Đề xuất bổ sung quy định về ngân hàng số trong Luật các TCTD

Hoá Khoa| 12/05/2023 16:48

Ông Dương Quốc Anh, Phó Viện trưởng IDS nhìn nhận thị trường tài chính Việt Nam trong tương lai không xa sẽ xuất hiện nhu cầu cấp phép thành lập ngân hàng số. Do vậy, cần chuẩn bị sẵn khung pháp lý cho việc thành lập khi xuất hiện nhu cầu.

Duong-Anh

Ông Dương Quốc Anh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phó Viện trưởng IDS. Ảnh: VF.

Tại Tọa đàm Khoa học “Hoàn thiện thể chế thúc đẩy ứng dụng công nghệ môi trường trong chuyển đổi số quốc gia”, ông Dương Quốc Anh, Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển kinh tế số (IDS), cho hay dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) chưa có nội dung nào đề cập tới vấn đề ngân hàng số.

Vị này nhận định, trong tương lai không xa thị trường tài chính Việt Nam sẽ xuất hiện nhu cầu cấp phép thành lập ngân hàng số. Do vậy, cần chuẩn bị sẵn khung pháp lý cho việc thành lập khi xuất hiện nhu cầu. Bởi, với kinh nghiệm trong hoạt động thanh tra giám sát ngân hàng, cũng như làm luật trong thời gian công tác tại Uỷ ban kinh tế của Quốc hội, ông Quốc Anh cho rằng Luật các tổ chức tín dụng phải mất tới 13 năm mới có điều kiện sửa một lần.

“Như vậy nếu 2-3 năm tới mà có nhu cầu thành lập ngân hàng số thì lấy quy định gì để thành lập?”, Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đặt vấn đề.

Ông Dương Quốc Anh đánh giá, sự ra đời của ngân hàng số trên thị trường quốc tế sẽ bổ sung những vấn đề cần thiết cho thị trường và hỗ trợ tiết kiệm chi phí, với quy trình thủ tục tiếp cận vốn rất đơn giản và nhanh so với mô hình ngân hàng truyền thống. Đặc biệt, ngân hàng số phát triển giúp cho các khoản vay nhỏ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, kinh tế hộ gia đình, phát triển tài chính toàn diện cho các quốc gia, thậm chí còn hỗ trợ cho cả chiến lược xóa đói giảm nghèo. 

Ông nói: “Vì vậy, tôi rất mong có tiếng nói ủng hộ trong việc chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Tôi đề nghị trong khái niệm dự thảo Luật TCTD có nội dung liên quan thế nào là ngân hàng số và trong hoạt động cấp phép có bổ sung quy định giao Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có văn bản hướng dẫn thành lập tổ chức ngân hàng số”.

Một vấn đề khác được ông Dương Quốc Anh đặt ra là dự thảo Luật chưa có quy định cho phép các công ty fintech được tham gia vào việc cung cấp dịch vụ tài chính ngân hàng. Trong khi đó, thời gian vừa qua các công ty Fintech đã cung cấp nhiều sản phẩm, dịch vụ, mô hình mới trong hoạt động ngân hàng mà thực tế ở nhiều quốc gia đã được thị trường đón nhận và sử dụng rộng rãi như: cho vay, gọi vốn, thanh toán, bảo hiểm, đầu tư, quản lý tài chính cá nhân...

Cách đây 5-10 năm khi các NH tự xây dựng hệ thống thanh toán thì 1 ngày thực hiện được khoảng 50.000 giao dịch, là bước tiến lớn so với trước đây. Nhưng đến nay thì 8 triệu giao dịch thanh toán được thực hiện trong 1 ngày; tương đương khoảng 90.000 tỷ đồng (40 tỷ USD). Cách đây 5-10 năm tất cả các khoản chuyển tiền đều có phí, có khi mất 1-2 ngày mới thực hiện được. Nhưng hiện nay nhờ có sự tham gia của fintech, nên hoạt động thanh toán được thúc đẩy rất nhanh.

Kết quả đó cho thấy fintech tham gia rất nhiều vào dịch vụ thanh toán giúp quy trình nhanh và tiết kiệm hơn, đồng thời đến nay tất cả các khoản chuyển tiền, thanh toán đều nhanh, miễn phí hoàn toàn.

“Như vậy nếu luật mở ra để các fintech cũng được tham gia làm ngân hàng số thì sẽ tạo lợi ích cho người sử dụng lớn như thế nào”, ông Quốc Anh khuyến nghị.

Tại Việt Nam, ứng dụng công nghệ chuyển đổi số đã được nhiều ngành, địa phương tích cực triển khai. Đặc biệt, ngành ngân hàng với sự chủ động của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang đi đầu trong việc thực hiện chuyển đổi số.

Một số liệu cho thấy, về mặt nghiệp vụ, doanh thu trên kênh số đạt trên 30%, đã số hóa hoàn toàn dịch vụ thanh toán, việc giải ngân vốn vay đã đạt 70% số hóa, nhiều ngân hàng đã cho phép khách hàng thực hiện toàn bộ các nghiệp vụ trên kênh số. Về mặt công nghệ, nhiều ngân hàng đã triển khai ứng dụng công nghệ số như Big Data (Dữ liệu lớn), AI (Artificial Intelligence-Trí tuệ nhân tạo), API(Application Programming Interface-Giao diện lập trình ứng dụng).v.v…

Trong đó, sự ra đời của các ngân hàng số được kỳ vọng có thể cạnh tranh và hợp tác với các ngân hàng truyền thống để đáp ứng nhu cầu đang thay đổi của khách hàng, đặc biệt là trong bối cảnh thế giới đang trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Ngân hàng số được ví như chiếc điện thoại thông minh, kết nối mạng internet với máy chủ ngân hàng có thể giúp người sử dụng thực hiện các thao tác với dịch vụ ngân hàng. Sự tiện dụng này có được chính là từ công nghệ mang tới. Từ đó, vai trò của các chi nhánh, phòng giao dịch không chỉ giảm xuống về số lượng, diện tích và số cán bộ mà còn giảm xuống cả về vai trò đưa ra các quyết định kinh doanh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tin tức IDS
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất bổ sung quy định về ngân hàng số trong Luật các TCTD
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO