Đề án thanh toán không dùng tiền mặt đã được nhà nước phê duyệt từ 2016 theo Quyết định số 2545/QĐ-TTg. Mặc dù đã có những tiến triển đáng kể nhưng câu chuyện này dường như vẫn còn xa với mục tiêu trước xu hướng trên thế giới, đặc biệt là sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ.
Kể từ năm 2016 đến nay, đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực thanh toán được các cơ quan thẩm quyền ban hành, bao gồm cả cấp độ luật, nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn… Ngoài các văn bản này, nhà nước cũng ban hành nhiều cơ chế, chính sách, định hướng nhằm thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM).
Về phía doanh nghiệp, đặc biệt là ngành ngân hàng và các tổ chức tài chính, trước sự bùng nổ của số hóa đã phải thực hiện chuyển đổi số, chuyển sang sử dụng các kênh giao tiếp số để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Ngân hàng nhà nước đã hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và chính sách nhằm thúc đẩy phát triển thanh toán toán số, ngân hàng số.
Nhờ có các giải pháp đồng bộ của nhà nước, ngân hàng và các cơ quan thẩm quyền, trong những năm vừa qua, chuyển đổi số trong các ngân hàng phát triển rất nhanh. Theo ông Nguyễn Quốc Hùng - TTK Hiệp hội ngân hàng Việt Nam, nhiều ngân hàng có tỷ lệ giao dịch trên kênh số chiếm đến 94,97%, nhất là về thanh toán điện tử. Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại đã triển khai nhiều phương thức thanh toán mới dựa trên việc ứng dụng công nghệ, đáp ưng tốt nhu cầu khách hàng và phù hợp với xu thế trên thế giới.
Ông Hùng cho biết đến cuối năm 2022, đã có 40 ngân hàng triển khai quy trình mở tài khoản thanh toán eKYC (electronic Know Your Customer - hình thức định danh và xác thực khách hàng thông qua việc ứng dụng công nghệ để xác thực danh tính của khách hàng). Tính đến nay, TTKDTM đã tăng đáng kể về cả số lượng và giá trị.
Số tài khoản cá nhân mở tại các ngân hàng thương mại trong cả nước đạt con số 68,7 triệu, khoảng 70 tổ chức tín dụng cung cấp dịch vụ thanh toán qua Internet và 36 NHTM cung cấp DVTT qua ĐTDĐ.
Kết quả trên đã cho thấy quá trình chuyển đổi số đã làm thay đổi hành vi sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng, tác dộng mạnh mẽ đến tiến trình TTKDTM.
An toàn thông tin vẫn là thách thức lớn nhất
Bên cạnh những tiến triển khả quan về TTKDTM thì vẫn còn đó những khó khăn, trở ngại cần phải tháo gỡ, ông Hùng - TTK Hiệp hội Ngân hàng VN thừa nhận và nêu lên một số điểm.
- Môi trường pháp lý cho thanh toán diện tử chưa hoàn thiện
- Chi phí đầu tư cho công nghệ và phát triển sản phẩm - dịch vụ cao
- Hệ thống công nghệ giữa các NH không thống nhất
- Hạ tầng phục vụ cho hoạt động NH chưa đảm bảo
- Cạnh tranh với các công ty Fintech và các nhà thanh toán trực tuyến
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất trong chuyển đổi số ngành ngân hàng là đảm bảo an toàn và bảo mật cho các giao dịch thanh toán, đặc biệt trong bối cảnh tội phạm mạng ngày càng tăng về số lượng, phạm vi và mức độ tinh vi. Chính vì vấn đề này mà mức độ tin tưởng của người dùng vào các dịch vụ tài chính qua mạng không đủ để tạo cú hích trong TTKDTM.
Với sự ra đời của nhiều công nghệ tiên tiến như blockchain, big data, trí tuệ nhân tạo… là những yếu tố nền tảng nhằm đảm bảo an toàn và bảo mật cho các giao dịch, ngăn chặn xâm nhập trái phép vào hệ thống… đòi hỏi không chỉ đầu tư lớn mà còn phải thay đổi mô hình tổ chức, quản lý.
Hình ảnh tại Hội thảo khoa học do IDS tổ chức vào 01/7/2023 vừa qua.
Nắm bắt được những vấn đề nóng trong lĩnh vực ngân hàng - tài chính nói chung và thanh toán nói riêng, nhất là TTKDTM, một hội thảo khoa học do Viện Chiến lược phát triển Kinh tế số - IDS chủ trì đã được thực hiện vào ngày 01/7/2023 vừa qua với tiêu đề “Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam: hiện trạng và giải pháp thực hiện”.
Tại Hội thảo, ngoài các báo cáo về môi trường pháp lý cho TTKDTM, hiện trạng TTKDTM của đại diện cơ quan nhà nước và Hiệp hội Ngân hàng VN thì còn có sự hiện diện của các chuyên gia về bảo mật, an toàn thông tin, với các báo cáo về những vấn đề công nghệ nền tảng cho những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn của ngành tài chính - ngân hàng, thúc đẩy tiến trình TTKDTM.
Tiền kỹ thuật số CBDC và công nghệ blockchain
Tiền kỹ thuật số nói chung, hay còn gọi là tiền mã hóa, tiền điện tử, không phải là một khái niệm mới. Hiện nay trên thế giới đang lưu hành nhiều loại tiền kỹ thuật số, trong đó thông dụng nhất là Bitcoin. Khác với tiền giấy truyền thống hiện nay chúng ta đang sử dụng (bao gồm cả giao dịch tiền mặt và không tiền mặt) do các ngân hàng và tổ chức tài chính lưu giữ và quản lý, tiền kỹ thuật số được lưu trữ trên máy chủ đám mây hoặc thiết bị điện tử cá nhân và có thể được sử dụng để trao đổi hàng hóa và dịch vụ bằng cách sử dụng các ứng dụng thanh toán.
Ưu điểm nổỉ bật của tiền kỹ thuật số là khả năng bảo mật rất cao và tốc độ giao dịch nhanh và tiện lợi trong sử dụng.
Hiện nay trên thế giới, nhiều nước đã nghiên cứu và sử dụng tiền kỹ thuật số quốc gia. Tiền kỹ thuật số quốc gia được phát hành bởi ngân hàng trung ương (central bank digital curruncie - CBDC), có thể đóng vai trò là phương tiện trao đổi và giữ giá trị lưu trữ.
Theo chuyên gia Phan Hồng Quân, GĐ điều hành công ty Decom Holding, Hiệp hội Blockchain Việt Nam, thì hiện tại, CBDC không thể thay thế tiền giấy truyền thống mà chỉ có thể cùng song hành và hỗ trợ tiền giấy. Hơn nữa, khác với tiền giấy, tiền kỹ thuật số giúp theo dõi và giám sát việc sử dụng tiền tệ sau khi phát hành. Việc theo dõi này có thể giúp ngăn chặn các giao dịch gian lận và bất hợp pháp, đảm bảo an toàn hơn cho người dùng.
Để biết chi tiết hơn về việc triẻn khai CBDC trên thế giới, tham khảo bài “Tiền kỹ thuật số sẽ đạt 213 tỷ USD thanh toán vào năm 2030” và “Tiền kỹ thuật số: Khi trung Quốc đẩy mạnh, Mỹ tụt lại phía sau” trên trang tin của IDS.
Khi nói đến tiền kỹ thuật số, không thể không đề cập đến nền tảng công nghệ đằng sau đó. Công nghệ chúng ta cần hiểu ở đây là blockchain, hay chuỗi khối.
Blockchain là một công nghệ lưu trữ và truyền thông tin phân tán (decentralized) được sử dụng để ghi lại thông tin giao dịch một cách công khai và bảo mật. Nó được sử dụng chủ yếu để xây dựng và duy trì các hệ thống tiền điện tử và tiền mã hóa (cryptocurrency) như Bitcoin, Ethereum… nhưng cũng có thể được áp dụng trong nhiều lĩnh vực khác như chuỗi cung ứng, bầu cử điện tử, quản lý tài sản, bảo hiểm và nhiều ứng dụng khác.
Blockchain đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra tính minh bạch, an toàn và phi tập trung trong các hệ thống tài chính và quản lý thông tin. Nó mang lại tiềm năng cải thiện hiệu suất và tiết kiệm chi phí trong nhiều lĩnh vực khác nhau và đã thu hút sự quan tâm của nhiều tổ chức tài chính, ngân hàng trên thế giới.