2022 - nhìn lại và đi tới

TS Trần Văn - Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển kinh tế số| 03/01/2023 09:46

Những chuyển động của thế giới trong năm 2022 theo các trục kinh tế hay chính trị, xã hội đang vẽ ra đồ thị đầy biến động với nhiều ẩn số không chỉ với năm 2022 mà cả những năm tiếp theo. Như không ít học giả đã nói, thế giới không thể trở lại trạng thái như trước tháng 2.2022.

Nhiều điểm sáng và tín hiệu tích cực

Trong bối cảnh những rối ren, nhiễu động đó, theo đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế, kinh tế Việt Nam đã có được một vị thế khá ổn định và tăng trưởng ở mức đáng kinh ngạc ở mức khoảng 8% trong năm 2022 và dự kiến đạt khoảng 6,7% trong năm 2023 khi các động lực cơ bản của tăng trưởng như: xuất khẩu, tiêu dùng trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn được duy trì và phát huy hiệu quả. Nhiều tín hiệu tích cực đến từ các sản phẩm xuất khẩu chủ lực, các thị trường tiềm năng, các hoạt động ngoại giao dồn dập dịp cuối năm khẳng định vị thế, vai trò quốc gia trong khu vực và quốc tế.

Việc tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam vượt mốc 700 tỷ USD và cán cân thương mại thặng dư là một trong những điểm sáng của năm 2022, nhất là khi những mặt hàng như quả chuối và quả sầu riêng xuất khẩu tăng hơn 200% về giá trị, quả bưởi đủ điều kiện xuất sang Hoa Kỳ, New Zealand, quả nhãn đi Nhật Bản, được kỳ vọng đưa ngành rau quả trở thành một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong những năm tới bên cạnh các mặt hàng nông sản thế mạnh khác.

Một điểm sáng nữa chính là chuyển đổi số quốc gia đang đi đúng hướng và có nhiều kết quả tích cực, mang lại hiệu quả thiết thực cho nền kinh tế, trải nghiệm mới cho người dân, thu hút mạnh dòng vốn đầu tư vào công nghệ số và khởi nghiệp sáng tạo. Nhiều doanh nghiệp hoạt động trên nền tảng số đã trở thành kỳ lân công nghệ với giá trị vốn hóa hàng tỷ USD. Theo Cổng thông tin điện tử Chuyển đổi số quốc gia dx.gov.vn, trong số top 50 ứng dụng có số lượng người dùng nhiều nhất tháng 9.2022, Facebook (Hoa Kỳ) với hơn 75,6 triệu người dùng đang hoạt động đang nắm giữ vị trí số 1 về số lượng người dùng, tiếp theo xếp hạng 2 là Zalo (Việt Nam) với hơn 74,1 triệu người dùng đang hoạt động, rồi đến một số ứng dụng của Việt Nam cũng được xếp thứ hạng cao là Vietcombankthứ 28, BIDV Smart Banking thứ 35...

Tuy nhiên, từ tháng 9 đã có những dấu hiệu đáng lo ngại khi thị trường nội địa khá im ắng, đơn hàng xuất khẩu chậm lại, nhiều lao động phải nghỉ việc thay vì phải tăng ca như mọi năm do nhu cầu mua sắm dịp Giáng sinh và Năm mới. Tình hình này là do từ cuối quý III.2022 và dự báo trong cả năm 2023, sự giảm cầu tiêu thụ toàn cầu ảnh hưởng tiêu cực đến thương mại thế giới, kéo theo suy giảm tăng trưởng kinh tế bên cạnh các yếu tố khác như: giá năng lượng tăng cao, mất cân đối nguồn cung các nguyên liệu chiến lược, linh kiện bán dẫn, vi mạch và xu hướng tăng lãi suất trong khi lạm phát kéo dài tại nhiều nền kinh tế lớn, cùng với hệ quả đa chiều của xung đột Nga - Ukraine và những tổn thất lâu dài do đại dịch Covid-19 chưa thể khắc phục được ngay.

Theo Vietdata, trong tháng 11, khu vực sản xuất tiếp tục xu hướng chậm lại. Đây là tháng thứ tư liên tiếp tốc độ, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành công nghiệp chậm dần, trái với thông lệ các năm trước, đây thường là thời điểm các doanh nghiệp tăng tốc sản xuất chuẩn bị nguồn hàng cho dịp lễ Tết cuối năm và đầu năm mới. Xuất khẩu tiếp đà chậm dần từ đầu quý III và chỉ đạt 29 tỷ USD, giảm - 4,8% so với tháng trước và giảm - 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tháng đầu tiên có tốc độ tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm trước và cũng là mức thấp từ đầu năm đến nay, ngoại trừ tháng 2. Nhiều doanh nghiệp bất động sản khó khăn về thanh khoản do áp lực “phải” mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn, trong khi dòng tiền từ hoạt động bán hàng chững lại đột ngột do tín dụng ngân hàng đối với lĩnh vực này đang rất hạn chế…

Thách thức cũng đến từ những yếu kém nội tại của nền kinh tế chậm được xử lý dứt điểm, từ một số quy định của pháp luật chậm được đổi mới, môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính…

Trong những lúc khó khăn như thế này, ba khâu đột phá theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là thể chế -hạ tầng - chất lượng nguồn nhân lực vẫn giữ nguyên giá trị và ngày càng trở nên cấp thiết hơn.

Biến ưu tiên phát triển thành hành động cụ thể

Trước sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ, nhất là trong chuyển đổi số nền kinh tế và quản trị quốc gia, rất cần một nền tảng thể chế vững chắc cho các lĩnh vực ưu tiên phát triển để biến những ưu tiên phát triển đó thành hành động cụ thể. Do đó, khi sửa đổi, bổ sung pháp luật hiện hành, cần hết sức chú ý, cập nhật những tiến bộ của công nghệ - vốn đang là nền tảng phát triển của nhiều loại hình sản phẩm, dịch vụ mới chưa từng có. Nếu không có những quy định pháp luật tương ứng, hay những quy định về thí điểm có kiểm soát sandbox thì khó có thể nói đến đổi mới, sáng tạo vì thực sự không ai muốn làm trái hay không tuân thủ các quy định của pháp luật.

Số hóa nền quản trị quốc gia sẽ góp phần tăng tốc quá trình đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp, cơ quan dịch vụ công. Đây là khâu tối quan trọng để lấy lại niềm tin của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, bảo đảm tính công khai, minh bạch, công bằng và trách nhiệm giải trình cao hơn của các cấp chính quyền.

Hay như rất nhiều chính sách tốt về hỗ trợ phục hồi kinh tế, y tế, chăm sóc sức khỏe cho người dân, đổi mới giáo dục được ban hành nhưng chậm triển khai thực hiện...

Phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội luôn được Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Số lượng các công trình, dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư và giám sát việc thực hiện ngày càng tăng chứng tỏ quy mô, tầm quan trọng, tầm ảnh hưởng, sự lan tỏa, hiệu quả của các công trình, dự án này ngày càng lớn, mang tính chất quyết định, đặt nền móng cho sự phát triển lâu dài, bền vững của đất nước. Cũng vì lẽ đó mà chúng ta thấy Quốc hội, Chính phủ thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, đôn đốc tiến độ, chất lượng các công trình, dự án này. Tuy nhiên, do công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư chậm, đơn giá định mức lạc hậu, năng lực nhà thầu, công tác chuẩn bị đầu tư chưa thật tốt nên tiến độ vẫn bị chậm, làm giảm hiệu lực, hiệu quả đầu tư. Hạ tầng giao thông, thủy lợi xây dựng xong cũng cần phải số hóa công tác quản lý, điều hành để nâng cao hiệu quả sử dụng, khai thác, hạ giá thành dịch vụ.

Trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số quốc gia thì chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố cực kỳ quan trọng. Chẳng thế mà việc đổi mới, cải cách giáo dục luôn là nội dung nóng trên nghị trường. Chỉ có thể khởi nghiệp sáng tạo khi chất lượng giáo dục và đào tạo được cải thiện, gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội, người dân được trang bị các kiến thức, kỹ năng cần thiết, tiếp cận được với những tiến bộ của khoa học, công nghệ và kỹ thuật. Nhất là khi quá trình chuyển đổi số quốc gia cần có sự tham gia của tất cả thành viên trong xã hội và chuyển đổi số không phải là một ngành riêng và sẽ không có một chương trình riêng nào có thể đào tạo đủ các yêu cầu về nhân sự số. Nếu không giải quyết được bài toán chất lượng nguồn nhân lực thì chúng ta khó có thể chuyển đổi số thành công, nhất là khi các chiến lược về chuyển đổi số đã ban hành đều xác định rất rõ việc "lấy người dân là trung tâm". Hay nói cách khác là xây dựng một tương lai kỹ thuật số để phục vụ con người, mở ra cơ hội khai phá giá trị mới, giảm bất bình đẳng và thúc đẩy tính bao trùm cùng sự tham gia của người dân vào xã hội số có vai trò quyết định đến sự thành công.

Trong năm bản lề 2023 và các năm còn lại của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025), khi làm tốt ba khâu đột phá này, chúng ta sẽ vượt qua được những thách thức toàn cầu cũng như khó khăn nội tại của nền kinh tế, hướng tới các mục tiêu phát triển xanh, chuyển đổi số, tài chính bao trùm, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất, văn hóa, tinh thần của người dân, tiến gần hơn tới khát vọng trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045.

Bài liên quan
  • Năm 2023 mở ra nhiều cơ hội mới cho IDS
    Những kết quả đã đạt được trong năm 2022 đã mở ra nhiều cơ hội mới trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ của Viện Chiến lược phát triển kinh tế số (IDS), góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia năm 2023.

(0) Bình luận
Nổi bật Tin tức IDS
Đừng bỏ lỡ
2022 - nhìn lại và đi tới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO