Quản lý và điều tiết thị trường vàng ở Việt Nam: Những vấn đề nào cần xem xét?

Huỳnh Thế Du - Nguyễn Xuân Thành| 07/04/2024 04:50

Loạt bài viết này của chúng tôi đánh giá hoạt động của thị trường vàng, vai trò của vàng hoặc tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế Việt Nam cùng với các chính sách quản lý và điều tiết của Nhà nước từ trước đến nay. Mục tiêu là đặt ra những vấn đề cần điều chỉnh trong chính sách quản lý và điều tiết thị trường vàng ở Việt Nam trong một bức tranh tổng thể và so sánh quốc tế. Mong muốn của chúng tôi là để thị trường vàng được vận hành một cách lành mạnh, đóng góp tích cực hơn cho nền kinh tế.

Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới vẫn đang rất lớn. Ảnh: LÊ VŨ

Sự ra đời của Nghị định 24 và vai trò của nó

Trong bối cảnh bất ổn kinh tế vĩ mô ngày càng trầm trọng và có những quan điểm khác nhau liên quan đến vấn đề vàng, ngoại tệ ở Việt Nam, ngày 16-3-2011, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 02-KL/TW về tình hình kinh tế – xã hội năm 2011. Theo đó, Bộ Chính trị chỉ đạo:

“Nhanh chóng xây dựng các cơ chế, chính sách tăng cường quản lý thị trường ngoại tệ (đô la) và vàng, khắc phục tình trạng đầu cơ tích trữ, buôn bán trái phép. Có lộ trình và biện pháp phù hợp trong từng thời kỳ, đảm bảo lợi ích hợp pháp của người có tài sản này; quan tâm đúng mức nhu cầu chính đáng của doanh nghiệp và nhân dân, tránh tạo ra các “cú sốc” về tâm lý gây bất ổn xã hội; khuyến khích, không gây trở ngại cho việc thu hút các nguồn ngoại tệ từ nước ngoài về nước, tổ chức lại thị trường kinh doanh vàng”.

Nhìn lại lịch sử, sự tồn tại của vàng – loại hàng hóa đặc biệt trong nền kinh tế Việt Nam, là điều tất yếu. Vì vậy, cần có cái nhìn khách quan về tầm quan trọng của vàng nhằm có những chính sách hợp lý để thị trường vàng vận hành đúng đắn, tác động tích cực đến nền kinh tế.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) với vai trò là cơ quan quản lý và điều tiết thị trường vàng và ngoại hối đã hành động nhanh chóng và dứt khoát. Báo cáo thường niên năm 2012 của NHNN đã nêu:

“Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chính phủ trong điều hành thị trường vàng, NHNN đã soạn thảo, trình Chính phủ ban hành Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 3-4-2012 thay thế Nghị định 174/1999/NĐ-CP về điều tiết thị trường vàng và ban hành các quy định khác hướng dẫn thực hiện. NHNN chấm dứt hoạt động huy động và cho vay vàng của các tổ chức tín dụng và triển khai đồng bộ các giải pháp điều tiết thị trường vàng. NHNN áp dụng cơ chế độc quyền sản xuất lượng vàng của NHNN thông qua việc sử dụng thương hiệu vàng SJC và yêu cầu Công ty TNHH SJC gia công lượng vàng cho NHNN. NHNN đã cấp giấy phép kinh doanh vàng cho các doanh nghiệp đủ điều kiện, đồng thời tích cực phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Bộ Công an, Bộ Công Thương quản lý hoạt động kinh doanh vàng miếng của các tổ chức tín dụng, công ty được NHNN cấp phép”.

Sau khi Nghị định 24 được ban hành, NHNN đã hướng dẫn cụ thể qua Thông tư 16/2012/TT-NHNN ngày 25-5-2012; và sau đó đã điều chỉnh và sửa đổi một số nội dung trong Thông tư 15/2021/TT-NHNN ngày 30-9-2021.

Sau 12 năm kể từ khi ban hành, Nghị định 24 cùng các chính sách liên quan đã phát huy tác dụng. Trong đó, giải quyết các vấn đề liên quan đến việc ngân hàng thương mại tham gia kinh doanh vàng là kết quả rõ ràng và quan trọng nhất. Nói cách khác, Nghị định 24 là cần thiết và đã thể hiện vai trò.

Tuy nhiên, hiện còn tồn tại ba vấn đề dai dẳng

Thứ nhất, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới vẫn đang rất lớn. Sự chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước và thế giới đã xảy ra từ năm 2009, trước thời điểm đó về cơ bản không có sự chênh lệch lớn. Mức chênh lệch đã rất thấp trong giai đoạn 2017-2019 và tương tự như giai đoạn trước năm 2009. Tuy nhiên, mức này là hơn 20% đối với vàng SJC và khoảng 5% đối với vàng thường (vàng nhẫn) trong ba năm qua (hình 1). Hơn nữa, chênh lệch giữa giá chào bán và giá chào mua vào ngày 1-4-2024 là 3,2% đối với vàng SJC, và 1,7% đối với vàng nhẫn trong khi chỉ là 0,009% đối với vàng thế giới. Đang có những “ma sát” rất lớn trong vận hành của thị trường vàng ở Việt Nam.

Thứ hai, vàng nhập lậu. Tổng lượng tiêu thụ tại Việt Nam từ năm 2012-2023 theo số liệu của Hội đồng vàng thế giới là 739 tấn trong khi tổng giá trị vàng, bạc, đá quý nhập khẩu chính ngạch ước tính từ số liệu của Tổng cục Hải quan tương đương khoảng 150 tấn vàng. Thêm vào đó, sản xuất trong nước rất khiêm tốn. Điều này chỉ ra rằng một lượng đáng kể vàng tiêu thụ ở Việt Nam đã được nhập khẩu trái phép.

Thứ ba, sốt vàng. Không có sự khác biệt giữa đợt sốt vàng “mini” vào cuối năm 2023 và các đợt sốt vàng khác. Đó là sở thích hay lựa chọn của những người sẵn sàng giao dịch và nắm giữ vàng với ngộ nhận về khả năng tạo ra lợi nhuận của vàng, nó chỉ xảy ra khi giá vàng tăng đáng kể. Ổn định vĩ mô cùng với các phương án đầu tư đa dạng là giải pháp tốt nhất để giải quyết vấn đề này theo kinh nghiệm của các nước, đặc biệt là các nước phát triển.

Nói cách khác, các tài sản sẽ giảm sốt khi nền kinh tế phát triển, thị trường lành mạnh với các kênh đầu tư đa dạng. Trên thực tế, đợt sốt vàng “mini” cuối năm 2023 chủ yếu gây ra một số vấn đề tâm lý chứ không có tác động tiêu cực đáng kể cho cả nền kinh tế vì tỷ phần của vàng trong rổ tài sản được nắm giữ khá khiêm tốn. Những gì xảy ra cho thấy, chống sốt vàng không nên là một mục tiêu chính sách mà nó nên được đặt trong bối cảnh chung của ổn định vĩ mô, minh bạch thị trường và tạo ra sân chơi bình đẳng cho tất cả các loại tài sản có thể nắm giữ.

Mục tiêu chính sách và thực tế

Lý do chính để quản lý chặt chẽ thị trường vàng là việc vàng hóa sẽ gây ra bất ổn vĩ mô. Tuy nhiên, dữ liệu thực tế lại cho thấy một bức tranh rất khác. Lạm phát xảy ra khi lượng cung tiền trong nền kinh tế tăng với tốc độ nhanh hơn khả năng sản xuất hàng hóa và dịch vụ của nền kinh tế. Bên cạnh đó, lạm phát cao cũng là nguyên nhân làm suy yếu đồng nội tệ. Giống như các nước khác, không có bằng chứng cho thấy vàng gây ra lạm phát ở Việt Nam.

Khi lạm phát cao, lượng tiêu thụ vàng cũng cao. Nó chỉ ra rằng bất ổn vĩ mô liên quan đến lạm phát cao là nguyên nhân khiến nhu cầu vàng tăng cao vì đó là tài sản an toàn. Đây là hiện tượng phổ biến trên toàn thế giới và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Hình 2 cho thấy mối tương quan dương chặt chẽ giữa lạm phát và lượng vàng tiêu thụ của Việt Nam trong tổng lượng tiêu thụ của thế giới trong giai đoạn 2000-2023.

Trong lịch sử, vàng từ lâu đã luôn là tài sản được ưa chuộng ở Việt Nam. Vàng như một kẻ “gây rối” đã trở thành quan điểm phổ biến ở Việt Nam. Tuy nhiên, nhìn lại lịch sử, sự tồn tại của loại hàng hóa đặc biệt này trong nền kinh tế Việt Nam là điều tất yếu. Vì vậy, cần có cái nhìn khách quan về tầm quan trọng của vàng nhằm có những chính sách hợp lý để thị trường vàng vận hành đúng đắn, tác động tích cực đến nền kinh tế.

Những vấn đề được phân tích

Khái niệm vàng hóa xuất hiện thường xuyên ở Việt Nam, nhưng hiện vẫn chưa có định nghĩa chính thức và cụ thể. Do vậy, chúng tôi phân tích bốn vấn đề về vàng mà nó phản ánh tình trạng vàng hóa ở Việt Nam. Thứ nhất, khả năng thay thế hoặc cạnh tranh với tiền đồng của vàng. Thứ hai, tác động của vàng đến ổn định tỷ giá (đô la Mỹ/tiền đồng) và cán cân thanh toán. Thứ ba, tác động của vàng đến ổn định kinh tế vĩ mô, tài chính và hoạt động đầu cơ. Thứ tư, vàng tác động tới nguồn thu ngân sách. Các tác động dự kiến đối với bốn vấn đề này với kịch bản thị trường vàng được tự do hóa sẽ được phân tích cùng các khuyến nghị chính sách. Các bài viết tiếp theo sẽ phân tích cụ thể về những vấn đề liên quan.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tin tức IDS
Đừng bỏ lỡ
Quản lý và điều tiết thị trường vàng ở Việt Nam: Những vấn đề nào cần xem xét?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO