Chính phủ Indonesia cho rằng các fintech tham gia cung cấp các dịch vụ tài chính là hoạt động đổi mới tài chính kỹ thuật số trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, do vậy chiến lược phát triển fintech phải hướng tới mục tiêu cân bằng giữa sự đổi mới với tính toàn vẹn của thị trường tài chính và bảo vệ khách hàng.
LTS: Indonesia là một quốc gia lớn với tiềm năng dồi dào có thể được khai thác thông qua đổi mới tài chính kỹ thuật số. Gần đây nhiều nhà nghiên cứu đã cho rằng bằng cách chuẩn bị chiến lược đúng đắn và sự chủ động, quyết liệt thực hiện các hành động của chính phủ, Indonesia rất có thể dẫn đầu về tài chính và là một trong những trung tâm fintech nổi bật ở châu Á trong tương lai. Bài viết này xin được giới thiệu và chia sẻ với bạn đọc những phân tích và đánh giá của các nhà nghiên cứu về những nỗ lực của các cơ quan quản lý Indonesia trong việc thúc đẩy phát triển fintech trong chiến lược phát triển tài chính toàn diện.
Mục tiêu và chiến lược phát triển tài chính toàn diện
Indonesia là nền kinh tế lớn thứ 16 thế giới (lớn thứ 8 theo sức mua tổng sản phẩm quốc nội) và là quốc gia đứng thứ 4 thế giới về dân số (276 triệu người năm 2017). Mặc dù có số lượng người dùng Internet nhiều (132,7 triệu người) nhưng số người có kiến thức về kênh kỹ thuật số quốc gia và mức sử dụng kênh kỹ thuật số ở Indonesia còn tương đối ít. Khu vực tài chính của Indonesia đã phát triển ổn định và trở nên linh hoạt hơn nhờ các chương trình tái cơ cấu sau hai cuộc khủng hoảng ngân hàng và tài chính năm 1997 và 2008. Tuy nhiên, chỉ số tài chính toàn diện năm 2017 của Ngân hàng Thế giới cho thấy ở Indonesia chỉ có 48,9% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng và người có thu nhập thấp, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) của Indonesia chỉ tiếp cận được 57 tỷ US$ từ nguồn tài chính chính thức trong khi nhu cầu thực tế của họ là 165 tỷ US$.
Chính phủ Indonesia đứng đầu là Tổng thống Joko Widodo đã đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 Indonesia sẽ là nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới (lớn thứ 5 tính theo sức mua tổng sản phẩm quốc nội); dân số thuộc tầng lớp trung lưu sẽ là 135 triệu người và dân số được xếp vào nhóm lao động có tay nghề cao là 113 triệu người (năm 2018, dân số được xếp loại tầng lớp trung lưu và nhóm lao động có tay nghề cao của Indonesia là 45 triệu và 55 triệu người); đưa Indonesia trở thành nước đổi mới công nghệ thông tin hàng đầu cùng với Trung Quốc và Ấn độ. Để đạt được những mục tiêu nêu trên, Chính phủ Indonesia đã đẩy mạnh phát triển fintech như một động lực mang lại cơ hội thu hẹp khoảng cách hiện tại trong tài chính toàn diện và cung cấp tài chính. Bên cạnh đó, chính phủ cũng thực hiện các chính sách nhằm đưa 6 triệu MSME chuyển sang kỹ thuật số để tăng cường khả năng tiếp cận nguồn tài chính.
Chính phủ Indonesia cho rằng các fintech tham gia cung cấp các dịch vụ tài chính là hoạt động đổi mới tài chính kỹ thuật số trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, do vậy chiến lược phát triển fintech phải hướng tới mục tiêu cân bằng giữa sự đổi mới với tính toàn vẹn của thị trường tài chính và bảo vệ khách hàng. Trên tinh thần đó chính phủ đã đưa ra năm chiến lược để hỗ trợ các đổi mới tài chính kỹ thuật số ở Indonesia, gồm: (1) Chiến lược tổng thể và cân bằng: chính phủ đảm bảo khả năng phát triển an toàn và lành mạnh, đồng thời thúc đẩy sự đổi mới và cạnh tranh của các fintech. Trong khi các fintech phải có trách nhiệm đảm bảo bảo vệ khách hàng trong hoạt động kinh doanh của mình để gây dựng và duy trì niềm tin trong ngành; (2) Khung quy định linh hoạt: các quy định mang tính nguyên tắc đối với đổi mới tài chính kỹ thuật số là ngành công nghiệp fintech rất năng động nên phải rất linh hoạt nhưng đồng thời phải quy định rõ trách nhiệm của ngành trong việc xác định các quy tắc ứng xử và tiêu chuẩn hoạt động phù hợp với hoạt động kinh doanh của họ; (3) Giám sát thực hiện thị trường: cơ quan quản lý của chính phủ chịu trách nhiệm ban hành quy định và giám sát fintech. Trong khi đó, các công ty fintech có trách nhiệm tự quản lý hoạt động kinh doanh của họ lành mạnh, quản trị rủi ro chặt chẽ và tuân thủ nghiêm túc. Chính phủ chỉ định một Hiệp hội Fintech để giám sát sự phát triển của fintech; (4) Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox): Sandbox là cơ chế kiểm tra của cơ quan quản lý để đánh giá độ tin cậy của quy trình kinh doanh, mô hình kinh doanh, công cụ tài chính và quản trị của nhà đổi mới tài chính kỹ thuật số dựa trên các tiêu chí cụ thể được xác định trước. Sandbox cũng cho phép cơ quan quản lý nắm bắt sâu hơn về các mô hình kinh doanh fintech và những rủi ro, đồng thời cho phép các công ty fintech cải thiện mô hình kinh doanh và quản trị của họ; (5) Đổi mới kỹ thuật số: chính phủ nuôi dưỡng sự đổi mới và trách nhiệm tài trợ thông qua việc thành lập Trung tâm Fintech tại OJK (Otoritas Jasa Keuangan - Cơ quan Quản lý Dịch vụ Tài chính Indonesia), được đặt tên là “OJK Infinity” - “Trung tâm Sáng tạo OJK về Công nghệ Tài chính Kỹ thuật số”. OJK Infinity thực hiện ba nhiệm vụ chính là trung tâm đào tạo và đổi mới về fintech; trung tâm truyền thông điều phối mối quan hệ hợp tác với các bên có liên quan; và trung tâm thử nghiệm cho sandbox.
Các quy định pháp lý cho hoạt động fintech ở Indonesia
Về mặt quản lý, việc quản lý và điều chỉnh hoạt động của fintech ở Indonesia chủ yếu do Ngân hàng Trung ương Indonesia và OJK thực hiện. Ngân hàng Trung ương Indonesia điều chỉnh fintech liên quan đến thanh toán, trong khi OJK điều chỉnh tất cả fintech cung cấp dịch vụ tài chính, chẳng hạn như ngân hàng kỹ thuật số, cho vay P2P, huy động vốn cộng đồng, công nghệ bảo hiểm, đầu tư và các công ty tổng hợp thị trường. Ngoài ra, các Bộ ngành khác của Chính phủ Indonesia, trong phạm vi trách nhiệm của mình cũng đóng vai trò hỗ trợ tích cực vào quá trình quản lý và phát triển Fintech. Ví dụ như Bộ Thông tin và Truyển thông Indonesia đã đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghệ tài chính với việc chủ trì ban hành Luật Giao dịch và Thông tin điện tử đầu tiên vào tháng 11 năm 2008. Bộ Luật này đã không ngừng được hoàn thiện và bổ sung vào năm 2012 và năm 2016 nhằm không ngừng nâng cao yêu cầu bảo vệ dữ liệu cá nhân trong hệ thống thông tin điện tử.
Về khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của các fintech, cũng như các cơ quan quản lý của các nước, thách thức chính đối với cơ quan quản lý Indonesia trong việc xây dựng và ban hành khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của fintech là cân bằng giữa sự đổi mới với tính toàn vẹn của thị trường tài chính và bảo vệ khách hàng, các quy định về fintech vừa phải nuôi dưỡng sự đổi mới nhưng đồng thời phải hướng dẫn tính chịu trách nhiệm của fintech. Trên cơ sở đó, các cơ quan quản lý của Indonesia đã đưa ra bốn nguyên tắc chính trong việc quy định hoạt động cho fintech, gồm: (i) tạo ra sân chơi phải bình đẳng và trung lập về mặt công nghệ; (ii) phải có khả năng thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của fintech trong tương lai; (iii) sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý ngành tài chính với các cơ quan quản lý các lĩnh vực khác như bảo vệ dữ liệu, phòng ngừa rủi ro, chống độc quyền; (iv) các quy định phải hướng tới sự phát triển toàn cầu của công nghệ và thị trường dịch vụ tài chính.
Qui định do Ngân hàng Trung ương Indonesia ban hành: Ngân hàng Trung ương Indonesia chủ yếu ban hành các quy định liên quan đến việc các công ty fintech tham gia cung cấp các dịch vụ thanh toán. Quy định này nhằm hỗ trợ tạo lập hệ sinh thái fintech và nền kinh tế Indonesia, đặc biệt là các công ty cung cấp dịch vụ thanh toán. Các nhà cung cấp fintech có nghĩa vụ đăng ký tại Ngân hàng Trung ương Indonesia và không được sử dụng tiền kỹ thuật số. Các fintech cũng phải được thử nghiệm trong sandbox khoảng một năm trước khi có thể được cấp giấy phép hoạt động chính thức. Ngân hàng Trung ương Indonesia còn ban hành quy định về Tiền điện tử (e-money). Quy định này nhằm phù hợp với sự phát triển của các mô hình kinh doanh tiền điện tử, nâng cao năng lực thể chế của các tổ chức phát hành tiền điện tử, bao gồm cả vốn và thành phần sở hữu.
Các quy định chính do OJK ban hành: Trong những năm qua, OJK đã đóng vai trò chính trong việc hoạch định chiến lược và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, chủ động hoàn thiện hành lang pháp lý cho sự phát triển và hoạt động của các fintech tại Indonesia. Về nguyên tắc chung, OJK qui định việc các fintech tham gia cung cấp các dịch vụ tài chính là hoạt động đổi mới tài chính kỹ thuật số trong lĩnh vực dịch vụ tài chính. Bất kỳ công ty fintech nào đều phải đăng ký với OJK để thực hiện quy trình sandbox. Nội dung chính của quy định này là đổi mới tài chính có trách nhiệm, áp dụng hệ thống bảo mật nguồn dữ liệu chặt chẽ và quản trị tốt, cũng như tuân thủ các quy tắc bảo vệ khách hàng và chống rửa tiền, chống khủng bố.
Cơ chế khai báo và đăng ký: Tất cả các công ty fintech phải tuân thủ quy định khai báo và đăng ký với OJK theo ba bước chính: 1. Khai báo thông tin: Các công ty Fintech phải báo cáo tất cả các tài liệu cần thiết cho OJK để kiểm tra và xem xét: (i) đáp ứng các tiêu chí với tư cách là nhà đổi mới và tuân thủ quy định của OJK hay không; (ii) được lựa chọn để thử nghiệm trên sandbox; và (iii) được phân loại vào nhóm kinh doanh nào. 2. Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox): Sandbox được tiến hành bằng cách sử dụng phương pháp lấy mẫu và tạo mẫu, trong đó fintech được chọn từ mỗi mô hình kinh doanh được thử nghiệm. Có năm bước chính liên quan: (i) kiến thức về mô hình kinh doanh, quy trình kinh doanh và quản trị; (ii) lựa chọn phương pháp và kịch bản xem xét; (iii) thử nghiệm và trải nghiệm; (iv) cải tiến mô hình; và (v) đánh giá cuối cùng. Quá trình này được một hội đồng bao gồm những người giám sát, đánh giá và đưa ra ý kiến quyết định liệu mô hình fintech đó có cần cải tiến, nâng cấp hay được khuyến nghị cho phép đăng ký hoạt động. Thời gian của quy trình sandbox có thể thay đổi từ vài tháng đến một năm, với thời gian gia hạn lên đến sáu tháng nếu họ được yêu cầu chấn chỉnh hoạt động kinh doanh của mình. 3. Đăng ký. Các công ty Fintech được khuyến nghị sau quá trình thử nghiệm sandbox phải tiến hành đăng ký kinh doanh muộn nhất là 6 tháng sau khi nhận được kết quả.
Mặc dù đặt dưới sự quản lý và giám sát của OJK nhưng từng fintech tự chịu trách nhiệm của mình. Các fintech phải tự phát triển và áp dụng quản lý, quản trị rủi ro chặt chẽ và đảm bảo tuân thủ các qui định, đảm bảo hoạt động lành mạnh, an toàn; Trong quá trình thực hiện Sandbox, các fintech phải báo cáo kết quả hoạt động hàng quý. Sau khi đăng ký hoạt động kinh doanh phải gửi báo cáo tự đánh giá rủi ro hàng tháng, phải liên tục cập nhật báo cáo khách hàng thường xuyên về hiệu quả của các danh mục đầu tư; Các công ty fintech phải áp dụng các nguyên tắc cơ bản về bảo vệ khách hàng, bao gồm tính minh bạch, đối xử công bằng, độ tin cậy, quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu cũng như xử lý hiệu quả và hiệu lực các khiếu nại của khách hàng.
OJK cũng ban hành các qui định liên quan đến việc cho vay dựa trên công nghệ thông tin để hỗ trợ sự phát triển của các nền tảng cho vay fintech P2P như giải pháp thay thế tài chính mới cho cộng đồng chưa được hưởng các dịch vụ tối ưu từ các tổ chức dịch vụ tài chính hiện thời. Nền tảng P2P được phân loại là các tổ chức dịch vụ tài chính khác và đồng thời qui định các fintech phải có trách nhiệm bảo vệ khách hàng. Đồng thời, OJK cũng ban hành qui định huy động vốn từ cộng đồng nhằm mục đích thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở Indonesia bằng cách cung cấp quyền tiếp cận cho các công ty khởi nghiệp và các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc huy động vốn điện tử để phát triển hoạt động kinh doanh của họ.
Tất cả các ngân hàng muốn phát hành các sản phẩm điện tử/kỹ thuật số phải xin phép và được OJK cấp phép. Các ngân hàng phải nhấn mạnh đổi mới sản phẩm, hợp tác với các đối tác và quy trình kỹ thuật số để đảm bảo dịch vụ tốt hơn cho khách hàng và quản lý rủi ro hiệu quả.
Về bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ của Fintech: Một trong những lý do chính khiến khách hàng còn hạn chế sử dụng các sản phẩm dịch vụ của fintech là do lo ngại về sự thiếu an toàn của sản phẩm và tính bảo mật của các dữ liệu thông tin. OJK đã ban hành các qui định liên quan đến bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, trong đó yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ phải có trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng, đảm bảo tính minh bạch, đối xử công bằng, đáng tin cậy, quyền riêng tư và an toàn đối với dữ liệu thông tin của khách hàng cũng như xử lý đơn giản các khiếu nại và giải quyết bất đồng của khách hàng đối với hoạt động của họ một cách nhanh chóng và không phát sinh chi phí. Đồng thời, ngoài những qui đình về bảo vệ dữ liệu khách hàng tại Luật Giao dịch và Thông tin điện tử, OJK công bố thông tin thường xuyên về các fintech đã đăng ký và khuyến khích khách hàng chỉ thực hiện giao dịch với các fintech đã được OJK công bố chính thức; OJK cũng yêu cầu các fintech thực hiện đổi mới tài chính kỹ thuật số phải có trách nhiệm ưu tiên bảo vệ và quản trị thông tin dữ liệu khách hàng.
Nâng cao kiến thức tài chính: OJK đã thực hiện khảo sát cho thấy chỉ có khoảng 30% dân số Indonesia hiểu biết về tài chính và cho rằng chiến lược bao trùm tài chính tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ do hoạt động tài trợ tiêu dùng trực tuyến cho các cá nhân nghèo vay vốn nhưng không thể hoàn trả nếu họ không được trang bị các kiến thức tài chính cần thiết. Trên cơ sở đó, OJK đã đưa ra chủ trương tài chính toàn diện phải được tích hợp với chương trình giáo dục khách hàng và nâng cao hiểu biết về tài chính. Sự hiểu biết về tài chính bao hàm khả năng tạo ra những nhận thức sáng suốt và đưa ra những lựa chọn thích hợp về việc sử dụng tiền vay. Sự hiểu biết về tài chính có thể tạo ra sự thay đổi không chỉ trong cuộc sống của từng cá nhân mà còn về tính toàn vẹn và chất lượng của thị trường. Ở Indonesia, sự cần thiết về hiểu biết tài chính thậm chí còn quan trọng hơn do trình độ học vấn thấp và dân số đông, hầu hết trong số đó vẫn nằm ngoài hệ thống tài chính chính thức, đặc biệt là ở các vùng nông thôn. OJK đã đưa ra các quy định về trách nhiệm và nghĩa vụ của các fintech trong việc thúc đẩy hiểu biết về tài chính, đổi mới tài chính kỹ thuật số trong lĩnh vực dịch vụ tài chính. Qua đó, các fintech đã tham gia vào việc cải thiện khả năng tài chính toàn diện bằng cách cung cấp một cách có trách nhiệm và bền vững cho các cá nhân và doanh nghiệp khả năng tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ tài chính như giao dịch, thanh toán, tiết kiệm, tín dụng và bảo hiểm. Fintech cũng có thể cung cấp nguồn tài chính cần thiết cho các MSME. Một số fintech đã đưa ra chiến lược tập trung hướng đến thế hệ Y (độ tuổi từ 18 đến 34), phát hành các tài liệu giới thiệu, sách điện tử về sản phẩm tài chính, về đầu tư mà khách hàng có thể dễ dàng truy cập và tổ chức các khóa học trực tuyến về lập kế hoạch tài chính, giáo dục tài chính cho khách hàng.
Hành vi của các định chế tài chính: Mục tiêu ban đầu của fintech là chủ yếu tập trung tiếp cận với các đối tượng đã bị bỏ qua và đồng thời cung cấp các dịch vụ tốt hơn cho các khách hàng đã có quan hệ với ngân hàng. Sự phát triển mạnh mẽ của các fintech trong thời gian qua đã khiến các định chế tài chính Indonesia nhận thức được tầm quan trọng của việc áp dụng công nghệ trong quá trình kinh doanh của họ, hầu hết các định chế này đều đang triển khai các sáng kiến kỹ thuật số để tăng trưởng doanh thu nhanh chóng, chủ động cung cấp các dịch vụ tài chính để mở rộng hợp tác với các fintech. Một số ngân hàng lớn của Indonesia đã phát triển các chương trình ươm tạo, tổ chức các sự kiện và chương trình tài trợ mà thông qua đó họ tương tác với các công ty khởi nghiệp; thành lập ra các quỹ đầu tư mạo hiểm fintech, tài trợ cho công ty khởi nghiệp đầu đọc thẻ, công ty cho vay vi mô, phần mềm bán hàng, cùng các công ty khởi nghiệp khác. Một số ngân hàng tư nhân quy mô trung bình, nhắm mục tiêu đến các MSME và phân khúc trung bình, ra mắt các vườn ươm khởi nghiệp, cho phép các công ty khởi nghiệp trong chương trình có thể sử dụng không gian văn phòng tại không gian làm việc chung của chương trình
*
* *
Có thể còn quá sớm để khẳng định sự thành công của Indonesia trong việc thúc đẩy đổi mới tài chính kỹ thuật số trong chiến lược phát triển tài chính toàn diện. Tuy nhiên những kết quả đạt được của Indonesia trong việc áp dụng một chiến lược quản lý cân bằng đã có kết quả tích cực trong việc bảo đảm khả năng phát triển và thúc đẩy tăng trưởng năng động và đổi mới. Tinh thần đổi mới có trách nhiệm là một nỗ lực quan trọng nhằm thiết lập một khu vực tài chính kỹ thuật số ổn định, đóng góp, bao trùm và bền vững. Indonesia vẫn cần tiếp tục phát triển một lộ trình fintech toàn diện phù hợp với chiến lược và lộ trình nền kinh tế kỹ thuật số quốc gia nhằm phát triển một hệ sinh thái lành mạnh, bao gồm bảo vệ dữ liệu, bảo vệ khách hàng, quy định và giám sát, sandbox, trung tâm đổi mới, quản lý rủi ro bao gồm cả rủi ro không gian mạng. Những cố gắng của chính phủ Indonesia nhằm tạo ra một khu vực tài chính bền vững và toàn diện hơn cho đất nước này trong những năm gần đây rất đáng được nghiên cứu và chia sẻ với các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam ./.