên quan hoạt động ngân hàng của HKMA tổ chức thực hiện.

Với cách thức tiếp cận và chính sách chủ động, quyết liệt của HKMA đồng thời mở rộng hợp tác xuyên biên giới nhằm đưa HK phát triển thành trung tâm fintech ở Châu Á, thị trường công nghệ tài chính của HK trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.

API mở: Để hỗ trợ ngành ngân hàng phát triển và áp dụng API mở, sau khi hoàn thành tham vấn cộng đồng, tháng 7 năm 2018 HKMA đã ban hành một khuôn khổ áp dụng nguyên tắc dựa trên rủi ro và phương pháp tiếp cận bốn giai đoạn cho API mở. Trong Giai đoạn I, 20 ngân hàng bán lẻ đã ra mắt hơn 500 API mở vào tháng 1 năm 2019, bao gồm thông tin về các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng như tiền gửi, khoản vay, bảo hiểm và đầu tư. Trên cơ sở đó, các ngân hàng đã tiếp tục nỗ lực mở rộng thêm nhiều chức năng trong các giai đoạn tiếp theo (HKMA 2018d).

FPS và Mã QR chung: FPS (Electronic Payment Services) là một cơ sở hạ tầng thanh toán được HKMA thành lập vào tháng 9 năm 2018 do Hong Kong Interbank Clearing Limited vận hành. EPS hỗ trợ thanh toán ngay bằng nhiều loại tiền tệ (đô la Hồng Kông và nhân dân tệ) trên cơ sở 24/24, với khả năng kết nối đầy đủ giữa các ngân hàng và SVF. Công chúng có thể dễ dàng chuyển tiền qua các ngân hàng và SVF khác nhau bằng cách sử dụng số điện thoại di động hoặc địa chỉ e-mail. Tính đến cuối tháng 5 năm 2019, có tổng cộng 22 ngân hàng (bao gồm hầu hết các ngân hàng bán lẻ) và 10 SVF tại HK đã tham gia vào hệ thống để cung cấp dịch vụ FPS cho khách hàng của họ.

Vào tháng 9 năm 2018, HKMA cũng đã công bố tiêu chuẩn mã QR chung cho thanh toán bán lẻ ở HK, cùng với việc ra mắt công cụ ứng dụng di động miễn phí. Ứng dụng này có thể cho phép chuyển đổi nhiều mã QR từ các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán khác nhau thành một mã QR kết hợp duy nhất, mang lại sự thuận tiện hơn cho cả người bán và người mua, đồng thời tạo điều kiện cho việc áp dụng rộng rãi hơn các thanh toán bán lẻ di động ở HK (HKMA 2018c).

Tài trợ thương mại: Với mục tiêu cải thiện hiệu quả giao dịch và giảm thiểu sai sót và rủi ro gian lận, một nền tảng tài trợ thương mại dựa trên blockchain có tên eTradeConnect đã được ra mắt vào tháng 10 năm 2018 để chia sẻ các tài liệu thương mại được số hóa và các quy trình được tự động hóa. Các nền tảng được tài trợ hoàn toàn bởi một tập đoàn của các ngân hàng lớn tại HK với sự hỗ trợ của HKMA. Để thúc đẩy thương mại xuyên biên giới, HKMA đã đẩy mạnh nghiên cứu các cơ hội kết nối eTradeConnect với các nền tảng thương mại ở các khu vực khác nhau. Vào tháng 10 năm 2018, các nhà điều hành eTradeConnect đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với các nhà điều hành của we.trade, một nền tảng dựa trên blockchain có sẵn của 14 quốc gia châu Âu, để tiến hành việc kết nối hai nền tảng (HKMA 2018b). Ngoài ra, trước đó vào tháng 11 năm 2017, HKMA đã ký biên bản ghi nhớ với Cơ quan Tiền tệ Singapore để xây dựng Mạng Kết nối Thương mại Toàn cầu, mạng lưới này sẽ kết nối các nền tảng có liên quan ở cả hai khu vực tài phán để tạo thành một công nghệ sổ cái phân tán xuyên biên giới (DLT) dựa trên mạng lưới tài trợ thương mại mở, giúp cho các quy trình tài trợ thương mại an toàn hơn, hiệu quả hơn và tiết kiệm chi phí hơn (HKMA 2017b).

Ngân hàng số: Ngành ngân hàng ở HK đã rất nỗ lực phát triển ngân hàng số của mình, một lĩnh vực gắn liền với lợi ích của công chúng. Từ việc thúc đẩy fintech và đổi mới tại HK, ngân hàng số có thể cung cấp một dạng trải nghiệm khách hàng mới đồng thời có thể khuyến khích tài chính toàn diện do nhắm mục tiêu vào phân khúc bán lẻ, bao gồm cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Sau khi tham vấn cộng đồng, vào tháng 5 năm 2018, HKMA đã ban hành văn bản Hướng dẫn về việc thành lập các ngân hàng số, trong đó đưa ra các nguyên tắc mà HKMA sẽ tính đến khi quyết định có cho phép thành lập và hoạt động của các ngân hàng số tại HK (HKMA 2018a). Ngay sau đó, từ tháng 3 đến tháng 5 năm 2019, HKMA đã cấp giấy phép chấp thuận nguyên tắc cho 8 ngân hàng số, các ngân hàng này có khoảng thời gian từ 6 đến 9 tháng để chuẩn bị cho việc chính thức khai trương hoạt động (HKMA 2019c).

Nghiên cứu và Ứng dụng: Vì đổi mới công nghệ là một trong những yếu tố quan trọng của sự phát triển fintech, HKMA đã dành nguồn lực đáng kể cho các dự án nghiên cứu khác nhau. Một số kết quả nghiên cứu đã được ngành công nghiệp này chấp nhận và ứng dụng. HKMA đã tiến hành nghiên cứu toàn diện về DLT và xuất bản hai cuốn sách trắng. Sách trắng đầu tiên giải thích về công nghệ mà các ngân hàng ứng dụng trong tài trợ thương mại, quản lý danh tính kỹ thuật số và các ứng dụng thế chấp (ASTRI, HKMA 2016). Sách trắng thứ hai chia sẻ các bài học kinh nghiệm với sự giúp đỡ của các nhà nghiên cứu và chuyên gia, đưa ra những khuyến nghị về các vấn đề thực hiện quản trị, pháp lý và tuân thủ, các nguyên tắc kiểm soát chung để triển khai DLT trong ngân hàng và ngành công nghiệp thanh toán (HKMA 2017d). Với sự thành công của tài trợ thương mại, nền tảng tài trợ thương mại dựa trên blockchain eTradeConnect đã được phát triển và ra mắt vào tháng 10 năm 2018.

Phối hợp với ba ngân hàng phát hành tiền giấy, Hong Kong Interbank Clearing Limited và Tập đoàn R3, HKMA đã tiến hành nghiên cứu về tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) để hiểu rõ hơn về tính khả thi, ý nghĩa và lợi ích có thể có của nó thông qua việc khám phá sử dụng trong thanh toán liên ngân hàng trong nước, thanh toán doanh nghiệp ở cấp độ bán buôn và thanh toán chứng khoán nợ kèm chuyển giao. HKMA đã phối hợp với các ngân hàng trung ương các nước tổ chức các hội nghị, hội thảo để tìm hiểu và nghiên cứu sự phát triển và tác động của CBDC.

Trong bối cảnh các mối đe dọa mạng ngày càng gia tăng, rủi ro mạng vẫn là trọng tâm giám sát của HKMA. Sáng kiến ​​củng cố an ninh mạng đã được triển khai từ tháng 12 năm 2016 nhằm nâng cao khả năng chống chịu trên không gian mạng của hệ thống ngân hàng của HK. Sáng kiến ​​được thành lập dựa trên ba trụ cột: (i) Khung đánh giá khả năng phục hồi không gian mạng; (ii) Chương trình Phát triển Chuyên nghiệp; và (iii) Nền tảng Chia sẻ Trí tuệ Không gian mạng.

Kết nối liên ngành: HKMA đã khởi động các dự án khác nhau để thúc đẩy giao tiếp với các ngành của HK và toàn cầu. Vào tháng 3 năm 2017, HKMA đã phối hợp với Cyberport cho ra mắt chương trình Haccelerator, cung cấp cho các ngân hàng và nhà khai thác SVF một nền tảng để tổ chức các cuộc thi liên quan đến fintech như hackathons và máy gia tốc nhằm khám phá các giải pháp sáng tạo, xác định tài năng và tìm kiếm cơ hội hợp tác với các công ty khởi nghiệp và đổi mới. Trên cơ sở đó, đến cuối tháng 5 năm 2019, bốn ngân hàng và một nhà điều hành SVF của HK đã tổ chức các cuộc thi sử dụng nền tảng này. Bên cạnh đó, kể từ khi thành lập, FFO đã tổ chức 43 sự kiện thu hút hơn 15.000 người tham gia cả từ HK và khắp nơi trên thế giới. Trong khi đó, các đại diện của HKMA đã tham dự 171 sự kiện liên quan đến fintech và tổ chức 615 hội nghị quốc tế với các cơ quan quản lý khác, khu vực tư nhân, với tư cách là diễn giả và thành viên chính.

Giao diện có tính pháp lý: HKMA đã đưa ra một số sáng kiến ​​để giúp nâng cao hiểu biết của ngành về các quy định pháp lý có liên quan. Ngay từ tháng 9 năm 2016, FSS (Fintech Suppervisory Sandbox) HKMA đã cho phép các ngân hàng và các công ty công nghệ đối tác của họ tiến hành thử nghiệm thí điểm các sáng kiến ​​fintech trong một môi trường được kiểm soát mà không cần phải tuân thủ đầy đủ các yêu cầu giám sát của HKMA. Tính đến cuối tháng 5 năm 2019, 53 sản phẩm fintech hoặc công nghệ đã được phép tham gia FSS. Trong số những trường hợp này, 34 thử nghiệm thí điểm đã được hoàn thành, và các sản phẩm sau đó đã được tung ra thị trường.

Năm 2017, dựa trên kết quả thu được thông qua FSS, HKMA đã nâng cấp FSS để tăng cường phạm vi phủ sóng và liên kết với các bên liên quan khác. FSS nâng cao có ba tính năng mới: (i) Phòng trao đổi trực tiếp (Chartroom) giữa đơn vị giám sát fintech trong quá trình thực hiện giám sát với các ngân hàng và công ty fintech trong giai đoạn đầu của các dự án fintech của họ; (ii) quyền truy cập trực tiếp của các công ty công nghệ vào FSS bằng cách tìm kiếm phản hồi từ Chartroom mà không cần thông qua ngân hàng; và (iii) các sandbox của HKMA, Ủy ban Chứng khoán và Hợp đồng Tương lai và Cơ quan Bảo hiểm được liên kết để cung cấp một điểm đầu vào duy nhất cho việc thử nghiệm có kiểm soát các sản phẩm fintech đa lĩnh vực. Cuối tháng 5 năm 2019, HKMA đã nhận được tổng cộng 304 yêu cầu để truy cập vào Chatroom.

Để phát triển hệ sinh thái công nghệ có tính pháp lý (regtech), từ tháng 9 năm 2018, FSS đã mở cửa cho các dự án hoặc ý tưởng do các ngân hàng và công ty công nghệ nêu ra.

HKMA cũng đưa ra sáng kiến ​​Banking Made Easy vào tháng 9 năm 2017 để hợp lý hóa các yêu cầu quy định và nâng cao trải nghiệm của khách hàng, cụ thể là các khóa đào tạo từ xa, đào tạo trực tuyến về kiến thức tài chính, quản lý tài sản. Phạm vi của sáng kiến ​​đã được mở rộng vào tháng 9 năm 2018 để tạo điều kiện phát triển regtech ở HK, tập trung vào các công nghệ giám sát chống rửa tiền / chống tài trợ khủng bố; regtech để quản lý rủi ro và nâng cao tính tuân thủ. HKMA đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ Ứng dụng Hồng Kông (ASTRI) thành lập Trung tâm Đổi mới Công nghệ Fintech HKMA-ASTRI (Hub) để cung cấp một nền tảng trung lập để đánh giá các giải pháp fintech mới. Tính đến cuối tháng 5 năm 2019, bảy dự án đã sử dụng Hub để phát triển và trình diễn các giải pháp fintech như nhận dạng ký tự quang học, xác thực mã thông báo mềm và tài trợ thương mại. Ba công ty công nghệ cũng đã sử dụng Hub để tổ chức các hội thảo kỹ thuật về trí tuệ nhân tạo và các công nghệ khác cho các ngân hàng.

Phát triển nhân tài: Phát triển nhân tài là một yếu tố cần thiết của ngành công nghiệp fintech. Được ra mắt với sự hợp tác của ASTRI, Chương trình Fintech Career Accelerator (FCAS) (ASTRI, HKMA 2019) nhằm mục đích nuôi dưỡng nhân tài để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của ngành công nghiệp fintech ở HK. Sinh viên có thể làm việc toàn thời gian cho các dự án liên quan đến fintech trong 6 tháng hoặc 1 năm tại các ngân hàng và HKMA. Trong đợt tuyển sinh đầu tiên vào năm 2017–2018, trong số hơn 3.000 đơn đăng ký đã có 421 ứng viên được nhận thực tập và 74 sinh viên trong số này sau đó đã được mời làm việc tại 12 ngân hàng và HKMA.

Là một phần của sáng kiến ​​Ngân hàng Thông minh, FCAS đã được nâng cấp vào tháng 1 năm 2018 để mở rộng đội ngũ nhân tài và nuôi dưỡng các cá nhân trẻ ở các giai đoạn phát triển sự nghiệp khác nhau của họ. Với nhiều đối tác hơn, nhiều nhà tuyển dụng tham gia hơn và phạm vi phủ sóng vượt ra ngoài HK, FCAS 2.0 được mở rộng thành bốn chương trình: (i) Chương trình Đối tác Đại học Cyberport; (ii) Chương trình Thực tập Hè Thâm Quyến; (iii) Chương trình Xếp lớp theo Năm học; và (iv) Chương trình Tốt nghiệp mới.

Hợp tác xuyên biên giớiĐáng chú ý nhất về lĩnh vực này là quan hệ hợp tác giữa HK với thành phố Thâm Quyến. Tháng 6 năm 2017 HKMA và Cục Quản lý Tài chính thành phố Thâm Quyến (trước đây gọi là Văn phòng Dịch vụ Phát triển Tài chính, Chính quyền Nhân dân thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc) đã thống nhất tăng cường hợp tác giữa hai bên về hỗ trợ mềm, cung cấp cơ hội thực tập và phối hợp tổ chức các sự kiện fintech (HKMA 2017a). Ban đầu, các nhà chức trách hai bên đã phối hợp tổ chức Giải thưởng Fintech Thâm Quyến - Hồng Kông lần thứ nhất vào năm 2017 để ghi nhận và trao thưởng cho các sản phẩm và giải pháp fintech xuất sắc tại hai thành phố. Giải được đồng tổ chức lần thứ 2 năm 2018 (HKMA 2018e). Ngoài ra, trong khuôn khổ hợp tác với Cục quản lý tài chính thành phố Thâm Quyến, Chương trình Thực tập mùa hè ở Thâm Quyến cho phép 50 sinh viên đến từ HK để trải nghiệm những hệ sinh thái fintech tại Thâm Quyến bằng cách làm việc với 8 công ty nổi tiếng trong 6 tuần vào năm 2018 và 2019 (HKMA 2018f).

Trong khuôn khổ hợp tác quốc tế, kể từ cuối tháng 5 năm 2019, HKMA đã ký kết các thỏa thuận hợp tác lĩnh vực fintech với các cơ quan quản lý hoặc chính phủ ở Vương quốc Anh, Singapore, Trung tâm Tài chính Quốc tế Dubai, Thụy Sĩ, Ba Lan, Thị trường Toàn cầu Abu Dhabi, Brazil và Thái Lan. Cùng với các thành viên khác của Mạng lưới Đổi mới Tài chính Toàn cầu, một sáng kiến nhằm tạo ra một khuôn khổ hợp tác giữa các cơ quan quản lý dịch vụ tài chính về các chủ đề liên quan đến đổi mới, vào tháng 1 năm 2019, HKMA đã đưa ra một kế hoạch thí điểm cho các công ty muốn thử nghiệm các sản phẩm sáng tạo và dịch vụ trên khắp các thị trường quốc tế (HKMA 2019a). HKMA cũng thường xuyên tổ chức các sự kiện quốc tế cấp cao để thúc đẩy sự hợp tác fintech giữa các khu vực pháp lý. Ví dụ: vào tháng 1 năm 2019, HKMA đã tổ chức một hội nghị bàn tròn fintech với sự tham dự của nhiều đại biểu với tiêu đề Từ Hiểu biết lẫn nhau đến Hợp tác toàn cầu (HKMA 2019d).

                                                                     *

                                                               *           *

Những tiến bộ lớn trong lĩnh vực fintech trong những năm gần đây tại HK đã thu hút sự chú ý của các cơ quan quản lý tài chính trên khắp thế giới. Đặc biệt là những bài học kinh nghiệm của HKMA trong việc sẵn sàng đón nhận công nghệ và những đổi mới xuất hiện trong quá trình phát triển fintech; những nỗ lực của HKMA trong việc tạo ra sự cân bằng phù hợp giữa việc duy trì tính linh hoạt thích hợp cho những đổi mới đồng thời với việc đảm bảo bảo vệ một cách thích hợp những lợi ích của khách hàng; những kinh nghiệm của HKMA trong việc áp dụng cách tiếp cận dựa trên cơ sở rủi ro và trung lập công nghệ, đảm bảo các đặc điểm nội tại của các hoạt động giao dịch tài chính và những rủi ro phát sinh từ những hoạt động giao dịch này luôn được HKMA cân nhắc đầy đủ trong hoạt động giám sát của mình khi xây dựng và thực hiện các yêu cầu về pháp lý. Để đạt được những điều đó, trong suốt thời gian qua, HKMA đã luôn tập trung đẩy mạnh nghiên cứu về fintech, thể hiện rõ khả năng duy trì kết nối chặt chẽ giữa các tổ chức liên quan trong ngành và các cơ quan liên quan của HK, khả năng đạt được sự cân bằng giữa phát triển thị trường và bảo vệ khách hàng, khả năng duy trì liên hệ chặt chẽ với các ngành và các cơ quan quản lý ở các khu vực pháp lý khác để đảm bảo các quy định hiện hành luôn được cập nhật.

Bài liên quan
  • Fintech góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện
    Sự tham gia của các Fintech mở ra nhiều cơ hội không chỉ cho bản thân họ mà cho cả ngân hàng, người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy mục tiêu tài chính toàn diện thông qua cung cấp các dịch vụ tài chính với chi phí thấp, mức độ tiếp cận tốt hơn, mang đến nhiều tiện ích, trải nghiệm cho khách hàng.

(0) Bình luận
Nổi bật Tin tức IDS
Đừng bỏ lỡ
Sự phát triển của fintech tại Hồng Kông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO