Thanh khoản dồi dào, trái phiếu rục rịch tan băng, thời kỳ tiền đắt chưa kết thúc

T.L| 25/03/2023 10:45

Fed tăng lãi suất, lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh, thanh khoản hệ thống dồi dào, doanh nghiệp phát hành trái phiếu trở lại, chưa phải lúc “tất tay” với chứng khoán… là tâm điểm ngân hàng tuần qua.

Thanh khoản dồi dào, Ngân hàng Nhà nước “ế” vốn 4 ngày liên tiếp, lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh

Nhu cầu hỗ trợ thanh khoản và nhu cầu vay mượn liên ngân hàng sụt giảm mạnh khiến lãi suất cho vay liên ngân hàng cũng giảm theo.

Trong phiên giao dịch hôm 24/3, lãi suất chào liên ngân hàng (tiền đồng) tiếp tục giảm 0,13 – 0,25% ở tất cả kỳ hạn. Theo đó, lãi suất cho vay qua đêm chỉ còn 1,47%/năm, lãi suất kỳ hạn 1 tuần còn 2,18%/năm, lãi suất 2 tuần còn 3,07%/năm và 1 tháng chỉ còn 4,53%.

Trên thị trường mở, hôm qua, NHNN tiếp tục chào thầu 5.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố kỳ hạn 28 ngày, lãi suất 5,5% nhưng không có khối lượng trúng thầu, không có khối lượng đáo hạn. NHNN cũng không chào thầu tín phiếu NHNN, không có khối lượng đáo hạn.  

Như vậy, phiên hôm qua là phiên thứ 4 liên tiếp NHNN chào thầu 5.000 tỷ đồng nhưng bị “ế” vốn. Trong đó, chỉ duy nhất phiên đầu tuần (20/3) là có 215,5 tỷ đồng trúng thầu, còn 3 phiên liên tiếp gần đây không có khối lượng trúng thầu.

Như vậy, chỉ tính trong vòng một tuần, lãi suất liên ngân hàng đã giảm hơn 2%. Nếu so với sát thời điểm NHNN giảm lãi suất điều hành (14/3), lãi suất liên ngân hàng đã giảm 4,25%.   

Ngoài ra, NHNN cũng kéo dài hẳn kỳ hạn ở kênh OMO, từ 7 ngày trước đó lên 28 ngày.

Việc NHNN bị “ế” vốn qua các phiên chào thầu không có gì khó hiểu. Ngoài thanh khoản dồi dào hơn thì lãi suất chào thầu mà NHNN đưa ra là 5,5%/năm cao hơn lãi suất liên ngân hàng.Do đó,các ngân hàng đang ưu tiên vay mượn lẫn nhau thay vì tìm đến NHNN.

Lãi suất liên ngân hàng đã giảm gần 2 tuần nay sau khi NHNN phát tín hiệu đảo chiều lãi suất và chuyển từ hút ròng sang bơm ròng trên kênh OMO.

Từ ngày 15/3, NHNN điều chỉnh lãi suất tái chiết khấu và lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện từ liên NH và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD giảm 1% xuống 3,5%/năm và 6%/năm.

Đồng thời, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành và lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VNĐ của Quỹ Tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này cũng được điểu chỉnh giảm 0,5% xuống lần lượt 5%/năm và 6%/năm.

Chuyên gia: Thời kỳ tiền đắt chưa kết thúc, chưa phải lúc để “tất tay”

Đánh giá về động thái tăng lãi suất 0,25% của Fed diễn ra rạng sáng 23/3 (giờ Việt Nam), ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư của Maybank Investment Bank nhận định, việc Fed tăng lãi suất không phải là điều bất ngờ, mà đã được dự báo từ trước. Chính vì vậy, mức độ ảnh hưởng của kỳ điều chỉnh lần này tác động tới thị trường Việt Nam là không lớn, có chăng, tác động chỉ là yếu tố tâm lý ngắn hạn.

Với lần điều chỉnh này của Fed, chính Ngân hàng Nhà nước cũng đã dự tính và hành động sớm một bước. Cụ thể, ngày 14/3 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã hạ một loạt lãi suất điều hành. Cùng lúc đó, Ngân hàng Nhà nước cũng liên tục bơm thanh khoản hỗ trợ thị trường. Tuần qua, cơ quan này đã bơm ròng hơn 52.000 tỷ đồng ra hệ thống.

Thị trường chứng khoán hôm nay (23/3) ít biến động sau khi thông tin Fed tăng lãi suất 0,25% được đưa ra. Trong phiên họp chính sách vừa qua, cùng với quyết định nâng lãi suất thêm 0,25%, Chủ tịch Fed cũng cho biết, các ngân hàng ở Mỹ sẽ chứng kiến chính sách lãi suất ở mức 5,1% vào cuối năm nay.

Với tuyên bố này của Fed, một số nhà đầu tư cho rằng, đường đi lãi suất của Fed sẽ đảo chiều, đây đang là thời điểm tốt để bắt đáy vì có khả năng Fed sẽ chỉ thực hiện thêm một đợt tăng lãi suất nữa cho năm 2023 trước khi dừng lại.

Tuy nhiên, ông Phan Dũng Khánh cảnh báo, nhiều người đang hiểu sai về việc sẽ có một đợt điều chỉnh hạ lãi suất trong năm nay. Chính Chủ tịch Fed cũng cho rằng, cơ quan này chưa có ý định đó, trừ trường hợp nền kinh tế có một vấn đề gì đó đặc biệt.

“Trên cơ sở Fed tăng lãi suất và chính sách điều hành của Fed trong thời gian tới, có thể thấy rằng, kỷ nguyên “tiền đắt” vẫn chưa thể kết thúc được, ít nhất là trong năm 2023. Đối với thị trường chứng khoán sẽ chịu ảnh hưởng trong một vài phiên tới từ quyết định tăng lãi suất của Fed”, ông Khánh phán đoán.

Trong khi đó, ông Phan Long, sáng lập và CEO của AFA Group cũng cho rằng, sự cố với ngành ngân hàng Mỹ buộc Fed bớt “diều hâu”, song nền lãi suất của Mỹ thời gian tới vẫn sẽ ở mức cao khi Fed cùng lúc phải ứng phó với lạm phát, suy thoái và vấn đề của hệ thống ngân hàng.

Với nhà đầu tư chứng khoán, trong bối cảnh hiện nay, ông Phan Dũng Khánh cho rằng, đây chưa phải thời điểm lý tưởng để xuống tiền. Đặc biệt, ông Khánh khuyến cáo nhà đầu tư phải đặc biệt cẩn trọng khi đưa ra quyết định lướt sóng, dùng đòn bẩy hoặc “tất tay”.

“Cơ hội cho những nhà đầu tư dài hạn vẫn có, có thể mua tích lũy dần vào lúc thị trường xấu, nhưng không nên đu theo. Theo tôi, trong trung hạn năm nay vẫn là một năm vất vả với thị trường chứng khoán. Tôi kỳ vọng nửa cuối năm mức tích cực sẽ nhiều hơn, cần lưu ý tốt hơn ở đây là so với mức xấu nhất, chứ không thể về mức mơ ước như năm 2021”, ông Khánh nhận định.

Chuyên gia phân tích các công ty chứng khoán cũng cho rằng, việc Fed tăng lãi suất 0,25% đã được phản ánh vào thị trường. Hiện nay, kinh tế vĩ mô trong nước khá tốt, khó khăn của thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp đang từng bước được tháo gỡ. Tuy nhiên, ít nhất đến năm 2024, các thị trường này mới có thể ấm trở lại.

Điều nhà đầu tư cần quan tâm nhất thời điểm hiện nay là báo cáo tài chính quý 1/2023 của doanh nghiệp sẽ được công bố vào tháng 4 tới đây.

Ngoài ra, một yếu tố nữa cần theo dõi sát sao là cuộc khủng hoảng ngân hàng tại Mỹ. Nếu cuộc khủng hoảng này lan rộng, tác động tới nền kinh tế toàn cầu là rất khó lường, trong đó có thị trường chứng khoán Việt Nam.

Trái phiếu doanh nghiệp rậm rịch “tan băng”: Thận trọng với “bẫy cơ cấu”

Sau nửa năm đóng băng, thị trường trái phiếu đang có những dấu hiệu tăng nhiệt. Theo công bố thông tin của HNX, nửa đầu tháng 3/2023, có 8 doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ với khối lượng 23.755 tỷ đồng, trong đó, bất động sản chiếm áp đảo với 6/8 doanh nghiệp và 80% lượng trái phiếu phát hành (gần 19.000 tỷ đồng). 

Trước đó, nhiều doanh nghiệp bất động sản khác cũng huy động thành công hàng ngàn tỷ đồng qua kênh trái phiếu, như Công ty TNHH Kinh doanh bất động sản Dream City Villass, Công ty cổ phần Đầu tư và kinh doanh Nam An…

Cuối tuần qua, Hưng Thịnh Land đã đạt được thỏa thuận với trái chủ 2 lô trái phiếu có tổng giá trị 900 tỷ đồng về gia hạn kỳ hạn thanh toán, mở ra triển vọng cơ cấu nợ trái phiếu cho doanh nghiệp cùng ngành.

Việc nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu mới cũng như gia hạn kỳ hạn trả nợ trái phiếu thành công là tín hiệu tích cực với thị trường TPDN. Theo các chuyên gia, có một số yếu tố đang tác động tích cực đến thị trường này.

Thứ nhất, lãi suất huy động đang giảm khá nhanh, kỳ hạn cao nhất của đa số ngân hàng đã lùi về dưới 9%/năm, khiến kênh đầu tư trái phiếu hấp dẫn hơn so với gửi tiết kiệm.

Thứ hai, nhiều chính sách hỗ trợ bất động sản và TPDN đã được ban hành, cụ thể là Nghị quyết số 33/2023/NQ-CP và Nghị định số 08/2023/NĐ. Bên cạnh đó, room tín dụng đang dồi dào, lãi vay bắt đầu giảm, khiến hai thị trường này bớt căng thẳng hơn.

Dù vậy, giới chuyên gia cho rằng, thanh khoản thị trường còn rất lâu mới quay trở lại thời kỳ đỉnh cao như trước đây, vì sức cầu thị trường đang thiếu hụt. Trước khi sự cố Tân Hoàng Minh xảy ra, động lực tăng trưởng của thị trường trái phiếu đến từ nhà đầu tư cá nhân, chiếm 33% sức cầu thị trường. Còn hiện nay, việc phát hành mới của doanh nghiệp gần như trông chờ hoàn toàn vào nhà đầu tư tổ chức. 

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho rằng, các chính sách hiện tại chủ yếu mới tháo gỡ được khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình tái cơ cấu nợ trái phiếu, việc phát hành mới vẫn rất khó khăn, nhất là phát hành cho nhà đầu tư cá nhân.

Dù đã khởi sắc nhẹ trong nửa đầu tháng 3, song thị trường trái phiếu vẫn đang bị áp lực đè nặng. VNDirect ước tính, lượng TPDN riêng lẻ đáo hạn quý II và quý III/2023 lần lượt là khoảng 93.139 tỷ đồng  và 89.488 tỷ đồng. Với lượng phát hành mới “lẹt đẹt” từ đầu năm tới nay, doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với nguy cơ trả nợ lớn và việc đàm phán giãn nợ với trái chủ rất quan trọng.

Từ đầu tuần trước đến nay, thị trường chứng kiến thêm 9 doanh nghiệp không thể trả nợ gốc, lãi trái phiếu đúng hạn. Nói cách khác, tâm điểm của thị trường TPDN năm 2023 vẫn sẽ là cơ cấu nợ, giãn nợ.

Ông Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam nhấn mạnh, Nghị định số 08/2023/NĐ-CP sẽ giúp doanh nghiệp phát hành có căn cứ pháp lý và thời gian để đàm phán gia hạn nợ với trái chủ. 

Tuy vậy, các chuyên gia cảnh báo, nhà đầu tư phải thận trọng khi đàm phán cơ cấu nợ với doanh nghiệp. Đặc biệt, khi ký phụ lục hợp đồng, cần đọc kỹ các điều khoản để tránh rơi vào “bẫy” của doanh nghiệp phát hành, bảo lãnh.

Anh N.V.H., nhà đầu tư mua trái phiếu Công ty Becamex qua Ngân hàng TMCP V. với sự bảo lãnh của Công ty Chứng khoán SmartInvest cho hay, hợp đồng mua trái phiếu đã đáo hạn từ tháng 1/2023, nhưng đến nay, anh vẫn chưa được ngân hàng hay công ty chứng khoán thanh toán.

“Khi tôi gửi tiết kiệm, nhân viên ngân hàng dụ dỗ mua trái phiếu, nhưng khi đáo hạn thì lại chối bỏ trách nhiệm. Sau nhiều lần ‘ăn vạ’, ngân hàng đưa ra cho tôi 2 phương án. Một là, ký phụ lục gia hạn thêm 6 tháng với điều kiện không được khiếu kiện và được trả lãi kỳ trước. Hai là, ngân hàng sẽ cho tôi vay 95% mệnh giá trái phiếu, thế chấp bằng hợp đồng mua trái phiếu mà ngân hàng đã môi giới bán cho tôi, lãi suất cho vay bằng lãi suất trái phiếu và thời hạn vay sẽ được gia hạn cho đến khi nhà phát hành thanh toán được nợ”, anh H. kể.

Theo anh H., dù không hài lòng với cả 2 phương án, nhưng vì cần tiền gấp, nên anh vẫn chấp nhận phương án vay của ngân hàng 95% giá trị trái phiếu. Với phương án này, anh đã bị biến từ “chủ nợ” thành “con nợ”.    

Trong khi đó, chị N.H.Th., một nhà đầu tư mua trái phiếu tại Công ty Chứng khoán T. chia sẻ, hợp đồng mua trái phiếu của chị đã quá hạn hơn 3 tháng, mà vẫn chưa được thanh toán. Mới đây, chị được Công ty Chứng khoán T. mời lên ký phụ lục hợp đồng gia hạn kỳ hạn thêm 3 tháng. Sau khi đọc kỹ phụ lục, chị Th. tá hỏa vì phụ lục ghi rõ, Công ty Chứng khoán T không có nghĩa vụ mua lại trái phiếu khi đến hạn.

“Công ty chứng khoán cố tình lợi dụng quy định cho phép gia hạn nợ, giãn nợ để ‘bẫy’ nhà đầu tư”, chị Th. bức xúc.

Hiện nhiều tập đoàn bất động sản đề nghị nhà đầu tư hoán đổi trái phiếu sang tài sản bất động sản. Tuy nhiên, mức chiết khấu bất động sản thấp  đắt hơn giá thị trường, pháp lý Dự án không rõ ràng và chủ đầu tư cũng không dám hứa hẹn thời điểm dự án hoàn thành, khiến nhà đầu tư e ngại. 

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó tổng giám đốc phụ trách nguồn vốn Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Công thương cho rằng, để lấy lại được niềm tin của nhà đầu tư, mấu chốt là thị trường phải minh bạch. Do đó, bên cạnh sự chủ động của các nhà phát hành, cơ quan quản lý cần có những biện pháp kiểm soát bước đầu thông qua những quy định, luật định, chế tài xử phạt thích đáng.

Phát hành trái phiếu bất ngờ nhộn nhịp trở lại, bất động sản chiếm tới 80% giá trị phát hành

Theo công bố thông tin của HNX, nửa đầu tháng 3/2023 có 8 doanh nghiệp phát hành TPDN riêng lẻ với khối lượng 23.755 tỷ đồng, bất động sản chiếm áp đảo với 6/8 doanh nghiệp và 80% lượng trái phiếu phát hành.

Sau nhiều tháng trầm lắng, thậm chí đóng băng, trong tháng 3/2023, thị trường trái phiếu doanh nghiệp bất ngờ nhộn nhịp trở lại với sự dẫn đầu của nhóm doanh nghiệp bất động sản. Lượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phát hành trong tháng 3 chiếm tới gần 80% tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phát hành trên thị trường.

Cụ thể, số liệu mới công bố của HNX cho thấy, riêng ngày 16/3/2023 có 3 đợt phát hành riêng lẻ của 2 doanh nghiệp bất động sản. Theo đó,  Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển đô thị Hưng Yên phát hành thành công 2 lô trái phiếu ngày 16/3, với một lô 2.700 tỷ đồng và một lô 4.450 tỷ đồng (tổng 7.150 tỷ đồng). Cả hai lô trái phiếu đều có kỳ hạn 12 tháng, lãi suất không được công bố.

Đợt phát hành thứ 3 trong ngày 16/3 là của Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh và Phát triển đô thị Ngôi sao Phương Nam với tổng khối lượng trái phiếu riêng lẻ phát hành là 4.695 tỷ đồng. Lô trái phiếu này có kỳ hạn 18 tháng, lãi suất 13%/năm.

Ngoài hai doanh nghiệp trên, trong nửa đầu tháng 3, thị trường có thêm các đợt phát hành trái phiếu của 4 doanh nghiệp bất động sản khác là: Công ty TNHH kinh doanh bất động sản Dream City Villass  với tổng giá trị phát hành  2.300 tỷ đồng (trái phiếu kỳ hạn 5 năm), Công ty CP Đầu tư và kinh doanh Nam An với tổng giá trị phát hành 4.700 tỷ đồng (trái phiếu kỳ hạn 18 tháng); Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại xuất nhập khẩu Thủ đô (phát hành thành công lô trái phiếu 40 tỷ đồng); Công ty cổ phần Thương mại - Sản xuất và Đầu tư Hà Thành (lĩnh vực xây dựng) huy động thành công 45 tỷ đồng qua kênh trái phiếu.

Tổng cộng, giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp bất động sản trong nửa đầu tháng 3/2023 đạt gần 19.000 tỷ đồng, chiếm tới 80% tổng giá trị phát hành.

Cũng trong tháng 3/2023, thị trường trái phiếu có thêm 2 đợt phát hành thành công của hai doanh nghiệp ngành tiêu dùng. Cụ thể, Công ty TNHH Kinh doanh nội thất Luxury Living huy động 4.800 tỷ đồng trái phiếu; Công ty cổ phần phân phối HDE huy động thành công 40 tỷ đồng trái phiếu.

Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ bình quân được ghi nhận ở mức 12-13%/năm là phổ biến. Một số doanh nghiệp áp dụng lãi suất 6-9%/năm kỳ đầu sau đó thả nổi. 

Về trái phiếu mua lại trước hạn, theo dữ liệu mà Hiệp hội Thị trường trái phiếu (VBMA) tổng hợp từ HNX, tính đến ngày công bố thông tin 17/03/2023, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn trong tháng 3/2023 là 803 tỷ đồng (giảm 88% so với cùng kỳ tháng 3/2022). Tính từ đầu năm tới nay, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại đạt gần 16.300 tỷ đồng (tăng 1% so với cùng kỳ năm 2022). 

Tuần qua, thị trường chứng kiến thêm 6 doanh nghiệp không thể trả nợ gốc, lãi trái phiếu đúng hạn. Các doanh nghiệp có các lô trái phiếu đáo hạn lớn trong tháng 3/2023 là: Hưng Thịnh Land (đáo hạn 500 tỷ đồng ngày 20/3), Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam đáo hạn 300 tỷ đồng đáo hạn ngày 22/3 và  Tập đoàn Tiến phước đáo hạn 300 tỷ đồng ngày 25/3.

Mới đây, Hưng Thịnh Land đạt được thỏa thuận với trái chủ 2 lô trái phiếu (400 tỷ đồng và 500 tỷ đồng) về việc điều chỉnh kỳ hạn và điều chỉnh lãi suất.  Việc hoàn tất đàm phán với trái chủ thể giúp Hưng Thịnh Land có thêm thời gian xử lý dòng tiền, từ đó bảo đảm quyền lợi của khách hàng và nhà đầu tư.

Thúc tín dụng xanh: Thừa vốn, thiếu cơ chế để cho vay

Dư nợ tín dụng xanh toàn hệ thống tính tới cuối năm 2022 mới đạt trên 500.000 tỷ đồng. Lãnh đạo nhiều ngân hàng cho biết, hành lang pháp lý thiếu rõ ràng là nguyên nhân khiến tín dụng xanh chưa thể chảy mạnh.

Phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) 2023 diễn ra cuối tuần qua, bà Michele We, Trưởng nhóm công tác Ngân hàng, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam mong muốn Chính phủ thúc đẩy sự phát triển của tín dụng xanh.

Theo bà Michele Wee, hành lang pháp lý đang là trở ngại trong việc tiếp cận dòng vốn xanh của doanh nghiệp Việt. Nếu có khung quản lý được tiêu chuẩn hóa, các ngân hàng sẽ dễ dàng hơn trong việc cho vay các Dự án xanh.

Số liệu từ Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) cho thấy, tính đến ngày 31/12/2022, dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh đạt hơn 500.000 tỷ đồng (chiếm hơn 4,2% tổng dư nợ toàn nền kinh tế), tăng 12,96% so với cuối năm 2021, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp xanh, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt hơn 2,359 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 20% dư nợ cho vay của nền kinh tế.​​​​

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, bà Nguyễn Thị Phượng, Phó tổng giám đốc Agribank cho biết, Agribank dành nguồn vốn lớn cho tín dụng xanh, song không dễ giải ngân. “Tại nhiều địa phương, tìm mô hình nông nghiệp sạch, mô hình sản xuất hàng hóa thì rất dễ, song mô hình ‘xanh’ thì rất khó, do phải đáp ứng nhiều tiêu chí, chứng nhận”, bà Phượng lý giải.

Những năm gần đây, tín dụng xanh tại Việt Nam tăng trưởng mạnh, nhưng theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng, dư nợ tín dụng xanh vẫn còn khiêm tốn so với tổng dư nợ toàn hệ thống cũng như yêu cầu về chuyển đổi xanh.

Tín hiệu đáng mừng là hiện nay, nhiều ngân hàng đã xây dựng khung khoản vay bền vững cũng như quy trình thẩm định tín dụng xanh.

Giữa tháng 2/2023, Ngân hàng BIDV đã ban hành “Khung Khoản vay bền vững”. BIDV cũng là ngân hàng dẫn đầu thị trường về tín dụng xanh với tổng vốn cam kết cấp tín dụng xanh đến cuối năm 2022 đạt hơn 2,68 tỷ USD. Agribank đã ban hành một loạt văn bản về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.

Bên cạnh đó, một số ngân hàng TMCP tư nhân cũng đã tham gia “sân chơi” tín dụng xanh, song lượng giải ngân chưa nhiều. Theo các chuyên gia ngân hàng, sở dĩ các ngân hàng e ngại giải ngân tín dụng xanh (trong đó có năng lượng tái tạo) là do thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro thị trường cao, trong khi nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng thường là ngắn hạn.

Để thúc đẩy tín dụng xanh, theo bà Nguyễn Thị Phượng, cần có nền kinh tế xanh, phát triển bền vững. Muốn vậy, phải có cơ chế song hành để thúc đẩy. Đơn cử, công tác quy hoạch môi trường phải gắn với vùng trồng, thổ nhưỡng, phát thải của cả một vùng, tiếp đến là hướng dẫn sản xuất... Chỉ khi có cơ chế phối hợp tổng thể, thì các dự án mới dễ đạt được chứng nhận dự án xanh và tín dụng xanh mới được thúc đẩy.

Trước đó, Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) đã chỉ ra một số lý do khiến tín dụng xanh tăng chậm. Đó là chưa có quy định chung của quốc gia về tiêu chí, danh mục dự án xanh cho các ngành/lĩnh vực, làm căn cứ để các tổ chức tín dụng xác định cấp tín dụng xanh; việc cấp tín dụng xanh đòi hỏi yếu tố kỹ thuật về môi trường chuyên sâu, nên cán bộ tín dụng gặp khó khăn trong việc thẩm định, đánh giá hiệu quả của dự án, khả năng trả nợ; công tác giám sát, quản lý rủi ro khi cấp tín dụng còn vướng mắc do thiếu quy định, tiêu chí đánh giá công cụ đo lường tác động đến môi trường…

Theo Công ty tài chính quốc tế (IFC), nhiều ngân hàng thương mại tại Việt Nam chưa biết làm thế nào để vận hành cơ chế tài chính xanh, đánh giá rủi ro, quy trình thủ tục làm dự án xanh. Do đó, NHNN cần đưa ra hướng dẫn chi tiết hơn để các tổ chức tín dụng triển khai.

Hiện nay, Chính phủ đang nỗ lực hoàn thiện hành lang pháp lý về tín dụng xanh. Đầu tháng 6/2023, Thông tư số 17/2022/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ có hiệu lực. Dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh cũng đang được gấp rút hoàn thiện.

Các chuyên gia kỳ vọng, các văn bản trên sẽ tạo hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho các ngân hàng thúc đẩy tín dụng xanh. Dù vậy, mấu chốt để tín dụng xanh tăng trưởng vẫn phải là thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

“Nếu chỉ ngành ngân hàng đưa ra các gói tín dụng xanh, mà các địa phương không có dự án xanh, thì giải ngân khó đạt kỳ vọng. Để thúc đẩy tín dụng xanh, vai trò của các địa phương trong quy hoạch, hướng dẫn các mô hình sản xuất, khuyến khích dự án đạt tiêu chí xanh… rất quan trọng”, bà Phượng nhấn mạnh.

Dòng tín dụng tươi là “ống thở” cấp cứu cho doanh nghiệp

Doanh nghiệp bất động sản đã được “bật đèn xanh” để cơ cấu trái phiếu doanh nghiệp, kéo dài thời gian trả nợ. Song, muốn gỡ nghẽn thanh khoản, vẫn cần dòng tiền tươi bơm vào thị trường, đó là tín dụng.

Tín dụng tăng chậm, trái phiếu doanh nghiệp đóng băng, thị trường chứng khoán tiếp tục khó khăn khiến dòng vốn của doanh nghiệp vẫn tắc nghẽn trong suốt 3 tháng đầu năm nay. Tính trong 2 tháng đầu năm, đã có tới 67 doanh nghiệp chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu.

Trước tình trạng này, nhiều động thái gỡ nghẽn dòng vốn cho thị trường vừa được Chính phủ đưa ra. Cụ thể, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Trước đó, Nghị định số 08/2023/NĐ-CP (Nghị định 08) được ban hành, giúp doanh nghiệp có thêm thời gian để cơ cấu nợ trái phiếu. Tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã giảm thêm 0,5 - 1% một loạt lãi suất điều hành, tạo tiền đề cho các ngân hàng giảm lãi vay.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, có 3 biện pháp cấp bách để gỡ nghẽn dòng vốn. Thứ nhất - giải pháp ngắn hạn và quan trọng nhất thời điểm trước mắt là NHNN phải tăng cung tiền. Thứ hai, là triển khai có hiệu quả Nghị định 08 để gỡ khó cho thị trường trái phiếu. Thứ ba, là tập trung tăng cung phân khúc nhà ở giá rẻ, kéo giá bất động sản đi xuống để kích thích sức cầu.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản cũng cho hay, gỡ nghẽn trái phiếu hoặc tăng triển khai các Dự án nhà ở xã hội phải tính bằng năm, trong khi nguồn “ô-xy” trước mắt của doanh nghiệp đang cạn. Vì vậy, việc tiếp cận tín dụng hoặc cơ cấu nợ, giãn nợ ngân hàng là điều doanh nghiệp cần nhất hiện nay.

Theo số liệu của NHNN, tín dụng tính đến 9/3/2022 tăng hơn 1,1%. Ông Trịnh Quốc Hùng, đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) lý giải, tín dụng quý I tăng chậm do trùng vào dịp Tết, nhu cầu vốn thấp; đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp sụt giảm mạnh, “sức khỏe” doanh nghiệp “hậu Covid-19” suy yếu, không đáp ứng được yêu cầu vay vốn của ngân hàng, giải ngân đầu tư công chậm, nhiều dự án bất động sản vướng pháp lý…

“NHNN đã có động thái giảm lãi suất, yêu cầu các chi nhánh thiết lập đường dây nóng để tiếp cận, hỗ trợ khách hàng vay vốn; đồng thời tích cực chỉ đạo ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí…”, ông Hùng cho biết.

Năm 2022, cung tiền tăng trưởng rất chậm. Bước sang năm 2023, dù room tín dụng rất rộng mở, song lãi suất quá cao, khiến doanh nghiệp không dám vay vốn.

Ông Nguyễn Bá Khang, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin giám sát tài chính quốc gia (Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia) cho rằng, việc giảm lãi suất vừa qua của NHNN là hết sức cần thiết trong bối cảnh áp lực lạm phát, tỷ giá không quá lớn. Cùng với đó, rất cần khẩn trương khai thông dòng vốn, tăng tốc tín dụng, nếu không, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% năm nay khó có thể đạt được.

 Cùng với việc tăng tốc tín dụng, vấn đề mấu chốt để gỡ nghẽn thanh khoản cho doanh nghiệp vẫn là đưa thị trường bất động sản và trái phiếu ấm nóng trở lại.

Chính phủ đã rất kịp thời  ban hành nghị quyết, nghị định gỡ khó cho doanh nghiệp. Song việc gỡ nghẽn thanh khoản thị trường cần sự thiện chí của cả trái chủ lẫn ngân hàng.

Ông Nguyễn Hải Nam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội ví von, tình cảnh hiện nay giống như tắc đường, mỗi bên phải lùi lại một chút, không chỉ khư khư giữ lại quyền lợi của mình.

Nghị định 08 mở đường cho doanh nghiệp đàm phán với trái chủ. Nhưng, để có thể gỡ khó, cả ngân hàng thương mại, công ty quản lý quỹ, trái chủ phải có thiện chí, cân nhắc giãn nợ cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải minh bạch, chấp nhận mức chiết khấu hợp lý để cơ cấu nợ. Các ngân hàng thương mại cần vào cuộc tích cực trong giãn nợ, không chuyển nhóm nợ nhằm giải quyết vấn đề về thanh khoản…

Ngoài ra, Bộ Tài chính, NHNN cần thực hiện nhanh, quyết liệt hơn nữa để đảm bảo củng cố niềm tin nhà đầu tư. Sự phản ứng rất nhanh của Mỹ trong xử lý vấn đề thanh khoản là một bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

Với doanh nghiệp, Nghị định 08 đóng vai trò tích cực trong việc giảm gánh nặng đáo hạn lượng trái phiếu khổng lồ năm 2023 và năm 2024. Tuy nhiên, việc phát hành mới hiện vẫn rất khó khăn.

Vì vậy, cùng với việc tạo cơ chế cho doanh nghiệp giãn nợ trái phiếu, nhiều chuyên gia đề xuất cân nhắc việc thành lập quỹ hỗ trợ thị trường trái phiếu, có cơ chế thu hút nhà đầu tư tổ chức tham gia đầu tư trái phiếu, khuyến khích xếp hạng tín nhiệm…

Theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, “chìa khóa” để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư phải đến từ sự minh bạch. Minh bạch đến từ sự chủ động của doanh nghiệp, đến từ yêu cầu của cơ quan quản lý, các quy định của pháp luật. Ngoài ra, bản thân nhà đầu tư cũng phải nâng cao hiểu biết (nếu không, thì dù doanh nghiệp minh bạch cũng không có ý nghĩa). Đồng thời, phải có thể chế giám sát để các thành phần tham gia thị trường được đảm bảo công bằng; nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp phát hành… Làm được như vậy, thị trường trái phiếu doanh nghiệp mới có thể phát triển bền vững.


(0) Bình luận
Nổi bật Tin tức IDS
Đừng bỏ lỡ
Thanh khoản dồi dào, trái phiếu rục rịch tan băng, thời kỳ tiền đắt chưa kết thúc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO