Sáng 6/11: Quốc hội bắt đầu chất vấn việc thực hiện “lời hứa” 4 nhóm lĩnh vực

Đỗ Phong| 06/11/2023 08:15

Theo Chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, bắt đầu từ sáng 6/11 đến hết sáng 8/11, Quốc hội sẽ tiến hành phiên phiên chất vấn và trả lời chất vấn...

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, việc chất vấn, trả lời chất vấn tại kỳ họp này sẽ được tổ chức trong 2,5 ngày, tập trung vào việc thực hiện các lời hứa, cam kết và yêu cầu của Quốc hội đối với Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước trong việc thực hiện các nghị quyết giám sát chuyên đề và nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, theo phương châm coi trọng giám sát những vấn đề sau giám sát.

Chia sẻ trước thềm phiên chất vấn, các đại biểu Quốc hội kỳ vọng các Bộ trưởng, trưởng ngành sẽ làm sáng tỏ các vấn đề mà cử tri, đồng bào cả nước quan tâm, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

SẼ CHẤT VẤN 4 NHÓM LĨNH VỰC

Tại Kỳ họp thứ 6 (kỳ họp giữa nhiệm kỳ), việc chất vấn sẽ không tiến hành theo nhóm vấn đề như tại các kỳ họp thông thường mà sẽ chất vấn tổng thể chung. Theo đó, sẽ chất vấn các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành liên quan việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề và chất vấn.

Phiên chất vấn sẽ tiến hành theo 4 nhóm lĩnh vực gồm: Nhóm lĩnh vực kinh tế tổng hợp (kế hoạch và đầu tư, tài chính, ngân hàng); nhóm lĩnh vực kinh tế ngành (công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn, giao thông vận tải, xây dựng, tài nguyên và môi trường); nhóm lĩnh vực văn hoá xã hội và nhóm lĩnh vực quốc phòng, an ninh, nội chính, tư pháp, kiểm toán.

Cụ thể, theo chương trình, sáng 6/11, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Sáng 6/11: Quốc hội bắt đầu chất vấn việc thực hiện “lời hứa” 4 nhóm lĩnh vực - Ảnh 1

Tiếp đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn lần lượt trình bày các Báo cáo về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra về nội dung này.

Sau đó, bắt đầu từ sáng 6 đến sáng 8/11, Quốc hội tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn đối với 4 nhóm lĩnh vực trên.

Xuyên suốt các phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu gợi ý một số nội dung tập trung chất vấn.

Kết thúc các nội dung chất vấn về 4 nhóm nhóm lĩnh vực trên, sáng 8/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính báo cáo giải trình, làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội…

GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU VÀ NHỮNG KỲ VỌNG PHIÊN CHẤT VẤN

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (đoàn Hải Dương), Ủy viên Thường trực Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (đoàn Hải Dương), Ủy viên Thường trực Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội

"Thời gian gần đây, cử tri rất hài lòng với việc Quốc hội chọn lựa những vấn đề quan trọng để chất vấn và giám sát. Đây đều là những vấn đề nóng, có tầm ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế xã hội. Việc chất vấn các vấn đề này trong một phiên họp giữa nhiệm kỳ đã tạo áp lực cho các thành viên Chính phủ.

Tôi tin rằng phiên chất vấn này cũng là cơ hội để các đại biểu Quốc hội chất vấn các thành viên Chính phủ về những thành tựu và khuyết điểm. Thông qua đó, các thành viên Chính phủ sẽ nghiêm túc đối mặt với những việc chưa hoàn thành và tổ chức triển khai các yêu cầu của Quốc hội trong thời gian từ nay đến cuối nhiệm kỳ, đặc biệt là trong kế hoạch thực hiện 5 năm.

Đây không phải là cuộc chất vấn tổng thể, mà là chất vấn các lời hứa của các thành viên Chính phủ tại các nghị quyết đã được Quốc hội thông qua về giám sát chuyên đề. Không phải tất cả các vấn đề đều được chất vấn trong kỳ họp này, vì có những vấn đề mà Quốc hội không đưa vào nghị quyết và có thể sẽ không được chất vấn.

Tôi kỳ vọng sau phiên chất vấn, Quốc hội sẽ thể hiện hiệu quả pháp lý của phiên chất vấn bằng một Nghị quyết. Nghị quyết này sẽ đánh giá rõ những thành tựu đã đạt được và những vấn đề cần tiếp tục giải quyết để đảm bảo hoạt động giám sát. Đây có thể được xem như một cách làm mới. Với cách tổ chức như vậy, cử tri sẽ dễ dàng theo dõi việc thực hiện các cam kết của các thành viên Chính phủ hơn.

Đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên), Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên), Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội

"Chất vấn là một trong những hoạt động giám sát thường xuyên, hữu hiệu của Quốc hội để xem xét, đánh giá việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cá nhân người được chất vấn và cơ quan, tổ chức có liên quan với những vấn đề cụ thể được cử tri, đồng bào cả nước đặc biệt quan tâm, từ đó có những biện pháp hữu hiệu để giải quyết. Do đó, hoạt động này luôn nhận được sự quan tâm rất lớn của cử tri, đồng bào cả nước.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đây chính là hình thức “giám sát sau giám sát”. Bởi điều mà cử tri, đồng bào cần chính là kết quả thực hiện. Nếu chỉ chất vấn mà không quay trở lại để làm rõ, đánh giá kết quả, đặc biệt là việc thực hiện các lời hứa của các Bộ trưởng/Trưởng ngành thì các phiên chất vấn sẽ chỉ sôi động được trong chốc lát.

Tôi hy vọng trong phiên chất vấn, các Bộ trưởng, trưởng ngành sẽ giải đáp thỏa đáng được tất cả những vấn đề mà các đại biểu đại diện cho cử tri nêu lên thuộc lĩnh vực/ngành mình phụ trách.

Tôi kỳ vọng vào việc đổi mới cách thức tiến hành và nội dung sâu, rộng của phiên chất vấn, bởi lẽ sẽ làm sáng tỏ nhiều vấn đề mà cử tri, đồng bào cả nước quan tâm; xác định rõ năng lực, trách nhiệm các Bộ trưởng/Trưởng ngành, từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của đất nước và nâng cao đời sống của người dân.

Đây thực sự là cuộc sát hạch quan trọng giữa nhiệm kỳ của cử tri, đồng bào cả nước, do Quốc hội là người đại diện, nhất là sau khi vừa tiến hành lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Đại biểu Quản Minh Cường, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai.
Đại biểu Quản Minh Cường, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai.

"Hoạt động chất vấn ngày càng thẳng thắn, công khai minh bạch, rõ ràng, thực chất, sôi nổi và hiệu quả hơn. Người chất vấn và người trả lời chất vấn được chuẩn bị kỹ lưỡng, nắm vững vấn đề.

Chưa Bộ trưởng nào trả lời mà tôi không hài lòng cả, tất nhiên có những câu trả lời, giải thích chưa hoàn toàn ưng ý. Từ Thủ tướng, Phó Thủ tướng, cho đến các Bộ trưởng, trưởng ngành trả lời tôi thấy cơ bản đáp ứng kỳ vọng, những nội dung mà đại biểu Quốc hội nêu ra.

Có những nội dung, câu hỏi đòi hỏi phải trí tuệ tập thể, một hệ thống chính sách, không thể chỉ một vài câu ngay trên diễn đàn mà rõ ngay được. Có những vấn đề phải giải thích cả ngày hoặc phải có một hội thảo để nói về vấn đề đó, đơn cử như vấn đề định giá đất.

Tôi quan tâm đến các vấn đề nóng mà người dân, cử tri quan tâm như vấn đề giáo dục, sách giáo khoa, chất lượng dạy học; vấn đề chăm sóc sức khỏe nhân dân; vấn đề phân tầng xã hội…Một nội dung cũng không kém phần quan trọng đó là vấn đề tội phạm có nguyên nhân xã hội".

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp)
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp)

"Thay vì chỉ tập trung vào 4 Bộ trưởng, trưởng ngành cùng Thủ tướng/Phó Thủ tướng như các kỳ trước, trong kỳ này, các đại biểu Quốc hội có thể chất vấn bất kỳ Bộ trưởng nào. Điều này đòi hỏi các thành viên Chính phủ phải bản lĩnh và có sự am hiểu toàn diện về chuyên môn lĩnh vực được giao.

Các Bộ trưởng/Trưởng ngành sẽ không biết trước được nội dung cụ thể mà đại biểu sẽ chất vấn. Vì không có chủ đề cố định như trước đây, các câu hỏi có thể vượt ra ngoài những vấn đề mà Bộ trưởng chưa từng nghĩ tới hoặc không đoán trước được.

Cách chất vấn như vậy đòi hỏi các thành viên Chính phủ phải thể hiện sự tự tin, bản lĩnh chính trị và hiểu biết sâu sắc về lĩnh vực mình trong suốt thời gian qua.

Tuy là một điểm mới nhưng chắc chắn các nội dung chất vấn đều nằm trong phạm vi trách nhiệm của các thành viên Chính phủ. Các thành viên Chính phủ cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, cập nhật đầy đủ, kịp thời thông tin về các vấn đề và chính sách trong lĩnh vực của mình, hiểu rõ về các thành tựu và thách thức đang đối mặt.

Các vấn đề đã chất vấn và các thành viên Chính phủ đã giải quyết tốt thì không cần nêu lại, nhưng những vấn đề chưa được giải quyết hoặc mới phát sinh sẽ tiếp tục được đặt câu hỏi. Tuy nhiên, sẽ ít vấn đề mới hơn khi mà nhiều vấn đề cũ vẫn chưa được giải quyết.

Theo tôi, hình thức chất vấn năm nay là một cách làm mới, nếu được thực hiện tốt sẽ đem lại nhiều lợi ích. Tôi hy vọng các thành viên Chính phủ sẽ có sự tập trung, hiểu rõ vấn đề trong ngành của mình, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến cuộc sống hàng ngày của người dân".


(0) Bình luận
Nổi bật Tin tức IDS
Đừng bỏ lỡ
Sáng 6/11: Quốc hội bắt đầu chất vấn việc thực hiện “lời hứa” 4 nhóm lĩnh vực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO