Lịch sử kinh tế thế giới cho thấy, nơi đâu tạo được cơ chế khiến vốn có thể chuyển nhượng được dễ dàng thì ở đó sẽ trở thành trung tâm tài chính, thành bộ não tính toán kinh tế của cả khu vực, thậm chí là thế giới. Mở cửa thị trường vốn sẽ giúp Chính phủ Việt Nam tập trung vào cải cách nền kinh tế theo hướng tự do, duy trì kỳ vọng liên tục về sự phát triển dài hạn của nền kinh tế. Khi đó dòng vốn nước ngoài khổng lồ sẽ tự chảy đến và ở lại Việt Nam, và chúng ta sẽ trở nên giàu có, thịnh vượng”, ông Đinh Tuấn Minh, Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế và xã hội (MASSEI), trao đổi với Kinh tế Sài Gòn.
Nhiều khía cạnh vẫn chưa được quan tâm cải cách
KTSG: Tháng 10 vừa qua, Viện Fraser (Canada) công bố “Báo cáo thường niên 2024: Tự do kinh tế thế giới”. Đây là năm thứ ba liên tiếp, Việt Nam cải thiện cả về điểm số, thứ hạng và lần đầu tiên lọt vào nhóm 100 quốc gia và vùng lãnh thổ đứng đầu. Cụ thể, điểm số đã tăng từ 6,17 điểm năm 2019 lên 6,23 điểm năm 2022. Xét về thứ hạng, Việt Nam tăng từ thứ 141/165 lên 99/165 trong cùng thời kỳ. Sự thăng hạng “nhảy vọt” của Việt Nam về tự do kinh tế trong bốn năm 2019-2022 cho thấy điều gì, thưa ông?
- Ông Đinh Tuấn Minh: Để nói về việc Việt Nam làm tốt như thế nào thì chúng ta cần phải đặt vào bối cảnh thế giới trong mối tương quan với các quốc gia khác. Phần lớn giai đoạn này, các quốc gia đều trải qua đại dịch Covid-19 với những bất trắc không ai đoán trước được. Cách thức ứng xử với đại dịch thế nào, mỗi quốc gia một khác. Và bộ chỉ số Tự do kinh tế thế giới cho thấy, để kiểm soát đại dịch, đa phần các quốc gia đều ít nhiều thu hẹp quyền tự do kinh tế của người dân và doanh nghiệp. Điều này được thể hiện qua việc điểm số tự do kinh tế trung bình của các quốc gia đã giảm mạnh trong bốn năm qua, xóa bỏ hơn một thập niên tăng trưởng của chỉ số này.
Vì thế việc điểm số của Việt Nam tăng nhẹ từ 6,17 lên 6,23 điểm trong cùng giai đoạn phản ánh các chính sách chống dịch của Việt Nam thân thiện với thị trường hơn so với nhiều quốc gia trên thế giới. Nổi bật là các chính sách liên quan đến đồng tiền vững mạnh. Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trên thế giới duy trì được tỷ lệ lạm phát thấp trong khi vẫn đạt tăng trưởng kinh tế dương. Bên cạnh đó là các chính sách liên quan đến cắt giảm các quy định và mở cửa thương mại quốc tế, đều có sự cải thiện theo hướng thân thiện với thị trường hơn.
KTSG: Dù thứ hạng của Việt Nam tăng đáng kể nhưng điểm số lại tăng khá chậm; đặc biệt là điểm số và thứ hạng của một số chỉ số thành phần bị sụt giảm. Theo ông, Việt Nam cần quan tâm đến sự sụt giảm về điểm số và thứ hạng của những chỉ số thành phần nào và vì sao?
- Như trên đã đề cập, điểm số tăng chậm trong bối cảnh đại dịch Covid-19 nên vẫn được xem là một thành tích của Việt Nam.
Tuy nhiên, khi phân tích sâu bộ chỉ số, chúng ta thấy những khía cạnh cản trở việc cải thiện điểm số tự do kinh tế của Việt Nam lại là những vấn đề tồn tại trước khi có đại dịch. Đó là: mức thuế thu nhập, tỷ lệ trích nộp bảo hiểm xã hội, doanh nghiệp nhà nước (đối với lĩnh vực quy mô chính phủ); vấn đề về tư pháp, tòa án và thực thi hợp đồng (đối với lĩnh vực hệ thống pháp lý và quyền tài sản); tài khoản ngoại tệ tại các ngân hàng (đối với lĩnh vực đồng tiền vững mạnh); độ mở thị trường tài chính, kiểm soát vốn và tự do cho người nước ngoài đến thăm (đối với lĩnh vực tự do thương mại quốc tế); và các quy định kinh doanh (đối với lĩnh vực các quy định).
Có lẽ ngoại trừ khía cạnh “quy định kinh doanh” có một số cải thiện trong hai năm gần đây, các khía cạnh khác vẫn chưa được quan tâm cải cách đúng mức. Và như vậy, chúng vẫn tiếp tục là những rào cản cải thiện chỉ số tự do kinh tế của Việt Nam trong xếp hạng những năm tới.
KTSG: Như ông vừa nêu, quy mô chính phủ là lĩnh vực có điểm số và thứ hạng suy giảm nhiều nhất so với năm trước. Ông có thể phân tích kỹ hơn nguyên nhân cũng như đưa ra các gợi ý chính sách từ chỉ số thành phần này?
- Trong lĩnh vực quy mô chính phủ, chỉ tiêu tiêu dùng chính phủ của Việt Nam đạt được số điểm tương đối cao so với các nước trong khu vực. Tuy vậy, các tiêu chí còn lại như đầu tư của chính phủ, mức thuế thu nhập, tỷ lệ trích nộp bảo hiểm xã hội, sở hữu nhà nước đều ở mức thấp, thậm chí suy giảm so với các năm trước.
Một trong những điểm ấn tượng trong cách điều hành của Chính phủ Việt Nam trong khoảng 10 năm gần đây là đánh giá hiệu quả chính sách dựa trên các chỉ số có tính so sánh với các quốc gia khác, như Năng lực cạnh tranh quốc gia (WEF), Đổi mới sáng tạo toàn cầu (WIPO), Chính phủ điện tử (UN)... Bộ chỉ số Tự do kinh tế thế giới do mạng lưới các học giả độc lập trên khắp thế giới dẫn đầu bởi Viện Fraser (Canada) rất đáng để chúng ta theo dõi, so sánh.
Cụ thể, điểm số chỉ tiêu đầu tư chính phủ của Việt Nam là 6,87 - thấp hơn mức điểm 7,05 của Malaysia và cách xa mức điểm 9,19 của Singapore. Điều này cho thấy đầu tư phát triển kinh tế của Việt Nam vẫn phụ thuộc quá nhiều vào ngân sách nhà nước ngay cả khi tỷ lệ giải ngân đầu tư công của Việt Nam trong những năm gần đây luôn đạt mức thấp so với kế hoạch. Mức thuế thu nhập cá nhân cao nhất của Việt Nam (35%) quá cao so với các nước trong khu vực (Malaysia, 30%; Singapore, 22%); khu vực doanh nghiệp nhà nước vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế bởi tiến trình cổ phần hóa trong những năm gần đây hầu như không có tiến triển gì.
Đây đều là những vấn đề mà các chuyên gia và các nhà làm chính sách đã chỉ ra trong nhiều năm nhưng không được giải quyết.
Khó tránh khỏi bất ổn vĩ mô khi dựa vào đầu tư công
KTSG: Trong những năm tới, Việt Nam cần lượng vốn khổng lồ để phát triển cơ sở hạ tầng. Từ chỉ số Tự do kinh tế thế giới năm 2022 của Việt Nam, theo ông, Việt Nam cần làm gì để thành công trong việc thu hút vốn đầu tư tư nhân cũng như đầu tư nước ngoài?
- Đúng như vậy! Là một nước đang phát triển có tham vọng vươn lên trở thành nước có thu nhập cao trong quãng thời gian 15-20 năm tới, Việt Nam sẽ cần một lượng vốn khổng lồ để phát triển cơ sở hạ tầng. Theo ước tính của FiinRatings, Việt Nam cần ít nhất 25-30 tỉ đô la Mỹ hàng năm để đầu tư cơ sở hạ tầng trong 10 năm tới, tương đương gần 600 tỉ đô la Mỹ cho đến năm 2040. Nhưng như tôi đã đề cập ở trên, ngay cả với tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công luôn ở mức không đạt kế hoạch như hiện nay thì so với các nước trong khu vực, vốn đầu tư vào nền kinh tế của Việt Nam đã phụ thuộc quá nhiều vào khu vực nhà nước rồi. Nếu chúng ta tiếp tục dựa vào vốn đầu tư công để phát triển cơ sở hạ tầng thì có thể dẫn đến làm tăng nợ công, khiến mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế tăng theo, và càng làm cho đầu tư tư nhân kém hấp dẫn. Nếu vòng xoáy này xuất hiện, nguy cơ bất ổn vĩ mô là khó tránh khỏi.
Để tránh nguy cơ này, các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương cần tập trung xây dựng cơ chế chính sách để thu hút đầu tư tư nhân, đặc biệt là đầu tư nước ngoài, vào phát triển cơ sở hạ tầng. Vì các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng đều kéo dài trong rất nhiều năm, nên để thu hút các nhà đầu tư tư nhân thì có lẽ điều họ cần là cơ chế chia sẻ rủi ro giữa nhà nước và nhà đầu tư sao cho đảm bảo dự án sẽ mang lại lợi nhuận cho họ. Chúng ta có lợi thế về ổn định và cam kết chính trị nhưng cơ chế chia sẻ rủi ro thì vẫn chưa thực sự rõ ràng.
KTSG: Tất cả các bài toán đặt ra liên quan đến thu hút đầu tư nước ngoài vào phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng các trung tâm tài chính quốc tế, thúc đẩy khởi nghiệp công nghệ... đều đòi hỏi phải mở cửa thị trường vốn. Cũng từ chỉ số Tự do kinh tế thế giới năm 2022 của Việt Nam, ông khuyến cáo: “Đã đến lúc Việt Nam cần mạnh dạn mở cửa hơn nữa thị trường vốn, giao dịch ngoại tệ cũng như thu hút người nước ngoài đến du lịch cũng như làm việc tại Việt Nam”. Cần có những chính sách gì để mở cửa thị trường vốn hiệu quả vào thời điểm này, thưa ông? Và điều này có ý nghĩa như thế nào với sự phát triển của Việt Nam?
- Tư duy thu hút đầu tư nước ngoài của chúng ta từ trước tới nay vẫn là làm thế nào để tăng vốn chảy vào (qua các biện pháp khuyến khích) và giảm vốn chảy ra (qua các rào cản). Với cách tư duy này, chúng ta chỉ có thể thu hút được vốn thông qua các biện pháp ưu đãi (chủ yếu về đất đai và thuế). Nhưng một khi hết ưu đãi và khi nguồn nhân công giá rẻ không còn thì liệu các nhà đầu tư nước ngoài có ở lại với chúng ta nữa không?
Trong khi đó, trong nền kinh tế thị trường, mấu chốt của việc dòng vốn có thực sự chảy vào và ở lại hay không là triển vọng phát triển của nền kinh tế. Nếu chúng ta tự tin là Việt Nam sẽ trở thành một nền kinh tế phát triển trong 15-20 năm nữa thì cần phải tạo ra một thị trường vốn hiện đại với ít rào cản nhất, nhưng vẫn đảm bảo an toàn nhất về quyền sở hữu, cho dòng vốn chuyển từ nhà đầu tư này sang nhà đầu tư khác, từ loại tài sản này sang loại tài sản khác, từ nước ngoài vào trong nước và từ trong nước ra nước ngoài.
Lịch sử kinh tế thế giới cho thấy, bất cứ nơi đâu tạo ra được cơ chế khiến cho vốn có thể chuyển nhượng được dễ dàng thì ở đó sẽ trở thành trung tâm tài chính, trở thành bộ não tính toán kinh tế của cả khu vực, thậm chí là thế giới. Mở cửa thị trường vốn sẽ giúp Chính phủ Việt Nam tập trung vào cải cách nền kinh tế theo hướng tự do, duy trì kỳ vọng liên tục về sự phát triển dài hạn của nền kinh tế. Khi đó dòng vốn nước ngoài khổng lồ sẽ tự chảy đến và ở lại Việt Nam, và chúng ta sẽ trở nên giàu có, thịnh vượng.
Và vì “đồng tiền đi liền khúc ruột”, muốn mở cửa thị trường vốn thì không thể không tạo điều kiện cho người nước ngoài dễ dàng đến Việt Nam du lịch và làm việc được.
KTSG: Xin hỏi ông câu cuối, vì sao ông “cất công” dịch “Báo cáo thường niên 2024: Tự do kinh tế thế giới” sang tiếng Việt. Đây có phải là một phần của công việc, hay cá nhân ông muốn gửi gắm điều gì qua công việc này?
- Một trong những điểm ấn tượng trong cách điều hành của Chính phủ Việt Nam trong khoảng 10 năm gần đây là đánh giá hiệu quả chính sách dựa trên các chỉ số có tính so sánh với các quốc gia khác, như Năng lực cạnh tranh quốc gia (WEF), Đổi mới sáng tạo toàn cầu (WIPO), Chính phủ điện tử (UN)...
Với tư cách là một nhà nghiên cứu kinh tế, tôi thấy bộ chỉ số Tự do kinh tế thế giới do mạng lưới các học giả độc lập trên khắp thế giới dẫn đầu bởi Viện Fraser (Canada) rất đáng để chúng ta theo dõi, so sánh. Bộ chỉ số này đã được xây dựng bởi những nhà kinh tế học được trao giải Nobel như Milton Friedman, Douglass North, Gary Becker, và nhiều nhà kinh tế học hàng đầu khác. Nhiều nghiên cứu học thuật đã khai thác, sử dụng bộ chỉ số này và chỉ ra mối tương quan rất cao giữa chỉ số này và mức độ thịnh vượng của quốc gia.
Hiện nay chúng ta đang nói rất nhiều về kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Cá nhân tôi cũng rất muốn Việt Nam sẽ vươn mình trở thành một quốc gia có thu nhập cao sau khoảng 15-20 năm nữa. Và nếu như sự thịnh vượng của các quốc gia quả thực có mối quan hệ chặt chẽ với bộ chỉ số Tự do kinh tế thế giới như đã được chỉ ra qua rất nhiều nghiên cứu học thuật thì bộ chỉ số này cung cấp cho chúng ta những thước đo quan trọng để tập trung cải cách thể chế kinh tế.
Báo cáo thường niên năm 2024: Tự do kinh tế thế giới, ngoài việc cung cấp xếp hạng các quốc gia và vùng lãnh thổ hàng năm còn có hai nội dung đáng chú ý, khiến tôi quyết định dịch toàn bộ báo cáo(1). Nội dung thứ nhất là một tóm tắt các nghiên cứu chỉ ra những quốc gia tiến hành cải cánh nhanh chóng thúc đẩy tự do kinh tế thì đều đạt được thịnh vượng. Tôi nghĩ đây không chỉ là bài học cho chính phủ mới của Argentina mà nhóm tác giả nghiên cứu này hướng đến khuyến nghị, nó còn cho cả Chính phủ Việt Nam hiện nay. Hãy tự tin đẩy mạnh cải cách theo hướng thúc đẩy tự do kinh tế, thịnh vượng sẽ đến!
Nội dung đáng chú ý thứ hai liên quan đến chính sách hưu trí. Sớm muộn gì Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất cân bằng tài chính do hiện tượng dân số già. Nếu như ngay từ bây giờ chúng ta bắt tay vào xây dựng hệ thống hưu trí thân thiện với thị trường theo các giải pháp mà nghiên cứu này đề xuất thì sau này Việt Nam sẽ tránh được rất nhiều rắc rối, có thể dẫn đến bất ổn xã hội, như nhiều nước phát triển hiện đang gặp phải.
(1) Độc giả có thể tải bản Báo cáo tiếng Việt đầy đủ tại đây: http://thitruongtudo.vn/upload/03_thu_vien/bao_cao_efw_2024_-_vietnamese.pdf