Gần 30 dự án luật và nhiều vấn đề quan trọng của đất nước được đặt lên bàn nghị sự trong 28 ngày của Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV đều hướng tới mục tiêu hoàn thiện, gỡ vướng về thể chế, đáp ứng tốt nhất cho yêu cầu đổi mới sáng tạo, tạo đột phá phát triển đất nước trong tình hình mới.
Việc hoàn thiện, gỡ vướng về thể chế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh... góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Ảnh: Đức Thanh |
Đột phá để ổn định
Theo thông lệ, trong phiên khai mạc kỳ họp cuối năm của Quốc hội, báo cáo về kinh tế - xã hội sẽ được người đứng đầu Chính phủ trình bày. Những kết quả nổi bật của năm 2024 và thông điệp quan trọng của kế hoạch năm 2025 sẽ được chuyển tải đến cử tri cả nước (phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp).
Tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính thông tin, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng dự kiến có thể đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Theo báo cáo của Chính phủ, tăng trưởng GDP năm 2024 ước đạt 6,8 - 7% (mục tiêu là 6 - 6,5%). Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội sau nhiều năm không thể cán đích, thì nay được dự báo vượt mục tiêu, đạt 5,56% (mục tiêu là 4,8 - 5,3%).
Trong bản báo cáo có dung lượng 99 trang gửi tới Quốc hội, Chính phủ dành 34 trang để nói về dự kiến Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Tại đây, Chính phủ nhấn mạnh, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, đồng thời là năm tập trung tổ chức đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Năm 2025 cũng là năm phải củng cố, chuẩn bị tốt các yếu tố nền tảng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030 và hướng tới 100 năm thành lập nước, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2026 - 2030, đánh dấu thời điểm đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Nhưng, bên cạnh thuận lợi, nền kinh tế nước ta dự báo vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Những vấn đề nội tại của nền kinh tế về doanh nghiệp, sức cạnh tranh, năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực, sự phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào và xuất khẩu đầu ra, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp... là những vấn đề đã tích tụ từ lâu, không thể cải thiện trong một sớm, một chiều.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ xác định lấy phát triển, đột phá để ổn định, thể chế phải đi sớm, đi trước mở đường cho đột phá phát triển. Dự kiến, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,5 - 7%, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu 7 - 7,5% để đến hết năm 2025 xếp hạng 31 - 33 thế giới về quy mô GDP (theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, đến hết năm 2023, GDP của Việt Nam đạt 430 tỷ USD, xếp thứ 34 thế giới).
Quy mô của nền kinh tế năm 2023 đạt 430 tỷ USD và nợ công ở mức thấp (khoảng 37% GDP) cũng chính là “điểm tựa” quan trọng để ngay kỳ họp này, Chính phủ trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tưDự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, với sơ bộ tổng mức đầu tư 1.713.594 tỷ đồng (khoảng 67,34 tỷ USD).
“Trong nhiều văn kiện, Đảng và Nhà nước đã xác định mục tiêu đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam nhằm tạo tiền đề quan trọng để đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao như nhiều quốc gia trên thế giới”, Chính phủ thuyết minh sự cần thiết đầu tư dự án này.
Việc đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao, theo tính toán của Chính phủ, sẽ tạo ra thị trường xây dựng khoảng 75,6 tỷ USD, phương tiện, thiết bị khoảng 34,1 tỷ USD và hàng triệu việc làm. Phát triển đường sắt tốc độ cao còn là tiền đề để phát triển công nghiệp đường sắt, công nghiệp hỗ trợ, theo đánh giá của Chính phủ.
Vướng mắc ở cấp nào, thì cấp đó chủ động sửa đổi
Một trong những nhiệm vụ quan trọng được thể hiện trong kế hoạch năm 2025 là tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý, hoàn thiện hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác tổ chức, theo dõi, thi hành pháp luật.
Chính phủ đặt yêu cầu khẩn trương rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật chồng chéo, hoặc chưa đầy đủ theo hướng vướng mắc ở cấp nào, thì cấp đó chủ động, tích cực sửa đổi. Trường hợp cần thiết, ban hành một luật sửa nhiều luật hoặc nghị quyết thí điểm đối với nhũng vấn đề mới phát sinh, chưa được quy định trong luật, hoặc đã có, nhưng có nhiều vướng mắc, bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn.
Nhìn vào gần 30 dự án luật chuẩn bị được thông qua và cho ý kiến lần đầu ở Kỳ họp thứ tám, tinh thần đó đã khá rõ ràng. Dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi hay dự án một luật sửa 4 luật về đầu tư (gồm Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu) đều thể hiện tinh thần đột phá, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ.
Đơn cử, chính sách quy định trình tự, thủ tục đầu tư đặc biệt cho các dự án đầu tư vào một số lĩnh vực cần ưu tiên thu hút đầu tư (nội dung sửa Luật Đầu tư), theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sẽ giảm hơn 20 lần về thời gian thực hiện thủ tục.
Cụ thể, để thực hiện các thủ tục có liên quan đến việc thực hiện dự án đầu tư như hiện nay, nhà đầu tư phải thực hiện một cách liên tục và tuần tự các thủ tục về đất đai, bảo vệ môi trường, xây dựng, chuyển giao công nghệ, phòng cháy, chữa cháy và phải mất thời gian từ khoảng 250 ngày đến 350 ngày. Đó là chưa kể độ trễ của các thủ tục (nhà đầu tư phải lập và hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền), thời hạn thực hiện thủ tục có thể kéo dài hơn.
Khi thực hiện theo thủ tục đầu tư đặc biệt sẽ rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư chỉ còn 15 ngày (giảm hơn 20 lần so với thực hiện theo thủ tục thông thường khi nhà đầu tư không được miễn các thủ tục khác).
Với chính sách mới này, sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư có thể triển khai thực hiện dự án ngay theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và các nội dung đã cam kết, mà không phải thực hiện các thủ tục để được cấp các loại giấy phép, văn bản phê duyệt, chấp thuận, thỏa thuận... theo quy định của pháp luật về đất đai, bảo vệ môi trường, xây dựng, chuyển giao công nghệ, phòng cháy, chữa cháy. Việc chậm triển khai thực hiện và đưa dự án vào hoạt động hoàn toàn thuộc về trách nhiệm của nhà đầu tư.
Điều này cho phép xác định rõ trách nhiệm và là cơ sở để thực hiện các thủ tục xử phạt, tạm ngừng hoặc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong trường hợp nhà đầu tư không thực hiện đúng giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và các nội dung đã cam kết, góp phần xử lý các “dự án treo”, giải phóng và khai thông các nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Giải phóng và khai thông các nguồn lực cho đầu tư phát triển còn là mục tiêu hướng tới của hàng trăm chính sách mới được đề xuất tại các dự án luật khác (như Luật Điện lực sửa đổi, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi, Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp…).
“Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV có ý nghĩa rất quan trọng. Quốc hội sẽ thảo luận, quyết định nhiều vấn đề để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, khơi thông nguồn lực, khắc phục các điểm nghẽn, tất cả vì phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đảm bảo đời sống của Nhân dân”, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khái quát.