Quan hệ Mỹ - Ấn Độ: Chìa khóa cho tương lai của công nghệ

LTV| 18/04/2023 11:24

Khi Mỹ quan tâm nhiều đến Trung Quốc, mối quan hệ với Ấn Độ sẽ trở nên quan trọng hơn. Điều này đặc biệt đúng về mặt công nghệ. Cả hai cần xây dựng một hành lang công nghệ, có nghĩa là dỡ bỏ các rào cản thương mại, và thay đổi tư duy đối với các công ty Mỹ.

Ấn Độ đang ở thời điểm nổi lên trên toàn cầu. Hiện đây là quốc gia đông dân nhất thế giới với hơn 1,4 tỷ người và có tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong ba thập kỷ qua, GDP bình quân đầu người tăng 245%. Tuy nhiên, quốc gia này vẫn còn tương đối kém phát triển trên quy mô toàn cầu. Tính đến năm 2019, hơn 600 triệu người ở Ấn Độ sống với mức dưới 3,65 USD/ngày. Do đó, vẫn còn tiềm năng to lớn cho tăng trưởng kinh tế và cải thiện phúc lợi của con người. Và khi mối lo ngại của Mỹ về Trung Quốc gia tăng, Ấn Độ tỏa sáng như một giải pháp thay thế đầy hứa hẹn trong chuỗi cung ứng, trung tâm đổi mới và liên doanh. Là nền dân chủ lớn nhất thế giới với kinh tế ngày càng cởi mở và công nghệ mạnh mẽ, Ấn Độ có tiềm năng hoạt động trên quy mô lớn.

Điều này khiến Ấn Độ trở thành đối tác địa - kinh tế tiềm năng quan trọng nhất đối với Mỹ khi nước này “tái toàn cầu hóa” với mối quan tâm lớn về an ninh quốc gia và khả năng phục hồi. Nếu Ấn Độ muốn khẳng định vị trí của mình trên bản đồ thế giới, nước này phải hướng tới đổi mới mạnh mẽ hơn về công nghệ cùng năng lực toàn diện hơn để nâng cao chuỗi giá trị trong phần mềm và phần cứng. Điều này đòi hỏi một mối quan hệ gần gũi và sâu sắc hơn nhiều với Mỹ, cả ở cấp độ chính phủ cũng như ở cấp độ khu vực tư nhân.

Xu hướng của cả hai quốc gia đều chỉ ra nhu cầu hợp tác chặt chẽ hơn khi nói đến công nghệ. Các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo doanh nghiệp của Mỹ và Ấn Độ phải đặt ra chiến lược xây dựng hành lang công nghệ giúp Ấn Độ trở thành quốc gia dẫn đầu về công nghệ toàn cầu, tạo ra chuỗi cung ứng an toàn và đối tác sâu sắc cho Mỹ, đồng thời xây dựng vòng phản hồi tích cực có lợi cho cả hai bên.

Tái toàn cầu hóa và tách rời công nghệ

Thế giới đang bước vào kỷ nguyên mới của các mối quan hệ kinh tế, kỷ nguyên mà trước đây gọi là tái toàn cầu hóa. Với sự kết thúc quyền bá chủ của Mỹ và sự trở lại của cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc, và các cuộc khủng hoảng toàn cầu như biến đổi khí hậu, Covid-19 và khủng hoảng tài chính năm 2008, các quốc gia đã bắt đầu tìm kiếm khả năng phục hồi nền kinh tế của họ và giảm sự phụ thuộc vào các quốc gia khác trong các lĩnh vực quan trọng như quốc phòng, năng lượng và sản xuất. Quá trình tái toàn cầu hóa khác biệt so với các hệ thống kinh tế trước đó: Trong giai đoạn trước Chiến tranh thế giới thứ nhất, và sau đó là hơn 30 năm qua, kết nối toàn cầu là tiêu chuẩn, hàng hóa và dịch vụ phát triển trên khắp thế giới nhờ các thị trường mở và môi trường pháp lý thuận lợi. Ngược lại, trong Chiến tranh Lạnh, thế giới chứng kiến sự tách rời hoàn toàn của các nền kinh tế do căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Liên Xô. Tuy nhiên, giờ đây, chúng ta đang thấy một điều gì đó bất thường và phức tạp. Nó không phải là sự kết nối hoàn toàn cũng không phải là sự tách rời hoàn toàn, mà là sự kết hợp của cả hai.

Trong khi toàn cầu hóa tiếp tục diễn ra bình thường đối với một số ngành nhất định, chẳng hạn như hàng tiêu dùng cơ bản có thặng dư tiêu dùng cao và rủi ro thấp, thì các ngành khác đang tiến tới một mức độ tách biệt nào đó, chủ yếu trong đó là công nghệ. Thế giới của các nền tảng công nghệ đã bắt đầu chia thành hai khu vực thuộc về hai bá chủ là Mỹ và Trung Quốc. Điều này có ý nghĩa gì đối với Ấn Độ? Ở cấp độ hệ thống, Ấn Độ không thể từ bỏ khối lượng thương mại lớn với cả hai quốc gia. Quan hệ thương mại với Mỹ rất quan trọng ở mức 100 tỷ USD một năm nhưng với nước láng giềng Trung Quốc lại cao gấp đôi. Vì vậy, Ấn Độ sẽ tiếp tục giao dịch tích cực với Trung Quốc cũng như Mỹ. Nhưng về công nghệ, một lĩnh vực đã bắt đầu tách rời rõ ràng, Ấn Độ phải chọn đối tác mà họ muốn ưu tiên.

Sự phát triển công nghệ của Ấn Độ bắt đầu một cách nghiêm túc vào những năm 1990, khi Ấn Độ nổi lên như một người chơi chính trong ngành gia công phần mềm CNTT toàn cầu. Nhờ thành lập nền giáo dục kỹ thuật thông qua Viện Công nghệ Ấn Độ vào những năm 1950 và 60, Ấn Độ đã có thể đào tạo một nhóm lớn các chuyên gia lành nghề. Với nguồn cung cấp lao động cao, chi phí thấp và sử dụng chung ngôn ngữ tiếng Anh, Ấn Độ trở thành địa điểm hấp dẫn với các công ty đa quốc gia thuê ngoài các dịch vụ CNTT. Sự phát triển ngành gia công phần mềm đã khuyến khích một hệ sinh thái khởi nghiệp sôi động ở Ấn Độ, với nhiều doanh nhân tận dụng các cơ hội do ngành CNTT tạo ra để thành lập doanh nghiệp của riêng họ. Vào những năm 2010, Ấn Độ đã có sự hiện diện mạnh mẽ của các nền tảng SaaS (phần mềm dưới dạng dịch vụ) hoạt động như các giải pháp thay thế chi phí thấp cho các công ty công nghệ ở các nơi khác trên thế giới. Giờ đây, Ấn Độ đã tiến thêm một bước nữa, thúc đẩy những kỳ lân nội địa của mình trở thành những nhà đổi mới và dẫn đầu thị trường toàn cầu. Nếu lĩnh vực công nghệ của Ấn Độ muốn tiếp tục mở rộng và hiện đại hóa, nhà nước Ấn Độ cần phải suy nghĩ một cách chiến lược về mối quan hệ của Ấn Độ với các đối tác quốc tế trong giai đoạn tiếp theo.

Nhiều hành động của chính quyền New Delhi cho thấy họ muốn thoát khỏi quyền bá chủ công nghệ của Trung Quốc như một cách để củng cố an ninh quốc gia của Ấn Độ. Năm 2020, sau một loạt tranh chấp biên giới với Trung Quốc, chính phủ Ấn Độ đã cấm hàng chục ứng dụng nổi tiếng của Trung Quốc, bao gồm cả TikTok. Đầu tư của Trung Quốc vào Ấn Độ cũng bị kiểm soát chặt chẽ và hạn chế hơn nhiều so với các nguồn tiền nước ngoài khác. Ngược lại, có những dấu hiệu rõ ràng về sự hợp tác tích cực giữa Mỹ và Ấn Độ, với Cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ, Ajit Doval, làm việc với cố vấn an ninh quốc gia của Biden, Jake Sullivan, để khởi động sáng kiến Mỹ - Ấn Độ về Công nghệ Quan trọng và Mới nổi (Critical and Emerging Technologies) trong Tháng 1 năm 2023. Các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo doanh nghiệp từ hai nền dân chủ lớn nhất thế giới phải tiếp tục tập trung vào việc tăng cường quan hệ đối tác giữa Mỹ và Ấn Độ để kết nối phát triển công nghệ, thúc đẩy đổi mới và tăng trưởng ở cả hai quốc gia.

Xây dựng hành lang công nghệ Mỹ - Ấn Độ

Khi các quốc gia bắt đầu suy nghĩ về cách xây dựng khả năng phục hồi kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, việc đẩy mạnh hợp tác với các đối tác chiến lược ở nước ngoài sẽ ngày càng trở nên quan trọng. Đối với Mỹ và Ấn Độ, việc xây dựng một hệ thống chuyển giao công nghệ tích cực song phương sẽ rất quan trọng để đạt được thành công trong giai đoạn tiếp theo này. Tham vọng của Ấn Độ phải là thiết lập vai trò của mình như một nhà đổi mới toàn cầu về công nghệ. Với một số ngoại lệ quan trọng, các công ty Ấn Độ cho đến nay vẫn tập trung vào việc mở rộng quy mô và triển khai các đổi mới công nghệ đã được tạo ra ở nơi khác. Nhưng bằng cách hợp tác với các công ty Mỹ và khuyến khích đổi mới, nhiều công ty Ấn Độ có thể trở thành dẫn đầu công nghệ thực sự. Các công ty Mỹ phải thay đổi nhận thức của họ về các công ty Ấn Độ, từ đối tác gia công phần mềm sang hợp tác triệt để. Điều này bao gồm việc tham gia vào các nhiệm vụ cấp cao hơn trong chuỗi giá trị thông qua các nhóm đa quốc gia và hội nhập pháp lý sâu hơn. Do đó, Ấn Độ sẽ có thể mở rộng năng lực địa phương trong các ngành đang phát triển như trí tuệ nhân tạo và chăm sóc sức khỏe. Mặt khác, khi thế giới công nghệ trải qua sự tách rời, Mỹ sẽ cần Ấn Độ để đạt được tiềm năng của mình trong lĩnh vực công nghệ. Ấn Độ sẵn sàng trở thành một tác nhân kinh tế ngày càng có ảnh hưởng và sự tăng trưởng của nước này có thể giúp bù đắp cho tổn thất thương mại của Mỹ với Trung Quốc trong quá trình tái toàn cầu hóa.

Khi các công ty Ấn Độ tiếp cận nhiều hơn với các công nghệ được Mỹ bảo hộ như bán dẫn, họ cũng sẽ bắt đầu đổi mới chúng. Điều này bắt đầu xảy ra với phần mềm. Ban đầu, các công ty Ấn Độ chỉ đơn thuần sao chép phần mềm từ các thị trường khác thông qua việc gia công, thì hiện nay họ đang dẫn đầu với những cải tiến phần mềm mới. Lấy Aadhaar của Ấn Độ làm ví dụ, hệ thống nhận dạng sinh trắc học tinh vi và lớn nhất thế giới cho phép thanh toán hiệu quả và an toàn đáng kể chỉ bằng một số ID (so với tiêu chuẩn số An sinh xã hội Mỹ gần thế kỷ trước). Hay công ty viễn thông Ấn Độ Jio đã phá vỡ ngành này vào năm 2016 với các dịch vụ dữ liệu tốc độ cao, chi phí thấp. Jio đã mở rộng các dịch vụ kỹ thuật số ở Ấn Độ, mang lại quyền truy cập 5G cho từng bang trong số 18 bang của Ấn Độ và cho phép mọi người sử dụng trong thế giới điện thoại thông minh, với mức giá phải chăng nhất trên thế giới. Chúng ta sẽ mong đợi mức độ đổi mới tương tự ở Ấn Độ với các công nghệ quan trọng mới nổi. Cả Ấn Độ và Mỹ đều có nhiều điều để học hỏi lẫn nhau, và họ nên định vị mình là người hưởng lợi chính từ những đổi mới của nhau. Nhưng tư duy và chính sách hiện tại ở cả hai quốc gia đã lỗi thời với những mục tiêu này.

Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp ở Mỹ phải vượt ra khỏi suy nghĩ rằng hoạt động kinh doanh ở Ấn Độ hoàn toàn là do chênh lệch lao động. Thay vào đó, họ nên coi Ấn Độ là một trung tâm đổi mới thực sự và họ khuyến khích tăng cường hợp tác với các lãnh đạo doanh nghiệp ở Ấn Độ. Họ cũng phải suy nghĩ theo những cách tham vọng hơn, lên kế hoạch mở rộng quy mô lớn để cạnh tranh với Trung Quốc về quy mô và phạm vi của các nhà máy, cơ sở chế tạo, phòng thí nghiệm và hoạt động của họ. Các nhà đầu tư, bao gồm cả các công ty đầu tư mạo hiểm đã thúc đẩy rất nhiều đầu tư công nghệ ở Mỹ, phải dành phần vốn lớn hơn để đầu tư vào Ấn Độ và xây dựng kiến thức địa phương thực sự. Các nhà hoạch định chính sách ở Mỹ và Ấn Độ nên làm việc để cải cách các chính sách thương mại và thúc đẩy một hệ thống chuyển giao công nghệ và đổi mới cởi mở giữa hai nước. Mỹ vẫn có các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đáng kể đối với Ấn Độ (được thiết lập sau khi Ấn Độ vi phạm Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân năm 1998), ngăn cản việc chuyển giao công nghệ tự do.

Tương tự như vậy, chính sách của Ấn Độ hiện nay đối với thế giới bên ngoài mang tính bảo hộ quá mức, với những rào cản đáng kể đối với đầu tư nước ngoài và các quy tắc pháp lý phức tạp. Bước đầu tiên, Mỹ phải thông báo cởi mở về con đường giảm bớt sự kiểm soát đối với Ấn Độ và Ấn Độ nên dỡ bỏ các rào cản thông qua ngoại lệ dành cho các công ty công nghệ Mỹ để tạo điều kiện hình thành quan hệ đối tác thực sự. Trong một trật tự toàn cầu hóa trở lại, chủ nghĩa bảo hộ chỉ là một liều thuốc tạm thời chỉ làm trầm trọng thêm vết thương. Mục tiêu cuối cùng phải là xây dựng một nền kinh tế năng động có thể cạnh tranh trên thế giới. Hành lang công nghệ Mỹ - Ấn Độ sẽ mang lại cho Ấn Độ kỹ năng, công nghệ, thị trường và sự tự tin để trở thành một bên tham gia toàn cầu.

Trong 75 năm qua, Mỹ và Ấn Độ đã có một mối quan hệ đan xen giữa ngưỡng mộ, căng thẳng và tranh chấp. Cả hai bên cần phải vượt ra khỏi lối suy nghĩ cũ. Lợi ích sâu xa của hai nước là phát triển mối quan hệ sâu sắc hơn, chia sẻ công nghệ, mở rộng thương mại và xây dựng lòng tin. Đó là một kịch bản đôi bên cùng có lợi trên nhiều mặt – công nghệ, kinh tế, chính trị và địa chính trị. Điều có lợi cho thế giới là hai nền dân chủ lớn nhất, với nền kinh tế mở và các giá trị tự do, nên tìm cách hợp tác nhiều hơn và thiết lập chương trình nghị sự trong thế giới mới và đang nổi lên này.

Thế giới sẽ tốt hơn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tin tức IDS
Đừng bỏ lỡ
Quan hệ Mỹ - Ấn Độ: Chìa khóa cho tương lai của công nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO