Triển khai ESG trong lĩnh vực ngân hàng góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững

TS. Nguyễn Thị Hòa/ Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, NHNN| 21/02/2024 08:28

Với vai trò trung gian tài chính, cung ứng vốn cho nền kinh tế, ngân hàng được xem là cầu nối và mắt xích quan trọng trong hệ sinh thái ESG. Việc ngân hàng áp dụng tiêu chuẩn ESG mang đến nhiều lợi ích cho nền kinh tế và chính bản thân ngân hàng.

Tóm tắt: Chuyển dịch sang nền kinh tế phát thải carbon thấp, kinh tế tuần hoàn, hướng tới phát triển bền vững đang trở thành một xu hướng tất yếu, là ưu tiên của nhiều quốc gia trên thế giới để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh đó, các tiêu chuẩn ESG đã trở nên nổi bật trên thị trường tài chính toàn cầu khi các nhà đầu tư và các bên liên quan nhận thức rõ hơn về tác động của các khoản đầu tư của họ đối với môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp. Trên thế giới, các tổ chức quốc tế và Chính phủ các nước ngày càng ban hành nhiều quy định và chính sách thúc đẩy các ngân hàng áp dụng tiêu chuẩn ESG. Tại Việt Nam, các ngân hàng đang trong giai đoạn đầu tích hợp yếu tố ESG vào hoạt động kinh doanh và còn gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai. Vì vậy, ngành Ngân hàng cần tích cực, chủ động triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy ngân hàng triển khai ESG nhằm phát huy hơn nữa những đóng góp của Ngành trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Từ khóa: ESG, ngành Ngân hàng, phát triển bền vững.
THE IMPLEMENTATION OF ESG IN THE BANKING SECTOR CONTRIBUTES TO SUSTAINABLE DEVELOPMENT GOALS

Abstract: Transitioning to a low-carbon emission, circular economy and embracing sustainable development has become an inevitable global trend, prioritized by many countries to effectively address climate change. In this context, ESG standards have gained prominence in the global financial market as investors and stakeholders become increasingly aware of the impact of their investments on the environment, society, and governance. Internationally, various organizations and governments are increasingly issuing regulations and policies to encourage banks to adopt ESG standards. In Vietnam, banks are in the initial stages of integrating ESG factors into their business activities and facing numerous challenges in the process. Therefore, the banking sector needs to proactively implement various solutions to promote ESG adoption, leveraging the sector’s contributions to sustainable development.
Keywords: ESG, banking sector, sustainable development.
1. Khái niệm ESG
ESG là thuật ngữ viết tắt của Environmental (Môi trường), Social (Xã hội) and Governance (Quản trị). Đây là ba tiêu chuẩn để đo lường tính hiệu quả và bền vững của một doanh nghiệp, phản ánh sự tương tác của doanh nghiệp với cộng đồng và môi trường xung quanh. Thuật ngữ ESG lần đầu tiên được giới thiệu một cách tổng thể trong Báo cáo “Who cares wins” của Liên hợp quốc phát hành năm 2004. Báo cáo này khuyến khích tất cả các bên liên quan (các nhà quản lí, giám đốc, nhà đầu tư, nhà phân tích, nhà môi giới) tích hợp ESG trong chiến lược phát triển dài hạn của mình. Sau đó, thuật ngữ ESG được đề cập nhiều hơn trong báo cáo Nguyên tắc đầu tư có trách nhiệm (PRI) của Liên hợp quốc năm 2006, nơi mà các tiêu chí ESG được yêu cầu phải đưa vào đánh giá tài chính của các công ty. Từ đó đến nay, ESG đã phát triển mạnh mẽ và được rất nhiều công ty trên khắp thế giới áp dụng, trở thành một bộ tiêu chuẩn đánh giá bức tranh toàn cảnh tình hình kinh doanh của doanh nghiệp trên cả ba khía cạnh môi trường, xã hội và quản trị (Thủy, 2022).
Theo PRI, không tồn tại một danh sách “chính xác” về các vấn đề ESG, tuy nhiên, PRI đã cung cấp ví dụ về vấn đề ESG, bao gồm: (i) Môi trường: Các vấn đề liên quan đến chất lượng và hoạt động của môi trường tự nhiên như phát thải khí nhà kính, giảm đa dạng sinh học, ô nhiễm, quy định về phát thải carbon, năng lượng tái tạo…; (ii) Xã hội: Các vấn đề liên quan đến quyền lợi, hạnh phúc, lợi ích của con người và cộng đồng như nhân quyền, tiêu chuẩn lao động, lao động trẻ em, sức khỏe và an toàn tại nơi làm việc, quản lí nguồn nhân lực và quan hệ lao động, quan hệ với cộng đồng địa phương, tiếp cận dịch vụ y tế, bảo vệ người tiêu dùng… (iii) Quản trị: Các vấn đề liên quan đến quản trị công ty và các đơn vị liên quan khác như cấu trúc hội đồng quản trị, quy mô, trả lương cho người điều hành, quyền cổ đông, tiết lộ thông tin, đạo đức kinh doanh…
Hiện nay, nhiều tổ chức quốc tế đã xác định và điều chỉnh các vấn đề ESG dành riêng cho từng lĩnh vực, nhóm ngành, bao gồm cả lĩnh vực ngân hàng1. Về cơ bản, ESG trong lĩnh vực ngân hàng là các tiêu chuẩn đánh giá ba yếu tố môi trường, xã hội và quản trị, nhằm mục đích giám sát các rủi ro cũng như phát hiện cơ hội tài chính vốn có trong hoạt động hằng ngày của ngân hàng. Nói cách khác, ESG cho phép các nhà đầu tư và các bên liên quan khác trên thị trường đánh giá hoạt động của ngân hàng dựa trên các dữ liệu phi tài chính (Nguyễn Kim Anh, 2023).
2. Sự cần thiết của việc thực hành ESG tại ngân hàng
Với vai trò trung gian tài chính, cung ứng vốn cho nền kinh tế, ngân hàng được xem là cầu nối và mắt xích quan trọng trong hệ sinh thái ESG. Việc ngân hàng áp dụng tiêu chuẩn ESG mang đến nhiều lợi ích cho nền kinh tế và chính bản thân ngân hàng.
Đối với nền kinh tế, ngân hàng có thể mang lại những tác động tích cực cho môi trường và xã hội, thúc đẩy quá trình chuyển đổi kinh tế hướng tới phát triển bền vững thông qua việc ưu tiên dành các chính sách tài trợ ưu đãi cho doanh nghiệp thực hiện tốt các vấn đề ESG, đang dẫn đầu trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp hoặc hạn chế tài trợ cho các dự án có tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội. Bên cạnh đó, sự phát triển của các cơ chế quản trị ESG trong hoạt động tín dụng cũng được xem là có khả năng định hướng cho các nhà sản xuất, các nhà đầu tư, qua đó góp phần thúc đẩy quyết định đầu tư sản xuất hướng đến phát triển bền vững. Ngoài ra, sự tiên phong trong việc thực thi ESG của ngành Ngân hàng cũng có tác động lan tỏa thúc đẩy các doanh nghiệp triển khai áp dụng các tiêu chuẩn ESG. Chính vì vậy, để đảm bảo sự ổn định của hệ thống tài chính và phát triển kinh tế toàn cầu trong dài hạn, ngân hàng cần là lực lượng đi đầu để thúc đẩy các phương thức kinh doanh bền vững và có trách nhiệm.
Đối với bản thân ngân hàng, việc áp dụng các tiêu chuẩn ESG mang lại những lợi ích đầy đủ như của một doanh nghiệp thông thường, bao gồm: Cơ hội mở rộng thị phần; giảm chi phí vận hành do tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu; nâng cao năng suất lao động; giảm áp lực pháp lí, thậm chí có thể nhận được hỗ trợ từ Chính phủ; nâng cao hiệu quả đầu tư (McKinsey và Company, 2019).
Bên cạnh đó, việc áp dụng tiêu chuẩn ESG mang đến cho ngân hàng cơ hội cải thiện hiệu quả quản trị rủi ro, nâng cao uy tín và tăng cường năng lực cạnh tranh. Cụ thể:
Cải thiện hiệu quả quản trị rủi ro: Kể từ khi khái niệm ESG được giới thiệu và biết đến rộng rãi trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, một loại rủi ro mới cũng xuất hiện - đó là rủi ro ESG. Khi khách hàng hoặc đối tác gặp các vấn đề liên quan ESG có thể dẫn đến rủi ro cho chính ngân hàng (Miralles-Quirós và cộng sự, 2019). Rủi ro ESG xảy ra do tác động tiêu cực của các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động tài chính, khả năng thanh toán cũng như gây thiệt hại tài sản cho chính ngân hàng, hoặc tác động gián tiếp thông qua việc gây thiệt hại tài sản cho các cá nhân, doanh nghiệp, dẫn đến suy giảm khả năng trả nợ. Ví dụ về trường hợp ngân hàng cho vay một công ty điện than - lĩnh vực kinh doanh có tác động trực tiếp và tiêu cực đến chất lượng môi trường. Công ty này đứng trước rủi ro pháp lí khi Chính phủ áp các quy định liên quan bảo vệ môi trường và siết chặt hoạt động của doanh nghiệp. Điều này khiến cho lợi nhuận sụt giảm, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ vay, do đó, tạo ra rủi ro tín dụng cho chính ngân hàng tài trợ. Chính vì vậy, việc áp dụng các tiêu chuẩn ESG có thể giúp ngân hàng nhận diện và phòng ngừa được các rủi ro ESG trong hoạt động kinh doanh của mình.
Nâng cao hình ảnh và uy tín thương hiệu: Sự gia tăng trong nhận thức và mối quan tâm về các yếu tố ESG từ các bên liên quan (nhà đầu tư, khách hàng, cộng đồng) đòi hỏi ngân hàng phải nắm bắt và quản lí các yếu tố “vô hình” trong hoạt động kinh doanh, thông qua việc tích hợp và minh bạch các vấn đề liên quan ESG. Những ngân hàng chủ động quản lí các vấn đề ESG được đánh giá tốt hơn so với đối thủ cạnh tranh (WWF, 2014), qua đó nâng cao được hình ảnh và uy tín thương hiệu. Ngược lại, việc quản lí kém các vấn đề ESG có thể tiềm ẩn rủi ro danh tiếng (phá hủy hình ảnh thương hiệu), ảnh hưởng đến lợi nhuận dài hạn, sự ổn định tài chính của ngân hàng.
Nâng cao năng lực cạnh tranh: Là trung gian tài chính, ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong việc phân bổ nguồn vốn và tài trợ cho các hoạt động hướng đến phát triển kinh tế bền vững. Điều này mở ra cơ hội cho ngân hàng phát triển sản phẩm kinh doanh mới. Các ngân hàng tích hợp ESG vào mô hình kinh doanh sẽ có lợi thế trong việc thấu hiểu và nắm bắt nhu cầu chuyển đổi của khách hàng, đồng thời đảm bảo mối quan hệ kinh doanh bền vững với họ. Điều này trở thành một lợi thế cạnh tranh, giúp ngân hàng khai thác được những lợi ích về doanh thu mà ESG mang đến.
3. Xu hướng phát triển các quy định và áp dụng tiêu chuẩn ESG trong lĩnh vực ngân hàng trên thế giới
Áp dụng tiêu chuẩn ESG nói chung và áp dụng ESG trong lĩnh vực ngân hàng nói riêng hiện được xem là một trong những vấn đề mang tính thời sự, đặc biệt trong bối cảnh tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đang trở thành một xu hướng tất yếu, là ưu tiên của nhiều quốc gia trên thế giới để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Theo khảo sát của Finastra tại Hồng Kông và Singapore, gần 90% giám đốc điều hành tài chính cho rằng, hỗ trợ các sáng kiến ​​ESG là rất quan trọng đối với ngành dịch vụ tài chính và ngân hàng. Trong khi đó, PwC nhận thấy, 65% nhà đầu tư tổ chức ở châu Á - Thái Bình Dương (APAC) có kế hoạch tăng phân bổ cho các sản phẩm ESG trong 02 năm tới.
Ngày càng có nhiều quy định và chính sách liên quan đến việc thực thi ESG trong hoạt động kinh doanh, đầu tư được thiết lập nhiều hơn bởi các tổ chức quốc tế và Chính phủ các nước. Trong đó, nhiều tổ chức quốc tế đã đưa ra các nguyên tắc, khung tiêu chuẩn hay hướng dẫn tích hợp ESG trong hoạt động ngân hàng như Nguyên tắc hoạt động của Ngân hàng có trách nhiệm của Liên hợp quốc (UNEP FI, 2018 B) - một khuôn khổ các nguyên tắc đảm bảo chiến lược và hoạt động của các ngân hàng kí kết phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững và thỏa thuận khí hậu Paris, Nguyên tắc xích đạo của Hiệp hội Nguyên tắc xích đạo (Equator Principles Association, 2020), Bộ tiêu chuẩn hoạt động môi trường và xã hội của Tổ chức tài chính quốc tế (IFC, 2012). Mặc dù được xây dựng bởi các tổ chức khác nhau nhưng các tiêu chuẩn này đều chú trọng tới giá trị cốt lõi của tính bền vững như hiệu quả kinh tế, môi trường và lợi ích của cộng đồng. Các ngân hàng có thể lựa chọn áp dụng thông qua hai hình thức: (i) Sử dụng toàn bộ các nguyên tắc này và đăng kí tham gia hiệp hội hay mạng lưới liên quan, hoặc (ii) Tham khảo để tự xây dựng bộ chuẩn mực riêng phù hợp với nhu cầu của mình.
Bên cạnh đó, nhằm thúc đẩy các ngân hàng thương mại (NHTM) xây dựng chính sách và áp dụng các tiêu chí đánh giá rủi ro ESG, các Chính phủ trên toàn cầu đã và đang tích cực thiết lập các quy định mới về đo lường và công bố thông tin ESG đối với các ngân hàng, dần chuyển dịch từ “khuyến khích” các ngân hàng áp dụng ESG sang “bắt buộc”. Châu Âu hiện đang là khu vực có khung pháp lí nghiêm ngặt nhất về bắt buộc công bố thông tin và thực hiện các bài kiểm tra sức chịu đựng rủi ro ESG trên toàn hệ thống ngân hàng. Tại Trung Quốc, để ưu tiên phát triển ESG, Ủy ban Điều tiết Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC) đã ban hành “Hướng dẫn Tài chính Xanh cho ngành Ngân hàng và Bảo hiểm” vào tháng 6/2022, nâng tầm quan trọng của việc phát triển ESG trong ngành Ngân hàng lên cấp độ chiến lược, yêu cầu các ngân hàng phải tích hợp các tiêu chuẩn ESG vào các quy trình quản lí và hệ thống quản lí rủi ro toàn diện. Điều này đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử phát triển ESG ở Trung Quốc, đưa ESG đã trở thành yêu cầu bắt buộc đối với ngành Ngân hàng.
Sự nhân rộng và siết chặt yêu cầu tích hợp ESG trong hoạt động kinh doanh ngân hàng đòi hỏi các ngân hàng phải tuân thủ và cập nhật liên tục những đổi mới trong quy định và chính sách về ESG. Cùng với đó, ngân hàng cũng đang chịu áp lực từ các nhà đầu tư và các bên liên quan khi họ dần cân nhắc và đo lường ESG trong quá trình đưa ra quyết định đầu tư; khách hàng và công chúng cũng ngày càng đòi hỏi ngân hàng phải có các hành động thiết thực trước các vấn đề môi trường và xã hội, đặc biệt là các thế hệ trẻ đang có xu hướng lựa chọn ngân hàng dựa trên các thông tin đánh giá về hoạt động liên quan ESG (KMPG, 2020). Những áp lực từ nhiều phía này đã thúc đẩy các ngân hàng áp dụng các khung tiêu chuẩn và hướng dẫn tích hợp ESG dành riêng cho lĩnh vực ngân hàng. Theo cập nhật mới nhất vào tháng 11/2021 (UNEP FI, 2021), số lượng ngân hàng cam kết áp dụng Nguyên tắc Ngân hàng có trách nhiệm (PRB) đã tăng vọt từ 132 (vào năm 2019) lên 275, với tổng giá trị tài sản đạt 81 triệu USD (chiếm khoảng 45% tài sản ngân hàng toàn cầu). Nhìn nhận trên phạm vi toàn thế giới, châu Âu hiện đang là khu vực dẫn đầu trong việc thực hành phát triển bền vững trong ngân hàng. Trong khu vực ASEAN, các ngân hàng Singapore hiện đang tiên phong trong việc chuyển đổi bền vững và nhận được xếp hạng cao từ nhiều tổ chức quốc tế.
Từ kinh nghiệm tích hợp ESG trong hoạt động của một số ngân hàng lớn ở châu Âu, Singapore và các nước khác có thể rút ra một số điểm lưu ý như sau:
Thứ nhất, vai trò của cơ quan quản lí (hay ngân hàng trung ương) là vô cùng quan trọng trong việc xây dựng khung pháp lí và chính sách, định hình khuôn khổ hoạt động thống nhất trong toàn bộ hệ thống ngân hàng.
Thứ hai, các NHTM cần xây dựng chiến lược phát triển bền vững hoặc lồng ghép vấn đề ESG vào chiến lược hoạt động của mình. Chiến lược phát triển bền vững cần phải được xây dựng rõ ràng, gắn liền với tầm nhìn hoạt động của ngân hàng và được cụ thể hóa thành các mục tiêu, cam kết về ESG, lộ trình thực hiện.
Thứ ba, NHTM cần thực hiện công bố thông tin và báo cáo về ESG. Đặc biệt, cần chọn lọc và xác định danh sách chủ đề trọng yếu phù hợp với đặc điểm hoạt động của ngân hàng và các bên liên quan, cũng như thị trường tài chính trong nước.
Thứ tư, NHTM cần thực hiện tích hợp ESG trong hoạt động cấp tín dụng. Trong đó:
(i) Xây dựng khung quy định về cho vay theo tiêu chí bền vững, bao gồm cả danh mục các ngành có rủi ro ESG cao làm cơ sở để loại trừ hoặc hạn chế cấp tín dụng. Đồng thời, xây dựng lộ trình cụ thể để hạn chế cho vay, tạo điều kiện cho khách hàng chuyển đổi và loại bỏ dần hoạt động kinh doanh có tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội.
(ii) Đẩy mạnh chính sách hỗ trợ cấp tín dụng cho các ngành hay dự án thỏa mãn tiêu chí bền vững. Tuy nhiên, cần đối chiếu với đặc điểm phát triển kinh tế trong nước. Ví dụ, các ngân hàng Singapore đẩy mạnh tín dụng bền vững cho các nhóm ngành bất động sản hay năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, đối với các nước đang phát triển, khi cơ sở hạ tầng còn hạn chế và phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch, có thể điều chỉnh tỉ trọng cấp tín dụng phù hợp hay ưu tiên các nhóm ngành khác vẫn đảm bảo tiêu chí ESG.
(iii) Tích hợp quản trị rủi ro ESG trong quy trình thẩm định tín dụng. Nói cách khác, cần xây dựng quy trình và logic phân loại, sàng lọc các dự án thỏa mãn tiêu chí ESG; kết hợp quy trình tái thẩm định đối với dự án có rủi ro ESG cao, tăng cường giám sát sau khi cấp tín dụng. Đồng thời, tạo lập phòng, ban chuyên trách về ESG để chuyên môn hóa, đảm bảo chất lượng giám sát, đánh giá định kì.
4. Thực trạng áp dụng tiêu chuẩn ESG trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam
Với cam kết trở thành quốc gia có mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 và quyết tâm thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, Chính phủ Việt Nam và các cơ quan ban, ngành đang tích cực thực hiện nhiều biện pháp, từ việc hoạch định chiến lược, nghiên cứu và ban hành các luật và hướng dẫn dưới luật2 để đạt được mục tiêu trên. Xác định phát triển bền vững là một chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ, đồng thời nhận thức được tầm quan trọng của việc thực thi ESG trong hoạt động ngân hàng đối với nền kinh tế cũng như môi trường và xã hội, ngành Ngân hàng tích cực triển khai nhiều hành động cụ thể như:
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã chủ động nghiên cứu, xây dựng và ban hành các cơ chế chính sách của Ngành trong việc hướng dẫn, định hướng phát triển ngân hàng xanh, hoạt động tín dụng xanh và phát triển bền vững3. NHNN cũng phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành chủ quản trong việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách về tăng trưởng xanh nói chung và tín dụng xanh nói riêng4. Bên cạnh đó, NHNN đã phối hợp với IFC xây dựng Sổ tay hướng dẫn đánh giá các rủi ro môi trường và xã hội cho 15 ngành kinh tế có rủi ro môi trường và xã hội cao nhất.
Đồng thời, NHNN đã triển khai các giải pháp để khuyến khích, tập trung nguồn vốn tín dụng ngân hàng cho các dự án, phương án sản xuất kinh doanh, đầu tư cho các ngành/lĩnh vực giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu như lĩnh vực nông nghiệp5, lâm nghiệp6, triển khai các chương trình hỗ trợ người nghèo về nhà ở phòng tránh biến đổi khí hậu7… NHNN cũng đã tích cực làm việc với các nhà tài trợ quốc tế như Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Tái thiết Đức (KFW), Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) và đề xuất các chương trình, dự án huy động nguồn lực tài chính quốc tế trong lĩnh vực giảm phát thải khí nhà kính8. Các hoạt động bồi dưỡng nhân lực về phát triển bền vững đã được chú trọng thực hiện hiệu quả thông qua việc chủ động xây dựng chương trình đào tạo, liên kết với tổ chức quốc tế và tham gia các hội thảo. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Ngân hàng về phát triển bền vững được triển khai tích cực.
Thực hiện chỉ đạo của NHNN, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã và đang tích cực ưu tiên phát triển sản phẩm và dịch vụ ngân hàng, bao gồm các sản phẩm huy động và cho vay vốn tín dụng vào các dự án hoặc doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, các ngành sản xuất và tiêu dùng ít carbon, triển khai các sản phẩm thẻ phi vật lí để góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng. Tính đến tháng 9/2023, đã có 47 TCTD đang có dư nợ tín dụng xanh với dư nợ cấp tín dụng đạt 564.311 tỉ đồng (chiếm hơn 4,4% tổng dư nợ toàn nền kinh tế), tăng 12,74% so với cuối năm 2022, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp xanh (chiếm hơn 30%), năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm gần 45%). Giai đoạn 2017 - 2022, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng dư nợ bình quân đạt 22,98%/năm, cao hơn tốc độ tăng bình quân tín dụng chung nền kinh tế.
Các NHTM đã chú trọng thiết lập hệ thống quản lí rủi ro môi trường, đồng thời bổ sung rủi ro môi trường vào trong cấu trúc quản trị rủi ro của ngân hàng. Theo khảo sát của NHNN, đến cuối năm 2022, có khoảng 50% các NHTM đã xây dựng quy định nội bộ về quản lí rủi ro môi trường và xã hội, hơn 80% NHTM đã tiến hành đánh giá rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng.
Bên cạnh đó, một số ngân hàng đã thực hiện lồng ghép các yếu tố ESG vào chiến lược kinh doanh và tầm nhìn dài hạn. Các cam kết và tiêu chuẩn ESG được cụ thể hóa thành các mục đích, mục tiêu và hành động; đồng thời, gắn kết với các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Chiến lược phát triển bền vững được công khai trên báo cáo thường niên, trang web của ngân hàng (với một mục dành riêng cho “Phát triển bền vững”) và thông cáo báo chí. Trong số các vấn đề ESG, quản trị là yếu tố được các NHTM Việt Nam công khai rõ ràng nhất, phần lớn các ngân hàng đều có mục báo cáo quản trị trong báo cáo thường niên. Một điểm tích cực đáng ghi nhận trong cam kết xã hội của các NHTM là tài chính toàn diện, phản ánh nỗ lực của các NHTM trong việc nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính của cộng đồng, đặc biệt là người thu nhập thấp, nhóm dễ bị tổn thương, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (FFI, 2020). Một số ngân hàng cũng đã ban hành “Khung tín dụng xanh”, “Khung khoản vay bền vững”9 nhằm đưa ra quy trình sử dụng và quản lí nguồn vốn vay dành cho dự án thuộc các lĩnh vực xanh, giảm phát thải. Trong năm 2023, đã có NHTM Việt Nam đầu tiên (NHTM cổ phần Á Châu - ACB) công bố báo cáo riêng về Phát triển bền vững trên cơ sở tham chiếu theo các Tiêu chuẩn công bố thông tin được Ủy ban tiêu chuẩn báo cáo bền vững toàn cầu (GSSB) thiết lập cũng như tham chiếu theo các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc. Hiện các ngân hàng đã và đang tiếp tục triển khai nghiên cứu về tiêu chuẩn ESG, phát triển kinh tế bền vững và thị trường tín chỉ carbon.
Nhìn chung, các ngân hàng tại Việt Nam đã có nhận thức nhất định về tầm quan trọng của các vấn đề xoay quanh ESG. Kết quả khảo sát của PwC (2022) cho thấy 88% số người được phỏng vấn trong ngành dịch vụ tài chính đã thực hiện hoặc có kế hoạch thực hiện các cam kết ESG. NHTM đã tích cực triển khai xây dựng chiến lược bền vững với sự tham vấn từ các bên liên quan; đồng thời có tiến bộ khi tham gia vào các sáng kiến tài chính toàn cầu. Một số ngân hàng đã lồng ghép định hướng về phát triển bền vững vào chiến lược phát triển chung của ngân hàng như ưu tiên tăng trưởng tín dụng xanh, xây dựng quy định nội bộ về quản lí rủi ro môi trường - xã hội.
Mặc dù vậy, theo đánh giá của một số tổ chức quốc tế10, các NHTM Việt Nam hiện đang trong giai đoạn đầu tích hợp các yếu tố ESG vào hoạt động kinh doanh và còn gặp nhiều khó khăn trong việc tích hợp mục tiêu bền vững, đánh giá tác động của vấn đề ESG hay công bố các thông tin liên quan. Hầu hết các NHTM chưa xây dựng khung chiến lược và lộ trình chi tiết hướng tới phát triển bền vững cũng như thực hiện công bố báo cáo phát triển bền vững. Còn nhiều ngân hàng chưa thiết lập hệ thống quản lí rủi ro ESG hay kết hợp đánh giá rủi ro ESG trong hoạt động cấp tín dụng. Yếu tố môi trường hiện chưa được các ngân hàng ưu tiên chú trọng bằng hai yếu tố quản trị và xã hội (PwC, 2022)11. So với các nước trong khu vực và các nước phát triển trên thế giới, các NHTM Việt Nam vẫn cần cải thiện nhiều và nỗ lực hơn nữa để đẩy mạnh tích hợp ESG.
Những hạn chế nêu trên xuất phát từ một số nguyên nhân, có thể kể đến là:
Thứ nhất, khuôn khổ pháp lí còn hạn chế: Hạn chế trong chính sách, quy định và hướng dẫn từ cơ quan quản lí là nguyên nhân căn cơ nhất khiến việc thực thi cam kết ESG của các NHTM vẫn còn mờ nhạt. Để tạo điều kiện cho việc áp dụng các tiêu chí ESG trong ngành Ngân hàng, NHNN Việt Nam hiện chủ yếu xây dựng và ban hành các chỉ thị, đề án định hướng phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh và tài chính toàn diện. Tuy vậy, ở cấp độ quản lí, khung chính sách này chưa phản ánh tổng thể và toàn diện về các yếu tố ESG, không phải là khung pháp lí bắt buộc. Đây cũng là lí do khiến cho các NHTM chưa có nhiều động lực để thực hiện tích hợp ESG trong hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, công cuộc chuyển đổi bền vững đòi hỏi các NHTM phải có năng lực và tiềm lực tài chính, tuy nhiên, chưa có nhiều chính sách hỗ trợ hay khuyến khích từ phía cơ quan quản lí.
Thứ hai, nhận thức hạn chế về ESG: Sự mới mẻ của khái niệm ESG là nhân tố đầu tiên khiến công tác quản trị ESG gặp nhiều vướng mắc. Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả tích hợp trong cấp tín dụng, đòi hỏi phải có sự hợp tác và thiện chí từ cả ngân hàng và khách hàng doanh nghiệp. Tuy nhiên, sự thiếu năng lực quản trị lẫn tầm nhìn chiến lược của doanh nghiệp và ngân hàng đối với các vấn đề ESG lại là rào cản lớn, khiến cho quá trình chuyển đổi mô hình kinh doanh bền vững diễn ra còn chậm.
Thứ ba, áp lực chi phí: Quá trình chuyển đổi theo hướng phát triển bền vững đòi hỏi các NHTM phải sở hữu tiềm lực tài chính nhất định, không chỉ phục vụ cho các khoản gia tăng trong chi phí (như đầu tư công nghệ, xây dựng bộ máy quản trị ESG, đào tạo nhân viên, xây dựng cơ sở dữ liệu) mà còn phát triển các sản phẩm và dịch vụ đảm bảo tiêu chí ESG. Ví dụ, khi thúc đẩy hoạt động cấp tín dụng xanh, năng lực cạnh tranh của ngân hàng sẽ phần nào bị hạn chế khi NHTM phải sàng lọc danh mục ngành hay lĩnh vực phù hợp, thu hẹp đối tượng khách hàng thỏa mãn các điều kiện về môi trường. Các lợi ích từ phát triển bền vững chủ yếu mang tính chất dài hạn, do đó, không phải ngân hàng nào cũng đủ tiềm lực để theo đuổi.
Thứ tư, thiếu hụt cơ sở dữ liệu ESG: Hiện nay, chưa có một tiêu chuẩn thống nhất và rõ ràng về các yêu cầu thực thi ESG trong ngành Ngân hàng. Vì vậy, các ngân hàng gặp khó trong việc thu thập dữ liệu, từ đó chưa thể đáp ứng việc thực hiện công bố thông tin và báo cáo bền vững. Hơn nữa, dữ liệu đầu vào còn phụ thuộc vào mức độ công bố thông tin từ khách hàng doanh nghiệp, ví dụ như lượng phát thải khí nhà kính của doanh nghiệp.
5. Một số khuyến nghị nhằm đẩy mạnh triển khai ESG trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam
Xuất phát từ những nguyên nhân trên, bài viết đề xuất một số khuyến nghị nhằm đẩy mạnh triển khai ESG trong lĩnh vực ngân hàng, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững như sau:
Đối với NHNN và các bộ, ngành liên quan
Kinh nghiệm quốc tế trong triển khai ESG cho thấy cơ quan quản lí có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi bền vững của hệ thống ngân hàng. Nhìn từ góc độ của Việt Nam, Chính phủ và NHNN đã có những bước khởi đầu nhất định trong nỗ lực thúc đẩy hệ thống tài chính hướng tới phát triển bền vững. Tuy nhiên, để thúc đẩy các NHTM triển khai áp dụng ESG, cần phát huy nhiều hơn vai trò của cơ quan quản lí. Cụ thể:
Thứ nhất, hoàn thiện khung pháp lí về ESG trong lĩnh vực ngân hàng
NHNN cần ban hành các quy định yêu cầu NHTM công bố thông tin và báo cáo việc thực hiện các yếu tố ESG. Đồng thời, lồng ghép một cách thích hợp các yếu tố, tiêu chí cụ thể về ESG vào các chính sách của Ngành, bao gồm quyết định, chỉ thị và quy định liên quan tới hoạt động đầu tư, cho vay và các dịch vụ tài chính khác cũng như hệ thống quản trị của NHTM.
Các chính sách, quy định, hướng dẫn tích hợp ESG vào hoạt động của ngân hàng cần được xây dựng thành lộ trình cụ thể, chia thành các giai đoạn để NHTM có thể dần nâng cao nhận thức, điều chỉnh bộ máy, tuyên truyền với khách hàng doanh nghiệp, cuối cùng hướng đến áp dụng “bắt buộc” một khi hệ thống NHTM đã xây dựng đầy đủ bộ máy vận hành cũng như cơ sở dữ liệu. Ngoài ra, NHNN cần có cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ cho các ngân hàng tiên phong hay thực hiện tốt quy định về ESG, nhằm giúp các NHTM nâng cao năng lực cạnh tranh và tiềm lực tài chính trong quá trình chuyển đổi bền vững.
Thứ hai, xây dựng bộ tiêu chuẩn chung về ESG dành cho các NHTM
Một trong những yếu tố tiên quyết để thúc đẩy thực hành ESG tại hệ thống ngân hàng Việt Nam là có bộ tiêu chuẩn chung về ESG. NHNN cần xây dựng bộ tiêu chuẩn chung về ESG dành cho các NHTM dựa trên các tiêu chuẩn và công ước quốc tế; đồng thời, tinh chỉnh phù hợp với điều kiện và đặc điểm của hệ thống tài chính trong nước. Việc chuẩn hóa các yếu tố ESG giúp việc triển khai được đồng bộ trên toàn hệ thống ngân hàng, tạo điều kiện để cơ quan quản lí đánh giá và giám sát hiệu quả thực thi ESG. Ngoài ra, các NHTM cũng dễ định hình những việc cần thực hiện, công bố thông tin và lập các báo cáo phù hợp với yêu cầu chung. Sau khi xây dựng bộ tiêu chuẩn chung về ESG, NHNN cần đưa ra các hướng dẫn cụ thể về cách thức thực hiện, quy định về báo cáo, đánh giá, giám sát. Đồng thời, tăng cường các khóa đào tạo về tài chính bền vững và quản trị rủi ro ESG (đặc biệt trong hoạt động cấp tín dụng) dành cho các NHTM.
Thứ ba, xây dựng công cụ đánh giá và xếp hạng ESG về mức độ cam kết và thực thi ESG
NHNN có thể tham khảo công cụ đánh giá từ các chuẩn mực quốc tế, các tổ chức xếp hạng ESG độc lập nổi tiếng trên thế giới, hoặc kết hợp với các tổ chức quốc tế có nhận diện tại Việt Nam (như WWF, FFI) để đánh giá chuyên sâu các NHTM trong nước. Quá trình đánh giá cần có sự tham vấn minh bạch với các tổ chức xã hội, viện nghiên cứu cũng như chuyên gia, nhà hoạt động xã hội… để có cái nhìn khách quan, toàn diện và kịp thời. Từ đó, hằng năm, NHNN có thể xếp hạng các NHTM tốt nhất gắn với thực hiện trách nhiệm ESG, bên cạnh xếp hạng dựa trên tăng trưởng tín dụng, quy mô tài sản. Điều này sẽ giúp định hình hoạt động của NHTM hướng đến các mục tiêu tích hợp ESG để tăng trách nhiệm môi trường và xã hội cũng như vị thế và thương hiệu. Về lâu dài, khi cơ sở dữ liệu về ESG được hình thành đầy đủ và hệ thống tài chính minh bạch, đây sẽ là điều kiện để các tổ chức đánh giá và xếp hạng độc lập ESG phát triển tại Việt Nam.
Đối với các NHTM
Những ngân hàng sớm bắt tay vào đánh giá rủi ro ESG và xác định chiến lược cùng lộ trình kịp thời sẽ có những lợi thế đi đầu trong quá trình chuyển đổi bền vững. Để nắm bắt được những cơ hội này, các NHTM cần triển khai các nội dung sau:
Thứ nhất, xây dựng chiến lược tích hợp ESG. Bên cạnh các chiến lược kinh doanh được cụ thể hóa thành các mục tiêu về doanh thu và lợi nhuận, các NHTM cần bổ sung và thiết lập các chiến lược về phát triển bền vững gắn liền với các cam kết về ESG. Trong đó, cần phải sàng lọc và xác định các vấn đề mang tính trọng yếu gắn liền với các hoạt động kinh doanh cốt lõi, nhằm giúp tổ chức tập trung nguồn lực vào các vấn đề trọng tâm, đánh giá và đo lường rủi ro có khả năng tác động lớn đến ngân hàng.
Thứ hai, xây dựng hệ thống quản lí rủi ro ESG. Để triển khai chiến lược phát triển bền vững và kiểm soát hiệu quả kết quả thực hiện, các NHTM cần tinh chỉnh bộ máy, xây dựng bộ phận chuyên trách về các vấn đề ESG. Bộ phận này vận hành trên cơ sở đảm bảo tuân thủ khuôn khổ phát triển bền vững - tập hợp các mục tiêu, quy chuẩn, nguyên tắc về ESG, được xây dựng với vai trò là nền tảng và cốt lõi trong hoạt động kinh doanh, thậm chí có thể tích hợp vào quy tắc ứng xử của ngân hàng.
Thứ ba, đào tạo nội bộ và tuyên truyền cho khách hàng doanh nghiệp. NHTM cần chú trọng đào tạo, phát nguồn nhân lực, thiết kế các chương trình nhằm nâng cao sự hiểu biết về các tiêu chuẩn môi trường và xã hội, đặc biệt là kĩ năng đánh giá rủi ro ESG cho nhân viên thẩm định trong hoạt động cấp tín dụng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các NHTM cũng cần đẩy mạnh truyền thông về chiến lược ESG của ngân hàng cho khách hàng, công khai rõ ràng về các cam kết bền vững, quy trình thẩm định và tiêu chí đánh giá rủi ro môi trường - xã hội, có các hoạt động tư vấn và đồng hành với khách hàng trong việc khắc phục các rủi ro ESG.
Thứ tư, công bố thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu về ESG. NHTM cần công khai, cập nhật đầy đủ và rõ ràng, dễ tra cứu và dễ kiểm chứng các thông tin, chính sách liên quan tới ESG (bao gồm cả chính sách dành cho hoạt động nội bộ và cho các khách hàng doanh nghiệp). Việc công bố thông tin phải được truyền thông rộng rãi trên tất cả các nguồn: Từ trang web, thông cáo báo chí, đến báo cáo thường niên (có bổ sung báo cáo phát triển bền vững). Các ngân hàng có thể tham khảo các chuẩn mực công bố thông tin quốc tế phổ biến như GRI, TCFD, SASB. Bên cạnh dữ liệu định tính (như phân tích, đánh giá từ chuyên gia hay tổ chức về mức độ cam kết ESG), các NHTM cần phát triển và đo lường các dữ liệu định lượng. Nâng cao mức độ công bố thông tin sẽ là nền tảng để xây dựng cơ sở dữ liệu về ESG, hướng đến tính minh bạch trong toàn bộ hệ thống.
6. Kết luận
Thời gian qua, Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia các cam kết quốc tế về chuyển đổi xanh, giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Tuyên bố mạnh mẽ về đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 tại COP26 thể hiện quyết tâm và cam kết chính trị của Việt Nam đối với vấn đề này. Theo báo cáo tại Hội nghị COP27, Việt Nam là một trong các quốc gia đã có những hành động nhanh, kịp thời để triển khai cam kết quốc tế. Là kênh cung ứng vốn chủ yếu của nền kinh tế, ngành Ngân hàng với vai trò, trách nhiệm của mình đã có những đóng góp quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững quốc gia. Mặc dù vậy, quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi ngành Ngân hàng cần tiếp tục nỗ lực thực hiện các giải pháp, đặc biệt trong việc thúc đẩy áp dụng tiêu chuẩn ESG trong hoạt động ngân hàng nhằm phát huy hơn nữa vai trò và đóng góp của Ngành trong việc hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững theo chủ trương của Đảng và Chính phủ.
1 Năm 2009, Hiệp hội các nhà phân tích tài chính châu Âu (EFFAS) đã xây dựng khung đánh giá ESG cho các ngành vận chuyển công nghiệp, ô tô, điện lực, ngân hàng, bảo hiểm phi nhân thọ (EFFAS, 2009). Các tổ chức khác như CFA Institute, WWF, Tài chính công bằng Việt Nam cũng lần lượt đưa ra các hướng dẫn, định nghĩa về ESG dành cho nhà đầu tư, doanh nghiệp sản xuất và định chế tài chính.
2 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 25/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu; Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; Quyết định 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển
bền vững…
3 Cụ thể như: Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 của Thống đốc NHNN về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lí rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; (ii) Quyết định số 1552/QĐ-NHNN ngày 06/8/2015 của Thống đốc NHNN ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020; Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 08/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 1731/QĐ-NHNN ngày 31/8/2018 của Thống đốc NHNN ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; Quyết định số 1604/QĐ-NHNN ngày 07/8/2018 phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam; Quyết định số 1408/QĐ-NHNN ngày 26/7/2023 của Thống đốc NHNN ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu; Thông tư số 17/2022/TT-NHNN ngày 23/12/2022 của Thống đốc NHNN hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
4 Cụ thể NHNN đã phối hợp với (i) Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc đề xuất, xây dựng các nội dung liên quan đến việc triển khai tín dụng xanh được quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, tập trung vào cơ chế khuyến khích, lộ trình thực hiện và các tiêu chí về môi trường, việc xác nhận đối với các dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh; (ii) Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc xác định, huy động nguồn lực về vốn để thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh.
5 Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách tín dụng khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 7/9/2018 của Chính phủ; triển khai Chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 07/3/2017 của Chính phủ; chính sách cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; triển khai chương trình cho vay tái canh cây cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2014 - 2020.
6 Triển khai Chương trình cho vay trồng rừng sản xuất và phát triển chăn nuôi theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 9/9/2015 của Chính phủ; Dự án phát triển ngành Lâm nghiệp được thực hiện thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội.
7 Chương trình cho vay xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt ở miền Trung, làm nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long; các chương trình tín dụng góp phần giảm thiểu hiệu ứng khí nhà kính và giảm ô nhiễm môi trường như chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn...
8 Dự án Hiệu quả năng lượng dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam; Dự án tài trợ doanh nghiệp thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo, sử dụng hiệu quả năng lượng và xử lí, tái chế chất thải tại Việt Nam; Đề xuất NAMA trong vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt carbon thấp.
9 VPBank, BIDV.
10 Theo Báo cáo Đánh giá Ngân hàng Bền vững (SUSBA) 2020 của Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF), mức độ cam kết và tích hợp ESG trong hoạt động của các NHTM Việt Nam còn hạn chế, cần phải cải thiện hơn nữa trong việc công bố chính sách tài chính bền vững (gồm chính sách chia theo từng vấn đề ESG cụ thể và theo ngành), đào tạo nhân lực và tích hợp ESG trong sản phẩm và dịch vụ. Xét trên phạm vi khu vực, Việt Nam chưa bắt kịp một số nước như Malaysia, Singapore và Thái Lan; Báo cáo tài chính công bằng của Fair Finance International (FFI) thực hiện năm 2020 tại 10 NHTM Việt Nam cho thấy, chính sách của 10 NHTM Việt Nam về cam kết ESG vẫn đang ở bước đầu, với mức độ công bố thông tin còn mờ nhạt và chưa có quy chuẩn thống nhất.
11 Theo PwC (2022), phần lớn (67%) số người được phỏng vấn trong ngành Dịch vụ tài chính xếp hạng yếu tố quản trị là ưu tiên hàng đầu, tiếp theo là yếu tố xã hội (67%) ưu tiên thứ hai và yếu tố Môi trường (55%) là ưu tiên thứ ba.
Tài liệu tham khảo:
1. UNEP (2006), Principles of Responsible Investment - PRI.
2. WWF (2014), Environmental, social and governance integration for banks: a guide to starting implementation Report.
3. McKinsey & Company (2019), Five ways that ESG creates value.
4. Finastra’s Financial Services (2022), State of the Nation Survey.
5. WWF (2020), Sustainable Banking Assessment Report.
6. Nguyễn Kim Anh (2023), Sách chuyên khảo “Ngân hàng với tăng trưởng xanh”.
7. Nguyễn Thị Minh Huệ và cộng sự (2023), “Bộ tiêu chuẩn ESG về môi trường, xã hội, quản trị doanh nghiệp - hướng đi bền vững cho doanh nghiệp”, Tạp chí Công Thương, tháng 11/2023.
8. PwC (2022), Báo cáo khảo sát “Mức độ sẵn sàng thực hành ESG tại Việt Nam 2022: Từ tầm nhìn đến hành động”.
9. Fair Finance Internaitonal (2020), Cam kết Môi trường - Xã hội - Quản trị trong ngành Ngân hàng: Tổng quan và Phân tích trường hợp mười ngân hàng thương mại Việt Nam.
10. Phùng Thị Thủy (2022), “ESG với phát triển bền vững của doanh nghiệp Việt Nam”, Tạp chí Công Thương, tháng 11/2022.
11. ACB, Báo cáo Phát triển bền vững 2022.

TS. Nguyễn Thị Hòa
Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, NHNN

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tin tức IDS
Đừng bỏ lỡ
Triển khai ESG trong lĩnh vực ngân hàng góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO