Pháp luật về phòng, chống rửa tiền trong nền kinh tế số - Thực trạng và một số kiến nghị hoàn thiện
ThS. Trần Linh Huân (Khoa Luật Thương mại, Trường Đại học Luật T|16/09/2022 11:03
Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các hành vi rửa tiền càng trở nên tinh vi và phức tạp. Điều này đòi hỏi cần phải có những biện pháp hiệu quả, đặc biệt là các biện pháp pháp lý để kiểm soát, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi rửa tiền.
Tóm tắt: Rửa tiền là một hành vi phạm tội nguy hiểm, phá hoại nghiêm trọng nền kinh tế và đẩy lùi sự phát triển của quốc gia. Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các hành vi rửa tiền càng trở nên tinh vi và phức tạp. Điều này đòi hỏi cần phải có những biện pháp hiệu quả, đặc biệt là các biện pháp pháp lý để kiểm soát, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi rửa tiền. Bài viết tập trung nghiên cứu, phân tích, đánh giá những vấn đề thực trạng bất cập trong quy định và thực thi pháp luật điều chỉnh về phòng, chống rửa tiền trong nền kinh tế số; từ đó, đưa ra một số đề xuất,
Từ khóa: Rửa tiền, phòng chống rửa tiền, nền kinh tế số, pháp lý.
LAW ON PREVENTION OF MONEY LAUNDERING IN THE DIGITAL ECONOMY - CURRENT SITUATION AND RECOMMENDATIONS FOR COMPLETION
Abstract: Money laundering is a dangerous crime that seriously undermines the economy and prevents the development of a country. Currently, with the strong development of the fourth industrial revolution, money laundering activities are becoming more sophisticated and complex, this requires effective measures, especially legal measures to control, prevent and timely handle money laundering activities. From there, the article focuses on researching, analyzing and evaluating the problems of inadequacies in regulations and law enforcement to control these money laundering activities in the digital economy and thereby offering recommendations.
Keywords: Money laundering, anti-money laundering, digital economy, legal.
1. Đặt vấn đề
Rửa tiền là một vấn nạn toàn cầu, điều này không chỉ đe dọa an ninh của quốc gia mà còn phá hủy sự ổn định, minh bạch và hiệu quả của hệ thống tài chính cũng như cản trở sự thịnh vượng của nền kinh tế quốc tế. Tại Việt Nam, vấn đề phòng, chống nạn rửa tiền là một lĩnh vực được Nhà nước ưu tiên coi trọng. Nhận thức được những tác hại nặng nề của nạn rửa tiền, Việt Nam đã và đang hoàn thiện các chính sách, pháp luật để kiểm soát vấn nạn này. Đã có nhiều chính sách, pháp luật về phòng, chống rửa tiền được Nhà nước ta xây dựng, ban hành và áp dụng như Luật Phòng, chống rửa tiền số 07/2012/QH13 ngày 18/6/2012 của Quốc hội; Nghị định số 116/2013/NĐ-CP ngày 04/10/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 87/2019/NĐ-CP, Thông tư số 35/2013/TT-NHNN ngày 31/12/2013 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) hướng dẫn thực hiện một số quy định về phòng, chống rửa tiền được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 20/2019/TT-NHNN ngày 14/11/2019 của Thống đốc NHNN… Các văn bản này về cơ bản đã tạo được hành lang pháp lý để góp phần ngăn chặn, kiểm soát, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi rửa tiền. Tuy nhiên, hiện nay với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế số cùng sự ra đời và xuất hiện của nhiều công nghệ tiên tiến hiện đại đã tạo điều kiện để việc thực hiện các hành vi rửa tiền trở nên nguy hiểm, tinh vi và phức tạp hơn. Vì vậy, vấn đề đặt ra là, cần phải tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền cho phù hợp tình hình mới nhằm phục vụ hiệu quả cho việc ngăn chặn và xử lý kịp thời, hiệu quả các hành vi rửa tiền trong bối cảnh nền kinh tế số hiện nay.
2. Sự cần thiết của hoạt động phòng, chống rửa tiền trong nền kinh tế số
Đối với hầu hết các quốc gia, phòng, chống rửa tiền được xem là một trong những vấn đề có tầm quan trọng hàng đầu, bởi rửa tiền chính là việc gửi tiền bất hợp pháp qua các kênh hợp pháp nhằm che giấu nguồn gốc phạm tội. Quỹ Tiền tệ quốc tế ước tính, tổng số tiền được rửa trên thế giới có thể dao động ở mức 2 - 5% GDP toàn cầu. Theo số liệu thống kê, từ năm 1996 con số phần trăm đó đã tương đương khoảng 590 tỷ USD đến 1500 tỷ USD1. Do đó, nếu xét theo bất kỳ một con số ước tính nào thì vấn đề này cũng vô cùng nghiêm trọng và đáng để mỗi quốc gia phải dành sự quan tâm thật đầy đủ.
Đặc biệt hơn, khi ngày nay, nền kinh tế số ngày càng phát triển, tội phạm rửa tiền đã tận dụng điều này để làm gia tăng hành vi rửa tiền bất hợp pháp trở nên phức tạp hơn. Sự phát triển của công nghệ cho phép mọi người tiếp cận hầu hết mọi cơ hội thông qua Internet, tuy nhiên, điều này cũng đã giúp cho đối tượng rửa tiền bất hợp pháp thực hiện các giao dịch rửa tiền mà không cần đến ngân hàng để xác minh danh tính bởi người thực sự truy cập vào tài khoản tổ chức tài chính có thể ẩn danh tính của mình với hệ thống này2. Hơn nữa, giao dịch có thể thực hiện ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, vào bất kỳ thời điểm nào. Càng ngày càng có nhiều tội phạm lạm dụng công nghệ cao để thực hiện những hoạt động phi pháp và rửa các khoản tiền bất chính này bằng công nghệ. Với tính bảo mật cao và tài sản dưới dạng số, thông tin về tổ chức hay cá nhân xác lập giao dịch và chủ sở hữu hưởng lợi thực sự đằng sau các giao dịch không tìm được dễ dàng chính là những điểm mà công nghệ cao bị lạm dụng để rửa tiền. Những đối tượng thực hiện hành vi rửa tiền có thể thực hiện thành công phần lớn là do các đối tượng này có thể che đậy được nguồn gốc của tất cả các khoản tiền và rửa sạch những đồng tiền đó bằng cách dịch chuyển chúng qua các hệ thống tài chính quốc gia và thế giới. Rửa tiền có thể xảy ra ở bất kỳ nước nào nhưng hành vi này gây ra những hậu quả về mặt kinh tế - xã hội, đặc biệt đáng kể cho những quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Bởi vì những quốc gia đang phát triển nói chung và Việt Nam nói riêng thường là những thị trường nhỏ, dễ bị tổn thương hơn trước những tác động của tội phạm rửa tiền. Những ảnh hưởng tiêu cực mà tội phạm rửa tiền có thể gây ra cho các nước đang phát triển có thể kể đến là3:
Một là, gia tăng tội phạm và tham nhũng. Có thể nói, việc rửa tiền thành công đồng nghĩa với việc các hoạt động phạm tội có thể sinh lợi và mang lại khoản lợi nhuận khổng lồ cho tội phạm. Do đó, một đất nước còn được xem là nơi trú ẩn an toàn cho hoạt động rửa tiền thì khi đó vẫn còn có nhiều khả năng nước đó có sức lôi cuốn tội phạm và thúc đẩy tham nhũng. Nếu hoạt động rửa tiền trở nên phổ biến tại một quốc gia, thì sẽ tạo ra nhiều tội phạm và tham nhũng hơn. Điều này cũng làm gia tăng tình trạng sử dụng hối lộ để mở những cửa ngõ quan trọng cho thành công của những nỗ lực rửa tiền.
Hai là, tác động xấu đến mối quan hệ quốc tế và đầu tư nước ngoài. Nếu một quốc gia vướng phải tai tiếng về một nơi ẩn náu an toàn cho hoạt động rửa tiền thì cũng gây ra ảnh hưởng bất lợi đáng kể cho sự phát triển của quốc gia đó. Các tổ chức tài chính nước ngoài có thể quyết định hạn chế các giao dịch của mình với những tổ chức là nơi ẩn náu an toàn cho rửa tiền phi pháp; yêu cầu những giao dịch phải qua sự kiểm soát chặt chẽ, gắt gao hơn, khiến chi phí các giao dịch gia tăng. Những doanh nghiệp hợp pháp hoạt động trong quốc gia lỏng lẻo các tiêu chuẩn về phòng, chống rửa tiền cũng sẽ bị giảm khả năng tiếp cận thị trường thế giới hoặc phải tiếp cận với chi phí đắt đỏ hơn do phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ hơn.
Ba là, làm suy yếu các tổ chức tài chính. Rửa tiền gây nguy hại bằng nhiều cách cho sự lành mạnh khu vực tài chính của một quốc gia cũng như sự ổn định của mỗi tổ chức tài chính. Những hậu quả tiêu cực tác động đến các tổ chức tài chính được coi là rủi ro về mặt uy tín, nghiệp vụ, pháp lý. Mỗi rủi ro đều gây ra những chi phí cụ thể như mất đi hoạt động kinh doanh sinh lợi, những vấn đề về tính thanh khoản do việc rút tiền gây ra, cắt đứt các cơ sở ngân hàng đại lý, các chi phí điều tra và tiền phạt, thu giữ tài sản, tổn thất cho vay, giảm giá trị cổ phiếu của các tổ chức tài chính.
Bốn là, làm nền kinh tế và khu vực tư nhân bị tổn thương. Hành vi rửa tiền bằng cách thức sử dụng “các công ty bình phong” là những công ty với vẻ bề ngoài hợp pháp và tham gia vào hoạt động kinh doanh hợp pháp nhưng thực tế lại là những công ty trá hình của những kẻ phạm tội. Những "công ty bình phong" này hòa trộn các quỹ phi pháp với các quỹ hợp pháp để che giấu những khoản tiền bất chính. Khả năng tiếp cận của các công ty trá hình tới những quỹ phi pháp cho phép chúng bao cấp các sản phẩm và dịch vụ của công ty, thậm chí với giá cả thấp hơn giá thị trường. Do đó, những doanh nghiệp hợp pháp sẽ khó mà cạnh tranh lại với những công ty trá hình này, bởi mục tiêu duy nhất của chúng là bảo toàn và bảo vệ những khoản tiền thu lợi bất chính chứ không phải tạo ra bất kỳ khoản lợi nhuận nào khác.
Như vậy, rõ ràng là hành vi rửa tiền ngày càng gia tăng và phức tạp hơn rất nhiều dưới sự phát triển của khoa học công nghệ và nền kinh tế số. Hành vi rửa tiền không chỉ tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội và tài chính của một quốc gia mà còn ảnh hưởng đến mối quan hệ trên thị trường quốc tế và đầu tư nước ngoài. Do đó, sự cần thiết của hoạt động phòng, chống rửa tiền trong nền kinh tế số là vô cùng cấp bách và quan trọng đối với các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng.
3. Thực trạng pháp luật về phòng, chống rửa tiền trong nền kinh tế số tại Việt Nam hiện nay
Là một trong những quốc gia sớm ý thức được những hệ quả và tác hại do hoạt động rửa tiền mang lại, Việt Nam đã rất tích cực trong việc xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật để điều chỉnh về vấn đề này nhằm kiểm soát, ngăn chặn và xử lý kịp thời hiệu quả các hành vi rửa tiền. Cụ thể, vào ngày 18/6/2012, Luật Phòng, chống rửa tiền đã được Quốc hội thông qua, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về phòng, chống rửa tiền ở Việt Nam. Luật Phòng, chống rửa tiền đã giúp góp phần minh bạch hóa nền tài chính tiền tệ quốc gia, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế về phòng, chống rửa tiền4. Luật Phòng, chống rửa tiền đã đạt được một số kết quả nhất định như:
Một là, đáp ứng kịp thời nhu cầu nâng cao công tác phòng, chống rửa tiền và mở rộng phạm vi điều chỉnh của pháp luật về phòng, chống rửa tiền so với Nghị định số 74/2005/NĐ-CP ngày 07/6/2005 của Chính phủ về phòng, chống rửa tiền, góp phần nâng cao hiệu quả trong hoạt động phòng, chống rửa tiền tại Việt Nam, minh bạch hóa nền tài chính quốc gia. Đồng thời, Luật Phòng, chống rửa tiền còn tạo căn cứ, cơ sở pháp lý cho việc triển khai hoạt động hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền ngày càng thuận lợi và sâu rộng5.
Hai là, đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế, giúp Việt Nam tiến đến việc thực hiện đầy đủ các chuẩn mực, cam kết quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống rửa tiền mà Chính phủ nước ta đã ký kết và tham gia. Cụ thể, năm 2007, Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của Nhóm Châu Á - Thái Bình Dương về phòng, chống rửa tiền (APG). Theo đó, Việt Nam phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thành viên của APG về thực hiện 40 Khuyến nghị về chống rửa tiền và 09 Khuyến nghị đặc biệt về chống tài trợ cho khủng bố của lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF). Sau một năm gia nhập APG, tổ chức này đã tiến hành đánh giá cơ chế phòng, chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố ở Việt Nam theo công thức 40+9 của FATF. Dù nước ta đã có nhiều nỗ lực và bước tiến trong công tác phòng, chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố, nhưng mức độ tuân thủ và thực hiện theo các khuyến nghị của FATF vẫn còn hạn chế. Vì thế, dựa trên cơ sở kết quả đánh giá trên, APG đã đưa ra 138 kiến nghị mà Việt Nam cần thực hiện để hoàn thiện hệ thống chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố. Một trong số những kiến nghị đó là phải sửa đổi khung pháp lý của Việt Nam trong lĩnh vực phòng, chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố cho phù hợp với các chuẩn mực quốc tế mà cụ thể là cần nhanh chóng xây dựng Luật Phòng, chống rửa tiền và Luật Chống tài trợ khủng bố6.
Ba là, đáp ứng các hành động được nêu trong Kế hoạch hành động mà FATF đưa ra cho Việt Nam. Kể từ năm 2010, Việt Nam đã và đang chịu sự rà soát của Nhóm xem xét các vấn đề hợp tác quốc tế (ICRG) thuộc FATF. Thông qua Báo cáo rà soát sơ bộ và Báo cáo rà soát sâu gửi đến Việt Nam, Nhóm xem xét ICRG đều nhận định rằng, Việt Nam phải tiếp tục và nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý về phòng, chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố. Một nội dung quan trọng trong Báo cáo là xây dựng Luật Phòng, chống rửa tiền và Luật Phòng, chống khủng bố. Tại Hội nghị toàn thể của FATF, Chính phủ Việt Nam đã cam kết ban hành Luật Phòng, chống rửa tiền7.
Bên cạnh Luật Phòng, chống rửa tiền 2012, hoạt động phòng, chống rửa tiền còn được Nhà nước ta quy định cụ thể trong Nghị định, Thông tư và các văn bản có liên quan. Tiêu biểu như đối với Nghị định, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 116/2013/NĐ-CP ngày 04/10/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 87/2019/NĐ-CP). Theo đó, Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền về các biện pháp phòng, chống rửa tiền, thu thập xử lý và chuyển giao thông tin về phòng, chống rửa tiền, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong công tác phòng, chống rửa tiền, các biện pháp phòng, chống rửa tiền, thu thập xử lý và chuyển giao thông tin về phòng, chống rửa tiền và hợp tác quốc tế trong phòng, chống rửa tiền. Đối với Thông tư, Thống đốc NHNN ban hành Thông tư số 35/2013/TT-NHNN ngày 31/12/2013 hướng dẫn thực hiện một số quy định về phòng, chống rửa tiền (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 20/2019/TT-NHNN). Thông tư này quy định về đánh giá tăng cường đối với khách hàng có rủi ro cao; thông báo danh sách cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị; nội dung, hình thức các báo cáo: giao dịch có giá trị lớn, giao dịch đáng ngờ, giao dịch chuyển tiền điện tử, hành vi rửa tiền nhằm tài trợ khủng bố; mức giá trị của kim loại quý, đá quý và công cụ chuyển nhượng phải khai báo hải quan.
Ngoài ra, hành vi rửa tiền trái pháp luật còn được điều chỉnh bởi pháp luật hình sự. Theo đó, tội rửa tiền lần đầu tiên được quy định trong Bộ luật Hình sự 1999 với tội danh Hợp pháp hóa tiền, tài sản do phạm tội mà có tại Điều 251 Bộ luật Hình sự 1999. Đến nay, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 cũng quy định tội Rửa tiền tại Điều 324 (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 122, Điều 1 Luật số 12/2017/QH14 ngày 20/6/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015). Trong lần sửa đổi này, Bộ luật Hình sự đã mở rộng yếu tố cấu thành tội rửa tiền hơn so với Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung 2008. Theo luật cũ, người phạm tội phải biết rõ tài sản là do phạm tội mà có, từ đó, che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản đó. Tuy nhiên, theo Bộ luật Hình sự hiện hành, chỉ cần có đủ cơ sở để biết tài sản có nguồn gốc bất hợp pháp mà cố ý thực hiện che giấu nguồn gốc của tài sản đó thì đã bị coi là phạm tội rửa tiền. Đây được xem là một bước tiến đúng đắn trong nỗ lực phòng, chống tội phạm rửa tiền, hạn chế việc bỏ sót tội phạm8.
Việc xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật nêu trên đã góp phần rất lớn vào việc ngăn chặn, kiểm soát và xử lý hiệu quả các hành vi rửa tiền tại Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đạt được thì các quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền cũng đã bộc lộ những vấn đề bất cập và hạn chế nhất định, điều này gây ảnh hưởng đến công tác phòng, chống rửa tiền ở Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ 4.0 và nền kinh tế số ngày càng phát triển như hiện nay. Điều này được thể hiện qua các khía cạnh sau:
Một là, hạn chế trong việc xác định phạm vi điều chỉnh. Luật Phòng, chống rửa tiền tập trung chủ yếu vào phòng, chống rửa tiền thực hiện thông qua hệ thống ngân hàng. Trong khi đó, rửa tiền có thể được thực hiện thông qua rất nhiều kênh khác nhau như nhà hàng, khách sạn, kinh doanh, bất động sản, chứng khoán9 và thậm chí, với sự phát triển của khoa học công nghệ hiện nay đã nở rộ lên nhiều hình thức rửa tiền sử dụng công nghệ cao qua các kênh thương mại điện tử.
Hai là, pháp luật về phòng, chống rửa tiền tại Việt Nam còn thiếu vắng những quy định pháp luật điều chỉnh các giao dịch liên quan đến tiền ảo, tài sản ảo10. Điều 15 Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012 quy định về trách nhiệm của các đối tượng báo cáo trong các giao dịch liên quan tới công nghệ mới và Điều 8 Nghị định số 116/2013/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 87/2019/NĐ-CP) cũng hướng dẫn thêm về quy định trên của Luật Phòng, chống rửa tiền. Tuy nhiên, tại Điều 8 đã định nghĩa giao dịch liên quan tới công nghệ mới là giao dịch sử dụng công nghệ, cho phép khách hàng thực hiện giao dịch mà không cần gặp mặt trực tiếp nhân viên của đối tượng báo cáo. Như vậy, pháp luật về phòng, chống rửa tiền vẫn chưa có những quy định cụ thể nhằm điều chỉnh các giao dịch liên quan đến tiền ảo, tài sản ảo.
Ba là, pháp luật hình sự chưa có điều khoản quy định về hành vi rửa tiền sử dụng công nghệ cao. Điều 324 của Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 có quy định về tội rửa tiền nhưng không có khoản nào quy định về hành vi rửa tiền sử dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, tại điểm đ, khoản 2, Điều 254 quy định “Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt” là tình tiết tăng nặng của tội rửa tiền. Về điểm này, khoản 4, Điều 5, Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐTP ngày 24/5/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 324 của Bộ luật Hình sự về tội rửa tiền đã giải thích như sau: “Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt quy định tại điểm đ, khoản 2, Điều 324 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người phạm tội sử dụng công nghệ cao, móc nối với người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan Nhà nước hoặc thủ đoạn gian dối, mánh khóe khác để tiêu hủy chứng cứ, che giấu hành vi phạm tội, gây khó khăn cho việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm”. Như vậy, sử dụng công nghệ cao được xem là tình tiết tăng nặng khi thực hiện hành vi rửa tiền. Tuy nhiên, vẫn nên có một quy định pháp luật cụ thể để điều chỉnh cho hành vi rửa tiền sử dụng công nghệ cao, đặc biệt là trong bối cảnh khoa học công nghệ ngày càng phát triển không ngừng như hiện nay.
Bốn là, hạn chế trong các quy định pháp luật về hợp tác quốc tế trong hoạt động phòng, chống rửa tiền. Theo khoản 2, Điều 48, Luật Phòng, chống rửa tiền 2012 quy định: “NHNN thực hiện trao đổi thông tin về phòng, chống rửa tiền với cơ quan phòng, chống rửa tiền nước ngoài và các cơ quan, tổ chức nước ngoài khác theo quy định của pháp luật; có quyền từ chối cung cấp thông tin cho cơ quan phòng, chống rửa tiền nước ngoài và các cơ quan, tổ chức nước ngoài khác trong trường hợp cần thiết và theo quy định của pháp luật Việt Nam”. Tuy nhiên, cho đến hiện nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về phạm vi nội dung thông tin được phép trao đổi, trong khi đó việc tiết lộ thông tin được phép trao đổi của các tổ chức tín dụng sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến lợi ích của khách hàng, vì đó là dữ liệu cá nhân của họ, của tổ chức tín dụng hay thậm chí của cả lợi ích quốc gia11. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và giao dịch toàn cầu diễn ra ngày càng nhiều, việc thiếu vắng quy định cụ thể hướng dẫn các quy định pháp luật về hợp tác quốc tế sẽ dẫn đến tình trạng lúng túng cho các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực thi pháp luật; từ đó, có thể tạo ra khe hở để các tội phạm rửa tiền lợi dụng.
Như vậy, bên cạnh những thành tựu đạt được, pháp luật Việt Nam về phòng, chống rửa tiền vẫn có nhiều điểm bất cập, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế số phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Do đó, việc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung những quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền là điều rất cấp thiết bởi tội phạm rửa tiền có nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư, tốc độ tăng trưởng kinh tế, sự ổn định của hệ thống ngân hàng khi pha lẫn dòng tiền tài chính hợp pháp và bất hợp pháp, gia tăng tỷ lệ tội phạm về tham nhũng, trốn thuế, mua bán nội gián, gian lận thương mại gây ảnh hưởng xấu đến trật tự xã hội12.
4. Một số đề xuất, kiến nghị
Để khắc phục những vấn đề hạn chế, bất cập nêu trên nhằm góp phần nâng cao hiệu quả về phòng, chống rửa tiền trong bối cảnh nền kinh tế số dưới khía cạnh pháp lý thì đòi hỏi cần phải xem xét, nghiên cứu thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, cần hoàn thiện quy định về phạm vi áp dụng của Luật Phòng, chống rửa tiền theo hướng bao quát hơn. Theo đó, cần sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống rửa tiền theo hướng bao quát tất cả các lĩnh vực đời sống - xã hội có thể diễn ra hoạt động rửa tiền như lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, trò chơi có thưởng và casino, bất động sản, luật sư, kế toán, công chứng, thương mại điện tử, giao dịch tiền ảo, tài sản ảo… Điều này là cần thiết bởi hiện nay hoạt động rửa tiền có thể thực hiện qua nhiều kênh, nhiều lĩnh vực chứ không đơn thuần chỉ trong lĩnh vực ngân hàng. Ngoài ra, do tại thời điểm xây dựng Luật Phòng, chống rửa tiền 2012, nước ta vẫn chưa có quy định pháp luật về phòng, chống khủng bố và tài trợ khủng bố nên để đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về phòng, chống tài trợ khủng bố, Luật Phòng, chống rửa tiền 2012 đã quy định hành vi rửa tiền nhằm tài trợ khủng bố. Vì vậy, điều khoản về phạm vi điều chỉnh và báo cáo hành vi rửa tiền nhằm tài trợ khủng bố tại Luật Phòng, chống rửa tiền cần được loại bỏ13.
Hai là, cần bổ sung quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền đối với tiền ảo, tài sản ảo vào Luật Phòng, chống rửa tiền. Tài sản ảo nói chung và tiền ảo nói riêng được sử dụng ngày càng phổ biến và rộng rãi, loại hình tài sản này đã sớm trở thành một phương thức rửa tiền mà các đối tượng hướng tới. Do đó, pháp luật về phòng, chống rửa tiền của nước ta cần nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung các quy định về phòng, chống rửa tiền đối với tiền ảo, tài sản ảo để kịp thời ngăn chặn các hành vi rửa tiền được thực hiện dưới dạng các phương thức này. Cụ thể, cần đưa hoạt động “cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán, nền tảng công nghệ số, cung ứng dịch vụ liên quan tiền điện tử, tiền kỹ thuật số, tiền ảo, tài sản ảo” vào điểm đ của khoản 3, Điều 4 Luật Phòng, chống rửa tiền 2012 quy định về hoạt động mà các tổ chức tài chính có thể thực hiện. Mục đích của việc bổ sung này là để đưa các đối tượng cung ứng dịch vụ thanh toán hoặc cung ứng hạ tầng thanh toán cho các loại tài sản ảo, tiền ảo, tiền kỹ thuật số, thanh toán qua mạng phải báo cáo, cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng của Việt Nam.
Ba là, cần bổ sung hành vi rửa tiền thông qua công nghệ, sử dụng tiền ảo, tiền điện tử, tài sản ảo là một tội danh, chứ không phải một tình tiết tăng nặng như theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017. Điều này là cần thiết bởi lẽ nếu chỉ dừng lại ở việc được xem là một tình tiết tăng nặng như theo quy định hiện nay thì chưa đủ sức để ngăn chặn, răn đe các hành vi phạm tội. Vì vậy, việc quy định rõ hành vi rửa tiền thông qua công nghệ, sử dụng tiền ảo, tiền điện tử, tài sản ảo là một tội danh được ghi nhận trong Bộ luật Hình sự là điều quan trọng, điều này sẽ tạo được hành làng pháp lý vững chắc để xác định và xử lý nghiêm các hành vi phạm tội của các chủ thể. Bên cạnh đó, cũng cần nghiên cứu, bổ sung điều khoản quy định về việc tịch thu dân sự, bao gồm cả việc tịch thu các tài sản ảo, tiền ảo theo chuẩn mực quốc tế để tạo thêm tính răn đe, ngăn ngừa và xử lý thích đáng các hành vi rửa tiền bất hợp pháp.
Cuối cùng, để đảm bảo về hợp tác quốc tế trong phòng, chống rửa tiền, Chính phủ cần có quy định hướng dẫn cụ thể về phạm vi nội dung thông tin được phép trao đổi. Ngoài ra, nhằm nâng cao trách nhiệm của các tổ chức tín dụng trong hoạt động phòng, chống rửa tiền, cần luật hóa trách nhiệm của nhân viên tổ chức tín dụng trong công tác phòng, chống rửa tiền. Nhân viên của tổ chức tín dụng vô ý hay cố ý tiếp tay cho hành vi rửa tiền qua tổ chức tín dụng đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật14.
5. Kết luận
Rửa tiền gây ra nhiều hệ lụy xấu cho sự phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia. Hoạt động rửa tiền trái pháp luật ngày càng diễn ra tinh vi và phức tạp hơn trong bối cảnh khoa học công nghệ và nền kinh tế số phát triển. Do đó, việc hoàn thiện một hành lang pháp lý vững chắc để ngăn chặn hành vi rửa tiền trái pháp luật rất cần thiết và quan trọng đối với mỗi quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Trải qua gần một thập kỷ, pháp luật về phòng, chống rửa tiền tại Việt Nam đã có những bước tiến trong quá trình hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, Luật Phòng, chống rửa tiền 2012 của Việt Nam cũng dần bộc lộc những hạn chế và thiếu sót. Do đó, đã đến lúc pháp luật Việt Nam về phòng, chống rửa tiền cần có sự thay đổi, chỉnh sửa kịp thời để điều chỉnh những hoạt động rửa tiền trái pháp luật đang diễn ra ngày càng sôi nổi và tinh vi trong nền kinh tế số nhằm ngăn chặn những tác động tiêu cực cho nền kinh tế quốc gia, mối quan hệ đầu tư quốc tế, cũng như giảm bớt tình hình tội phạm về rửa tiền.
1 Vito Tanzi (2015), “Rửa tiền và hệ thống tài chính quốc tế”, truy cập ngày 20/01/2022, https://documents1.worldbank.org/curated/en/931741513768232714/pdf/35052-VIETNAMESE-PUBLIC-REFERE-3.pdf 2 Tạp chí Ngân hàng (2020), “Nhận diện một số phương thức rửa tiền qua các nền tảng trực tuyến”, truy cập ngày 20/01/2022, http://tapchinganhang.gov.vn/nhan-dien-mot-so-phuong-thuc-rua-tien-qua-cac-nen-tang-truc-tuyen.htm 3 Ngân hàng Thế giới (2007), “Hướng dẫn tham khảo về chống rửa tiền và chống tài trợ cho khủng bố”, truy cập ngày 20/01/2022, https://documents1.worldbank.org/curated/en/931741513768232714/pdf/35052-VIETNAMESE-PUBLIC-REFERE-3.pdf. 4 Đinh Xuân Thảo, Vũ Hồng Anh (2018), “Hoàn thiện pháp luật phòng, chống rửa tiền năm 2012”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 23(375) T12/2018, tr.45. 5 Nguyễn Văn Ngọc (2016), “Công tác phòng, chống rửa tiền”, Tạp chí Kiểm sát, số 02 (tháng 01/2016), tr.31. 6 Đinh Xuân Thảo, Vũ Hồng Anh (2018), “Hoàn thiện pháp luật phòng, chống rửa tiền năm 2012”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 23(375) T12/2018, tr 47. 7 Nguyễn Hữu Nghĩa, Đào Quốc Tính, Nguyễn Thị Thúy Ngọc, Nguyễn Thị Minh Thơ, Trần Thị Hoài Thu (2014), Pháp luật về phòng chống rửa tiền, Đặc san Tuyên truyền pháp luật, (01), tr 24 - 25. 8 Trần Văn Biên, Trần Tuấn Minh (2020), “Pháp luật về phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực thương mại điện tử ở Việt Nam”, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số (08)/2020, tr.48. 9 Đinh Xuân Thảo, Vũ Hồng Anh (2018), “Hoàn thiện pháp luật phòng, chống rửa tiền năm 2012”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 23 (375) T12/2018, tr. 47. 10 Nguyễn Thị Thúy Ngọc (2020), “Bàn về pháp luật phòng, chống rửa tiền sử dụng công nghệ cao”, Tạp chí Ngân hàng, số 14/2020, tr.18. 11 Đinh Xuân Thảo, Vũ Hồng Anh (2018), “Hoàn thiện pháp luật phòng, chống rửa tiền năm 2012”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 23 (375) T12/2018, tr.50. 12 Trần Văn Biên, Trần Tuấn Minh (2020), “Pháp luật về phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực thương mại điện tử ở Việt Nam”, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 08/2020, tr.48. 13 Đinh Xuân Thảo, Vũ Hồng Anh (2018), “Hoàn thiện pháp luật phòng, chống rửa tiền năm 2012”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 23(375) T12/2018, tr.50. 14 Đinh Xuân Thảo, Vũ Hồng Anh (2018), “Hoàn thiện pháp luật phòng, chống rửa tiền năm 2012”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 23(375) T12/2018, tr.51.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.
2. Luật Phòng, chống rửa tiền 2012.
3. Nghị định số 116/2013/NĐ-CP ngày 04/10/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền.
4. Nghị định số 87/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2013/NĐ-CP ngày 04/10/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền.
5. Thông tư số 35/2013/TT-NHNN ngày 31/12/2013 của Thống đốc NHNN hướng dẫn thực hiện một số quy định về phòng, chống rửa tiền.
6. Thông tư số 20/2019/TT-NHNN ngày 14/11/2019 của Thống đốc NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 35/2013/TT-NHNN ngày 31/12/2013 hướng dẫn thực hiện một số quy định về phòng, chống rửa tiền.
7. Đinh Xuân Thảo, Vũ Hồng Anh (2018), “Hoàn thiện pháp luật phòng, chống rửa tiền năm 2012”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 23(375).
8. Nguyễn Thị Thúy Ngọc (2020), “Bàn về pháp luật phòng, chống rửa tiền sử dụng công nghệ cao”, Tạp chí Ngân hàng số 14/2020.
9. Nguyễn Văn Ngọc (2016), “Công tác phòng, chống rửa tiền”, Tạp chí Kiểm sát số 02 (tháng 01/2016).
10. Trần Văn Biên, Trần Tuấn Minh (2020), “Pháp luật về phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực thương mại điện tử ở Việt Nam”, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam số (08)/2020.
11. Tạp chí Ngân hàng (2020), ”Nhận diện một số phương thức rửa tiền qua các nền tảng trực tuyến”, truy cập ngày 20/02/2022, http://tapchinganhang.gov.vn/nhan-dien-mot-so-phuong-thuc-rua-tien-qua-cac-nen-tang-truc-tuyen.htm.
12. Nguyễn Hữu Nghĩa, Đào Quốc Tính, Nguyễn Thị Thúy Ngọc, Nguyễn Thị Minh Thơ, Trần Thị Hoài Thu (2014), Pháp luật về phòng chống rửa tiền, Đặc san Tuyên truyền pháp luật, (01).
13. Ngân hàng Thế giới (2007), “Hướng dẫn tham khảo về chống rửa tiền và chống tài trợ cho khủng bố”, truy cập ngày 20/02/2022, https://documents1.worldbank.org/curated/en/931741513768232714/pdf/35052-VIETNAMESE-PUBLIC-REFERE-3.pdf
14. Vito Tanzi (2015), “Rửa tiền và hệ thống tài chính quốc tế, truy cập ngày 20/01/2022, https://documents1.worldbank.org/curated/en/931741513768232714/pdf/35052-VIETNAMESE-PUBLIC-REFERE-3.pdf
ThS. Trần Linh Huân(Khoa Luật Thương mại, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh)
Bạch Ngọc Vân (Trợ lý pháp lý, Công ty Luật TNHH PwC Việt Nam)
Tác động đột phá của công nghệ thông tin (CNTT) đang xóa bỏ những giới hạn hiện có trong các ngành, mà dịch vụ tài chính được dự báo là một trong những ngành chịu tác động lớn nhất. Đặc biệt, Dữ liệu lớn (Big data) đã, đang và sẽ là yếu tố thúc đẩy các dịch vụ mới liên quan đến khách hàng cũng như các dịch vụ nội bộ với mục đích nâng cao hiệu quả hoạt động của ngân hàng.
Bình luận của bạn đã được gửi và sẽ hiển thị sau khi được duyệt bởi ban biên tập.
Ban biên tập giữ quyền biên tập nội dung bình luận để phù hợp với qui định nội dung của Báo.
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh yêu cầu phải khẩn trương, tích cực thực hiện tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW và tiến hành cuộc cách mạng về sắp xếp, tổ chức, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị. Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, không chỉ là vấn đề về quy mô hay số lượng mà sâu xa hơn là phải tạo sự thay đổi về chất trong hoạt động của hệ thống chính trị.
Hội nghị COP 29 diễn ra vào trung tuần tháng 11/2024 là một sự kiện quan trọng trong nỗ lực toàn cầu nhằm đối phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, vẫn còn những tranh cãi xung quanh những kết quả đạt được tại COP29...
Các công ty Fintech với các ưu điểm nổi bật về hạ tầng công nghệ, sản phẩm đa dạng, khả năng tận dụng dữ liệu, hệ thống thanh toán tinh gọn... đang “bình dân hóa” dịch vụ tài chính - ngân hàng cho các nhóm yếu thế.
Báo cáo Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) cho biết, hiện có khoảng 20,3 tỷ USD nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa được đáp ứng, chủ yếu do thiếu tài sản đảm bảo và rủi ro tín dụng cao. FinTech đang góp phần giải quyết nhu cầu tín dụng này.
Với các ưu điểm nổi bật về hạ tầng công nghệ, sản phẩm đa dạng, khả năng tận dụng dữ liệu, hệ thống thanh toán tinh gọn, công cụ quản lý kinh doanh hiệu quả…, các công ty công nghệ tài chính (Fintech) đang “bình dân hóa” dịch vụ tài chính - ngân hàng, giúp nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ cho người dân, đặc biệt là các nhóm yếu thế, qua đó thúc đẩy tài chính toàn diện.
Các công ty Fintech với các ưu điểm nổi bật về hạ tầng công nghệ, sản phẩm đa dạng, khả năng tận dụng dữ liệu, hệ thống thanh toán tinh gọn, các công cụ quản lý kinh doanh hiệu quả… đang “bình dân hóa” dịch vụ tài chính – ngân hàng, giúp nâng cao khả năng tiếp cận tài chính toàn diện cho người dân Việt Nam, đặc biệt là các nhóm yếu thế.
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh yêu cầu phải khẩn trương, tích cực thực hiện tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW và tiến hành cuộc cách mạng về sắp xếp, tổ chức, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị. Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, không chỉ là vấn đề về quy mô hay số lượng mà sâu xa hơn là phải tạo sự thay đổi về chất trong hoạt động của hệ thống chính trị.
Thông qua những quy định sửa đổi, bổ sung của 5 luật trong lĩnh vực đầu tư, Quốc hội chấp thuận nhiều thay đổi lớn, nhằm cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Hội nghị COP 29 diễn ra vào trung tuần tháng 11/2024 là một sự kiện quan trọng trong nỗ lực toàn cầu nhằm đối phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, vẫn còn những tranh cãi xung quanh những kết quả đạt được tại COP29...
Mục tiêu 50.000 kỹ sư bán dẫn đến năm 2030 là con số đủ hấp dẫn để thu hút những công ty bán dẫn hàng đầu thế giới đặt chân tới Việt Nam, khi mà bài toán thiếu hụt nhân lực đang hiện diện tại nhiều thị trường bán dẫn toàn cầu...
Các công ty Fintech với các ưu điểm nổi bật về hạ tầng công nghệ, sản phẩm đa dạng, khả năng tận dụng dữ liệu, hệ thống thanh toán tinh gọn... đang “bình dân hóa” dịch vụ tài chính - ngân hàng cho các nhóm yếu thế.
Trong bảng xếp hạng Chỉ số Sẵn sàng Mạng 2024 (Networked Readiness Index – NRI) đánh giá mức độ phát triển công nghệ thông tin của các quốc gia, Việt Nam giữ thứ hạng 45/133 quốc gia toàn cầu, tăng 11 bậc so với năm ngoái…
Hơn 62% dân số hiện đang sống ở nông thôn và vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng từ các dịch vụ tài chính – ngân hàng chính thống. Việc Fintech - ngân hàng bắt tay nhau sẽ là chìa khóa phá vỡ thế khó này.
Báo cáo Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) cho biết, hiện có khoảng 20,3 tỷ USD nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa được đáp ứng, chủ yếu do thiếu tài sản đảm bảo và rủi ro tín dụng cao. FinTech đang góp phần giải quyết nhu cầu tín dụng này.
Với các ưu điểm nổi bật về hạ tầng công nghệ, sản phẩm đa dạng, khả năng tận dụng dữ liệu, hệ thống thanh toán tinh gọn, công cụ quản lý kinh doanh hiệu quả…, các công ty công nghệ tài chính (Fintech) đang “bình dân hóa” dịch vụ tài chính - ngân hàng, giúp nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ cho người dân, đặc biệt là các nhóm yếu thế, qua đó thúc đẩy tài chính toàn diện.
Các công ty Fintech với các ưu điểm nổi bật về hạ tầng công nghệ, sản phẩm đa dạng, khả năng tận dụng dữ liệu, hệ thống thanh toán tinh gọn, các công cụ quản lý kinh doanh hiệu quả… đang “bình dân hóa” dịch vụ tài chính – ngân hàng, giúp nâng cao khả năng tiếp cận tài chính toàn diện cho người dân Việt Nam, đặc biệt là các nhóm yếu thế.
Sự hợp tác giữa ngân hàng và FinTech là đặc biệt quan trọng trong việc ứng dụng công nghệ tài chính, nhằm đảm bảo lợi ích của quá trình đổi mới sáng tạo tài chính sẽ đến được với tất cả người dân.
Nhắm tới mục tiêu phát thải ròng NetZero, viện nghiên cứu McKinsey Global Institute đã xác định 25 thách thức quan trọng về công nghệ và cơ sở hạ tầng cần phải vượt qua.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 119/CĐ-TTg ngày 25/11/2024 yêu cầu một số Bộ liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
Lo ngại về tăng trưởng kinh tế GDP được nhiều chuyên gia gói gọn trong từ khóa “biến động” theo “Trump 2.0”, trong đó được nhắc đến nhiều nhất là thương mại. Từ đó, các chuyên gia cho rằng cần chủ động kích hoạt các động lực tăng trưởng trong nước, thay vì phụ thuộc xuất khẩu.
Trong thời gian qua, các ngân hàng thương mại thường xuyên niêm yết giá bán ra đô la Mỹ sát mức giá trần của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Điều gì đang gây sức ép lên tỷ giá trên thị trường chính thức?
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 119/CĐ-TTg ngày 25/11/2024 yêu cầu một số Bộ liên quan và các địa phương đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử. Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn trực tiếp chỉ đạo việc triển khai, đôn đốc, xử lý vướng mắc trong quá trình thực hiện Công điện…
Ông Rich McClellan, Giám đốc Quốc gia Viện Tony Blair vì Sự thay đổi toàn cầu (TBI) tại Việt Nam, đã có cuộc trao đổi với VnEconomy về triển vọng quan hệ kinh tế Việt Nam - Mỹ trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy biến động. Theo ông, Việt Nam có thể tận dụng những cơ hội lớn để thu hút đầu tư từ Mỹ, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng tái tạo và sản xuất tiên tiến...
Khi lãnh đạo CNTT và chủ doanh nghiệp tìm kiếm những mục tiêu khác nhau và thường xung đột, toàn doanh nghiệp sẽ chịu thiệt hại. Một liên minh mạnh mẽ là điều cần thiết để đạt được thành công lâu dài.
Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số là hai dự án luật rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay của đất nước ta nên tinh thần phải thay đổi tư duy, bởi tư duy là nguồn lực, là tầm nhìn, là động lực…
Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số quy định nhiều nội dung về khái niệm, nguyên tắc cho tài sản số, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghiệp bán dẫn và cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox)...