Muốn phát triển kinh tế số phải gỡ được 'nút thắt' rủi ro pháp lý

TS. Trần Văn, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban TC-NS của Quốc hội, V| 11/05/2023 08:54

Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 15 tổ chức trong tháng 5 này, Chính phủ sẽ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 6 (trong tháng 10) đối với Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD - sửa đổi), Dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), bên cạnh một số dự án luật khác trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

1680658926139-ha-tang-vien-thong-1-525-6710.jpg

Khung pháp lý NH số

Tuy mới được quyết định bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 tại Nghị quyết 33/2023/UBTVQH15 ngày 17-3-2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhưng thực tế nhiều năm qua yêu cầu sửa đổi Luật Các TCTD đã được Chính phủ, NHNN đặt ra.

Vì thế, một trong những trọng tâm của sửa đổi bổ sung Luật Các TCTD lần này, là nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về các TCTD, xử lý những vướng mắc, bất cập của Luật Các TCTD hiện hành; luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, tiếp tục tạo hành lang pháp lý trong hoạt động xử lý nợ xấu của các TCTD sau khi Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD hết hiệu lực từ ngày 31-12-2023.

Ngoài ra, dự án Luật Các TCTD (sửa đổi) còn sửa đổi, bổ sung các quy định phòng ngừa rủi ro, tăng cường hơn nữa việc tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ, tự chịu trách nhiệm của TCTD, sửa đổi, bổ sung các công cụ để bảo đảm an toàn hệ thống các TCTD; tăng cường các biện pháp thanh tra, giám sát của NHNN, đồng thời có sự tham gia của Thanh tra Chính phủ để quản lý, kiểm soát hoạt động tín dụng, chống thao túng, lợi ích nhóm, sở hữu chéo.

Một số điểm mới khác, đó là quy định mới về hoạt động dịch vụ ngân quỹ, “giao đại lý” trong lĩnh vực thanh toán, đồng thời rà soát, điều chỉnh lại một số hoạt động để phù hợp với thực tiễn hoạt động của TCTD, bổ sung quy định áp dụng riêng cho các khoản vay tiêu dùng, khoản vay phục vụ nhu cầu đời sống có mức giá trị nhỏ, cấp tín dụng qua thẻ theo hướng đơn giản, thuận tiện hơn.

Quan trọng hơn, các quy định mới về dịch vụ NH qua phương tiện điện tử và số hóa dịch vụ NH, như (i) Bổ sung nguyên tắc TCTD được thực hiện hoạt động kinh doanh bằng phương tiện điện tử theo quy định của NHNN về các hoạt động NH, hoạt động kinh doanh khác của TCTD và quy định của pháp luật về giao dịch điện tử; (ii) Bổ sung quy định điều chỉnh hoạt động cấp tín dụng bằng phương tiện điện tử tại các quy định về quy định nội bộ, quy định về xét duyệt cấp tín dụng, quy định về lưu trữ hồ sơ tín dụng; (iii) Bổ sung quy định giao Chính phủ quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực NH.

Hiện nay khung pháp lý cho ứng dụng công nghệ mới trong dự thảo luật, vốn đang là một trong những “nút thắt”, “rủi ro pháp lý” cho đổi mới, sáng tạo trong lĩnh vực tài chính số, NH số.

Xây dựng pháp lý viễn thông phù hợp tình hình mới

Dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) là dự án luật khó, mang tính kỹ thuật. Vì vậy, việc hiểu đúng các nội dung mới xem xét, phân tích, đánh giá được tác động của nó, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số là rất quan trọng.

Bởi hiện nay còn nhiều ý kiến cho rằng dự án Luật chưa làm nổi bật bối cảnh khoa học, công nghệ đang phát triển nhanh chóng, xu hướng hội tụ, giao thoa giữa viễn thông, công nghệ thông tin, công nghệ số, tự động hóa, phát thanh, truyền hình…, dẫn tới việc khó phân biệt rạch ròi ranh giới giữa các lĩnh vực này. Và hiện đang phần nào gây lúng túng trong quá trình xây dựng các chế định pháp lý phù hợp.

Đó là các vấn đề như chính sách “về quản lý dịch vụ ứng dụng internet trong viễn thông”, trong đó có việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật đối với dịch vụ (1) trung tâm dữ liệu; (2) điện toán đám mây và (3) ứng dụng internet trong viễn thông (OTT- Over The Top) phù hợp với xu hướng tiến hóa của viễn thông trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, và xu hướng hội tụ trong lĩnh vực này ngày càng trở nên rõ ràng. Đây là những dịch vụ hoạt động trên nền tảng viễn thông tuy mới xuất hiện, nhưng cũng cần có pháp luật điều chỉnh ở mức độ nhất định với phương thức phù hợp, vừa đáp ứng yêu cầu quản lý vừa tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực này.

Về bảo đảm bí mật thông tin (Điều 6), Dự thảo Luật quy định OTT là dịch vụ viễn thông, đồng thời quy định các doanh nghiệp viễn thông phải cung cấp cho cơ quan nhà nước danh tính cụ thể của người sử dụng dịch vụ viễn thông khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nội dung này có thể khó khả thi, vì khác với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT không có thông tin chính xác về danh tính cụ thể của người sử dụng.

Dịch vụ OTT viễn thông về bản chất là dịch vụ sử dụng mạng viễn thông để cung cấp các ứng dụng công nghệ thông tin (Zalo, Viber, Telegram…), hoạt động trên nền tảng internet mở, có chức năng hội thoại (telephone or voice over internet), họp trực tuyến (video conference), trao đổi trực tuyến (chat), tin nhắn (messaging)… không thu phí.

Về cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây và cung cấp dịch vụ viễn thông qua biên giới đến người sử dụng dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam, hiện chưa được điều chỉnh đầy đủ bởi các luật hiện hành nên cần có chế tài quản lý.

Tuy nhiên, cần tránh làm ảnh hưởng đến lợi ích các dịch vụ này mang lại cho nền kinh tế, khả năng thu hút đầu tư nước ngoài vào việc phát triển các trung tâm dữ liệu, cung cấp dịch vụ điện toán đám mây tại Việt Nam.

Những vấn đề liên quan đến ứng dụng tiến bộ của khoa học công nghệ cần được làm rõ trong quá trình xem xét, thảo luận 2 dự án Luật Các TCTD (sửa đổi) và Luật Viễn thông (sửa đổi).

Bài liên quan
  • Bước tiến mới trong hoàn thiện thể chế, thúc đẩy số hóa hoạt động ngân hàng
    Chia sẻ với Thời báo Ngân hàng, ông Dương Quốc Anh, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển kinh tế số (IDS) nhận định, dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi) đã kịp thời bổ sung một số nội dung cần thiết hỗ trợ cho việc chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Tuy nhiên để thúc đẩy quá trình này diễn ra nhanh, toàn diện, hiệu quả, việc hoàn thiện khung khổ pháp lý không chỉ thuộc trách nhiệm của riêng ngành Ngân hàng.

(0) Bình luận
Nổi bật Tin tức IDS
Đừng bỏ lỡ
Muốn phát triển kinh tế số phải gỡ được 'nút thắt' rủi ro pháp lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO