Là quốc gia thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong bối cảnh nhiều thách thức, Việt Nam cần lựa chọn các ngành nghề tiên phong trong chuyển đổi số để tạo ra sự thay đổi đột phá trong nền kinh tế.
Vấn đề này được các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học thảo luận tại tọa đàm “Chuyển đổi số quốc gia từ góc nhìn sản xuất” do Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng và Viện Chiến lược phát triển kinh tế số (IDS) tổ chức mới đây.
Cần tầm nhìn xa, bước đi vừa phải
Dệt may là một trong những lĩnh vực có khả năng ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số cao nhất, phù hợp nhất với Việt Nam, nhưng thực tế đã cho thấy quá trình này rất tốn kém, cần đầu tư lớn và quyết tâm cao của doanh nghiệp.
Để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số thì cách thức phải linh hoạt và phù hợp với từng đơn vị, doanh nghiệp, từng ngành |
Chia sẻ về trường hợp của Công ty CP Sợi Phú Bài, ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cho biết năm 2020, công ty này quyết định đầu tư nhà máy sợi hai tầng đầu tiên trong hệ thống các đơn vị ngành sợi của Vinatex với quy mô 30.000 cọc sợi, công nghệ mới nhất của Thuỵ Sỹ, tổng vốn đầu tư gần 600 tỷ đồng.
Đây là dây chuyền tự động, được số hóa và quản trị tập trung đến từng cọc sợi tại trung tâm điều khiển, có thể cung cấp sản lượng và chất lượng theo thời gian thực cho khách hàng trong chuỗi cung ứng. Nhà máy chỉ sử dụng 130 công nhân (trung bình 35 công nhân/10.000 cọc sợi), diện tích xây dựng 9.000 m2. So với quy mô của một nhà máy sợi tương tự, dự án này giảm 84% lao động và một nửa diện tích đất xây dựng, chi phí tiết kiệm lao động bằng 120% chi phí khấu hao tăng thêm của nhà máy mới.
Hiện, nhà máy nằm trong nhóm 3% doanh nghiệp làm sợi tốt nhất toàn cầu, sử dụng luân chuyển bằng dàn treo, robot, công nhân đi lại bằng xe điện; đồng thời còn lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời trên mái nhà để đáp ứng xu hướng xanh hoá ngành dệt may.
Đây chỉ là một trường hợp hiếm hoi bước đầu chuyển đổi số thành công trong chuỗi sản xuất của ngành dệt may. Theo ông Trường, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể đầu tư mới như Sợi Phú Bài. Các công ty sợi của Vinatex gồm nhiều nhà máy có tổng quy mô 850.000 cọc sợi/năm, tuổi đời máy móc và công nghệ đa dạng; nhiều thiết bị tuổi đời lên tới hơn 50 năm, không đạt chuẩn để chuyển đổi số, nhưng cũng không thể bỏ đi để đầu tư mới thay thế.
Nếu đầu tư đồng loạt như Nhà máy sợi Phú Bài, Vinatex cần tổng chi phí gần 20.000 tỷ đồng trong khoảng 3-4 năm, trong khi vốn điều lệ của tập đoàn chỉ khoảng 5.000 tỷ đồng. Do đó, Vinatex chọn giải pháp chuyển đổi số từng phần, mỗi năm thực hiện tại 3 nhà máy.
“Chuyển đổi số không phải một bộ giải pháp có sẵn để doanh nghiệp lựa chọn áp dụng, mà là một quá trình vô cùng vất vả, thách thức. Trong thời gian đầu, khối lượng công việc có thể tăng gấp 1,6-1,7 lần, khiến bộ máy quản trị không chịu nổi áp lực công việc đẩy lên trong quá trình chuyển đổi và dễ nản lòng. Thậm chí nếu không chọn bước đi hợp lý, doanh nghiệp không có đủ nguồn lực để đến đích khiến quá trình chuyển đổi số thất bại, dẫn tới câu chuyện đổ lỗi cho bộ máy lãnh đạo chọn sai đường”, ông Trường lưu ý.
Nhà nước phải đặt hàng để tạo đột phá
Lắng nghe câu chuyện thực tế từ ngành dệt may, các chuyên gia, nhà khoa học nhận định, thành quả đạt được trong chuyển đổi số tại Việt Nam mới là bước đầu. Để quá trình này thực chất và toàn diện thì yêu cầu đặt ra là phải đầu tư công nghệ, hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin; huy động được các nguồn lực tài chính, đào tạo, thu hút được nguồn nhân lực… Quá trình này nếu không có thể chế đi trước mở đường rất có thể dẫn đến thất bại.
GS. Trần Thọ Đạt - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, cho rằng nhìn một cách tổng thể, mặc dù chưa có bộ chỉ tiêu đánh giá chuyển đổi số trong các ngành kinh tế quốc dân nhưng qua ước đoán, cảm nhận, có thể thấy lĩnh vực sản xuất là khó khăn nhất trong chuyển đổi số và mức độ đáp ứng đang là thấp nhất. Vì ở mức độ thấp nhất, dư địa để tiến hành chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất còn rất lớn.
Từ thực tế, GS. Trần Thọ Đạt cũng cho rằng tất cả các ngành trong nền kinh tế khi đứng trước tiến trình chuyển đổi số đều phải đối diện tình thế tiến thoái lưỡng nan, đó là mua cái mới hoàn toàn hay cải tạo cái cũ.
“Ở mức độ doanh nghiệp thì có thể thay thế hoàn toàn như trường hợp Công ty CP Sợi Phú Bài, nhưng ở góc độ ngành thì tiền đâu để nhân rộng được, nên vẫn phải cải tạo cái cũ”, ông Đạt nhận định.
Từ đó GS. Trần Thọ Đạt lưu ý chuyển đổi số cần có tầm nhìn xa nhưng bước đi nhỏ, vì đó là cả một quá trình.
Ông Dương Quốc Anh - Phó Viện trưởng IDS, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội chia sẻ một góc nhìn khác từ lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Ông Quốc Anh cho hay tài chính - ngân hàng là một trong những ngành dịch vụ được đánh giá là chuyển đổi số nhanh nhất trong nền kinh tế vì hội tụ một số điều kiện cần thiết. Đây là ngành kinh doanh có điều kiện, với quy trình nghiệp vụ tương đối chặt chẽ, có hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin và mạng thanh toán liên thông giữa các ngân hàng; và quan trọng nhất là mỗi ngân hàng đều có cơ sở dữ liệu khách hàng, là tài sản quan trọng nhất trong tiến trình chuyển đổi số. Tuy nhiên, ngân hàng cũng gặp nhiều khó khăn về nguồn lực, trong đó bao gồm cả nhân lực và vốn đầu tư. Song theo ông Quốc Anh, khó khăn lớn nhất vẫn là sự thiếu đồng bộ của hành lang pháp lý.
Theo các chuyên gia, chuyển đổi số và kinh tế số không chỉ đơn thuần là bài toán công nghệ mà quan trọng nhất là thể chế, vì đây là vấn đề liên quan đến cái mới. Trong nhiều trường hợp, kể cả có tiền đầu tư cũng chưa chắc đã làm được nếu thiếu chính sách, do đó thể chế có tính chất mở đường.
PGS. TS. Trần Đình Thiên - Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng lưu ý, vai trò của Nhà nước trong việc mở đường cho chuyển đổi số là rất quan trọng.
TS. Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng cũng nhấn mạnh, để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số thì cách thức phải linh hoạt và phù hợp với từng đơn vị, doanh nghiệp, từng ngành; trong đó Nhà nước phải là người đặt hàng và chịu trách nhiệm chính nếu muốn bứt phá.
Một số vấn đề cụ thể về thể chế được ông Kiên dẫn chứng là quy định về tài chính phải được tính toán lại. Vì thiết bị công nghệ số thay đổi rất nhanh chóng, không thể tính thời gian khấu hao kéo dài như thông thường và giá trị số là tài sản lớn, phải được tính vào tài sản của doanh nghiệp, thay vì chỉ được tính tài sản hữu hình như cơ chế hiện hành.