Thấy gì qua các phiên đấu thầu vàng miếng SJC gần đây

Thụy Lê| 05/05/2024 19:23

A.I

A.I
Nguyên nhân thất bại của các phiên đấu thầu vàng, đầu tiên có lẽ là mức giá tham chiếu mà NHNN đặt ra cao, không đủ hấp dẫn các doanh nghiệp tham gia. Ảnh: LÊ VŨ

Vì sao thất bại?

Trong ba phiên đấu thầu vàng miếng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức trong tuần vừa qua, vào các ngày 22, 23 và 25-4-2024, có hai phiên phải hủy do không đủ số lượng doanh nghiệp tham gia, duy nhất một phiên thành công vào ngày 23-4, nhưng tỷ lệ trúng thầu cũng chỉ đạt 20%, với 2/11 doanh nghiệp tham gia trúng thầu vỏn vẹn 3.400 lượng trên tổng số 16.800 lượng vàng miếng SJC bán ra.

Về nguyên nhân thất bại của các phiên đấu thầu vàng, đầu tiên có lẽ là mức giá tham chiếu mà NHNN đặt ra cao, không đủ hấp dẫn các doanh nghiệp tham gia. Cụ thể, ngày 22-4 giá tham chiếu là 81,8 triệu đồng/lượng, ngày 23-4 là 80,7 triệu đồng/lượng và ngày 25-4 tăng lên 82,3 triệu đồng/lượng. Các mức giá này không chênh lệch nhiều so với giá mà các doanh nghiệp đang mua vào trên thị trường, nên rõ ràng không thể giúp kéo được giá vàng trong nước đi xuống.

Thứ hai là với khối lượng đặt thầu tối thiểu được cho là lớn, các doanh nghiệp có thể gặp rủi ro khi lỡ đăng ký mua với mức giá cao mà NHNN đưa ra, nhưng sau đó nếu giá thế giới giảm sâu mà các doanh nghiệp chưa thể nhận được vàng từ NHNN hoặc đã nhận được rồi nhưng không tiêu thụ kịp, rủi ro thua lỗ là khá lớn. Việc giá bán ra và mua vào vàng miếng SJC nới rộng lên đến 2 triệu đồng/lượng trong thời gian qua phần nào đã thể hiện tính rủi ro mà các doanh nghiệp kinh doanh vàng đang e ngại.

Thực tế thị trường vàng quốc tế đã phát đi những tín hiệu điều chỉnh. Sau khi lập đỉnh gần nhất ở 2.431 đô la Mỹ/ounce vào ngày 12-4, giá vàng thế giới giao ngay đã “cù cưa” quanh vùng đó trước khi giảm mạnh 64 đô la Mỹ/ounce, tương đương giảm 2,7% trong ngày 22-4, cũng là ngày mà NHNN tổ chức đấu thầu vàng miếng phiên đầu tiên. Sự sụt giảm mạnh này đã khiến các chỉ báo kỹ thuật phát ra tín hiệu thị trường đã bước vào giai đoạn điều chỉnh, ít nhất là trong ngắn hạn.

Trong khi đó, hiện nay, với mức giá trong nước cao và giữ chênh lệch lớn so với giá thế giới, lực cầu cũng đã suy yếu do sợ rủi ro. Vì vậy, có lý do để các doanh nghiệp lo ngại sẽ không tiêu thụ kịp lượng vàng nếu mua thành công từ NHNN. Chưa kể hiện nay nhiều người có khuynh hướng thích mua vàng nhẫn hơn là vàng miếng, không chỉ vì mức giá tốt hơn mà vàng nhẫn còn có thể dùng làm đồ trang sức. Do đó, lượng vàng miếng SJC mà NHNN mang ra đấu thầu cũng không còn quá hấp dẫn như trước.

Dự trữ vàng của Việt Nam đang là bao nhiêu?

Về việc rủi ro chưa/không thể nhận kịp vàng đấu thầu từ NHNN, xuất phát từ thông báo đấu thầu của NHNN có lưu ý “Trường hợp NHNN không mua được vàng từ thị trường quốc tế do đối tác không đủ cung vàng theo nhu cầu của NHNN, NHNN quyết định hủy kết quả thầu”. Từ đó, có thể thấy các doanh nghiệp sẽ khó có thể chủ động được các giao dịch mua bán dù có đấu thầu thành công hay không.

Tuy nhiên, sự lưu ý này dường như chỉ mang tính phòng xa, vì dự trữ ngoại hối của NHNN hiện nay cũng có một tỷ lệ vàng dự trữ nhất định nên nhà điều hành có lẽ không phải quá phụ thuộc vào việc mua vàng từ nước ngoài. Theo thống kê của đơn vị cung cấp dữ liệu toàn cầu CEIC, cập nhật đến tháng 11-2023, dự trữ vàng trong kho dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang có giá trị hơn 666 triệu đô la Mỹ.

Đây là mức cao kỷ lục từ trước đến nay, cho thấy Việt Nam cũng nằm trong xu hướng chung của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu là ngày càng đa dạng hóa kho dự trữ ngoại hối một phần sang các tài sản vật chất là các kim loại quý như vàng. So với thời điểm cuối năm 2022, dữ liệu của CEIC cho thấy dự trữ vàng của Việt Nam đã tăng thêm 75 triệu đô la Mỹ.

Thật ra, vấn đề lớn nhất của các phiên đấu thầu vàng vừa qua chính là mức giá đấu thầu quá cao đã làm triệt tiêu động lực tham gia của các doanh nghiệp.

Nếu quy đổi theo mức giá 82 triệu đồng/lượng và với tỷ giá 25.450 – giá đô la Mỹ bán ra của NHNN, 666 triệu đô la Mỹ này tương đương với số vàng trị giá gần 207.000 lượng, gấp hơn 12,3 lần số vàng mà NHNN đem ra đấu thầu trong mỗi phiên vừa qua. Vì vậy, lo ngại về việc NHNN có thể quyết định hủy kết quả đấu thầu vì không đủ lượng vàng cung ứng dường như chưa đủ cơ sở.

Thật ra, vấn đề lớn nhất của các phiên đấu thầu vàng chính là ở nguyên nhân đầu tiên – mức giá đấu thầu quá cao đã làm triệt tiêu động lực tham gia của các doanh nghiệp. Nếu như các đợt đấu thầu những năm trước đây của NHNN chủ yếu nhằm giúp các tổ chức tín dụng cải thiện tình trạng âm trạng thái vàng, do đó có thể xác định theo giá thị trường, thì các đợt đấu thầu lần này mục tiêu là nhằm thu hẹp chênh lệnh giữa giá trong nước và giá thế giới, nên việc xác định giá đấu thầu theo giá thị trường dường như thiếu tính hợp lý.

Tuy nhiên, đứng ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, có lẽ nhà điều hành cũng không muốn đối mặt với các rủi ro pháp lý về mặt điều hành chính sách, vì nếu xác định mức giá đấu thầu quá thấp so với giá thị trường đang giao dịch, cần phải có những cơ chế chấp nhận thiệt hại về mặt ngân sách nếu có. Ngoài ra, việc cung ứng thêm cho thị trường qua phương pháp đấu thầu dù đáp ứng đúng các quy định về mặt quy trình, nhưng dường như chỉ có tính chất giải tỏa tâm lý hơn là mang lại hiệu quả thật sự tăng cung cho thị trường.

Người viết bài này tự hỏi thay vì tổ chức các phiên đấu thầu dành cho các doanh nghiệp đủ điều kiện với giá tham chiếu cứng nhắc, nếu nguồn cung vàng từ NHNN chảy vào thị trường bằng cách đem lượng vàng này phân tán và bán trực tiếp cho các đại lý kinh doanh vàng, các tiệm vàng trên khắp đất nước tại mức giá mà chính các tiệm này đang mua vào, liệu hiệu quả chính sách có thực chất hơn, khi lượng cung vàng này có lẽ sẽ được hấp thụ tốt hơn với mức giá cũng tốt hơn, chứ không phải “ế ẩm” như tình trạng hiện nay.

Rất có thể khi các đại lý kinh doanh vàng, các tiệm vàng đón nhận lượng cung mới đột ngột này, trong khi lực bán ra vẫn thấp, họ sẽ nhanh chóng hạ giá mua vào và bán ra, khi đó chênh lệch giữa giá trong nước và thế giới có thể sẽ thu hẹp lại. Ngoài ra, cũng không loại trừ khả năng hiện nay nguồn cung vàng không thiếu so với nhu cầu, nhưng các đại lý kinh doanh vàng, các tiệm vàng vẫn neo giá cao hòng kiếm lợi nhuận từ chênh lệch lớn, cũng như nhằm hạn chế rủi ro trước biến động giá thế giới quá lớn, nên chính sách bán trực tiếp cho các đại lý kinh doanh vàng và các tiệm vàng, nếu được thực hiện, sẽ là cách để dò xét thử nhu cầu thật sự hiện nay trên thị trường.

Bài liên quan
  • Quản lý và điều tiết thị trường vàng ở Việt Nam: Những vấn đề nào cần xem xét?
    Loạt bài viết này của chúng tôi đánh giá hoạt động của thị trường vàng, vai trò của vàng hoặc tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế Việt Nam cùng với các chính sách quản lý và điều tiết của Nhà nước từ trước đến nay. Mục tiêu là đặt ra những vấn đề cần điều chỉnh trong chính sách quản lý và điều tiết thị trường vàng ở Việt Nam trong một bức tranh tổng thể và so sánh quốc tế. Mong muốn của chúng tôi là để thị trường vàng được vận hành một cách lành mạnh, đóng góp tích cực hơn cho nền kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật Tin tức IDS
Đừng bỏ lỡ
Thấy gì qua các phiên đấu thầu vàng miếng SJC gần đây
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO