6 biện pháp quản lý Fintech ở Trung Quốc

Dương Quốc Anh - Phó Viện trưởng IDS| 07/04/2023 08:50

Với nhận thức vai trò của Fintech như một động lực mới cho sự phát triển chất lượng cao, chính phủ Trung Quốc đã tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ trong việc xây dựng một hệ thống quy định cơ bản và thống nhất, kịp thời xác định và phòng ngừa, giảm thiểu các rủi ro để hướng tới phát triển lành mạnh và bền vững thị trường Fintech tại Trung Quốc. Việc nghiên cứu các kinh nghiệm của Trung Quốc là rất hữu ích đối với các nhà quản lý của các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Sự phát triển nhanh chóng và ồ ạt của Fintech trong những năm đầu thập kỷ trước đã đặt ra những thách thức đối với chính sách tiền tệ, hệ thống giám sát tài chính cũng như những rủi ro cho sự an toàn, lành mạnh và ổn định của thị trường tài chính Trung Quốc. Trong tình hình đó, Chính phủ Trung Quốc đã triển khai nhiều kế hoạch, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của hệ thống các quy định nhưng đồng thời tiếp tục khuyến khích đổi mới, tăng cường cơ sở hạ tầng, thiết lập các tiêu chuẩn Fintech.

Trong bài viết này, chúng tôi xin chia sẻ những biện pháp đổi mới quản lý hoạt động Fintech của các cơ quan quản lý Trung Quốc.

1. Các biện pháp quản lý về cho vay trực tuyến

1.1 Cho vay P2P

P2P ở Trung Quốc bắt đầu xuất hiện vào năm 2006 khi nền tảng đầu tiên CreditEase được thành lập và đã tăng tốc phát triển kể từ năm 2011. Do mức độ phát triển kinh tế khu vực và những hỗ trợ chính sách khác nhau của chính phủ, nền tảng cho vay P2P có xu hướng cao tập trung ở một số tỉnh thành như Bắc Kinh, Quảng Đông, Thượng Hải, Chiết Giang. Tổng khối lượng giao dịch P2P hàng tháng đạt mức cao nhất là 253,7 tỷ CNY vào tháng 6 năm 2017, nhưng sau đó đã giảm xuống khoảng 78,0 tỷ CNY vào tháng 8 năm 2019 (theo trang wdzj.com theo dõi ngành). Trước năm 2017, do các nền tảng cho vay P2P phát triển nhanh chóng đã làm cho thị trường quá nóng, tạo ra rủi ro tài chính, bao gồm các khoản đầu tư chung và các hành vi gian lận của một số nền tảng, cũng như nhận thức của các nhà đầu tư về sự đảm bảo ngầm cho quỹ của họ.

fintech.jpg
Ảnh minh hoạ. Nguồn Internet

Chính phủ Trung Quốc đã tập trung nghiên cứu các quy định về cho vay P2P từ năm 2013. Quan điểm ​​hướng dẫn năm 2015 và các tài liệu tiếp theo nhấn mạnh rằng các nền tảng tín dụng trực tuyến về cơ bản là một trung gian thông tin chứ không phải trung gian tín dụng và xác định ranh giới hoạt động. Giấy phép P2P bắt buộc phải được đăng ký với cơ quan tài chính địa phương. Các nền tảng cho vay trực tuyến bắt buộc phải gửi tiền của khách hàng vào ngân hàng giám sát và các nền tảng P2P không được cung cấp bảo đảm cho khách hàng. Các ranh giới hoạt động cũng được thiết lập cho các nền tảng và các hành vi bị cấm bao gồm gây quỹ để tự sử dụng, bảo đảm tiền gốc hoặc lãi, chia nhỏ thời hạn của các dự án tài trợ, chứng khoán hóa tài sản của khoản nợ... Với Quan điểm hướng dẫn năm 2015, Trung Quốc đã triển khai chi tiết các biện pháp về cho vay P2P, với các biện pháp chính gồm:

  • Tháng 8/2016: Các biện pháp tạm thời về quản lý hoạt động kinh doanh của trung gian thông tin cho vay trực tuyến do CBRC (Ủy ban quản lý ngân hàng Trung Quốc), MIIT (Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin), MPS (Bộ Công an), CAC (Cục quản lý không gian mạng của Trung Quốc) phối hợp ban hành;
  • Tháng 11, 2016: Hướng dẫn về Tài liệu và Đăng ký Quản lý Thông tin Cho vay Trực tuyến Trung gian do CBRC, MIIT, SAIC (Cơ quan quản lý nhà nước về quy định thị trường) phối hợp ban hành;
  • Tháng 2/2017: Hướng dẫn về nghiệp vụ lưu ký của quỹ cho vay trực tuyến do CBRC ban hành;
  • Tháng 8/2017: Hướng dẫn Công bố Thông tin Hoạt động Kinh doanh Trung gian Thông tin Cho vay Trực tuyến do CBRC ban hành;
  • Tháng 8/2018: Quy định về việc Kiểm tra Tuân thủ của Trung gian Cho vay Trực tuyến P2P do Văn phòng cải cách P2P ban hành;
  • Tháng 12/2018: Quan điểm về Xử lý Phân loại và Phòng ngừa Rủi ro của Trung gian Cho vay Trực tuyến do Văn phòng cải cách Internet, Văn phòng cải cách P2P phối hợp ban hành;
  • Tháng 1/2019: Quy định về việc Tăng cường Kiểm tra Tuân thủ đối với Cho vay Trực tuyến P2P do Văn phòng cải cách Internet, Văn phòng cải cách P2P phối hợp ban hành;

Thời gian đầu, các quy định P2P chủ yếu do CBRC chủ trì ban hành với các văn bản quy định và hướng dẫn như: Các biện pháp tạm thời về quản lý hoạt động kinh doanh của Trung gian thông tin cho vay trực tuyến (ban hành vào tháng 8 năm 2016), Hướng dẫn về Quản lý tài liệu và đăng ký Trung gian thông tin cho vay trực tuyến (tháng 11 năm 2016), Hướng dẫn về hoạt động kinh doanh lưu ký của quỹ cho vay trực tuyến (tháng 2 năm 2017) và Hướng dẫn công bố thông tin về hoạt động kinh doanh của Trung gian thông tin cho vay trực tuyến (tháng 8 năm 2017). Theo đó, các văn phòng tài chính địa phương chịu trách nhiệm giám sát thể chế đối với các trung gian thông tin cho vay trực tuyến trong phạm vi quyền hạn của mình. Tuy nhiên, với cơ chế đó một số vấn đề của cho vay P2P vẫn chưa được khắc phục và gây ra rủi ro tài chính trên toàn ngành vào mùa hè năm 2018. Một trong những vấn đề đó là bảo lãnh ngầm. Các nền tảng P2P phá vỡ quy tắc không đảm bảo bằng cách dựa vào bảo lãnh của bên thứ ba cho các quỹ của nhà đầu tư. Từ tháng 6 đến tháng 9 năm 2018, số lượng nền tảng bị đóng và có vấn đề đã vượt quá 100 mỗi tháng và đạt tới 289 vào tháng 7, với số lượng nền tảng có vấn đề đạt mức cao nhất lịch sử là 194.

Các chính sách quy định và kiểm tra tuân thủ tiếp theo, chủ yếu do văn phòng nhóm đứng đầu do chính phủ thành lập để tập trung khắc phục những rủi ro cho vay trực tuyến P2P (văn phòng cải cách P2P) và văn phòng nhóm đứng đầu về khắc phục đặc biệt rủi ro tài chính internet (văn phòng cải cách Internet) giải quyết các rủi ro đáng kể của P2P.

1.2. Cho vay vi mô trực tuyến

Các công ty cho vay vi mô trực tuyến ở Trung Quốc là kết quả “internet bổ sung” của các công ty cho vay vi mô truyền thống và phải tuân thủ các quy định hiện hành đối với các công ty cho vay món nhỏ. Cho vay vi mô được Trung Quốc khuyến khích để giảm bớt khó khăn về tài chính của nông dân và các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Các công ty cho vay vi mô trực tuyến cần một giấy phép bổ sung. Một đại diện nền tảng cho vay vi mô trực tuyến là Ant Credit. Tính đến cuối tháng 4 năm 2019, tại Trung Quốc đã có 264 công ty đã có giấy phép cho vay vi mô trực tuyến (theo wangdai.com).

CBRC và các văn phòng tài chính địa phương là cơ quan quản lý chính của các công ty cho vay vi mô trực tuyến. Vào năm 2008, PBC và CBRC ban hành “Hướng dẫn về Chương trình thí điểm cho các công ty tài chính vi mô, trong đó trao quyền cho văn phòng tài chính địa phương (hoặc chính quyền địa phương có liên quan) để cấp phép cho việc thành lập các công ty cho vay vi mô. Một công ty cho vay vi mô không được phép nhận tiền gửi của công chúng, mà thay vào đó được tài trợ bởi các cổ đông, quỹ tài trợ và không quá hai ngân hàng. Hơn nữa, số dư tài trợ từ các ngân hàng không được vượt quá 50% vốn tự có của ngân hàng đó. Quan điểm hướng dẫn 2015 quy định CBRC có trách nhiệm quản lý cho vay vi mô. Tuy nhiên, tại Hội nghị Công tác Tài chính Toàn quốc đàu năm 2017 đã quyết định rằng việc cho phép thành lập và xử lý rủi ro đối với các công ty cho vay vi mô là trách nhiệm của các cơ quan tài chính địa phương.

Rủi ro tích tụ khi thị trường cho vay vi mô trực tuyến tăng trưởng nhanh chóng từ năm 2015 đến năm 2017. Rủi ro tài chính và rủi ro xã hội ẩn chứa đằng sau các vấn đề như vay quá nhiều, cấp tín dụng nhiều lần, thu sai quy định, lãi suất cao bất thường và xâm phạm quyền riêng tư cá nhân. Điều này đặc biệt liên quan đến các khoản vay ngắn hạn. Ngoài ra, các công ty cho vay vi mô trực tuyến đang ngày càng chứng khoán hóa các khoản vay trực tuyến của họ, điều này có thể tạo ra rủi ro tài chính lan truyền. Ví dụ: Ant Credit phát hành chứng khoán được bảo đảm bằng tài sản tài chính tiêu dùng để phá vỡ các hạn chế quy định về tỷ lệ đòn bẩy tối đa.

Để giải quyết những rủi ro, các quy định đã được thắt chặt đáng kể vào năm 2017. Tháng Tư năm 2017, CBRC ban hành Quy định về việc Xử lý và Chỉnh đốn của hoạt động cho vay của Payday và tiếp đó đã ban hành Quy định bổ sung về việc Xử lý và Chỉnh đốn của hoạt động cho vay của Payday. Vào tháng 11 năm 2017, văn phòng cải chính Internet đã ban hành “Quy định về việc đình chỉ ngay lập tức việc phê duyệt thành lập các công ty cho vay vi mô trực tuyến và đề nghị các chính quyền địa phương tạm dừng phê duyệt theo quy định đối với việc thành lập các công ty cho vay vi mô trực tuyến mới và để hạn chế cho vay giữa các khu vực.

2. Các biện pháp quản lý đối với thanh toán với bên thứ ba

Sự tăng trưởng nhanh chóng của các khoản thanh toán với bên thứ ba ở Trung Quốc phần lớn là do thương mại điện tử và thói quen thực hiện thanh toán hàng ngày của người dùng qua thiết bị di động. Vào cuối năm 2017, quy mô thanh toán với bên thứ ba đã tăng từ 40 tỷ CNY năm 2009 lên 154,9 nghìn tỷ CNY vào năm 2017. Khi thói quen sử dụng Internet của người tiêu dùng thay đổi, quy mô thanh toán qua thiết bị di động của bên thứ ba đã tăng từ 38,98 triệu CNY trong 2009 lên 190,5 nghìn tỷ CNY vào năm 2018, cao hơn nhiều so với thanh toán qua internet với bên thứ ba. Các khoản thanh toán với bên thứ ba tập trung cao ở Ant Financial và Tencent.

Thị trường thanh toán với bên thứ ba được quản lý chặt chẽ, bao gồm cấp giấy phép và đặt ra các hạn chế đối với các điều khoản của khách hàng, tiết lộ thông tin, v.v. Ngành công nghiệp này đã có tốc độ phát triển nhanh chóng kể từ năm 2010, không có vấn đề hoặc rủi ro lớn. Trung Quốc đã ban hành các quy định cấp phép cho các khoản thanh toán với bên thứ ba vào năm 2010 và cho đến tháng 3 năm 2015 PBC đã cấp khoảng 270 giấy phép. PBC thực hiện kiểm tra tại chỗ và giám sát từ xa, và có thẩm quyền đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép. Các qui định chính của Trung Quốc về thanh toán trực tuyến chủ yếu do PCB ban hành, gồm:

  • Tháng 9/2010: Các biện pháp quản lý dịch vụ thanh toán của các tổ chức phi tài chính;
  • Tháng 6/2013: Các biện pháp quản lý dự phòng của khách hàng trên nền tảng thanh toán;
  • Tháng 12/2015: Các biện pháp quản lý hoạt động kinh doanh thanh toán qua mạng của các tổ chức thanh toán phi ngân hàng;
  • Tháng 4/2016: Các biện pháp quản lý phân loại và xếp hạng các tổ chức thanh toán phi ngân hàng;
  • Tháng 4/2017: Quy định về Hoạt động thanh toán qua mạng của tổ chức thanh toán phi ngân hàng chuyển từ Mô hình trực tiếp sang xử lý nền tảng NetsUnion của Trung Quốc;
  • Tháng 8/2018: Quy định về yêu cầu đối với các tổ chức thanh toán phi ngân hàng đối với các giao dịch lớn;

Vào tháng 6/2013, PBC đã thực hiện các Biện pháp Quản lý dự phòng của khách hàng trên nền tảng thanh toán, trong đó yêu cầu tỷ lệ vốn góp và số dư hàng ngày của dự phòng khách hàng không được thấp hơn 10%. Trong hai năm 2015 và 2016, PBC đã làm rõ thêm các vấn đề về quản lý hoạt động kinh doanh thanh toán qua mạng của các tổ chức thanh toán phi ngân hàng, bao gồm cả việc phân loại và xếp hạng các tổ chức này. Hơn nữa, các công ty thanh toán bên thứ ba phải thông báo đầy đủ các khoản phí và tiêu chuẩn của họ cho công chúng, và nộp báo cáo cho PBC, bao gồm các tài liệu về mô hình kinh doanh, dịch vụ, dự phòng tiền gửi, các biện pháp kiểm soát nội bộ và các báo cáo thống kê và báo cáo tài chính thường xuyên.

Một vấn đề trong mô hình thanh toán với bên thứ ba trước năm 2017 là các cơ quan quản lý không thể theo dõi tất cả các dòng vốn và có nguy cơ mất khả năng giám sát toàn bộ thị trường thanh toán đang mở rộng nhanh chóng. Ngoài ra, dữ liệu thanh toán khổng lồ của các công ty công nghệ lớn có khả năng độc quyền, dẫn đến lỗ hổng thông tin và các vấn đề bảo vệ nhà đầu tư.

Để nâng cao tính minh bạch và thu thập cập nhật đầy đủ thông tin, PBC đã thành lập nền tảng thanh toán bù trừ tập trung vào năm 2017 và ban hành “Quy định về việc chuyển đổi hoạt động thanh toán mạng của tổ chức thanh toán phi ngân hàng từ mô hình trực tiếp sang xử lý nền tảng NetsUnion của Trung Quốc” vào tháng 8 năm đó. Nội dung quy định này yêu cầu rằng bất kỳ hoạt động thanh toán nào do các nhà cung cấp bên thứ ba thực hiện liên quan đến tài khoản ngân hàng sau ngày 30 tháng 6 năm 2018 phải được xử lý bởi mạng của NetsUnion Clearing Corporation (NUCC) và các nhà cung cấp phải kết nối với nền tảng trước ngày 15 tháng 10 năm 2017. NUCC đã chính thức ra mắt vào năm 2018 với tư cách là nền tảng được chỉ định để thanh toán trực tuyến các khoản thanh toán phi ngân hàng. NUCC chịu sự giám sát và phải thực hiện theo quy định của PBC.

NUCC cải thiện hiệu quả thị trường bằng cách hạ thấp rào cản của thị trường thanh toán trực tuyến. Đồng thời NUCC cũng chuẩn hóa các giao dịch trên thiết bị di động và cho phép các ngân hàng tiếp cận với các doanh nghiệp thanh toán trực tuyến mà không cần ký kết các thỏa thuận song phương với các công ty thanh toán bên thứ ba khác nhau. Một số ngân hàng nước ngoài đã tham gia mạng lưới NUCC để đáp ứng nhu cầu thanh toán thương mại điện tử của khách hàng. Ví dụ: Deutsche Bank đã tham gia với NUCC vào tháng 3/2019, để mở rộng cung cấp dịch vụ của mình tại PRC.

3. Các biện pháp quản về huy động vốn cộng đồng

Ở Trung Quốc, huy động vốn cộng đồng nổi lên như một phương tiện đầu tư vào năm 2012, nhưng sự phát triển của nó tương đối chậm do các rào cản về thể chế. Theo Điều 10 Khoản 2 của Luật Chứng khoán CHND Trung Hoa, việc chào bán cổ phiếu ra công chúng cho các cá nhân không xác định hoặc cho hơn 200 cá nhân xác định mà không có sự chấp thuận của cơ quan quản lý là bất hợp pháp. Báo cáo công tác năm 2014 của Chính phủ đề xuất thực hiện các dự án thí điểm về huy động vốn từ cộng đồng, nhằm mục đích giảm bớt khó khăn về tài chính và giảm chi phí thực tế của nền kinh tế. Alibaba, JD.com và Ping An đã đạt được yêu cầu để tham gia thí điểm hoạt động này.

Huy động vốn cộng đồng chủ yếu do CSRC giám sát. Các hoạt động huy động vốn cộng đồng được phép tự điều chỉnh bởi Hiệp hội chứng khoán Trung Quốc, được nêu tại văn bản “Biện pháp quản lý huy động vốn cộng đồng (thử nghiệm) ban hành vào tháng 12/2014. Văn bản Quan điểm hướng dẫn 2015 giao CSRC là cơ quan quản lý đối với hoạt động huy động vốn cộng đồng; quy định này đã được thắt chặt trong năm 2015 và 2016. Vào tháng Tám năm 2015, CSRC ban hành “Thông báo về việc kiểm tra đặc biệt đối với tổ chức thực hiện hoạt động tài trợ vốn qua Internet”, và không bao gồm tài trợ vốn ngoài công lập và tăng quỹ vốn cổ phần tư nhân thông qua internet trong phạm vi huy động vốn cộng đồng. Trong tháng 10/2016, CSRC và 15 cơ quan khác ban hành “Kế hoạch thực hiện điều chỉnh đặc biệt đối với rủi ro từ huy động vốn cộng đồng”, trong đó xác định những ưu tiên điều chỉnh và các nội dung bị cấm khi huy động vốn cộng đồng.

Chính phủ Trung Quốc đã nỗ lực không ngừng trong việc hướng dẫn sự phát triển lành mạnh của huy động vốn cộng đồng. Vào tháng 7/2017, chính phủ đã ban hành “Quan điểm về tăng cường các chiến lược phát triển đổi mới theo định hướng và tiếp tục thúc đẩy hàng loạt Doanh nhân và Đổi mới”, để khuyến khích sự phát triển tiêu chuẩn hóa của các nền tảng huy động vốn cộng đồng.

4. Các biện pháp quản lý về kinh doanh vốn qua Internet

Quy mô của các nguồn vốn qua internet ở Trung Quốc đã không ngừng mở rộng kể từ năm 2013. Yu'e Bao, một sản phẩm đầu tư quỹ thị trường tiền tệ do Alipay và quỹ Tianhong hợp tác ra mắt, đã trở thành quỹ thị trường tiền tệ lớn nhất thế giới vào năm 2017 về tổng số tài sản (Frost 2019). Dữ liệu từ cơ sở dữ liệu của Wind Economic cho thấy khối lượng tài sản của Yu'e Bao đạt mức cao nhất là 1,69 nghìn tỷ CNY vào tháng 3/2018 và giảm xuống 1,03 nghìn tỷ CNY vào tháng 6/2019 khi các quỹ thị trường tiền tệ trực tuyến khác tăng trưởng đáng kể. Hiện tại, các tổ chức kinh doanh vốn qua internet ở CHND Trung Hoa bao gồm các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán, cơ quan tư vấn đầu tư chứng khoán và các tổ chức bán hàng độc lập.

Doanh số nguồn vốn qua internet tăng trưởng nhanh chóng được thúc đẩy bởi khả năng truy cập dễ dàng, dịch vụ thanh toán thuận tiện và lợi nhuận cao hơn của quỹ thị trường tiền tệ qua internet (theo FSB 2019). Các nền tảng kinh doanh vốn trên internet thu thập các khoản tiền nhàn rỗi và đầu tư vào quỹ thị trường tiền tệ có liên quan, các quỹ này sẽ đầu tư vào các khoản tiền gửi do ngân hàng thương lượng, thu được tỷ suất lợi nhuận cao hơn so với tiền gửi đơn thuần. Bên cạnh đó, các quỹ này thường đặt mức đầu tư tối thiểu thấp nhất là 0,01 CNY, cung cấp thanh khoản “T + 0” với đệm vốn riêng và cho phép chuyển khoản miễn phí giữa các tài khoản ngân hàng. Bằng cách tích hợp nền tảng kinh doanh vốn với hệ thống thanh toán, khách hàng có thể truy cập vào việc mở tài khoản vốn, theo dõi và mua lại qua điện thoại di động. Tuy nhiên, các quỹ trên thị trường tiền tệ qua internet tham gia vào việc chuyển đổi kỳ hạn, tín dụng và chuyển đổi thanh khoản mà không có giấy phép hoạt động ngân hàng, khiến tiền gửi ngân hàng bị gián đoạn và tăng chi phí tài chính xã hội (theo Yao 2018). Điều này một phần là do chính sách quản lý tích hợp hoặc chức năng chưa đầy đủ về việc kinh doanh vốn qua internet.

Khuôn khổ pháp lý của việc kinh doanh vốn qua internet dựa trên khuôn khổ của việc kinh doanh vốn truyền thống. CSRC là cơ quan quản lý chính và Hiệp hội Chứng khoán Trung Quốc thực hiện quản lý theo nguyên tắc tự giác. Trên cơ sở phiên bản sửa đổi của Luật Quỹ Đầu tư Chứng khoán Trung Quốc, CSRC đã sửa đổi và ban hành “Biện pháp hành chính đối với kinh doanh Quỹ đầu tư chứng khoán và các quy tắc” tháng 3 năm 2013, nhằm giảm sự kiểm soát nhưng tăng cường giám sát. Biện pháp quản lý có liên quan khác bao gồm “Quy định về Nền tảng quản lý thông tin đối với Quỹ Đầu tư Kinh doanh chứng khoán ban hành tháng 3/2007 và “Quy định tạm thời về Quản lý Quỹ Đầu tư Chứng khoán kinh doanh Quỹ thanh toán” ban hành vào tháng 9/2011.

Các quy định cũng được đưa ra nhằm thúc đẩy sự chuẩn hóa và có trật tự của hoạt động kinh doanh vốn qua internet. Vào tháng 11/2009, Hiệp hội Chứng khoán Trung Quốc đã ban hành “Hướng dẫn Kỹ thuật về Hệ thống Thông tin kinh doanh vốn Trực tuyến” để tiêu chuẩn hóa tốt hơn hoạt động kinh doanh này. Vào tháng 3/2013, CSRC cũng ban hành “Quy tắc hành chính tạm thời dối với Quỹ Đầu tư Chứng khoán Kinh doanh tổ chức hoạt động kinh doanh thông qua nền tảng Thương mại điện tử Bên thứ ba”, nêu rõ các yêu cầu quy định đối với các tổ chức kinh doanh vốn và đưa ra các điều khoản liên quan đến trình độ và phạm vi kinh doanh của các nền tảng thương mại điện tử của bên thứ ba. Khi thị trường tiếp tục phát triển, các cơ quan quản lý không ngừng cải tiến các biện pháp quản lý để đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường và bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Ví dụ, vào tháng 3/2018, CSRC đã ban hành “Hướng dẫn bổ sung về Chuẩn hóa hoạt động kinh doanh qua Internet và Dịch vụ mua lại của các quỹ thị trường tiền tệ”.

5. Các biện pháp quản lý về bảo hiểm qua Internet

Trung Quốc là thị trường bảo hiểm lớn thứ hai trên thế giới, trong khi mật độ bảo hiểm thấp hơn mức trung bình thế giới. Dữ liệu từ Hiệp hội Bảo hiểm Trung Quốc cho thấy thu nhập từ phí bảo hiểm lên tới 3,8 nghìn tỷ CNY vào cuối năm 2018. Bảo hiểm qua Internet có sự tăng trưởng bùng nổ từ năm 2012 đến năm 2015, với thu nhập phí bảo hiểm tăng từ 11,1 tỷ CNY lên 23,4 tỷ CNY, và tỷ lệ thâm nhập của bảo hiểm qua internet đạt 9,2% vào năm 2015. Tuy nhiên, với môi trường chính sách thắt chặt, tăng trưởng bắt đầu chậm lại sau năm 2016, với thu nhập phí bảo hiểm giảm xuống còn 188,9 tỷ CNY và tỷ lệ thâm nhập giảm xuống 5% vào năm 2018.

Nguyên tắc giám sát được Ủy ban Quản lý Bảo hiểm Trung Quốc (CIRC) thiết lập trong “Biện pháp tạm thời đối với Giám sát bảo hiểm qua internet” ban hành vào năm 2015. Ngoài việc thúc đẩy phát triển lành mạnh và bảo vệ người tiêu dùng, quy định về bảo hiểm qua internet đặt trọng tâm lớn về việc duy trì các tiêu chuẩn pháp lý phù hợp cho cả bảo hiểm trực tuyến và bảo hiểm truyền thống, đồng thời tăng cường quản lý việc rút lui khỏi thị trường. Chỉ các công ty đã đăng ký và các tổ chức trung gian chuyên nghiệp mới được phép thực hiện kinh doanh bảo hiểm qua internet. Nếu các công ty được giám sát này kinh doanh bảo hiểm internet thông qua nền tảng trực tuyến của bên thứ ba, thì lãnh đạo công ty đó phải có bằng cấp liên quan và đáp ứng các yêu cầu nhất định. Các công ty có thể xác định các sản phẩm bảo hiểm phù hợp để bán trực tuyến, nhưng không được đưa ra bất kỳ quảng cáo gây hiểu lầm nào. Các công ty bảo hiểm qua internet cũng được yêu cầu đảm bảo an toàn nền tảng và bảo mật thông tin. Hiện nay các cơ quan quản lý đang tiếp tục cập nhật và hoàn chỉnh các biện pháp quản lý tạm thời này.

6. Các biện pháp quản lý đối với các lĩnh vực Fintech khác

Phần lớn do các hạn chế về quy định, thị trường tín thác internet kém phát triển hơn so với các quỹ tín thác truyền thống và các loại hình tài chính internet khác. Năm 2007, CBRC ban hành “Quy định quản trị công ty Tín thác” và “Quy định về Quỹ tập thể của các công ty tín thác”, trong đó cấm các công ty tín thác cho phép các tổ chức phi tài chính thực hiện các kế hoạch tín thác của họ. Vào tháng 4/ 2014, CBRC đã ban hành “Hướng dẫn giám sát rủi ro của các công ty tín thác”, trong đó nhắc lại rằng các tổ chức tài chính bên thứ ba không được phép bán các sản phẩm tín thác một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Trong bối cảnh đó, nhiều công ty tín thác đã thiết lập các nền tảng tiếp thị trực tiếp của riêng họ, bao gồm CITIC Trust, Ping An Trust và Zhongrong International Trust. Quan điểm hướng dẫn 2015 nhấn mạnh yêu cầu đối với các nhà đầu tư phải có đủ năng lực, phù hợp với mức độ chấp nhận rủi ro của khách hàng với mức độ rủi ro của các sản phẩm tín thác.

Tài chính tiêu dùng qua Internet ở Trung Quốc chủ yếu được cung cấp bởi các ngân hàng thương mại, công ty tài chính tiêu dùng và các nền tảng thương mại điện tử. Các tổ chức đại diện bao gồm China Merchants Bank, Mashang Consumer Finance và Ant Financial. Việc giám sát tài chính tiêu dùng bắt đầu vào năm 2009 khi các CBRC ban hành “Các biện pháp hành chính đối với thí điểm công ty tài chính tiêu dùng”, trong đó quy định các yêu cầu đối với các công ty tài chính tiêu dùng như việc thành lập, phạm vi kinh doanh và các chỉ tiêu hoạt động. Các biện pháp này đã được cập nhật vào năm 2013, với một số yêu cầu được nới lỏng, bao gồm phạm vi kinh doanh và nguồn vốn, đồng thời mở rộng các thành phố thí điểm. Năm 2015, thí điểm tài chính tiêu dùng đã được tự do hóa hoàn toàn và áp dụng cho cả nước. Trong tháng 8 /2016, “Các biện pháp tạm thời về quản lý các hoạt động kinh doanh của Trung gian thông tin tín dụng trực tuyến” do CBRC ban hành đã thiết lập các quy tắc quy định cơ bản của tài chính tiêu dùng qua internet. Thị trường được điều tiết bởi cả CBRC và các cơ quan tài chính của chính quyền địa phương. Các quy định về tài chính tiêu dùng qua internet đã được thắt chặt hơn sau khi các rủi ro cho vay qua internet được chấn chỉnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tin tức IDS
Đừng bỏ lỡ
6 biện pháp quản lý Fintech ở Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO