TS. Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhấn mạnh, thời gian qua dù đã có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ để tăng cường tiếp cận tín dụng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), doanh nghiệp siêu nhỏ, song hiệu quả hầu như không đáng kể. Điều này đặt gánh nặng cung ứng vốn lên vai hệ thống ngân hàng, trong khi bản thân ngân hàng cũng đang "quá tải".
Viện Chiến lược phát triển kinh tế số (IDS) sắp công bố Báo cáo đánh giá thực trạng các kênh cung ứng dịch vụ tài chính cho DNNVV tại Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới để cung cấp một góc nhìn rõ ràng hơn về các kênh cung ứng vốn trong nước hiện nay và kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới.
Để có thêm một góc nhìn về thực trạng cung ứng vốn và những vấn đề nổi cộm của thị trường tài chính Việt Nam, Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Đức Kiên, Chủ tịch Hội đồng khoa học IDS, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng.
Thưa ông, vì sao ông nhận định rằng các chính sách hỗ trợ DNNVV, DN siêu nhỏ tiếp cận vốn trong giai đoạn vừa qua hầu như không đạt hiệu quả như mong đợi?
TS. Nguyễn Đức Kiên: Đó là kết quả được ghi nhận tại Báo cáo đánh giá thực trạng các kênh cung ứng dịch vụ tài chính cho DNNVV tại Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới, do Viện Chiến lược phát triển kinh tế số (IDS) thực hiện và sắp được công bố. Báo cáo dựa trên nguồn cơ sở dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), so sánh thực trạng tiếp cận dịch vụ tài chính tại 9 quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Nhìn chung ở hầu hết các quốc gia, tỷ lệ DN nhận định rằng rào cản tài chính là lớn nhất này đều tăng so với quá khứ. Tuy nhiên đối với riêng Việt Nam thì có một số điểm đáng chú ý.
Cụ thể, tỷ lệ DNNVV cho rằng rào cản tài chính mà họ đang đối mặt gây nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh đã tăng từ 16% năm 2015 lên 18,5% năm 2023. Tuy tỷ lệ này thấp hơn tương đối so với các quốc gia khác trong mẫu nghiên cứu, song Việt Nam lại nằm trong nhóm không ghi nhận thay đổi nhiều trong việc cải thiện khả năng tiếp cận tài chính. Tôi lưu ý rằng dữ liệu được so sánh trong khoảng thời gian 10 năm, thời gian đủ dài để chúng ta thực thi, thử nghiệm và xác định một chính sách là có hiệu quả hay không.
Đáng lưu ý, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ DNNVV sở hữu tài khoản thấp nhất trong mẫu nghiên cứu trong 10 năm trở lại đây, chỉ khoảng 50%. Đây là con số thấp hơn nhiều khi so sánh với tỷ lệ ở các quốc gia khác thường dao động ở mức từ 80 – 90%. Kết quả này có thể xuất phát từ thực trạng ưa thích sử dụng tiền mặt của SME tại Việt Nam, mặt khác cũng có thể do các quy định sở hữu tài khoản thanh toán đối với DN, hoặc sự thiếu hụt các dịch vụ mang lại giá trị gia tăng để khuyến khích SME sở hữu tài khoản tại các TCTD.
Theo ông, yếu tố nào gây trở ngại đối với DNNVV, DN siêu nhỏ khi tiếp cận vốn của các tổ chức tín dụng (TCTD) truyền thống?
TS. Nguyễn Đức Kiên: Quy trình tín dụng truyền thống rất phức tạp, mất nhiều thời gian, công sức; đồng thời hầu như luôn yêu cầu an toàn khoản vay bằng tài sản bảo đảm. Hơn thế nữa, tổ chức tín dụng có mục tiêu tối thượng là tối đa hóa lợi nhuận. Do cần phải tối ưu giữa chi phí và thu nhập nên xu hướng rất phổ biến là tập trung cho vay những khoản tiền lớn, ngay cả với tín dụng bán lẻ.
Vậy khoản vay ở quy mô nào được xem là nhỏ đối với một ngân hàng truyền thống? Tôi mang câu hỏi này đi hỏi một lãnh đạo NHTM thì nhận được câu trả lời, ngoại trừ các ngân hàng tập trung vào mảng bán lẻ, tập trung cho vay tiêu dùng, một khi đã định hướng cho vay sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thì những khoản vay dưới 500 triệu đồng được xem là nhỏ.
Tất nhiên thông tin này không thể đại diện cho toàn bộ các NHTM của Việt Nam, song cũng là chi tiết đáng lưu ý để chúng ta đặt câu hỏi, việc đặt trách nhiệm cho vay DNNVV lên vai hệ thống ngân hàng như trong thời gian qua đã phù hợp hay chưa? Bởi lẽ nhu cầu vốn của các DN này không lớn đến mức đó. Điều họ cần là thủ tục đơn giản, nhanh gọn, cho vay tín chấp dựa trên đánh giá dòng tiền thay vì phải có tài sản bảo đảm.
Đây có thể xem là những rào cản khi các tổ chức tín dụng thực hiện các nghiệp vụ cho vay truyền thống đối với các đối tượng của chiến lược, nhất là đối với những người sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; người nghèo, người thu nhập thấp và những đối tượng yếu thế khác; các doanh nghiệp siêu nhỏ, hợp tác xã, tiểu thương, hộ gia đình sản xuất kinh doanh. Những đối tượng này phần lớn là không có tài sản đảm bảo, nguồn thu không rõ ràng ổn định. Thực trạng trên lý giải vì sao các TCTD truyền thống khó có thể cho vay các đối tượng của chiến lược.
Cũng đã có nhiều ý kiến nhận định quy trình cho vay của TCTD truyền thống như hiện nay là gây khó khăn cho DN, đồng thời đề nghị nên đơn giản hoá mạnh hơn nữa quy trình, thủ tục cho vay. Quan điểm của ông về việc này như thế nào?
TS. Nguyễn Đức Kiên: Chúng ta cần lưu ý rằng, vấn đề của nền kinh tế Việt Nam là sự phát triển lệch pha.
Lệch pha đầu tiên xuất phát từ việc nhu cầu đầu tư của nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào vốn tín dụng của ngân hàng. Hiện dư nợ tín dụng trên GDP của Việt Nam đã thuộc nhóm nước cao nhất thế giới và Ngân hàng Thế giới đã cảnh báo.
Theo thống kê, năm 2015, tỷ lệ dư nợ tín dụng trên GDP của Việt Nam là 89,7% và các năm tiếp theo đã tăng dần đều. Thực tế, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia sử dụng nhiều đòn bẩy tín dụng với tỷ lệ tín dụng/GDP vào năm 2023 là 130% trong khi chỉ tiêu này tại Ấn Độ chỉ có 58%.
Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ DNNVV không có nhu cầu tiếp cận tín dụng thấp trong nhóm nghiên cứu với tỷ lệ là 60,4% (năm 2023) tăng từ 58,7 (năm 2015). Vì vậy, cầu về tín dụng của các DNNVV tại Việt Nam có thể còn nhiều hơn so với các quốc gia khác. Nói cách khác, lệch pha đầu tiên xuất phát từ việc thị trường vốn của chúng ta kém phát triển, chưa có nhiều kênh cung ứng vốn hiệu quả nên phải phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng.
Lệch pha thứ hai, chúng ta hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ, nên hệ thống NHTM buộc phải đáp ứng các tiêu chuẩn cao của quốc tế, điển hình là Basel II, Basel III. Các tiêu chuẩn này có những quy định nghiêm ngặt nhằm hạn chế tối đa rủi ro khi khủng hoảng xảy ra, nhưng lại giúp ngân hàng cải thiện xếp hạng tín nhiệm và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Vì vậy không thể yêu cầu các ngân hàng phải hy sinh việc thực hiện các quy định theo chuẩn mực quốc tế để tham gia vào lĩnh vực rủi ro.
Nếu so sánh giữa các quốc gia ở cùng trình độ phát triển trong khu vực, thì chúng ta thấy quy định của hệ thống ngân hàng tại Việt Nam chưa chắc đã khó khăn hơn. Tôi lấy ví dụ tại Campuchia, 100% DNNVV đi vay đều bị yêu cầu phải có tài sản thế chấp. Việt Nam và Indonesia là các quốc gia xếp vị trí thứ hai và ba sau Campuchia về rào cản tài sản bảo đảm đối với DNNVV khi có khoảng hơn 85% các khoản vay của nhóm này có yêu cầu tài sản bảo đảm. Các quốc gia khác như Bangladesh, Botswana hay Philippones chỉ tiêu này trong khoảng từ 50% - 60%.
Như ông phân tích, việc tìm kiếm một dòng vốn riêng để cho vay đối với DNNVV, DN siêu nhỏ tại Việt Nam là bất khả thi?
TS. Nguyễn Đức Kiên: Trên thực tế, chúng ta đã có giải pháp và cũng đang thực hiện khá hiệu quả giải pháp này. Đó chính là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào phát triển dịch vụ tài chính. Đây được coi là mấu chốt để thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam. Ứng dụng công nghệ số tạo ra những giải pháp đột phá để các tổ chức cung ứng triển khai nhiều sản phẩm, dịch vụ tài chính mới giảm mạnh chi phí, đồng thời có thể thiết kế sản phẩm, dịch vụ theo hướng dễ sử dụng, đáp ứng nhu cầu đa dạng cũng như cung cấp một cách thuận tiện cho khách hàng.
Thông lệ tốt của thế giới cho thấy việc áp dụng công nghệ giúp các dịch vụ tài chính ngân hàng có thể được cung cấp ở bất cứ nơi nào, kể cả không có sự hiện diện của ngân hàng. Nhờ đó, những rào cản đối với tài chính toàn diện như thu nhập, chi phí và khoảng cách địa lý gần như được xóa bỏ, giúp cho cả những người nghèo, người thu nhập thấp - những đối tượng trước đây chưa từng tiếp cận với dịch vụ tài chính có điều kiện tiếp cận và sử dụng dịch vụ thuận lợi hơn.
Điều này sẽ tạo điều kiện để thu hút đông đảo người dân đến với hệ thống tài chính chính thức, kể cả những người sống ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, những người thu nhập thấp, người yếu thế mà trước đây chưa hoặc ít có khả năng tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Việt Nam là một trong 25 quốc gia ưu tiên tập trung phát triển tài chính toàn diện trong Sáng kiến phổ cập tiếp cận tài chính đến năm 2020. Ngày 22/01/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 149/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến 2030 (Chiến lược). Chiến lược xây dựng mục tiêu tổng quát là tối đa hóa các đối tượng được tiếp cận và sử dụng an toàn các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp, có chi phí hợp lý, có trách nhiệm và bền vững, được cung ứng bởi các tổ chức hợp pháp. Việc ứng dụng công nghệ hiện đại và đổi mới sáng tạo được xác định là thành tố quan trọng để thực hiện thành công Chiến lược.
Chiến lược xác định đối tượng mục tiêu là “Tất cả mọi người dân và doanh nghiệp, đặc biệt chú trọng tới nhóm đối tượng mục tiêu là những người sống ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; người nghèo, người thu nhập thấp, phụ nữ và những đối tượng yếu thế khác; doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất kinh doanh”.