Thiếu hành lang pháp lý, Việt Nam chưa có ngân hàng số đúng nghĩa

ThS. Dương Quốc Anh, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quố| 09/05/2023 10:57

Hiện nay, ngành ngân hàng (NH) đang tích cực đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ mới để chuyển đổi số. Nhiều NH đã triển khai ứng dụng công nghệ số như Big Data (dữ liệu lớn), Trí tuệ nhân tạo (AI), Giao diện lập trình ứng dụng (API).

Dịch vụ số được các ngân hàng gia tăng đầu tư công nghệ nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số nhanh hơn, đáp ứng nhu cầu giao dịch mọi lúc, mọi nơi của khách hàng.

Tuy nhiên, hiện tại thị trường tài chính Việt Nam chưa có NH số và cũng chưa thấy có định hướng cho việc cấp phép thành lập NH số...

Thách thức về pháp lý, thể chế

Các công ty fintech của Việt Nam đã có những bước phát triển nhanh chóng trong thời gian qua, với khoảng 40 công ty chuyên về công nghệ cung cấp các loại dịch vụ liên quan đến tiền tệ, tài chính và NH. Theo số liệu của NHNN năm 2020, 72% công ty fintech đã hợp tác, liên kết với các NH và các tổ chức tín dụng (TCTD) trong việc cung cấp các giải pháp kỹ thuật số để cải tiến hoạt động thanh toán, tín dụng, đầu tư. Số còn lại, khoảng 14% công ty fintech phát triển các loại sản phẩm dịch vụ tài chính mới, và 14% các công ty cung cấp các loại sản phẩm dịch vụ cạnh tranh trực tiếp với các NH và TCTD.

Có thể nói, tiềm năng của các công ty fintech Việt Nam rất lớn. Tuy nhiên, do môi trường pháp lý chưa rõ ràng, đầy đủ; niềm tin của người tiêu dùng và thị trường còn ở mức độ khiêm tốn, nên những hoạt động của các fintech hiện nay còn rất nhiều hạn chế so với tiềm năng, thậm chí có những hoạt động của fintech còn đối mặt với những rủi ro.

So với các nước trong khu vực, các sản phẩm như cho vay ngang hàng, gọi vốn cộng đồng, tư vấn tài chính, tư vấn quản lý tài sản, quản trị dữ liệu, công nghệ bảo hiểm, tiền số… vẫn chưa có mặt chính thức ở Việt Nam.

Thách thức của việc chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính NH hiện nay gồm: (i) Nguồn nhân lực phục vụ công tác chuyển đổi số còn thiếu và yếu. Trong khi các tổ chức tham gia thị trường tài chính NH đòi hỏi phải có đội ngũ lớn cán bộ vừa có kiến thức về công nghệ thông tin, đồng thời phải giỏi nghiệp vụ tài chính NH. (ii) Chi phí đầu tư cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu, xây dựng phần cứng và phần mềm, xây dựng lại các quy trình; chi phí đào tạo, tập huấn, thử nghiệm đảm bảo vận hành liên tục, không có rủi ro; phải đảm bảo kế thừa, kết nối, tích hợp giữa đầu tư mới với các hoạt động đầu tư trước đây. (iii) Công tác bảo mật thông tin khách hàng trong giao dịch công nghệ số. (iv) Pháp lý còn nhiều quy định chưa rõ ràng, thiếu tính đồng bộ; xác định danh tính khách hàng thông qua nền tảng số chưa cụ thể; các quy định về hợp đồng điện tử, chữ ký số, tài sản số chưa bắt kịp quá trình chuyển đổi số…

Đặc biệt, vấn đề pháp lý, thể chế vẫn là thách thức lớn cho công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính NH. Về nguyên tắc, khi ban hành một quy định pháp lý điều chỉnh hoạt động cho một tổ chức trên thị trường tài chính NH phải đảm bảo 3 yếu tố: (i) Tính chắc chắn về pháp lý, tức phải định nghĩa rõ ràng sản phẩm gì được đưa ra thị trường và quy định rõ ràng về điều kiện để thực hiện cung cấp sản phẩm đó. (ii) Nguyên tắc bình đẳng giữa các bên tham gia thị trường. (iii) Tính tương xứng giữa những yêu cầu về quy định pháp lý với mức độ rủi ro. Đây chính là trở ngại chính cho việc ban hành các quy định pháp lý cho hoạt động chuyển đổi số nói chung và hoạt động của các fintech nói riêng trên thị trường tài chính NH.

Sớm hình thành NH số

Trong dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi) này, Chính phủ đã kịp thời bổ sung một số nội dung cần thiết hỗ trợ cho việc chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính NH, bao gồm: (i) Bổ sung nguyên tắc TCTD, được thực hiện hoạt động kinh doanh bằng phương tiện điện tử theo quy định của NHNN về các hoạt động NH, hoạt động kinh doanh khác của TCTD và quy định của pháp luật về giao dịch điện tử. (ii) Bổ sung quy định điều chỉnh hoạt động cấp tín dụng bằng phương tiện điện tử tại các quy định về quy định nội bộ, quy định về xét duyệt cấp tín dụng, quy định về lưu trữ hồ sơ tín dụng. (iii) Bổ sung quy định giao Chính phủ quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực NH. (iv) Bổ sung hoạt động dịch vụ ngân quỹ, “giao đại lý” trong lĩnh vực thanh toán.

Đây là những quy định mới rất cần thiết và hợp lý. Trên cơ sở những nội dung quy định mang tính nguyên tắc này, Chính phủ và NHNN sẽ tiếp tục ban hành những văn bản pháp lý dưới luật, đó chính là hành lang pháp lý cần thiết cho các NHTM, các TCTD triển khai các hoạt động chuyển đổi số trong hoạt động của mình.

Tuy nhiên, dự thảo Luật Các TCTD còn có một số vấn đề cần xem xét thêm. Thứ nhất, dự thảo luật mới chỉ quy định về việc TCTD, chi nhánh NH nước ngoài được thực hiện các hoạt động kinh doanh bằng phương tiện điện tử theo quy định của NHNN về các hoạt động NH, hoạt động kinh doanh khác của TCTD, chi nhánh NH nước ngoài và quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

Trong khi đó chưa có những quy định cho phép các công ty fintech được tham gia cung cấp các dịch vụ tài chính NH. Thời gian vừa qua các công ty fintech đã cung cấp nhiều sản phẩm, dịch vụ, mô hình mới trong hoạt động NH như cho vay, gọi vốn, thanh toán, bảo hiểm, đầu tư, quản lý tài chính cá nhân... Nhưng các công ty fintech, về hình thức chủ thể lại không phải TCTD. Việc dự thảo luật chỉ quy định chung chung, có thể dẫn đến trường hợp xuất hiện các chủ thể không phải là TCTD như các công ty fintech, có thể không thuộc đối tượng điều chỉnh của dự thảo luật, không có cơ sở để Chính phủ và NHNN quy định chi tiết.

Thứ hai, hiện tại ở Việt Nam chưa có NH số. Trong dự thảo luật cũng chưa có quy định nào có liên quan đến việc thành lập, tổ chức và hoạt động của NH số. Trong khi đó, loại hình này mang đến những lợi ích rất lớn cho người dùng, như giao dịch tiện lợi, tiết kiệm thời gian và công sức, tiết kiệm chi phí và bảo mật dữ liệu an toàn.

Để hoàn chỉnh hơn nữa thể chế hỗ trợ việc chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính NH nước ta, cần bổ sung những quy định về nguyên tắc chung tại dự thảo luật để có cơ sở giao Chính phủ, NHNN quy định cụ thể về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát việc ứng dụng công nghệ và triển khai các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới trong hoạt động tài chính NH có sự tham gia của các công ty fintech.

Bài liên quan
  • Fintech góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện
    Sự tham gia của các Fintech mở ra nhiều cơ hội không chỉ cho bản thân họ mà cho cả ngân hàng, người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy mục tiêu tài chính toàn diện thông qua cung cấp các dịch vụ tài chính với chi phí thấp, mức độ tiếp cận tốt hơn, mang đến nhiều tiện ích, trải nghiệm cho khách hàng.

(0) Bình luận
Nổi bật Tin tức IDS
Đừng bỏ lỡ
Thiếu hành lang pháp lý, Việt Nam chưa có ngân hàng số đúng nghĩa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO