Diễn đàn cấp cao thường niên và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit 2023 - với sự tham dự của nhiều lãnh đạo Đảng và Chính phủ, các chuyên gia trong nước và quốc tế, sẽ thảo luận về những giải pháp nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và chuyển đổi lao động nhằm nâng cao năng lực sản xuất thông minh, rút ngắn quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước...
Dưới sự chủ trì của Ban Kinh tế Trung ương và các bộ, ngành liên quan, Diễn đàn cấp cao thường niên về công nghiệp 4.0 năm 2023 gắn với triển khai Nghị quyết 29 về công nghiệp hóa, hiện đại hóa sẽ diễn ra tại Hà Nội ngày 14/6.
Theo Ban tổ chức, Diễn đàn cấp cao thường niên 2023 là sự kiện có ý nghĩa quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, góp phần triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đồng thời là hoạt động thiết thực nhằm triển khai Nghị quyết 29-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Cụ thể, Nghị quyết 29 được ban hành ngày 17/11/2022 xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2030 Việt Nam cơ bản đạt được các tiêu chí của nước công nghiệp, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đời sống của nhân dân được nâng cao.
Trong đó, xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh với năng lực sản xuất mới, tự chủ, khả năng thích ứng, chống chịu cao, từng bước làm chủ công nghệ lõi, công nghệ nền của các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn.
Nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng mạnh mẽ khoa học-công nghệ tiên tiến. Các ngành dịch vụ được cơ cấu lại đồng bộ, hiệu quả trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số với chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh được nâng cao, hình thành nhiều ngành dịch vụ mới, có giá trị gia tăng cao.
Diễn đàn cấp cao thường niên về công nghiệp 4.0 bao gồm 1 phiên toàn thể và 4 phiên hội thảo chuyên đề diễn ra cùng với Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0.
Với chủ đề “Thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh tạo đột phá rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 là sự kiện khởi động chuỗi hoạt động triển khai Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, dự kiến có sự tham dự, chủ trì và phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chiều ngày 14/6.
Buổi sáng cùng ngày sẽ là chuỗi 4 phiên hội thảo chuyên đề và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0, tập trung vào các chủ đề chính của Diễn đàn là: sản xuất thông minh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong công nghiệp, chuyển đổi xanh, năng lượng xanh, tài chính xanh và giáo dục xanh…
Phiên hội thảo chuyên đề 1 với chủ đề “Nâng cao năng lực sản xuất thông minh và phát triển ngành công nghiệp công nghệ số theo định hướng Make in Vietnam” sẽ tập trung phân tích về bối cảnh và các xu thế lớn của chuyển đổi số trong ngành sản xuất trên thế giới và trong khu vực, từ đó nhận diện và đưa ra những tư duy và tiếp cận mới về thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ số với giải pháp Make In Vietnam, thúc đẩy nâng cao giá trị doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh.
Phiên hội thảo chuyên đề 2 với chủ đề “Thúc đẩy ứng dụng và phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa” nhằm đi sâu phân tích về thực trạng nghiên cứu và phát triển AI tại Việt Nam, từ đó thúc đẩy ứng dụng AI vào quá trình chuyển đổi số quốc gia, sản xuất thông minh và vận hành doanh nghiệp…
Với chủ đề “Xu hướng công nghệ và giải pháp phát triển ngành công nghiệp năng lượng của Việt Nam trong chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn 2045”, phiên hội thảo chuyên đề 3 đề cập tới kinh nghiệm quốc tế trong thúc đẩy chuyển dịch năng lượng và đưa ra các khuyến nghị chính sách cho Việt Nam trong phát triển điện gió, điện mặt trời áp mái và sử dụng năng lượng tiết kiệm.
Cuối cùng, phiên hội thảo chuyên đề 4 với chủ đề “Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh ngành dịch vụ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn 2045” sẽ tập trung thảo luận các giải pháp về ứng dụng công nghệ cho quá trình chuyển đổi số ngành tài chính nhằm tạo ra các sản phẩm tài chính đột phá, tăng trải nghiệm cho khách hàng, đồng thời đảm bảo an toàn và bảo mật.