Chậm ban hành Nghị định về sandbox cho Fintech: Ngân hàng vừa cho vay online vừa run

Huyền Anh| 15/10/2023 15:01

Không chỉ doanh nghiệp, các ngân hàng vẫn đang chờ đợi Chính phủ sớm ban hành khung pháp lý về sandbox cho Fintech để có thể mạnh dạn triển khai cho vay online.

Dự thảo Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng (sandbox) đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trình Chính phủ từ khoảng 2 năm trước nhưng đến nay vẫn chưa được ban hành. Nhiều ý kiến cho rằng quá trình này cần được đẩy nhanh hơn nữa để tránh rủi ro cho thị trường và thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp Fintech Việt Nam.

Thiếu cơ chế, cho vay online chưa thể bùng nổ

Tập đoàn Robocash cho biết thị trường Fintech Việt Nam hiện đang có tốc độ tăng trưởng nhanh thứ hai trong khu vực, sau Singapore, dự báo sẽ đạt mức 18 tỷ USD vào năm 2024. Giao dịch tài chính qua điện thoại di động ở Việt Nam đang bùng nổ, trở thành "miếng bánh ngon" cho các Fintech, từ thanh toán, cho vay, chuyển tiền đến thu hộ, chi hộ…

Các ngân hàng đã bắt đầu áp dụng nhiều giải pháp Fintech hơn trong các sản phẩm và dịch vụ để nâng cao khả năng cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu của người dùng.

Theo số liệu từ NHNN, thanh toán không dùng tiền mặt trong 7 tháng đầu năm 2023 tăng 51,14% về số lượng, qua kênh Internet tăng 66,46%, qua kênh điện thoại di động tăng 63,09%, qua QR Code tăng 124,15% so với cùng kỳ năm 2022.

-2943-1696932879.jpg
Nghị định về sandbox cho Fintech được ban hành sẽ mở ra cơ hội phát triển mạnh cho vay trực tuyến của hệ thống ngân hàng.

Việc mở tài khoản trực tuyến được thực hiện từ cuối tháng 3/2021. Tính đến tháng 6/2023 đã có gần 27 triệu tài khoản được mở bằng phương thức điện tử eKYC, hiện có 10,8 triệu thẻ lưu hành bằng phương thức eKYC.

Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc NHNN cho biết kinh doanh ngân hàng gồm 3 trụ cột chính đó là huy động, tín dụng và thanh toán. Lĩnh vực thanh toán hiện được xử lý khá tốt, người dân cũng dễ dàng gửi tiết kiệm online.

Tuy nhiên, ông Dũng đặt vấn đề: "Làm sao để cho vay nhỏ lẻ trên môi trường điện tử, giúp người dân có thể tiếp cận tài chính toàn diện, đặc biệt với những người dân vùng sâu, vùng xa có thể tiếp cận được dịch vụ tài chính ngân hàng. Đây là định hướng lớn đang được NHNN tập trung, đó là cho vay trên nền tảng điện tử".

Trước đây, nhóm đối tượng khách hàng dưới chuẩn thường gặp khó khăn khi tiếp cận dịch vụ tài chính do thiếu khả năng đáp ứng yêu cầu truyền thống như tiêu chuẩn tín dụng cao, tài sản thế chấp, hoặc lịch sử tín dụng không tốt… Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ và Fintech, ngân hàng đã tìm ra giải pháp linh hoạt đáp ứng nhu cầu tài chính của nhóm đối tượng này bằng cách đánh giá tín dụng dựa trên dữ liệu số, thông tin cá nhân và hành vi tài chính của khách hàng. Đồng thời, xây dựng các gói vay linh hoạt và tùy chỉnh, không nhất thiết yêu cầu tài sản thế chấp hoặc tiêu chuẩn tín dụng cao.

Gần đây, hoạt động cho vay trực tuyến (đa phần với khoản vay nhỏ) đã được nhiều ngân hàng triển khai. Tuy nhiên, do hình thức cấp tín dụng này chưa được quy định cụ thể trong luật, nên nhiều ngân hàng “vừa cho vay vừa run” vì sợ hợp đồng bị tuyên vô hiệu trong trường hợp phát sinh tranh chấp.

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Phó tổng giám đốc Vietcombank cho hay, với các khoản vay nhỏ, cho vay online phát triển sẽ giải quyết được nhu cầu của người dân và cả ngân hàng. Dù vậy, thời gian qua, các ngân hàng còn thận trọng cho vay online, bởi pháp lý chưa rõ ràng, dữ liệu chưa sạch.

Trao đổi với VnBusiness, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông - OCB, cho biết để hạn chế rủi ro khi chưa có hành lang pháp lý, ngân hàng hiện triển khai cho vay online với 3 sản phẩm. Thứ nhất là cho vay thấu chi đối với những doanh nghiệp trả lương cho cán bộ nhân viên qua OCB. Thứ hai là ngân hàng cấp tín dụng 100% online qua thẻ tín dụng thông qua app Liobank.

"Hai sản phẩm này có đặc điểm là tập khách hàng ngân hàng hướng tới rõ ràng, giá trị khoản vay vừa phải, các khoản vay có nhiều cơ sở để truy dấu vết giao dịch, nên ngân hàng sẽ hạn chế được rủi ro", ông Tùng cho hay.

Với sản phẩm thứ ba là cho vay mua nhà trực tuyến, OCB hiện đang triển khai 70% online và 30% là xử lý giao dịch thông thường, nhằm hạn chế rủi ro cho ngân hàng.

Chờ đợi hành lang pháp lý

Các ngân hàng cũng như công ty Fintech cho biết đang "ngóng" Nghị định về sandbox cho Fintech được ban hành để có cơ chế thử nghiệm (mô hình sandbox) cho vay trực tuyến nhằm góp phần đáp ứng nhu cầu vay vốn của nhóm khách hàng dưới chuẩn và thúc đẩy tài chính toàn diện ở Việt Nam.

Trao đổi với VnBusiness, luật sư Lê Văn An, Giám đốc Công ty luật ANLAW cho rằng: “Không khuyến khích cho vay tiêu dùng thì làm sao kinh tế tăng trưởng được? Theo tôi, mô hình Fintech cho vay rất cần có cái nhìn cởi mở hơn, cho phép thử nghiệm rộng rãi, không nên quản chặt quá. Chúng ta không thể coi Fintech cho vay như một ngân hàng, song cũng không thể để hoạt động tự do, nên cần có sandbox để điều chỉnh dần. Đáng tiếc là đã 2 năm rồi mà sandbox vẫn chưa được ban hành”.

Liên quan tới hành lang pháp lý, trước đó, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) kỳ vọng Nghị định 101 về thanh toán không dùng tiền mặt và Nghị định sandbox được Chính phủ ký ban hành trong quý III/2023, dự kiến NHNN sẽ chính thức ban hành các thông tư liên quan, có hiệu lực từ ngày 1/1/2024.

Tuy nhiên, đến nay, cả hai Nghị định vẫn chưa được ban hành. Lý giải nguyên nhân Nghị định sandbox chậm ban hành, NHNN cho hay, đây là Nghị định được xây dựng không dựa trên quy định tại cấp độ Luật, do đó quy trình xây dựng sẽ cần nhiều thời gian hơn, Chính phủ phải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị định trước khi ký thông qua.

Bên cạnh đó, Nghị định là cách tiếp cận pháp lý mới nên nhiều vấn đề cần được rà soát kỹ lưỡng với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và cần được nghiên cứu, thiết kế để đảm bảo thúc đẩy đổi mới sáng tạo và kiểm soát rủi ro, đảm bảo ổn định tài chính. Đồng thời, trong quá trình phối hợp với các Bộ, cơ quan còn có ý kiến chưa thống nhất dẫn đến kéo dài thời gian trình Chính phủ.

Đại diện NHNN cho biết, từ đầu năm đến nay, NHNN đã có 4 tờ trình về vấn đề này, tờ trình mới nhất là tờ trình 117/TTr-NHNN ngày 17/8/2023.

Trong khi chờ Nghị định về sandbox cho Fintech được ban hành, ông Tùng cho rằng ngân hàng cần chủ động hợp tác với các doanh nghiệp Fintech để nắm bắt cơ hội. "Hiện nay, OCB đang triển khai môi trường sandbox cho các công ty Fintech có thể tham gia cùng phát triển với các sản phẩm cùng ngân hàng. Tuy nhiên, OCB sẽ tách rời hoạt động này ra khỏi hoạt động ngân hàng, để không bị ảnh hưởng đến việc bảo mật thông tin khách hàng và hoạt động giao dịch của ngân hàng, bởi đây chỉ là môi trường giả lập để các tổ chức kết hợp với ngân hàng phát triển các dịch vụ mới cho khách hàng. Qua quá trình thử nghiệm và kiểm soát, các ứng dụng mới được sử dụng".

Bài liên quan
  • Tín dụng fintech - rủi ro và thách thức pháp lý
    Những đổi mới trong lĩnh vực công nghệ tài chính đã thay đổi đáng kể cuộc sống hàng ngày của chúng ta, cũng như bối cảnh tài chính và tiền tệ. Tuy nhiên, những rủi ro mới có thể xuất hiện, không chỉ giới hạn ở rủi ro mạng, kiểm soát dữ liệu và các vấn đề về quyền riêng tư, vì một số rủi ro trong lĩnh vực tài chính thông thường chuyển từ không gian vật lý sang không gian kỹ thuật số.

(0) Bình luận
Nổi bật Tin tức IDS
Đừng bỏ lỡ
Chậm ban hành Nghị định về sandbox cho Fintech: Ngân hàng vừa cho vay online vừa run
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO