Nghiên cứu này là một chuyên đề của Series nghiên cứu về tác động của chính sách thuế quan mới của Mỹ tới nền kinh tế Việt Nam, được thực hiện bởi Viện NCKH Ngân hàng, Học viện Ngân hàng trong tháng 4/2025.
Chiến tranh thương mại là hình thức đối đầu kinh tế giữa các quốc gia, trong đó một bên hoặc nhiều bên áp đặt các hàng rào thuế quan, phi thuế quan nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước hoặc để gây sức ép về chính trị và ngoại giao. Tuy nhiên, lịch sử cho thấy, những cuộc chiến này hiếm khi mang lại chiến thắng rõ ràng cho bất kỳ bên nào. Ngược lại, chúng thường dẫn đến sự suy giảm thương mại song phương, giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế, rối loạn chuỗi cung ứng toàn cầu, và gia tăng bất ổn vĩ mô.
Bối cảnh đầu năm 2025 chứng kiến sự leo thang trở lại của cuộc thương chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, với các vòng trả đũa thuế quan liên tiếp. Điều này đặt ra một câu hỏi quan trọng: Phải chăng thế giới đang lặp lại một vòng xoáy cũ? Từ những chính sách áp thuế mang tính bảo hộ của Hoa Kỳ đầu thế kỷ XX cho đến các xung đột thương mại kéo dài giữa Mỹ, EU, Nhật Bản, Canada và Trung Quốc, có thể nhận thấy một mô hình nhất quán: khi các bên chọn leo thang căng thẳng bằng công cụ thuế quan, hậu quả về kinh tế đều nặng nề, và kết cục thường chỉ được giải quyết thông qua đàm phán.
Chủ nghĩa bảo hộ từng được xem là biện pháp cứu cánh tạm thời trong thời kỳ khủng hoảng, nhưng thực tế lại cho thấy nó thường làm trầm trọng thêm vấn đề. Tác động lan tỏa từ một cuộc chiến thương mại không chỉ giới hạn ở các quốc gia trực tiếp tham chiến, mà còn ảnh hưởng đến cả mạng lưới thương mại toàn cầu. Trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau như hiện nay, chi phí để duy trì các chính sách đối đầu luôn cao hơn rất nhiều so với lợi ích kỳ vọng ban đầu.
Bài viết này sẽ nhìn lại các cuộc chiến thương mại tiêu biểu từ thế kỷ XX đến nay – từ đạo luật Smoot–Hawley, cuộc chiến gà giữa Mỹ và châu Âu, tranh chấp về gỗ, ô tô, chuối, đến các căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc trong thế kỷ XXI – để rút ra kết luận rằng không quốc gia nào thực sự giành được thắng lợi trong một cuộc chiến thương mại. Chỉ có đối thoại và hợp tác đa phương mới là con đường mang lại thịnh vượng lâu dài và ổn định cho kinh tế toàn cầu.
Sau sự kiện sụp đổ của thị trường chứng khoán phố Wall vào tháng 10 năm 1929, nền kinh tế Hoa Kỳ bước vào thời kỳ Đại Khủng Hoảng kéo dài gần một thập kỷ. Trong bối cảnh đó, Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Thuế quan Smoot–Hawley (1930), với mục tiêu ban đầu là bảo vệ nông dân Mỹ trước sự cạnh tranh từ nước ngoài. Tuy nhiên, dự luật này nhanh chóng được mở rộng sang nhiều mặt hàng công nghiệp, khiến mức thuế quan trung bình đối với hàng hóa nhập khẩu tăng lên khoảng 20%.
Hệ quả không nằm ngoài dự đoán: hàng loạt quốc gia đối tác thương mại đã áp dụng biện pháp trả đũa đối xứng, trong đó có Canada – thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Mỹ thời điểm đó – đánh thuế lên 16 mặt hàng quan trọng, chiếm tới 1/3 kim ngạch xuất khẩu của Mỹ sang nước này.
Kết quả là xuất khẩu của Hoa Kỳ giảm mạnh 61% chỉ trong vòng ba năm, từ 5,2 tỷ USD năm 1929 xuống còn 2 tỷ USD năm 1932. Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa phá sản vì không thể mở rộng thị trường ra quốc tế. Tình trạng thất nghiệp gia tăng và tâm lý hoài nghi đối với chính phủ đương nhiệm khiến Tổng thống Hoover thất cử năm 1932.
Nhận thức được hậu quả nghiêm trọng, Tổng thống Roosevelt đã ký Đạo luật Thỏa thuận Thương mại song phương năm 1934, mở đường cho một giai đoạn đàm phán thương mại đa phương tích cực hơn với 19 quốc gia, đánh dấu bước khởi đầu cho chiến lược “hợp tác thay vì đối đầu”.
Đánh giá: Smoot–Hawley là ví dụ kinh điển của một chính sách thương mại sai lầm mang tính đơn phương, khiến Mỹ không chỉ thất bại trong việc bảo vệ nông nghiệp nội địa mà còn đẩy kinh tế thế giới vào vòng xoáy suy giảm sâu hơn. Chính sách bảo hộ, trong bối cảnh toàn cầu hóa còn yếu ớt, đã tạo ra hiệu ứng lan truyền tiêu cực và kéo dài thời kỳ phục hồi kinh tế.
Sau Thế chiến II, chính phủ Mỹ phát động chiến dịch thay đổi khẩu phần ăn quốc gia, thúc đẩy tiêu dùng thịt gà nhằm giảm áp lực lên ngành thịt đỏ. Nhờ đó, ngành chăn nuôi gia cầm Mỹ phát triển mạnh mẽ, đẩy giá thành xuống mức rất cạnh tranh. Kết quả là các sản phẩm gà giá rẻ tràn vào thị trường châu Âu, gây ra phản ứng dữ dội từ phía nông dân EU – đặc biệt tại Pháp và Tây Đức.
Năm 1962, Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC) áp thuế 13,43 xu/pound (~1,4 USD/kg thời giá hiện tại) lên gà nhập khẩu từ Mỹ. Trong vòng một năm, xuất khẩu gà Mỹ sang châu Âu giảm tới 30%. Đáp lại, năm 1963, chính quyền Tổng thống Lyndon B. Johnson áp thuế 100% lên các mặt hàng như tinh bột khoai tây, rượu mạnh và đặc biệt là xe tải nhẹ nhập khẩu có giá trị trên 1.000 USD.
Mặc dù ban đầu nhằm trả đũa thương mại, nhưng “thuế gà” đối với xe tải vẫn còn tồn tại cho đến nay, trở thành một rào cản phi lý trong thương mại ô tô quốc tế. Nó buộc các nhà sản xuất xe từ Nhật Bản và châu Âu phải chuyển nhà máy sang Bắc Mỹ để tránh thuế, gây biến dạng mô hình đầu tư toàn cầu.
Đánh giá: Dù xuất phát từ một sản phẩm nông nghiệp, cuộc chiến gà lại để lại hệ lụy dài hạn cho ngành sản xuất công nghiệp. Đây là ví dụ cho thấy một chính sách trả đũa có thể vượt khỏi phạm vi ban đầu và gây ra các hiệu ứng phụ kéo dài hàng thập kỷ. Hệ thống thuế quan trở thành công cụ chính trị hơn là kinh tế, và tính hiệu quả về mặt thương mại dường như bị đặt sau các tính toán cục bộ.
Xung đột thương mại giữa Hoa Kỳ và Canada về gỗ mềm là một trong những tranh chấp thương mại dài nhất trong lịch sử hiện đại. Gốc rễ của vấn đề xuất phát từ sự khác biệt về mô hình khai thác tài nguyên: trong khi phần lớn gỗ ở Canada được khai thác trên đất công với giá cho thuê rừng được chính phủ quy định – dẫn tới cáo buộc trợ cấp ngầm, thì tại Mỹ, gỗ được khai thác từ đất tư nhân theo cơ chế thị trường.
Năm 1982, Mỹ cáo buộc Canada trợ cấp không công bằng cho ngành gỗ và áp thuế chống bán phá giá. Từ đó đến nay, đã có ít nhất 5 vòng thương lượng lớn và hàng chục vụ kiện tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các cơ quan giải quyết tranh chấp song phương. Các mức thuế quan áp dụng dao động từ 14% đến hơn 20% tùy thời điểm và chính quyền.
Tính đến hiện tại, Mỹ nhập khẩu gần 50% sản phẩm gỗ mềm từ Canada, cho thấy sự phụ thuộc lẫn nhau sâu sắc. Tuy nhiên, các biện pháp thuế quan khiến giá nhà ở tại Mỹ tăng, do chi phí xây dựng (trong đó gỗ là thành phần chính) bị đẩy lên.
Đánh giá: Cuộc chiến gỗ là minh chứng điển hình cho một tranh chấp kéo dài xuất phát từ mô hình quản trị tài nguyên khác biệt, trong đó chính sách thương mại bị lạm dụng để điều chỉnh cấu trúc thị trường thay vì thông qua cơ chế đàm phán kỹ thuật. Hệ quả không chỉ là giá cả tăng cao, mà còn là sự bào mòn lòng tin giữa hai đối tác thương mại sát cạnh.
Vào năm 1986, Hoa Kỳ và Nhật Bản ký một thỏa thuận nhằm buộc Nhật Bản mở cửa thị trường chất bán dẫn cho doanh nghiệp Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ cáo buộc Nhật không thực thi đầy đủ và đến năm 1987, chính quyền Tổng thống Ronald Reagan áp thuế 100% lên 300 triệu USD hàng hóa, bao gồm cả ô tô Nhật Bản – mặt hàng mũi nhọn của xuất khẩu Nhật lúc bấy giờ.
Khác với kỳ vọng về một phản ứng đối xứng, Nhật Bản không trả đũa ngay lập tức, với lý do giữ gìn hệ thống thương mại tự do. Tuy nhiên, hậu quả kinh tế không thể tránh khỏi. Giá trị đồng yên tăng mạnh, xuất khẩu giảm sâu, và nền kinh tế Nhật bắt đầu rơi vào trạng thái suy thoái kéo dài hơn một thập kỷ (hay còn được gọi với cái tên: Thập kỷ mất mát) (từ đầu 1990 đến 2002).
Mặc dù thâm hụt thương mại của Mỹ với Nhật có giảm nhẹ sau giai đoạn 1987–1988, nhưng sau đó lại tiếp tục gia tăng. Đến năm 2023, thâm hụt thương mại Mỹ – Nhật lên tới 72 tỷ USD, cho thấy hiệu quả điều chỉnh bằng thuế quan là ngắn hạn và không bền vững.
Đánh giá: Đây là trường hợp đặc biệt khi một chính sách thuế quan nhằm điều chỉnh một ngành (bán dẫn) lại đánh trực tiếp vào một ngành khác (ô tô), gây tổn thất ngoài mục tiêu chính.
Ngay sau khi Liên minh châu Âu (EU) được thành lập vào năm 1993, khối này đã áp dụng cơ chế thuế quan có lợi cho chuối từ các nước châu Phi – Caribe – Thái Bình Dương (ACP), vốn là thuộc địa cũ của các nước châu Âu, nhằm bảo vệ nông dân quy mô nhỏ tại đó. Tuy nhiên, điều này khiến các công ty Mỹ sở hữu đồn điền chuối lớn tại Mỹ Latinh bị thiệt hại nặng nề, dẫn đến một loạt 8 đơn khiếu nại lên WTO từ phía Hoa Kỳ.
WTO nhiều lần ra phán quyết có lợi cho Mỹ, buộc EU phải điều chỉnh chính sách. Tuy nhiên, tranh chấp kéo dài gần hai thập kỷ, khiến Mỹ cũng áp thuế 100% lên một số sản phẩm cao cấp từ châu Âu như len cashmere Scotland và phô mai Pháp.
Phải đến năm 2009, với Thỏa thuận Chuối Geneva, EU mới đồng ý giảm thuế từ 148 euro/tấn xuống còn 114 euro/tấn vào năm 2017. Thỏa thuận năm 2012 giữa EU và 10 quốc gia Mỹ Latinh đánh dấu kết thúc tranh chấp.
Đánh giá: Cuộc chiến chuối không chỉ là một vấn đề thương mại, mà còn chứa đựng yếu tố hậu thuộc địa và đạo đức toàn cầu. Nó đặt ra câu hỏi: liệu chính sách thương mại có nên phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững, hay phải thuần túy tuân thủ nguyên tắc tự do hóa? Tuy nhiên, bài học cuối cùng vẫn là: đàm phán là cách duy nhất để hóa giải mâu thuẫn phức tạp trong thế giới đa cực.
Năm 2002, nhằm bảo vệ ngành công nghiệp thép nội địa trước sức ép cạnh tranh toàn cầu, Tổng thống Mỹ George W. Bush ký sắc lệnh áp dụng thuế quan từ 8% đến 30% đối với thép nhập khẩu từ hàng loạt quốc gia. Trong đó, Liên minh châu Âu là bên chịu ảnh hưởng nặng nề, trong khi Canada và Mexico – do nằm trong khối NAFTA – được miễn trừ.
Hệ quả tức thì là nhập khẩu thép từ các quốc gia bị áp thuế giảm mạnh 28% trong năm đầu tiên, theo phân tích từ CEPII. Tuy nhiên, các nhà nhập khẩu Mỹ đã nhanh chóng chuyển sang mua từ các nước không bị đánh thuế, khiến tổng nhập khẩu thép của Mỹ tăng nhẹ 3% trong cùng kỳ – phản ánh hiện tượng thay thế nguồn cung chứ không làm giảm áp lực lên ngành nội địa.
Trong nội bộ nước Mỹ, thay vì phục hồi ngành thép, chính sách này lại dẫn đến hàng loạt vụ phá sản ở các công ty quy mô nhỏ, vốn không thể cạnh tranh được cả về chi phí lẫn quy mô. Đồng thời, ngành sản xuất sử dụng đầu vào là thép (ô tô, xây dựng, máy móc...) bị ảnh hưởng bởi chi phí tăng cao, làm suy giảm khả năng cạnh tranh xuất khẩu.
Trước khi EU kịp trả đũa bằng thuế trị giá 2,2 tỷ USD lên các mặt hàng như cam Florida, dệt may, xe máy Harley-Davidson, Mỹ đã gỡ bỏ hoàn toàn các thuế quan vào cuối năm 2003 – chỉ 21 tháng sau khi áp dụng.
Đánh giá: Đây là một ví dụ rõ nét về hiệu ứng boomerang của chính sách bảo hộ ngành lõi. Khi cấu trúc thị trường đã toàn cầu hóa, các ngành “được bảo vệ” cũng chỉ trụ được trong thời gian ngắn, và cái giá phải trả thường rơi vào những ngành phụ trợ lớn hơn. Đồng thời, uy tín quốc tế của Mỹ trong vai trò người bảo vệ thương mại tự do cũng bị tổn hại nghiêm trọng.
Bắt đầu từ đầu năm 2018 dưới thời Tổng thống Donald Trump, Hoa Kỳ áp đặt thuế quan 25% lên hơn 800 mặt hàng Trung Quốc, sau cáo buộc Bắc Kinh vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và thao túng thương mại. Trung Quốc đáp trả bằng thuế 178,6% lên ngô Mỹ, cùng nhiều loại thuế 25% đối với các mặt hàng trọng yếu như đậu nành, máy bay, và ô tô.
Đến giữa năm 2019, phạm vi thuế quan đã mở rộng đến gần như toàn bộ kim ngạch song phương (~550 tỷ USD hàng hóa). Đồng thời, Mỹ cũng áp thuế lên thép (25%) và nhôm (10%) từ EU, Canada và Mexico, gây ra phản ứng trả đũa đồng loạt.
Tác động kinh tế của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung là sâu rộng và mang tính hệ thống. Chỉ trong vòng một năm sau các biện pháp áp thuế trả đũa lẫn nhau, Trung Quốc đã đánh mất vị thế đối tác thương mại lớn nhất của Hoa Kỳ, nhường chỗ cho Mexico – một sự dịch chuyển mang tính biểu tượng trong quan hệ kinh tế quốc tế. Đồng thời, xuất khẩu đậu nành của Mỹ sang Trung Quốc – một trong những ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất – đã giảm tới 75%, gây tổn thất nặng nề cho nông dân và các doanh nghiệp nông nghiệp Mỹ. Trên phạm vi toàn cầu, chuỗi cung ứng bị gián đoạn nghiêm trọng khiến nhiều tập đoàn đa quốc gia như Apple, Intel và các nhà sản xuất linh kiện điện tử lớn phải gấp rút tái cơ cấu chiến lược sản xuất, chuyển dịch cơ sở từ Trung Quốc sang các quốc gia có chi phí cạnh tranh và rủi ro địa chính trị thấp hơn như Việt Nam, Ấn Độ và Mexico. Những biến động này cho thấy cuộc chiến thương mại đã không chỉ làm thay đổi cán cân thương mại song phương mà còn kích hoạt một làn sóng dịch chuyển sản xuất và đầu tư trên quy mô toàn cầu.
Mặc dù hai bên đạt được “lệnh ngừng bắn” tạm thời với Thỏa thuận giai đoạn I (2020), trong đó Trung Quốc cam kết mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa Mỹ, phần lớn cam kết đã không được thực thi đầy đủ.
Đánh giá: Cuộc thương chiến Mỹ – Trung không còn đơn thuần là tranh chấp thương mại, mà là biểu hiện của sự tái định hình trật tự kinh tế toàn cầu. Khác với các cuộc chiến trước, lần này thiệt hại không chỉ là mất kim ngạch, mà còn là tái cấu trúc chuỗi giá trị, khiến các bên khó quay lại trạng thái ban đầu. Tuy nhiên, ngay cả trong bối cảnh này, các thỏa thuận đàm phán vẫn được thúc đẩy ở hậu trường, chứng minh một lần nữa: đàm phán là công cụ tất yếu để hóa giải xung đột giữa các siêu cường.
Tổng kết lại, nhìn lại lịch sử thế kỷ XX và XXI, từ đạo luật Smoot–Hawley năm 1930 đến cuộc thương chiến Mỹ – Trung gần đây, có thể nhận thấy một đặc điểm lặp đi lặp lại: các cuộc chiến thương mại hiếm khi đạt được kết quả mong muốn, và hầu như không bên nào giành được thắng lợi thực sự. Chính sách thuế quan được kỳ vọng sẽ bảo vệ sản xuất nội địa, giảm nhập siêu, hoặc tạo sức ép chính trị, nhưng trên thực tế thường dẫn đến tổn thất lan rộng – từ sụt giảm xuất khẩu, mất thị phần, cho đến rối loạn chuỗi cung ứng toàn cầu và gia tăng chi phí sản xuất. Sự thất bại của đạo luật Smoot–Hawley khi làm suy giảm 61% xuất khẩu Mỹ trong ba năm và làm trầm trọng thêm cuộc Đại Khủng Hoảng, hay việc “thuế gà” kéo dài đến nay làm biến dạng ngành ô tô châu Âu, là những minh chứng rõ ràng cho hiệu ứng boomerang của chính sách bảo hộ. Những tranh chấp kéo dài như cuộc chiến gỗ Mỹ–Canada hay cuộc chiến chuối giữa Mỹ và EU càng khẳng định rằng khi thương mại trở thành công cụ để trả đũa, các bên đều rơi vào thế phòng thủ, thiệt hại lẫn nhau và cuối cùng vẫn phải quay lại bàn đàm phán. Ngay cả trong cuộc đối đầu mang tính địa chính trị như Mỹ – Trung giai đoạn 2018–2020, với quy mô hàng trăm tỷ USD, kết quả cuối cùng vẫn là sự suy giảm xuất khẩu, sự chuyển dịch chuỗi cung ứng và sự bất ổn toàn cầu. Tất cả những sự kiện đó cho thấy, chiến tranh thương mại không có người thắng – chỉ có tổn thất và đàm phán là giải pháp duy nhất nhằm tháo gỡ xung đột thương mại.
Thời gian | Các bên tham gia | Nguyên nhân chính | Biện pháp áp dụng | Tác động kinh tế | Kết cục |
1930 | Mỹ vs. toàn cầu (Canada, Pháp...) | Bảo hộ nông nghiệp giữa khủng hoảng | Đạo luật Smoot–Hawley: tăng thuế 20% | Xuất khẩu Mỹ giảm 61%, lan rộng suy thoái | Mỹ quay lại đàm phán song phương (1934) |
1962–1963 | Mỹ vs. EEC (châu Âu) | Gà Mỹ giá rẻ gây lo ngại | EU đánh thuế 13,43 xu/pound; Mỹ trả đũa lên xe tải, rượu... | Xuất khẩu gà Mỹ giảm 30%; hình thành “thuế gà” kéo dài đến nay | Thay đổi mô hình đầu tư (chuyển sản xuất sang Bắc Mỹ) |
1982–nay | Mỹ vs. Canada | Tranh cãi về giá gỗ công (trợ cấp ngầm) | Thuế chống bán phá giá 14%–20% | Tăng giá nhà Mỹ; giảm lòng tin song phương | Xung đột kéo dài, nhiều vòng đàm phán chưa kết thúc |
1987 | Mỹ vs. Nhật Bản | Nhật không thực hiện cam kết mở cửa ngành bán dẫn | Mỹ áp thuế 100% lên ô tô, hàng điện tử | Nhật suy thoái dài, xuất khẩu giảm; USD–Yên biến động | Nhật không trả đũa; Mỹ vẫn thâm hụt thương mại |
1993–2009 | Mỹ vs. EU | EU ưu đãi chuối từ thuộc địa cũ, gây thiệt cho công ty Mỹ | Mỹ kiện WTO, áp thuế 100% lên cashmere, phô mai Pháp | Kéo dài gần 20 năm; WTO liên tục ra phán quyết | Kết thúc bằng Thỏa thuận Geneva (2009–2012) |
2002–2003 | Mỹ vs. EU | Bảo hộ ngành thép nội địa | Thuế 8–30% lên thép nhập khẩu | Nhập khẩu từ các nước chịu thuế giảm 28%, nhưng tổng nhập lại tăng 3% | Mỹ rút thuế sau đe dọa trả đũa từ EU |
2018–2020 | Mỹ vs. Trung Quốc (Lần 1) | Thâm hụt thương mại, quyền sở hữu trí tuệ | Thuế 25% lên hàng TQ; TQ trả đũa đậu nành, máy bay | Xuất khẩu đậu nành Mỹ giảm 75%; chuỗi cung ứng toàn cầu tái định hình | Đàm phán liên tục; cấu trúc thương mại toàn cầu thay đổi lâu dài |
Bảng 1: Tổng hợp các cuộc thương chiến nối tiếng từ thế kỷ 20 đến nay
Năm 2025 mở ra trong bối cảnh nền kinh tế thế giới chưa kịp phục hồi sau giai đoạn hậu đại dịch và những bất ổn địa chính trị kéo dài thì lại phải đối mặt với một vòng xoáy mới mang tên chiến tranh thương mại. Hoa Kỳ và Trung Quốc – hai nền kinh tế lớn nhất thế giới – tiếp tục áp đặt các biện pháp thuế quan lên hàng loạt mặt hàng quan trọng của nhau, bao gồm chất bán dẫn, pin năng lượng tái tạo, ô tô điện, vi mạch, lương thực và nguyên vật liệu chiến lược. Các biện pháp này không còn mang tính biểu tượng mà đã thực sự thâm nhập sâu vào cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến không chỉ hai quốc gia liên quan mà cả các đối tác thương mại trung gian như Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và nhóm các nước ASEAN cũng bị cuốn vào vòng xoáy điều chỉnh.
Các tổ chức kinh tế độc lập đã đưa ra cảnh báo rằng nếu căng thẳng tiếp tục leo thang, GDP toàn cầu có thể sụt giảm mạnh. Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) - cơ quan chung của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và Liên hợp quốc nhận định thuế quan mà Mỹ áp lên các nước cùng với các biện pháp đáp trả có thể khiến thương mại toàn cầu suy giảm từ 3-7%, GDP toàn cầu giảm 0,7%, trong đó các nước đang phát triển – những nền kinh tế phụ thuộc lớn vào xuất khẩu và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài – sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Đối với chính Hoa Kỳ và Trung Quốc, hệ quả sẽ là sự suy giảm mạnh mẽ của xuất khẩu, sự gia tăng chi phí sản xuất do đầu vào trở nên khan hiếm và đắt đỏ hơn, đồng thời làm suy yếu năng lực tiêu dùng khi giá cả leo thang tác động trực tiếp đến thu nhập thực tế của người dân. Thêm vào đó, tâm lý bất ổn trên thị trường tài chính toàn cầu có thể khiến dòng vốn đầu tư dịch chuyển bất ngờ, gia tăng rủi ro hệ thống và kéo tụt kỳ vọng phục hồi kinh tế.
Lịch sử đã chứng minh rằng các biện pháp trả đũa thương mại không bao giờ tạo ra kẻ thắng cuộc rõ ràng. Dù các nhà hoạch định chính sách có thể đạt được một số mục tiêu tức thời như giảm nhập siêu hay bảo vệ ngành sản xuất chiến lược, thì cái giá phải trả thường lớn hơn lợi ích kỳ vọng ban đầu. Đó là sự mất lòng tin giữa các đối tác kinh tế, sự đứt gãy của chuỗi giá trị toàn cầu và sự suy giảm năng suất dài hạn. Không phải ngẫu nhiên mà các cuộc chiến thương mại trong quá khứ – dù khởi phát từ nông nghiệp, công nghiệp hay dịch vụ – đều kết thúc bằng một thỏa thuận mang tính đàm phán, từ Thỏa thuận Thương mại Song phương của Mỹ năm 1934 đến Hiệp định Geneva về chuối giữa EU và Mỹ Latinh, và gần đây là Thỏa thuận thương mại Giai đoạn I giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Sự phụ thuộc lẫn nhau trong một thế giới toàn cầu hóa ngày nay không cho phép bất kỳ nền kinh tế nào tách rời hoàn toàn mà không phải trả giá. Các biện pháp thuế quan được thiết kế để bảo vệ doanh nghiệp trong nước cuối cùng lại làm tổn thương chính các doanh nghiệp đó khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn và chi phí gia tăng. Quan trọng hơn, các hành động đơn phương thường tạo ra phản ứng dây chuyền từ các đối tác, khiến mâu thuẫn ngày càng trầm trọng và khó kiểm soát. Đối với năm 2025, bài học lịch sử càng trở nên cấp thiết: Chiến tranh thương mại không thể mang lại một chiến thắng thực sự cho bất kỳ quốc gia nào. Chỉ có đối thoại, thương lượng và hợp tác trên nền tảng luật lệ quốc tế mới có thể giúp các bên tìm ra giải pháp cân bằng giữa lợi ích quốc gia và ổn định toàn cầu.
(*) Viện NCKH Ngân hàng, Học viện Ngân hàng