Cần tháo gỡ những vướng mắc, bất cập để hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng GDP

Phan Anh| 31/05/2023 15:25

Trăn trở với việc hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng trước những thách thức khó khăn mà nền kinh tế phải đối mặt, các đại biểu cho rằng, để thực hiện tốt hơn nữa các kết quả công tác trong thời gian tới, cần rà soát, làm rõ nguyên nhân, từ đó triển khai quyết liệt các giải pháp phù hợp nhằm khắc phục tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm, có giải pháp đảm bảo cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế...

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, sáng 31/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.

NHIỀU TỈNH, THÀNH PHỐ TĂNG TRƯỞNG ÂM, SỐ DOANH NGHIỆP GIẢI THỂ VÀ PHÁ SẢN TĂNG CAO

Phát biểu thảo luận ở hội trường, đại biểu Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận) thống nhất với báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023 do Chính phủ báo cáo trước Quốc hội.

Theo đại biểu, năm 2022 dù gặp nhiều thách thức, khó khăn song kinh tế vĩ mô Việt Nam vẫn ổn định, kinh tế tiếp tục tăng tưởng nhanh, đạt 8,02% là mức tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới.

Đối với những tháng đầu năm 2023, thị trường tiền tệ, tín dụng cơ bản ổn định. Giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh. Ngành du lịch tiếp tục phục hồi. Các chính sách an sinh xã hội, chăm sóc người có công tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh. Quốc phòng an ninh được bảo đảm; ...

Cần tháo gỡ những vướng mắc, bất cập để hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng GDP - Ảnh 1

"Tuy nhiên, cần phải thẳng thắn nhìn nhận tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023. Đó là tăng trưởng kinh tế quý 1 ước đạt 3,32% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP. Nhiều tỉnh, thành phố lớn đang tăng trưởng ở mức âm. Đặc biệt số doanh nghiệp giải thể và phá sản tăng cao; tình trạng cắt giảm lao động của doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực…", đại biểu phát biểu.

Cùng quan điểm, đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) nhấn mạnh rằng năm 2022, Việt Nam đã thực hiện thắng lợi khá toàn diện nhiều mục tiêu, nhiệm vụ, vừa đảm bảo phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội.

Nhưng đại biểu cũng chỉ ra những khó khăn và yếu tố bất lợi tác động đến chỉ tiêu năm 2023 như: đầu tư công triển khai chậm, tiêu dùng và xuất khẩu giảm, thị trường xuất khẩu và đơn đặt hàng bị thu hẹp, nguồn lực của doanh nghiệp suy giảm…

Theo đại biểu Đặng Xuân Phương (Nghệ An), điều cấp bách và thuyết phục nhất lúc này chính là giải quyết đúng đắn bài toán kinh tế của đất nước. Làm sao để việc thực thi các chính sách kinh tế xã hội, cân nhắc hợp lý giữa các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn.

Đại biểu Đặng Xuân Phương- Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An phát biểu tại phiên họp.
Đại biểu Đặng Xuân Phương- Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An phát biểu tại phiên họp.

Đưa ra những kết quả tình hình kinh tế xã hội, cùng với những tác động từ trong và ngoài nước, đại biểu Phương cho hay qua thảo luận ở tổ, các đại biểu Quốc hội đều băn khoăn, trăn trở về việc hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,5%.

Theo đại biểu, trong công tác chỉ đạo, điều hành vĩ mô của Chính phủ, cần kiên trì quan điểm đã được Đảng đề ra trong Văn kiện Đại hội 13. Đó là tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả đầu tư, nhất là đầu tư công; cơ cấu lại phát triển lành mạnh các loại thị trường, trong đó quan trọng nhất là cơ cấu lại thị trường bất động sản, đất đai và các tài nguyên khác theo hướng sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả.

Trên cơ sở dự báo kinh tế, đại biểu cho rằng cần có khuyến cáo để các doanh nghiệp và hộ gia đình chủ động hạn chế đầu tư, mở rộng năng lực sản xuất; cần tổ chức lại sản xuất theo hướng sử dụng lao động luân phiên, hạn chế việc sa thải đột ngột gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người lao động; xây dựng hệ thống chỉ tiêu cảnh báo đối với các ngành nghề dư thừa năng lực có nguy cơ suy thoái trong dài hạn.

RÀ SOÁT CÁC CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ, ƯU ĐÃI; QUYẾT LIỆT KHẮC PHỤC CHẬM GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG

Chia sẻ với những khó khăn, thách thức trong công tác lãnh đạo, quản lý của Chính phủ, các bộ ngành thời gian qua, để thực hiện tốt hơn nữa các kết quả công tác thời gian tới, đại biểu Phạm Đình Thanh (Kon Tum) đề nghị Chính phủ chỉ đạo, thực hiện ngay việc rà soát, làm rõ nguyên nhân, từ đó triển khai quyết liệt các giải pháp phù hợp nhằm khắc phục tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm thời gian qua.

Bên cạnh đó, cần rà soát, tháo gỡ những vướng mắc, bất cập Chính phủ đã nêu trong báo cáo trình Quốc hội. Đại biểu đề nghị ưu tiên rà soát, tháo gỡ ngay những bất cập của cơ chế chính sách, những quy định hướng dẫn liên quan đến việc triển khai thực hiện chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội và 03 Chương trình mục tiêu quốc gia, nhằm giúp các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các chương trình này đạt yêu cầu về chất lượng, tiến độ đề ra.

Đại biểu bày tỏ đồng tình với 11 nhóm giải pháp mà Chính phủ đã chỉ ra, Đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương quan tâm một số giải pháp như cần sớm rà soát toàn diện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đang được triển khai, xem chính sách nào hiệu quả, chính sách nào chưa thực sự hiệu quả để tạm dừng hoặc có biện pháp thay đổi kịp thời để bổ sung nguồn lực cho nền kinh tế.

Đại biểu Ma Thị Thúy- Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang phát biểu tại phiên họp.
Đại biểu Ma Thị Thúy- Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang phát biểu tại phiên họp.

Đại biểu cho rằng biện pháp nhanh nhất, hiệu quả nhất và doanh nghiệp dễ hấp thụ nhất trong lúc này chính là dùng công cụ tài khóa để hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp như giảm lãi suất ngân hàng, giảm tiền thuê đất, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; giảm, giãn, miễn lãi chậm nộp bảo hiểm xã hội...

Đại biểu cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần có cơ chế, chính sách riêng, cụ thể về đầu tư công; quyết tâm, sát sao hơn nữa để gỡ các vướng mắc nhất là các vướng mắc về thể chế, văn bản hướng dẫn cho các địa phương.

Các bộ, ngành và địa phương cần tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp, tăng cường kỷ luật kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công và cần bám sát, đánh giá đúng tình hình, chú trọng nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án; chuẩn bị tốt mặt bằng sạch cho thi công.

Để đạt được các mục tiêu trong năm 2023, đại biểu Lê Hữu Trí (Khánh Hòa) góp ý, đề nghị cần có giải pháp hữu hiệu, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh; phải có giải pháp đảm bảo cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế. Đây là yêu cầu đặt ra rất khó khăn, trong khi chúng ta vừa phải kiểm soát lạm phát, vừa phải bảo đảm lãi suất phù hợp với nền kinh tế thị trường và diễn biến của thị trường, đại biểu nói.

Trước tình trạng các doanh nghiệp gặp khó khăn, phá sản, giải thể ngày càng nhiều, đại biểu Trí đề nghị cần điều hành chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm, chia sẻ vai trò hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế với chính sách tiền tệ, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả và phải phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, bảo lãnh hợp lý để vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa kiểm soát được lạm phát.

Đồng thời cần chủ động xem xét tiếp tục hạ lãi suất nhằm hỗ trợ tăng trưởng, kiểm soát chặt chẽ việc đáp ứng dụng, sử dụng vốn và mức tăng trưởng tín dụng.

Về vốn vay của doanh nghiệp, từ đầu năm 2023 Ngân hàng Nhà nước đã có ba đợt giảm rồi lãi suất điều hành. Đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng) nhận định, đây được xem là sự nỗ lực rất lớn của Ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay doanh nghiệp cũng khó tiếp cận với vốn vay.

Đại biểu Tô Ái Vang- Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường ngày 31-05-2023.
Đại biểu Tô Ái Vang- Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường ngày 31-05-2023.

Vì vậy, đại biểu Tô Ái Vang đề nghị Ngân hàng Nhà nước phải quy định trần room tín dụng, đồng thời xem xét có cơ chế cho vay linh hoạt, đa dạng, nhất là các gói cho vay tín chấp dựa trên thời gian hoạt động có hiệu quả và dòng tiền của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cần chỉ đạo các ngân hàng thương mại rà soát lại toàn bộ thủ tục, điều kiện tín dụng, tăng khả năng tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp, đẩy nhanh giải ngân gói hỗ trợ lãi suất, triển khai hiệu quả chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tin tức IDS
Đừng bỏ lỡ
Cần tháo gỡ những vướng mắc, bất cập để hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng GDP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO