Chuyển đổi số của trong ngành sản xuất: Không tính kỹ sẽ “chết dở” ​

Anh Phương| 13/12/2022 09:19

Chuyển đổi số không dễ và không phải không tốn kém. Cách thức chuyển đổi cũng không thể rập khuôn, mà phải linh hoạt, phù hợp với từng đơn vị, cá nhân, ngành cụ thể. Về phía nhà nước, hầu hết các luật đều cần được sửa đổi bổ sung cho phù hợp với nền kinh tế số.

Hàng loạt vấn đề liên quan đến chuyển đổi số (CĐS) từ góc nhìn của hai ngành sản xuất cụ thể là dệt may và vận tải, đã được phân tích trong hội thảo do Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng tổ chức ngày 12-12.

Các ý kiến tại hội thảo nhìn nhận, mức độ trưởng thành số trong các ngành sản xuất là thấp nhất trong các lĩnh vực hiện nay (thương mại, hành chính, dịch vụ…).

Theo ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), mặc dù nhu cầu chuyển đổi số là bức thiết, với áp lực cực kỳ lớn từ phía khách hàng, nhưng vẫn cần có sự lựa chọn từng khu vực để thực hiện chuyển đổi với lộ trình thích hợp. Ngành sợi, ngành có điều kiện để thực hiện chuyển đổi số trước tiên trong tập đoàn, cũng phải làm “cuốn chiếu” với lộ trình tính bằng thập kỷ.

“Nếu lựa chọn không hợp lý thì chi phí chuyển đổi số cực lớn, không đủ lực để đi hết quá trình thì có thể dẫn đến khủng hoảng tài chính doanh nghiệp”, ông Trường chia sẻ.

Lý do chính là vì trong ngành này, thiết bị có độ tuổi và công nghệ rất khác nhau do được đầu tư qua nhiều thời kỳ, trong khi việc chuyển đổi số phải thực hiện đồng thời với đảm bảo sản xuất… Khối lượng công việc sẽ tăng thêm 1,6-1,7 lần, không chuẩn bị sẵn sàng thì khả năng “chết dở chừng” rất cao, ông Trường cảnh báo.

Dẫn lại nhận định để chuyển đổi số thành công phải có tầm nhìn xa, nhưng bước đi nhỏ, GS-TS Trần Thọ Đạt, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân đề nghị xây dựng bộ chỉ số thể hiện mức độ trưởng thành số trong từng ngành. “Phải biết đích đến là đâu mới biết cần đi như thế nào”, ông nói.

TS Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng khẳng định: “Cần nhận thức rất rõ là chuyển đổi số không dễ và không phải không tốn kém. Giá trị số là tài sản thật sự, phải tính toán đầy đủ. Cách thức chuyển đổi cũng không thể rập khuôn, mà phải linh hoạt, phù hợp với từng đơn vị, cá nhân, ngành cụ thể”.

Chuyển đổi số của trong ngành sản xuất: Không tính kỹ sẽ 'chết dở' ảnh 1Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) trình bày kinh nghiệm về chuyển đổi số

Bên cạnh việc chuẩn bị nhân sự - vấn đề luôn phải đặt ra với mọi quá trình chuyển đổi – thì thể chế cho hoạt động này, đặc biệt là những quy định về tài chính phải được tính toán lại. Chẳng hạn, thời gian khấu hao sẽ không thể như trước đây, vì công nghệ số thay đổi hết sức nhanh chóng.

Đồng quan điểm, TS Trần Văn, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển kinh tế số bình luận: “Hầu hết các luật cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số, chính phủ số. Đơn cử, Luật Giao thông cần bổ sung thêm các hình thức như xe tự lái gắn với đô thị thông minh; xác định rõ quản lý nền tảng taxi công nghệ thuộc lĩnh vực công nghệ hay vận tải. Luật Chứng khoán cần có thêm quy định về niêm yết start-up, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo công nghệ”…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tin tức IDS
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số của trong ngành sản xuất: Không tính kỹ sẽ “chết dở” ​
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO