Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 cho thấy tầm quan trọng của việc đưa dịch vụ tài chính đến mọi “ngõ ngách” của nền kinh tế, nhất là đối với các các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh cá thể.
Ứng dụng công nghệ giúp giảm tới 90% chi phí khoản vay
Khoảng 5 triệu hộ kinh doanh trên toàn quốc ngày càng đóng góp tích cực cho nền kinh tế. Đó là các hộ kinh doanh phân phối, bán lẻ hàng hóa, tiểu thủ công nghiệp, cơ khí nhỏ, kinh doanh các loại hình dịch vụ thiết yếu phục vụ cho nhu cầu dân sinh, sản xuất hay chế biến nông, lâm, thủy hải sản. Theo cách phân loại hiện hành, hộ kinh doanh do một cá nhân, một nhóm người, hoặc một hộ gia đình làm chủ, sử dụng dưới 10 lao động. Ở quy mô thấp hơn nữa là các hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký kinh doanh.
Hiện nay việc tiếp cận tài chính của nhóm đối tượng này còn gặp khá nhiều khó khăn. Các tổ chức tín dụng (TCTD) thường áp dụng quy trình thẩm định chặt chẽ, với một số quy định khá phức tạp do phải đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn cao. Vì vậy phần lớn hộ kinh doanh đều khó với tới dịch vụ của các TCTD, tài chính truyền thống. Ở chiều ngược lại, các TCTD, tài chính truyền thống cũng không thể bất chấp rủi ro mà hạ tiêu chuẩn cho vay để bao phủ hết nhóm đối tượng này.
Trên thực tế, vấn đề thiếu vốn đối với hộ kinh doanh không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới. Kết quả khảo sát với 1.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) trên toàn cầu mới thành lập và vay vốn trong vòng 5 năm trở lại đây cho thấy, rào cản chính đối với việc tiếp cận vay vốn của các SME là thiếu hoặc không có tài sản bảo đảm để được vay vốn, chiếm tỷ trọng 67%. Phần lớn nguồn vốn hoạt động được SME huy động từ người thân, bạn bè. Do đó việc hình thành kênh cung ứng vốn cho nhóm đối tượng này là rất cần thiết.
Vậy đối chiếu theo kinh nghiệm quốc tế, các quốc gia giải quyết vấn đề này như thế nào? Câu trả lời là họ hình thành kênh cung ứng vốn riêng cho nhóm SME trên cơ sở phối hợp chặt chẽ giữa các TCTD và công ty fintech. Nếu như các TCTD có lợi thế là quy trình nghiệp vụ chặt chẽ, thì fintech với thế mạnh công nghệ sẽ cung cấp thêm nguồn dữ liệu đa dạng để xây dựng hệ sinh thái hoàn chỉnh phục vụ việc xem xét, ra quyết định cấp tín dụng một cách nhanh chóng, hiệu quả, an toàn. Lợi thế khác là sự tham gia của fintech còn giúp xây dựng giải pháp tự động hoá và công nghệ dữ liệu hiện đại, làm giảm chi phí vốn vay. Số liệu nghiên cứu của Ernst & Young cho thấy, chi phí cho vay đối với một SME của TCTD truyền thống vào khoảng 100 - 300 USD cho một món vay, trong khi nếu sử dụng nền tảng công nghệ của fintech thì chi phí đó chỉ vào khoảng 5 - 35 USD, có nghĩa là giảm tới 85-95% chi phí.
Ở Việt Nam hiện nay, số lượng chi nhánh ngân hàng phục vụ cho 100.000 dân còn khá thấp, chỉ vào khoảng 3,5 chi nhánh cho 100.000 dân, thấp hơn so với con số từ 9 - 15 chi nhánh cho 100.000 dân ở Hàn Quốc hay các nước trong khu vực. Do vậy, ngày cả khía cạnh bao phủ về mặt địa lý cũng cần phải cải thiện, mà trong bối cảnh hiện nay thì chỉ có công nghệ mới có thể giúp chúng ta giải quyết được bài toán này.
Fintech có thể trở thành “cánh tay nối dài” của ngân hàng
Công ty Cổ phần Finviet với Ví điện tử Eco trong thời gian qua đã tập trung đi theo hướng số hóa hệ thống phân phối, bán lẻ hàng hóa để các hộ kinh doanh tạp hóa, bán lẻ có thể tiếp cận các TCTD với những khoản vay nhỏ, thường là 10-20 triệu đồng/hộ. Trong quá trình triển khai, chúng tôi nhận thấy chủ hộ kinh doanh, chủ các cửa hàng bán lẻ, tiệm tạp hóa đang rất thiếu vốn để mở rộng kinh doanh. Đây chính là hướng phát triển của Finviet khi chúng tôi đang đóng vai trò cánh tay nối dài của các TCTD, phục vụ cộng đồng dân cư, hộ kinh doanh cá thể trên nền tảng các giải pháp công nghệ tài chính tiên tiến, phối hợp chặt chẽ với các TCTD mở tài khoản online, nhận diện khách hàng eKYC, đánh giá năng lực tín dụng và phát triển mạng lưới cho các TCTD.
Finviet đã phối hợp thành công với một số TCTD xây dựng sản phẩm tài chính dành cho hộ kinh doanh cá thể để có thể vay ngân hàng từ 20 - 50 triệu đồng. Tuy nhiên, việc triển khai cấp tín dụng cho nhóm đối tượng này còn khá hạn chế do quy trình, thủ tục phức tạp nên việc phát triển và mở rộng mô hình còn nhiều khó khăn. Qua triển khai thực tế, Finviet nhận thấy các TCTD cần xây dựng những gói sản phẩm tài chính phù hợp với chi phí thấp dành nhóm đối tượng doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh trên cơ sở áp dụng mạnh mẽ công nghệ để tối ưu hoá quy trình thẩm định, rút ngắn thời gian duyệt và cấp vốn.
Với việc Chính phủ vừa ban hành Nghị định 52/2024/NĐ-CP quy định về thanh toán không dùng tiền mặt thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP, cùng với Luật Các tổ chức tín dụng 2024, khung khổ pháp lý cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, bao gồm việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, dịch vụ trung gian thanh toán, tổ chức, quản lý và giám sát các hệ thống thanh toán nói riêng và DN fintech nói chung, đã được cập nhật, sửa đổi, bổ sung.
Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng các quy định hiện hành vẫn chưa bao phủ hết nhu cầu của thị trường, cũng như chưa khai thác hết khả năng phát triển của fintech. Để có những bước đột phá mạnh mẽ hơn nữa, các cơ quan quản lý Nhà nước nên sớm hoàn thiện, ban hành cơ chế thử nghiệm có kiểm soát sandbox, trong đó có việc cho phép các TCTD hợp tác chặt chẽ với các DN fintech trong thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia; cho phép các tổ chức có năng lực công nghệ, tài chính, quản trị hiện đại được tham gia vào thị trường vốn quy mô nhỏ qua các mô hình ngân hàng ứng dụng công nghệ, kỹ thuật số; cho phép các TCTD được triển khai các dịch vụ tài chính trên hệ thống mạng lưới đại lý ngân hàng ở quy mô phù hợp với đối tượng hộ kinh doanh cá thể, DN nhỏ, siêu nhỏ. Khi đó, các đối tượng này sẽ được tiếp cận các dịch vụ tài chính hiện đại, đầy đủ, rộng khắp với chi phí thấp hơn, góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.