Phát biểu buổi tọa đàm “Tương lai Tài chính số Việt Nam” do Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam phối hợp cùng VietnamFinance tổ chức sáng nay (21/4), ông Dương Quốc Anh - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển kinh tế số (IDS) cho rằng đã đến lúc cần có Hiệp hội Fintech.
Theo ông Dương Quốc Anh, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trên thế giới, fintech có 3 ngạch chính: các ngân hàng số hoá các quy trình nghiệp vụ; các big tech kết hợp và cung cấp dịch vụ cho các ngân hàng, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực tài chính; các ngân hàng số.
Mặc dù hiện tại công nghệ tài chính đang phát triển rất mạnh, nhưng cho tới nay, chưa quốc gia nào có thể khẳng định có đủ hệ thống pháp lý về lĩnh vực này. Tại Việt Nam, chủ yếu Ngân hàng Nhà nước đang đi đầu trong lĩnh vực này, dù thị trường mong muốn hơn.
Trong 1 báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, nước ta hiện có khoảng 40 doanh nghiệp fintech có tên tuổi, 72% fintech kết hợp với các ngân hàng để cung cấp dịch vụ, 28% còn lại hoặc tự phát triển các dịch vụ mới, hoặc cạnh tranh với các nhân hàng.
Nói về tốc độ phát triển fintech của Việt Nam, ông Dương Quốc Anh nhận định: “Sự phát triển fintech của Việt Nam rất nhanh, tiềm lực lớn nhưng còn nhiều hạn chế, rủi ro cho các nhà đầu tư”, do quy định pháp lý chưa rõ ràng.
Nói về những khó khăn, ông Dương Quốc Anh cho rằng có 4 khó khăn chính.
Thứ nhất là khó khăn về nguồn nhân lực, khi fintech yêu cầu những nhân lực vừa am hiểu công nghệ thông tin vừa am hiểu tài chính, ngân hàng.
Thứ hai là chi phí đầu tư, vận hành vô cùng lớn (10 ngân hàng lớn đầu tư mỗi năm khoảng 15.000 USD).
Thứ ba là khó khăn về pháp lý như quy định về fintech chưa rõ ràng chưa đồng bộ. Một số quy định về thủ tục; vấn đề xác định danh tính khách hàng; chưa có nguồn thông tin đảm bảo về kho dữ liệu; các quy định về hợp đồng điện tử, chữ ký số, tài sản số; các quy định về tố tụng, quyền sở hữu, hình sự cũng chưa rõ ràng. Thứ tư là công tác bảo mật thông tin cho khách hàng là một vấn đề rất đáng ngại.
“Về kiến nghị, tôi chỉ nói về vấn đề pháp lý. Quan trọng nhất là xây dựng 1 khuôn khổ pháp lý. Khi tôi còn là Vụ trưởng, các quy định, thông tư, nghị định cho các tổ chức tham gia vào hệ thống có 3 nguyên tắc: tính chắc chắn về mặt pháp lý; bình đẳng giữa các bên khi tham gia thị trường; tính tương xứng giữa yêu cầu về quản trị rủi ro, ngăn chặn rủi ro giữa các quy định.
“Đối với Việt Nam, tôi nghĩ đến lúc này, các fintech nên ngồi lại với nhau để có tiếng nói chung vì lợi ích chung, có thể giải trình với các cơ quan quản lý và cần các buổi hội thảo có cơ quan quản lý. Tôi nghĩ rằng đã đến lúc chúng ta cần có Hiệp hội Fintech. Chúng tôi đang cố gắng thành lập và hướng tới kết hợp chặt chẽ, tổng hợp tiếng nói của các doanh nghiệp fintech”.