Với mong muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng và giảm phụ thuộc vào chip bán dẫn từ Trung Quốc và Đài Loan, nhiều công ty bán dẫn EU đang tìm kiếm những đối tác thay thế tại khu vực châu Á, trong đó Việt Nam và Ấn Độ được đánh giá là hai ứng viên sáng giá nhất khu vực…
Các công ty Đài Loan hiện chiếm phần lớn lượng cung chip bán dẫn trong sản xuất đồ điện tử như ô tô, thiết bị y tế và điện thoại đến nhiều ứng dụng quan trọng khác của thế giới. Sự phụ thuộc quá lớn này khiến các chuyên gia lo ngại chỉ cần có một biến cố nhỏ xảy ra với hòn đảo, nền thương mại toàn cầu có thể bị đảo lộn, thậm chí nền kinh tế có thể bị phá vỡ. Và tác động của gián đoạn nguồn cung bán dẫn được thấy rõ nhất trong Covid-19.
Năm ngoái, EU đã ký một biên bản ghi nhớ với Ấn Độ về thiết lập quan hệ đối tác công nghệ. Và tờ Politico mới đây đưa tin các doanh nghiệp trong khối EU cũng đang muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam theo cách tương tự.
Đầu năm nay, Infineon — nhà sản xuất chip hàng đầu châu Âu đã công bố kế hoạch tăng cường tuyển dụng ở cả Việt Nam và Ấn Độ. Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Infineon, Chua Chee Seong cho rằng: “Tôi nghĩ vai trò trong chuỗi cung ứng chip tại Đông Nam Á và Nam Á sẽ chỉ tăng lên trong những năm tới”.
“Chất bán dẫn đang đóng vai trò ngày càng quan trọng đến mức không ai có thể dự đoán nó sẽ còn ảnh hưởng đến thế giới như thế nào trong tương lai. Mục tiêu chung của chúng tôi là đưa Ấn Độ trở thành một trong những đối tác chính trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu”.
Ấn Độ hiện đang chi hàng tỷ đô để tạo ra hệ sinh thái thuận lợi cho sản xuất chip — trước tiên là để đảm bảo nhu cầu trong nước. Theo đó, chính phủ Ấn Độ cho biết sẽ hỗ trợ để xây dựng ba đơn vị sản xuất chip mới.
Nhà máy sản xuất bán dẫn đầu tiên trong kế hoạch này dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm tới và được thành lập bởi tập đoàn Tata — một trong những tập đoàn lớn nhất của Ấn Độ và TSMC. Đáng chú ý chính phủ Ấn Độ dự kiến trợ cấp đến 70% chi phí của dự án.Tổ chức nghiên cứu ITIF đánh giá đây là chương trình trợ cấp "hào phóng nhất thế giới".
"Vì nền kinh tế Ấn Độ đang ngày càng phát triển nê đây là thị trường thuận lợi để các chất bán dẫn được tiêu thụ'', một báo cáo gần đây của tổ chức nghiên cứu Information Technology and Innovation Foundation (ITIF) lưu ý.
Thực tế, trong khi Ấn Độ và Trung Quốc là hai quốc gia đông dân nhất thế giới, hiện nay chưa đến 8% dân số Ấn Độ sở hữu ô tô so trong khi 70% người dân Trung Quốc đều đã có ô tô. Và khi nhu cầu nâng cấp cuộc sống của người dân Ấn Độ tăng lên, các công ty châu Âu đánh giá đây một cơ hội tuyệt vời.
Tương tự Ấn Độ, Việt Nam cũng đang nhận nhiều sự quan tâm từ các công ty bán dẫn hàng đầu của Mỹ. Việt Nam cũng được các công ty EU đánh giá có vị trí chiến lược trên Biển Đông, đáp ứng nhu cầu vận chuyển thuận tiện đến các thị trường lớn.
Thời gian qua, nhiều “ông lớn” trong ngành bán dẫn như Samsung, Qualcomm, Infineon, Amkor... đã đổ bộ vào thị trường Việt Nam với nhiều dự án đầu tư xây dựng nhà máy, mở rộng sản xuất, lắp ráp có giá trị lên tới hàng tỷ USD. Việt Nam được đánh giá đang tạo dựng được tên tuổi trong các quy trình lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.
Mặc dù vậy, hệ sinh thái bán dẫn ở cả hai quốc gia mới đang chỉ được thiết lập ở giai đoạn đầu. Cả hai đều thiếu lực lượng lao động lành nghề cần thiết cho sản xuất chất bán dẫn tiên tiến.
Hiện nay, Việt Nam và Ấn Độ đều đang cho thấy quyết tâm trở thành những nhân tố chủ chốt trong tương lai của thị trường chip bán dẫn đang mở rộng trên toàn cầu. Ấn Độ đã bắt đầu cung cấp các khóa học kỹ thuật cụ thể và có kế hoạch đào tạo 85.000 kỹ sư trong vòng 5 năm, trong khi Việt Nam đặt mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư vào năm 2030.
Tuy nhiên, chiến lược nhân sự của cả Việt Nam và Ấn Độ đều khiến tờ báo quốc tế này nghi ngại về tính hiệu quả.