Năm 2012, nhân dịp diễn đàn quốc tế lần đầu tiên về “Kinh tế tích cực” được tổ chức tại Le Havre, miền Bắc nước Pháp, một nhóm chuyên gia đến từ mọi lĩnh vực do Jacques Attali(1) chủ trì đã đưa ra bản báo cáo với tựa đề “Để xây dựng một nền kinh tế tích cực” (Pour une économie positive)(2). Báo cáo được thực hiện theo yêu cầu của Tổng thống Pháp đương nhiệm François Hollande với mục tiêu đề xuất chính sách nhằm đưa nền kinh tế Pháp nói riêng và châu Âu nói chung thoát khỏi khủng hoảng.
Nhóm Jacques Attali đưa ra lý do quan trọng làm cho kinh tế trở nên tiêu cực là tư duy ngắn hạn, dẫn đến những quyết định đầu tư bất chấp hệ quả tương lai. Chính sự giục tốc, đòi hỏi kết quả nhanh chóng này đã tạo ra một cỗ máy cuốn mọi vận hành của doanh nghiệp theo cái quy chuẩn được áp dụng khắp nơi là tối ưu hóa lợi nhuận: phải tạo ra lợi nhuận, lợi nhuận nhiều nhất trong một thời gian ngắn nhất có thể! Kết quả là tài chính được đẩy lên vị trí hàng đầu trong mọi hoạt động kinh tế, làm biến dạng vai trò làm phương tiện để hỗ trợ phát triển nền kinh tế thực. Tài chính trở thành mục tiêu, phục vụ cho những ai có khả năng thao túng nó.
Xuất phát từ hiện trạng trên, bản báo cáo đề xuất đưa hai yếu tố cơ bản vào định nghĩa “kinh tế tích cực” là một nền kinh tế chú trọng đến dài hạn và dựa trên lòng vị tha.
Thực ra, đưa “dài hạn” vào tư duy kinh tế không có gì là mới mẻ. Nhiều báo cáo đã đề cập, trong đó có lẽ được biết đến nhiều nhất là những phản biện về chính sách phát triển của Club of Rome, với quyển The Limits to Growth xuất bản năm 1972. Cũng vậy, gần hơn, khái niệm “phát triển bền vững” đã được Liên hiệp quốc chính thức hóa từ năm 1987 và được khuyến khích cho đến nay. Những bước đi mang tầm cỡ quốc tế ấy đã thể hiện sự quan tâm đến dài hạn. Vậy, đưa vấn đề dài hạn vào định nghĩa kinh tế tích cực không mới mà chỉ là khẩn cấp để giảm những dự án khai thác tài nguyên thiên nhiên bừa bãi, sinh lợi trước mắt nhưng về lâu dài tàn phá môi sinh.
Thực ra lòng vị tha mới chính là cốt lõi, vì riêng nó đã có thể bao trùm lên cả tính dài hạn. Xem lòng vị tha như vai trò chủ đạo để xây dựng một nền kinh tế tích cực là một điều ngộ nghĩnh và độc đáo trong ngành kinh tế. Ngộ nghĩnh vì trước hết đây dường như là lần đầu tiên lòng vị tha được công nhận bởi những nhà hoạt động kinh tế vốn đặt nặng tính duy lý. Sự ngộ nghĩnh này cũng thật độc đáo, vì lòng vị tha được đưa vào mô hình phát triển ở đây không phải chỉ là câu chuyện của đạo lý, của trái tim mà chủ yếu là của lý trí, bản báo cáo gọi đó là “altruisme rationnel”: vị tha (là) duy lý.
Vì đưa lòng vị tha vào mô hình phát triển và cho nó là duy lý là điều mới mẻ nên chúng ta hãy dừng lại để bàn thêm về nó. Lòng vị tha, như định nghĩa là vì tha nhân. Khi nghe cụm từ “vị tha”, nhiều người trong chúng ta liên tưởng ngay đến những hoạt động từ thiện. Nhưng lòng vị tha không chỉ là từ thiện, mà xa hơn, nó bao trùm lên từ thiện. Từ thiện xuất phát từ lòng từ bi, thương cảm và hành động của nó có thể mang tính bộc phát, nhất thời. Từ thiện là hành động, vị tha là đặc tính của tình thương. Từ thiện chỉ là một trong những hành động biểu hiện lòng vị tha.
Không phải người hay việc làm từ thiện nào cũng xuất phát từ lòng vị tha. Khi làm từ thiện, chúng ta muốn làm vơi đi nỗi khổ của kẻ khác nhưng lại có thể không quan tâm lắm đến nguồn gốc sâu xa vì sao họ bị thiệt thòi và đau khổ, và như vậy, chúng ta cũng chưa hẳn đã suy xét xem cái lợi mà mình muốn có gây tổn hại cho người khác hay không.
Trong khi đó, người có lòng vị tha thường có phản xạ là xem xét và từ chối mối lợi của mình nếu thấy nó gây tổn hại đến người khác. Chính sự từ chối mối lợi cá nhân này đã ngăn chặn từ gốc rễ việc gây ra thiệt thòi cho tha nhân. Như vậy, lòng vị tha mặc nhiên góp phần xây dựng sự công bằng trong khi từ thiện chủ yếu dừng lại ở việc làm vơi đi cảnh bất công. Cả hai đương nhiên đều cần thiết: một cách ví von, từ thiện “chữa cháy”, lòng vị tha “phòng cháy”. Một xã hội thiếu vắng lòng vị tha có thể khiến sự phân hóa giàu nghèo trở nên khốc liệt, kết quả là người giàu cũng sống không yên vì luôn thấp thỏm lo sợ. Vậy, lòng vị tha khi đảm bảo lợi ích cho tha nhân cũng chính là đảm bảo lợi ích cho bản thân. Lòng vị tha duy lý là ở chỗ đó.
Báo cáo của nhóm Jaques Attali đề xuất cách thiết lập chỉ số đo lường, đưa ra 45 kiến nghị giải pháp cụ thể sửa đổi toàn diện, hướng đến nền kinh tế tích cực và lộ trình đến năm 2017 (riêng cho nước Pháp). Kiến nghị của họ chia ra cấp công dân/doanh nghiệp, cấp quốc gia (chủ yếu nhóm G7/G20) và quốc tế.
Mỗi kiến nghị đều được trình bày từ xuất phát điểm, hiện trạng và kèm theo phương pháp, hướng nghiên cứu từ những ví dụ nơi khác đã và đang làm. Đa số tập trung vào việc cải tổ, xây dựng hệ thống pháp lý và tiêu chuẩn đánh giá mới nhằm thúc đẩy mọi “hành động tích cực”, từ lĩnh vực tài chính (huy động và sử dụng nguồn vốn), kế toán quốc tế, sao cho doanh nghiệp không còn chỉ tập trung vào lợi nhuận mà phải tạo công ăn việc làm bền vững và có giá trị xã hội, đến giáo dục (nâng cao nhận thức cho trẻ về lòng vị tha, thực hiện thời gian phục vụ cộng đồng/công dân bắt buộc đối với người trẻ và lan rộng việc phục vụ này ở cấp quốc tế để người trẻ hiểu biết về thế giới và liên kết nhau trong hoạt động xã hội)…
Kể từ năm 2012, mỗi năm diễn đàn quốc tế về kinh tế tích cực được tổ chức tại Pháp, và đến cuối năm 2018 thì Viện Kinh tế tích cực ra đời. Mục tiêu của viện này là nghiên cứu, đo lường đánh giá tiến trình (những gì đã và chưa làm được), mang giải pháp cụ thể cũng như đồng hành, hỗ trợ cá nhân, doanh nghiệp, hội, địa phương hay lãnh thổ muốn dấn bước vào kinh tế tích cực. Tuy nhiên, cho đến nay, ngoài việc tổ chức diễn đàn thì dường như viện rất ít có báo cáo về các kết quả hoạt động khác.
Cùng lúc, tình trạng kinh tế xã hội tại Pháp và nhiều quốc gia phát triển xuống cấp. Số người nghèo tăng lên so với trước đại dịch Covid-19 và lượng việc làm cực nhọc với đồng lương thấp tăng lên. Điều đó không có nghĩa tất cả những đề xuất trong báo cáo “kinh tế tích cực” là viển vông. Những ước muốn và nhiều thành quả tốt đẹp vẫn tồn tại song song với sự suy giảm về mức sống này. Dù sao, báo cáo của nhóm Jacques Attali có một cống hiến quan trọng là đã xác định rõ ràng cái lõi và gọi đúng tên nó là “lòng vị tha”.
Xa hơn và ngoài báo cáo Jacques Attali, trên thực tế, từ hơn hai thập niên nay, nhiều trào lưu cùng mục tiêu đã xuất hiện tại các diễn đàn kinh tế – xã hội ở mọi cấp độ, từ địa phương, thành phố, quốc gia cho đến thế giới. Tất cả đều hướng đến việc xây dựng một nền kinh tế liên đới, tương trợ, công bằng cho mọi thành viên. Các trào lưu này mang tính “thực địa”, do đó hành động nhanh chóng, linh hoạt hơn những đề xuất mang tính vĩ mô của nhóm Jacques Attali.
Lòng vị tha phát khởi ra muôn vàn hoạt động đa dạng, dưới mọi hình thức ở khắp mọi nơi trên thế giới. Thật thú vị nếu có nhiều nhà nghiên cứu quan tâm, vì nó có thể làm triển nở một lối tư duy kinh tế độc đáo, đặt trọng tâm vào việc xây dựng nền kinh tế lành mạnh cho xã hội. Đây là điều cần thiết, bởi không chỉ vì sự thúc bách của hiện thực xã hội, mà vì lòng từ bi, vị tha – cũng như ích kỷ hoặc duy lý mà dòng kinh tế học chính thống đã khai thác từ hàng trăm năm nay – cũng là một phần trong bản chất con người. Nhìn con người một cách trọn vẹn, với đủ đặc tính tham lam, ích kỷ, quảng đại, vị tha… như ý thì có lẽ gần với sự thực hơn là xẻ cái tổng thể này ra thành từng mảnh và chỉ chú trọng vào một đặc tính duy nhất, như dòng chính các mô hình kinh tế học đang làm.
Chủ đề về hướng nghiên cứu này vô cùng phong phú, chắc chắn sẽ góp phần làm sáng tỏ con đường đến một kinh tế nhân bản, tích cực, lành mạnh, rất cần thiết trong một thế giới đang rối ren và đổi thay nhanh chóng hôm nay.
(1) Nguyên cố vấn của cố Tổng thống Pháp François Mitterrand
(2)https://www.vie-publique.fr/files/rapport/pdf/134000625.pdf