Để thúc đẩy tiềm năng khởi nghiệp công nghệ tài chính Fintech ứng dụng ở vùng nông thôn cần có các chính sách hỗ trợ, thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm trong và ngoài nước.
Bởi không có những chính sách, quỹ đầu tư mạo hiểm để đầu tư vào các dự án, ý tưởng khởi nghiệp thì làm sao có được những tập đoàn lớn vươn mình ra thế giới.
Tại Việt Nam, các công ty khởi nghiệp Fintech xuất hiện từ khoảng năm 2015 và nhận được sự quan tâm từ các tập đoàn, ngân hàng và cơ quan quản lý nhà nước. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, số lượng công ty Fintech đã tăng 4 lần, từ 39 công ty vào cuối năm 2015 đến hơn 154 công ty vào cuối năm 2021, trong đó có khoảng 70% là công ty khởi nghiệp.
Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Techfest) năm nay, Fintech là một trong số gần 30 làng công nghệ chủ chốt đã góp phần vào cộng đồng khởi nghiệp công nghệ bền vững tại Việt Nam.
Tuy nhiên, hiện việc phát triển thị trường Fintech Việt Nam cũng còn nhiều vấn đề như hầu hết các công ty Fintech còn khá trẻ, trong khi đó câu chuyện ứng dụng Fintech mới đang phổ biến ở thành phố lớn, còn ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa vẫn gặp những khó khăn. Trong khi, hệ sinh thái Fintech chưa có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa các chủ thể (cơ quan quản lý nhà nước; công ty khởi nghiệp Fintech; quỹ đầu tư mạo hiểm...). Bên cạnh đó, khuôn khổ pháp lý quản lý lĩnh vực Fintech vẫn chưa được đồng bộ.
Ông Trần Duy Khanh, Viện trưởng Viện nghiên cứu và Đào tạo doanh nhân APEC nhấn mạnh, Chính phủ lấy năm 2016 là năm Quốc gia khởi nghiệp. Từ đó đến nay, ngoài Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng các văn bản kèm theo thì hiện có 4 văn bản giao cho các Bộ, ngành liên quan đến lĩnh vực khởi nghiệp, đó là: Đề án 844 - hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025; Quyết định 939 - hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025; Quyết định 1665 - hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025; mới đây nhất là Quyết định 987 - hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2022 - 2030. Nhìn chung, bức tranh khởi nghiệp tại Việt Nam đang rất sôi động ở mọi tầng lớp, lĩnh vực, và riêng dư địa cho khởi nghiệp công nghệ tài chính Fintech ứng dụng khu vực nông thôn là vô cùng lớn.
Bức tranh tổng thể về khởi nghiệp nói chung ở Việt Nam đang rất sôi động, trên các lĩnh vực. Chúng ta từng đặt kỳ vọng có 1 triệu doanh nghiệp, hiện nay mới có trên 800.000 doanh nghiệp. Như vậy, dư địa cho khởi nghiệp rất lớn. Trong khi đó, Nhà nước có rất nhiều chính sách hỗ trợ cho khởi nghiệp, ông Trần Duy Khanh nói.
Ông Duy Khanh cho rằng, khởi nghiệp đã khó, khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tài chính Fintech ứng dụng khu vực nông thôn lại càng khó hơn. Do đó để khởi nghiệp thành công trong lĩnh vực này, người khởi nghiệp phải có kiến thức về công nghệ; kiến thức tài chính, tín dụng, ngân hàng; có kinh nghiệm và niềm đam mê mãnh liệt.
Việt Nam là đất nước thuần nông lên khu vực nông thôn chiếm trên 70% dân số cả nước, đây là cơ hội cực kỳ lớn cho các dự án, ý tưởng khởi nghiệp. Ngoài ý chí, ý tưởng tốt của các bạn trẻ thì cần cơ chế, chính sách hỗ trợ. Bên cạnh sự tham gia, vào cuộc của Nhà nước, cần có thêm quỹ hỗ trợ khởi nghiệp từ quỹ đầu tư mạo hiểm, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, các chương trình khởi nghiệp quốc gia nhằm tạo niềm tin, sức mạnh ở những bước đi khó khăn ban đầu của dự án.
PGS.TS Vũ Sỹ Cường, Kinh tế trưởng Viện công nghệ và phát triển tài chính, Học viện Tài chính cho rằng, các công ty khởi nghiệp Fintech chủ yếu tập trung vào khu vực thành thị mà chưa khai thác nhiều ở vùng nông thôn, trong khi vùng nông thôn là thị trường rộng lớn. Muốn mở rộng ở khu vực nông thôn, các công ty khởi nghiệp Fintech cần có đánh giá thật kỹ về thị trường, đối tượng sử dụng...
Ông Cường đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề hành lang pháp lý nhằm tạo thuận lợi cho lĩnh vực Fintech tại Việt Nam. Trong đó, quy định về pháp lý cho Fintech rất nhiều nhưng hầu hết là các chính sách mang tính chất gợi ý. Đáng chú ý là hiện nay chúng ta có rất nhiều vấn đề vi phạm về bảo mật thông tin nhưng chế tài xử lý chưa thực sự nghiêm khắc để người dân có thể tin tưởng ứng dụng công nghệ...
PGS.TS Vũ Sỹ Cường cho rằng thách thức lớn nhất hiện nay là do cơ chế, chính sách pháp luật. Mặc dù hiện nay, có rất nhiều Nghị quyết, quyết định… nhưng không có nhiều cơ chế phát triển thử nghiệm trong lĩnh vực Fintech. Quy định về pháp lý cho Fintech hiện nay hầu hết là các cơ chế mang tính chất gợi ý. Đặc biệt, hiện nay chúng ta có rất nhiều vấn đề vi phạm về bảo mật thông tin nhưng chế tài xử lý chỉ mang tính cảnh cáo nên người dùng chưa thực sự tin tưởng vào ứng dụng công nghệ...
Theo các chuyên gia, chúng ta cũng không thể nóng vội, đòi hỏi hoàn thiện chính sách ngay, mà cần có thời gian cũng như một "nhạc trưởng", "tổng chỉ huy" trong lĩnh vực này.
Các chuyên gia mong muốn những bạn trẻ hãy mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm và dám chấp nhận thất bại trong khởi nghiệp. Đối với khởi nghiệp lĩnh vực Fintech, đây là lĩnh vực rất tiềm năng nhưng cũng vô cùng mạo hiểm, nhưng càng mạo hiểm thì thành công sẽ càng lớn.