Ngân hàng rầm rộ công bố báo cáo tài chính quý II; Lo tiền rẻ chạy vào lĩnh vực rủi ro

Thuỳ Liên| 31/07/2023 07:00

Bức tranh lợi nhuận ngân hàng quý II/2023 đã lộ diện, nợ xấu gia tăng, ngân hàng đua mua lại trái phiếu trước hạn, lo tiền rẻ chạy vào lĩnh vực rủi ro khi sức hấp thụ vốn nền kinh tế yếu… là tâm điểm ngân hàng tuần qua.

Bức tranh lợi nhuận ngân hàng dần lộ diện

Cuối tuần này, thêm một loạt ngân hàng công bố báo cáo tài chính quý II/2023. Như vậy, đã có tổng cộng 27 ngân hàng công bố kết quả kinh doanh 6 tháng. Theo đó, có hơn một nửa ngân hàng báo lợi nhuận đi lùi (14 ngân hàng có lợi nhuận 6 tháng giảm). Top các ngân hàng có lợi nhuận cao nhất 6 tháng đầu năm nay là: Vietcombank, BIDV, Agribank, MB, VietinBank, Techcombank, ACB, VIB, VPBank, Sacombank.

* MB: Doanh thu bảo hiểm giảm mạnh, lợi nhuận tăng nhờ giảm dự phòng  

Nửa đầu năm nay, MB đạt lợi nhuận hợp nhất trước thuế 12.735 tỷ, tăng 7%. Tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng 6 tháng đầu năm nay đạt 23.490 tỷ đồng, tăng 2,7%, chủ yếu nhờ thu nhập lãi thuần tăng 13,5%, đạt 19.708 tỷ đồng, bù đắp cho sự suy giảm của các lĩnh vực khác.

Mảng đóng góp lớn thứ hai vào lợi nhuận MB (sau tín dụng) là dịch vụ nửa đầu năm nay giảm mạnh với mức thu nhập lãi thuần giảm 27,1%, chỉ đạt 1.550 tỷ đồng Nguyên nhân là do doanh thu từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm giảm tới 17% (Giảm gần 850 tỷ) trong khi chi phí hoa hồng giảm không đáng kể. Trong khi đó,  lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối giảm 26%, đạt  695 tỷ đồng; lãi thuần 'hoạt động kinh doanh khác đạt 1.096 tỷ đồng, giảm 0,7%.

Tại thời điểm 30/6/2023, nợ xấu nhóm 3 và nhóm 4 của MB tăng lần lượt 1,8 và 2,2 lần, riêng nợ xấu nhóm 5 giảm 422 tỷ đồng. Tổng nợ xấu 7.480 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1,44%.Tính tới cuối quý II/2023, MB vẫn còn nắm giữ 40.428 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, giảm 7,2% so với cuối năm. Thay vào đó, ngân hàng tăng mạnh nắm giữ trái phiếu chính phủ và trái phiếu của các tổ chức tín dụng khác. Tổng tài sản của MB ngày 30/6/2023 tăng 10,7%, cho vay khách hàng tăng 12,6%, huy động vốn tăng 7,2%. Thu nhập bình quân cán bộ MB trong 6 tháng đầu năm đạt 35,05 triệu đồng/người/tháng.

* BIDV: Giảm 30% trích lập dự phòng, BIDV tăng lợi nhuận 26%, giữ vị thế "á quân"

Trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận thuần trước trích lập dự phòng rủi ro của BIDV giảm 5% so với cùng kỳ, nguyên nhân là do thu nhập lãi thuần chỉ tăng nhẹ, lãi thuần từ hoạt động khác giảm 28%, sự tăng trưởng 14-20% của các lĩnh vực như dịch vụ, ngoại hối không bù đắp được.

Mặc dù vậy, do trích lập dự phòng rủi ro 6 tháng giảm tới 30% (giảm 4.118 tỷ đồng so với cùng kỳ) đã giúp lợi nhuận trước thuế 6 tháng của BIDV tăng gần 26%, đạt 13.862 tỷ đồng (tăng 2.859 tỷ đồng). Hiện BIDV đang là á quân lợi nhuận toàn hệ thống hiện nay, chỉ đứng sau Vietcombank (20.500 tỷ đồng).

Tại ngày 30/6/2023, nợ xấu của BIDV ở mức 25.970 tỷ đồng, tăng 47% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ cho vay theo đó tăng từ 1,16% lên 1,59%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của BIDV đạt 153%. Tổng tài sản BIDV tăng 0,2% trong 6 tháng đầu năm và đạt hơn 2,12 triệu tỷ đồng. Tính tới cuối tháng 6/2023, cho vay khách hàng của BIDV đạt 1,63 triệu tỷ đồng, tăng 7%, cao nhất nhóm big 4, tiền gửi khách hàng tăng 4,9% lên hơn 1,5 triệu tỷ đồng.

* VietinBank: Thu hồi nợ xử lý rủi ro đột phá, lợi nhuận quý II/2023 tăng hơn 13%

 Trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của VietinBank đạt 12.530 tỷ đồng, tăng gần 8%. Động lực tăng trưởng lợi nhuận 6 tháng chủ yếu đến từ thu nhập lãi thuần (đạt 25.423 tỷ đồng, tăng gần 15%), lãi thuần dịch vụ (đạt 3.784 tỷ đồng, tăng 33,3%), lãi thuần từ mua bán chứng khoán kinh doanh và đầu tư (đạt 246 tỷ đồng, tăng 348%). Trong nửa đầu năm, ngân hàng chi 13.202 tỷ đồng trích lập dự phòng rủi ro, tăng 28%, nâng tổng số dự phòng lên 31.621 tỷ đồng.

Nợ xấu của VietinBank tính tới cuối tháng 6 ở mức 17.309 tỷ đồng, tăng 9,5% so với đầu năm, trong đó nợ nhóm 3 và nhóm 4 tăng khá mạnh, riêng nợ nhóm  5 giảm hơn 13,2%.Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay tăng nhẹ lên mức 1,27% từ mức 1,24% cuối năm ngoái. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu ngân hàng ở mức 169%. Tỷ lệ CASA ước tính đạt gần 19%, giảm so với cuối năm. Tại thời điểm 30/6/2023, tổng dư nợ cho vay của VietinBank đạt gần 1,36 triệu tỷ đồng, tăng 6,6%. Tổng tài sản 1,86 triệu tỷ đồng, tăng 2,8%;  Tiền gửi khách hàng 1,31 triệu tỷ đồng, tăng 4,9%.    

* Vietcombank: Lợi nhuận 6 tháng đạt 20.500 tỷ đồng, nợ xấu mơ ước 0,83%

Tính tới 30/6/2023, tổng tài sản của Vietcombank đạt 1,7 triệu tỷ đồng, giảm 6% so với cuối năm, chủ yếu do giảm tiền gửi và cho vay tại các tổ chức tín dụng khác. Huy động vốn khách hàng tăng 6,6% trong khi tín dụng chỉ tăng 2.8% (1,17 triệu tỷ đồng). 

Lũy kế 6 tháng, tổng lợi nhuận trước thuế của Vietcombank đạt gần 20.500 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước, giữ vững vị trí quán quân lợi nhuận. Trong đó, mảng kinh doanh cốt lõi nhất là thu nhập lãi thuần tăng 14%, lãi thuần từ dịch vụ giảm 9,6%, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng 6,4%, lãi thuần từ hoạt động khác giảm nhẹ. 

Cũng giống các ngân hàng khác, nợ xấu của Vietcombank tăng đáng kể. Cụ thể, nợ xấu nhóm 3 tăng 7,7 lần lên 3.187 tỷ đồng, nợ nhóm 4 tăng 2,7 lần lên 2.164 tỷ đồng, riêng nợ nhóm 5 giảm 33%. Tổng số dư nợ xấu của Vietcombank tại 30/6/2023 là 9.782 tỷ đồng song tỷ lệ nợ xấu vẫn ở mức đáng mơ ước: 0,83%.

Việc đẩy mạnh trích lập dự phòng rủi ro các năm trước cùng chất lượng tín dụng được kiểm soát khắt khe khiến áp lực trích lập dự phòng của Vietcomank năm nay giảm bớt, dù tình hình kinh tế khó khăn hơn. Tại thời điểm 30/6/2023, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Vietcombank đang là hơn 385% với tổng số dư dự phòng 37.747 tỷ đồng.

* VIB: Lợi nhuận 6 tháng tăng 12,3%, chi gấp đôi dự phòng rủi ro để đối phó nợ xấu

 Lũy kế 6 tháng, tổng thu nhập hoạt động của VIB đạt 10.293 tỷ đồng,  tăng 17,7% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nhập lãi thuần chiếm gần 85% với 8.705 tỷ đồng, đạt mức tăng ấn tượng 20,6%. Lãi thuần từ dịch vụ giảm 9,6% còn 1.404 tỷ đồng, chủ yếu do giảm doanh thu từ mảng bảo hiểm. Kinh doanh ngoại hối và mua bán chứng khoản đầu tư có sự cải thiện, ghi nhận mức lỗ ít hơn đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái. Lãi thuần từ hoạt động khác tăng gần 38% lên 215 tỷ đồng.

Tính tới cuối tháng 6/2023, dư nợ cho vay khách hàng của VIB chỉ tăng nhẹ hơn 1,17%. Nợ xấu nhóm 5 (nợ mất vốn) giảm mạnh 24,4% song nợ xấu nhóm 3, nhóm 4 đều tăng gấp đôi. Tỷ lệ nợ xấu của VIB tính đến 30/6/2023 là 3,6%, tăng so với mức 2,45% cuối năm ngoái. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều ngân hàng trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn.

Chính vì nợ xấu tăng nên VIB đẩy mạnh trích lập dự phòng rủi ro. Trong 6 tháng đầu năm,  lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước dự phòng của VIB tăng 24% đạt 7.170 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong kỳ, ngân hàng tăng gấp đôi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng lên 1.528 tỷ đồng nên lợi nhuận trước thuế 6 tháng giảm còn  5.642 tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ.

Tại thời điểm cuối tháng 6/2023, tổng tài sản của  đạt 378.662 tỷ đồng, tăng 10,4%, tiền gửi khách hàng đạt 205.302 tỷ đồng, tăng 2,58%.

Thu nhập bình quân của cán bộ VIB tính đến cuối tháng 6 đạt 31,89 triệu đồng/người/tháng, tăng 2,6 triệu đồng so với cùng kỳ.

* VPBank: Lợi nhuận 6 tháng ngân hàng mẹ đạt gần 8.000 tỷ đồng, sắp chia cổ tức tiền mặt 10%

Theo báo cáo tài chính riêng lẻ, tổng thu nhập hoạt động 6 tháng đầu năm của ngân hàng mẹ VPBank đạt 17.485 tỷ đồng, giảm 24,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Lý do là 6 tháng đầu năm 2022 lợi nhuận của VPBank tăng đột biến do có khoản thu nhập bất thường từ phí trả trước bảo hiểm của AIA.

Kết thúc 6 tháng, ngân hàng mẹ VPBank đạt lợi nhuận 6 tháng gần 8.000 tỷ đồng.

Điểm sáng nhất của ngân hàng là tín dụng và huy động vốn tăng trưởng tốt. Huy động của khối khách hàng cá nhân tại ngân hàng mẹ có mức tăng ấn tượng 45%. Tín dụng hợp nhất của ngân hàng tính đến cuối tháng 6/2023 tăng hơn 10% so với đầu năm 2023. Riêng ngân hàng mẹ đạt mức tăng hơn 13% - cao hơn nhiều mức trung bình ngành (4,7%), nhờ đóng góp từ hai khối chiến lược với tỷ trọng chiếm hơn 60% trong tổng dư nợ của ngân hàng mẹ. Dư nợ tín dụng của phân khúc khách hàng cá nhân nói riêng đạt hơn 220 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 13% từ đầu năm. 

Theo dự kiến, trong quý III/2023, VPBank sẽ thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông lần đầu tiên trong 10 năm qua, với tỷ lệ 10% từ nguồn lợi nhuận năm 2022. Trong 5 năm tiếp theo, ban lãnh đạo ngân hàng dự định dành tới 30% lợi nhuận sau thuế để chia cổ tức tiền mặt cho cổ đông.  

Tiền rẻ, lo vốn chảy vào lĩnh vực rủi ro

Rất nhiều nỗ lực đang được đưa ra để kích thích dòng tín dụng chảy ra nền kinh tế, nhưng những lĩnh vực đói vốn và có khả năng hấp thụ nhất hiện nay lại là các lĩnh vực rủi ro.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa tăng lãi suất thêm 0,25% - khả năng là lần tăng cuối cùng của năm nay. TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế nhận định, nhiều khả năng lãi suất của Fed thời gian tới sẽ đi ngang, rồi xoay chiều giảm dần về 5% vào đầu năm 2024, về 3% vào năm 2025. Các ngân hàng trung ương châu Âu cũng sẽ hạ lãi suất về 3,75% vào cuối năm 2024 và 3% vào năm 2025.

Tại châu Á, chính sách tiền tệ đảo ngược sớm hơn, với đa phần ngân hàng trung ương đã giảm lãi suất. Việt Nam có 4 lần giảm lãi suất điều hành từ đầu năm. “Lãi suất điều hành của Việt Nam có thể tiếp tục giảm từ 4,5% hiện nay xuống 4% vào quý IV/2023 và kỳ vọng giảm về 3,5% trong năm 2024 và đầu năm 2025”, TS. Cấn Văn Lực nhận định.

Doanh nghiệp khó khăn, sức hấp thụ vốn thấp chưa từng thấy, tăng trưởng tín dụng 6 tháng thấp nhất trong vòng 13 năm qua khiến Chính phủ sốt ruột “thúc” ngành ngân hàng giảm thêm lãi vay, bơm tiền ra nền kinh tế.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú khẳng định, từ nay đến cuối năm, nếu điều kiện thuận lợi, NHNN sẽ giảm tiếp lãi suất điều hành. Tuy nhiên, ngay cả khi lãi suất điều hành không giảm, NHNN cũng chỉ đạo các ngân hàng thương mại phấn đấu giảm lãi suất cho vay dựa trên giảm chi phí.

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp lớn đã được ngân hàng mời chào cho vay với lãi suất 7-9%/năm. Tuy vậy, không phải doanh nghiệp nào cũng được tiếp cận lãi suất này. Ông Vũ Công Huân, Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn HDC cho biết, doanh nghiệp này đang phải vay tín chấp với lãi suất 14%, vẫn ở mức khá cao dù đã giảm khoảng 2% so với trước.

Lý giải chuyện “ế vốn” mà vẫn cho vay lãi suất cao, PGS-TS. Nguyễn Thị Mùi, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia khẳng định, ngân hàng “mua” vốn về thì phải “bán” vốn ra. Song mở rộng tín dụng trong bối cảnh khó khăn bủa vây hiện tại là rất khó, ngân hàng không thể cho vay khi doanh nghiệp không chứng minh được khả năng trả nợ, không có khả năng quản lý dòng tiền.

Nhiều doanh nghiệp yêu cầu ngân hàng cho vay tín chấp, song việc đẩy mạnh cho vay tín chấp là không thể khi hai bên chưa xây dựng được niềm tin. “Một khoản tín dụng rẻ hoặc dưới chuẩn thì rủi ro rất cao, không cẩn thận sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế”, bà Mùi nói.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phân tích thêm, hiện trách nhiệm của người cho vay rất lớn, trong khi trách nhiệm của người đi vay rất nhỏ, dẫn đến nợ xấu ngày một tăng. Vì vậy, ngân hàng không thể cho vay bằng mọi giá, mà trước hết phải đảm bảo an toàn.

Thống kê của FiinGroup cho thấy, quý II/2023, lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp phi ngân hàng giảm gần 42%. Theo FiinGroup, vấn đề của doanh nghiệp hiện nay không còn là đòn bẩy tài chính cao, mà nằm ở việc hấp thụ vốn. Do đó, thay vì “đẩy” tín dụng mới chảy ra nền kinh tế, các chính sách nên tập trung vào hỗ trợ lãi suất, giãn hoãn nợ.

Dù chính sách tiền tệ đang chuyển sang linh hoạt, nới lỏng hơn, song theo ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), trong bối cảnh cả 3 động lực tăng trưởng kinh tế đều khó khăn như hiện nay, dựa vào tín dụng để thúc đẩy kinh tế không phải là con đường an toàn nhất.

“Nền kinh tế dựa vào tín dụng ngân hàng tiềm ẩn nhiều rủi ro với kinh tế vĩ mô, vì vốn ngân hàng là ngắn hạn, trong khi nhu cầu vốn vay trung và dài hạn rất lớn. Vì vậy, bên cạnh tín dụng ngân hàng, cần tập trung phát triển các kênh dẫn vốn an toàn khác như thị trường chứng khoán, cụ thể là thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu doanh nghiệp…”, ông Quang đề nghị.

TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam cũng cho rằng, hạ sâu lãi suất, tìm mọi cách bơm tín dụng ra nền kinh tế có thể dẫn đến tình trạng vốn tín dụng được chuyển tới các lĩnh vực có tính đầu cơ, từ đó khiến một số thị trường tăng giá bong bóng trở lại. Do vậy, tăng trưởng tín dụng chỉ nên ở liều lượng hợp lý để hỗ trợ, kích thích tăng trưởng kinh tế, phù hợp với năng lực hấp thụ của nền kinh tế.

Thực tế, bất động sản đang là khu vực khát vốn nhất, có khả năng hấp thụ vốn cao. Đây cũng là lĩnh vực có sức lan tỏa cao nếu dòng vốn rót vào các phân khúc phục vụ nhu cầu ở thực như bất động sản nhà ở, bất động sản khu công nghiệp… Tiếp vốn cho bất động sản hồi phục là một trong những giải pháp cần thiết để làm ấm nóng nền kinh tế hiện nay.

Tuy vậy, bất động sản là lĩnh vực rủi ro, dựa vào tín dụng ngân hàng sẽ gây nhiều hệ lụy. Vì vậy, theo các chuyên gia, bên cạnh hạ lãi suất để kích cầu vốn sản xuất - kinh doanh, phải có giải pháp làm ấm lại thị trường trái phiếu, cổ phiếu để giảm tải cho tín dụng. Đáng mừng là thị trường chứng khoán phục hồi tốt từ đầu năm đến nay, thị trường trái phiếu đã qua giai đoạn khó khăn nhất. Mặt bằng lãi suất tiếp tục rẻ đang hỗ trợ tốt 2 thị trường này, vấn đề còn lại là niềm tin của nhà đầu tư.

Nợ xấu có chiều hướng tăng dù được tái cơ cấu

Hàng chục ngàn tỷ đồng nợ xấu đã được tái cơ cấu, song chất lượng tài sản của nhiều ngân hàng có chiều hướng xấu do thị trường bất động sản khó khăn, doanh nghiệp hạn chế đầu ra.  

ABBank vừa công bố lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm đạt 638 tỷ đồng, giảm 61% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân khiến lợi nhuận giảm là nợ xấu tăng dẫn tới Ngân hàng phải thoái lãi cho vay và tăng trích lập dự phòng rủi ro. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của ABBank được kiểm soát ở mức 2,86% tính đến cuối quý II/2023, song các khoản nợ xấu này đều có tài sản đảm bảo.

PG Bank đã trích gần 87 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng nửa đầu năm nay. Tổng nợ xấu tại thời điểm cuối tháng 6/2023 tăng 13% so với đầu năm, ghi nhận hơn 839 tỷ đồng. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn chiếm 66%, nợ dưới tiêu chuẩn tăng mạnh. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 2,56% đầu năm lên 2,77%.

Nợ xấu của BacA Bank tăng 32% trong 6 tháng đầu năm 2023, lên 679 tỷ đồng, chủ yếu do nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng mạnh 316%, lên 175 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của ngân hàng này tăng từ 0,55% lên 0,7%. Tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu của BacA Bank đạt 158% tại ngày 30/6/2023.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế - tài chính nhận định, chất lượng tài sản của ngành ngân hàng sẽ đi xuống trước bối cảnh thị trường có khó khăn nhất định. Tăng trưởng tín dụng của ngành từ đầu năm đến cuối tháng 6/2023 chỉ đạt 4,7%, trong khi mục tiêu cả năm từ 14%. Tình hình có vẻ không khả quan như mong muốn, lợi nhuận của nhà băng sẽ bị “ăn mòn” bởi dự phòng.

Chất lượng tài sản ngân hàng có xu hướng đi xuống, song theo các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán VCBS, tỷ lệ nợ xấu nội bảng và mức trích lập dự phòng dự kiến chưa tăng đột biến trong năm 2023 nhờ chính sách hỗ trợ gia hạn trái phiếu doanh nghiệp và tái cơ cấu các khoản vay. Song hoạt động xử lý nợ xấu tiếp tục gặp khó khăn do thị trường bất động sản đóng băng và bất động sản là tài sản bảo đảm chính cho phần lớn các khoản vay.

Theo VCBS, vào cuối quý I/2023, tỷ lệ nợ xấu nội bảng tăng lên 1,9%, từ mức 1,6% cuối năm 2022, tỷ lệ nợ nhóm 2 cũng tăng lên 2,1%, tỷ lệ nợ ngoại bảng VAMC ở mức 1,1%. VCBS dự báo rủi ro nợ xấu có thể tăng trở lại trong năm 2024 và có sự phân hóa.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Trường đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, dù tốc độ tăng trưởng tín dụng năm nay được dự báo khó tăng cao hơn năm trước, nhưng rủi ro nợ xấu của ngành ngân hàng năm nay sẽ cao hơn năm ngoái, vì ngân hàng không mặn mà với việc giãn, hoãn nợ.

Chìa khóa tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp

Phát biểu tại Hội thảo “Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp” diễn ra sáng nay (25/7), Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết, 6  tháng đầu năm nay, kinh tế thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp và khó lường. Sản xuất, thương mại toàn cầu khó khăn; cạnh tranh chiến lược, xung đột địa chính trị giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; lạm phát ở mức cao; chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất kéo dài… Trong nước, tăng trưởng kinh tế thấp hơn kịch bản đề ra trong bối cảnh cầu thế giới giảm và những khó khăn nội tại của nền kinh tế. Những diễn biến này ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến cho tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm ở mức thấp mặc dù NHNN và cả ngành Ngân hàng đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp.  

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam khẳng định, thời gian qua, ngành ngân hàng đã có nhiều giải pháp đúng và trúng tháo gỡ điểm nghẽn vốn cho doanh nghiệp (giảm lãi suất, cơ cấu nợ, đơn giản thủ tục cho vay...), dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tới hơn 38% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế. Theo ông Thân, ngành ngân hàng là ngành có nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả nhất trong hỗ trợ doanh nghiệp.

Mặc dù vậy, tình hình của các doanh nghiệp vẫn rất khó khăn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa do tiêu thụ trong nước và đơn hàng xuất khẩu đều giảm mạnh. Ngoài khó khăn đầu ra, có tới 25% hội viên của Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho rằng hiện nay họ đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay tín dụng do tiêu chí cho vay còn khắt khe, tình trạng gây khó dễ của các cán bộ ngân hàng vẫn còn tồn tại.     

“Có một thực trạng là số lượng các doanh nghiệp không vay được vốn tín dụng hiện nay vẫn còn tương đối nhiều. Ngoài những các tác động khách quan từ thị trường, thì một phần nguyên nhân là do các chính sách của Nhà nước vẫn chưa đồng bộ, bản thân các doanh nghiệp cũng chưa chứng minh được năng lực hoàn vốn, năng lực quản lý, kế hoạch sản xuất kinh doanh và minh bạch tài chính… Do đó, để tăng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp thì chính sách giảm lãi suất chỉ là một trong các giải pháp”, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam nhận định.

Chuyện ngân hàng đỏ mắt tìm khách vay, người vay lại không thể với tới tín dụng ngân hàng không phải là câu chuyện lần đầu tiên được nhắc tới. Từ góc nhìn ngân hàng, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội ngân hàng lý giải nguyên nhân vì sao một số doanh nghiệp khó vay vốn.

Thứ nhất, kinh tế khó khăn, nguồn lực của doanh nghiệp bị cạn kiệt dẫn tới việc các doanh nghiệp không đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng và ngân hàng cũng không thể tự ý hạ tiêu chuẩn, giảm các quy định, điều kiện cho vay mà vẫn phải theo quy định của pháp luật nhằm đảm bảo quản trị rủi ro, an toàn hệ thống.

Thứ hai, đa số các DN khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng là các DN mới thành lập trong thời gian qua, dù đã từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh nhưng đến nay nhiều DN vẫn chưa đủ khả năng trả hết các khoản nợ đã được cơ cấu lại và khoản nợ đến hạn.

Thứ ba, nhiều DN có tài sản thế chấp gặp vướng mắc pháp lý, chưa có giấy chứng nhận, quy hoạch treo, tranh chấp…, dẫn đến không đáp ứng được điều kiện vay vốn.

Thứ tư, các DNVVN là đối tượng được ưu tiên áp dụng chính sách trần lãi suất cho vay ngắn hạn, nhưng để được tiếp cận chính sách ưu tiên theo quy định, DNNVV phải đáp ứng được điều kiện về tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh. Tuy nhiên, hầu hết DNNVV hiện nay không đáp ứng được các điều kiện trên. Phần lớn DNNVV có quy mô nhỏ, năng lực tài chính, trình độ quản trị hạn chế, thiếu phương án kinh doanh khả thi, số liệu tài chính thiếu minh bạch, chính xác, Chứng từ kế toán không đáp ứng các chuẩn mực theo quy định nên ngân hàng khó xem xét cấp tín dụng.

Thực tế, hiện nay, nhiều doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn. Lãnh đạo Công ty May 10 cho hay, đơn hàng sụt giảm 20-30% so với cùng kỳ khiến công  không có nhu cầu vay vốn dù lãi vay đã giảm mạnh, nhiều ngân hàng săn đón mời vay.

“Khi nào thị trường hồi phục trở lại, nhiều đơn hàng mở ra thì khi ấy doanh nghiệp mới tăng nhu cầu vay vốn ngân hàng”, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết.

Lãnh đạo các ngân hàng thương mại như VietinBank, Agribank, SHB… cho biết thời gian qua đã triển khai rất nhiều giải pháp như hạ lãi suất cho vay, tung ra các gói vay lãi suất ưu đãi, giảm thủ tục giải ngân… song vốn vẫn “ế”.

Ông Đinh Ngọc Dũng, Phó giám đốc phụ trách Khối Ngân hàng Doanh nghiệp Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cho biết, dù đã triển khai rất nhiều giải pháp song tăng trưởng tín dụng của SHB nửa đầu năm nay vẫn chậm.  “Những tháng cuối năm, SHB tiếp tục tăng cường rà soát, cắt giảm thủ tục, đơn giản hóa và rút ngắn quy trình, thủ tục cho vay, số hóa toàn bộ quy trình cho vay để giảm đáng kể thời gian xét duyệt và thẩm định cho vay, tạo điều kiện cho khách hàng có thể tiếp cận nhanh chóng, thuận lợi nhất với nguồn vốn tín dụng ngân hàng”, ông Dũng cho biết.

Theo các chuyên gia, hiện nay, các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn mà khó khăn lớn nhất là nghẽn cả đầu vào lẫn đầu ra. Khó khăn thứ hai là vấn đề pháp lý, môi trường kinh doanh đứng thứ hai. Khó khăn về vốn chỉ đứng thứ ba.

Riêng về vấn đề vốn, hiện gánh nặng tài chính của doanh nghiệp rất lớn, gồm nghĩa vụ thuế, phí, nghĩa vụ nợ phải trả cho đối tác, sau cùng mới là vấn đề tiếp cận vốn ngân hàng.  Kênh huy động vốn từ thị trường cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) vẫn bị thu hẹp khiến cho áp lực vốn càng thêm nặng nề với nhiều doanh nghiệp.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, hiện nay, không chỉ doanh nghiệp mà các ngân hàng cũng rất khó khăn, phải đối diện với nhiều rủi ro lớn: nợ xấu gia tăng, biên lợi nhuận giảm, áp lực tăng vốn lớn. Việc tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế không chỉ “cứu” doanh nghiệp mà cũng chính là cứu ngân hàng.

Ông Nguyễn Vân, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA) cho rằng, vấn đề quan trọng nhất đối với doanh nghiệp hiện nay không phải là vốn mà là thị trường, đầu ra cho sản phẩm… Vì vậy, điều doanh nghiệp cần hiện nay, bên cạnh hỗ trợ tiếp sức từ ngân hàng, là các chính sách hỗ trợ thúc đẩy cung ứng hàng hoá, sản phẩm. Đặc biệt với những doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp hỗ trợ thì cần nhiều hơn nữa sự quan tâm về cơ chế chính sách, hạ tầng đất đai sản xuất, công nghệ mới…

“Để hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn trong điều hành chính sách tài khóa sẽ có thêm sự chủ động, giải pháp trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả, tiếp tục quan tâm tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp ngành sản xuất công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ. Qua đó, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần giảm bớt áp lực chi phí đầu vào, giảm giá đầu ra. Ngoài ra, chính sách tài khoá phối hợp với chính sách tiền tệ nhuần nhuyễn hơn để vừa kiểm soát lạm phát, vừa tạo thêm dư địa giảm lãi suất cho chính sách tiền tệ”, ông Vân kiến nghị.

Trong khi đó, Cấn Văn Lực đưa ra loạt giải pháp để tăng khả năng hấp thụ vốn của DN và người dân như: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện hoàn thuế VAT, các chính sách giãn hoãn thuế, phí, tiền thuê đất, giảm 2% thuế GTGT; xem xét giảm tỷ lệ đóng BHXH cho DN; xem xét chuyển phần còn lại của Chương trình phục hồi (nhất là cấu phần hỗ trợ tiền thuê nhà, hỗ trợ 2% lãi suất…) sang Quỹ phát triển nhà ở xã hội; Chú trọng các động lực tăng trưởng (đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, kích cầu tiêu dùng nội địa, thúc đẩy các đầu tàu nền kinh tế; gỡ khó cho thị trường TPDN; đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện thể chế…

Riêng với doanh nghiệp vừa và nhỏ, Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho rằng các doanh nghiệp cần phải nâng tầm trình độ về quản lý, kế hoạch sản xuất kinh doanh và minh bạch tài chính… Khi các ngân hàng yên tâm về sức khoẻ của doanh nghiệp thì chắc chắn các ngân hàng sẽ không từ chối cho vay.

Trước mắt, Hiệp hội DNNVV và NHNN sẽ sớm tham mưu giải pháp tháo gỡ khó khăn ngắn hạn cho doanh nghiệp, chẳng hạn tháo gỡ khó khăn về điều kiện vay. Ngoài ra, chính sách tài khoá cần phải có quy định rất rõ ràng, mạch lạc, giúp doanh nghiệp dễ tiếp cận được các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước mà không sợ thanh kiểm tra.

Ngân hàng Nhà nước khẳng định nhiều điều kiện vay đang được "nới"

Trái với lo lắng của một số doanh nghiệp về việc Thông tư 06/2023/TT-NHNN (sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39/2016/TT-NHNN) siết thêm điều kiện cho vay, NHNN khẳng định thực tế Thông tư có nhiều quy định mới tạo điều kiện tiếp cận vốn tín dụng.

Thủ tục cho vay được đơn giản hóa

Theo NHNN, Thông tư 06 đã bổ sung thêm 01 mục riêng quy định cụ thể về hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử của TCTD đối với khách hàng và sửa đổi, bổ sung một số điều khoản khác để phù hợp hình thức cho vay này nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho TCTD trong việc triển khai hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử đảm bảo an toàn, hiệu quả.

Theo đó, Thông tư 06 sẽ thúc đẩy các TCTD ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số hơn nữa vào hoạt động cho vay, từ đó rút ngắn quy trình, thủ tục, khách hàng vay không phải đến ngân hàng, rất dễ dàng và thuận lợi để tiếp cận các khoản vốn vay với thời gian nhanh hơn, thuận tiện hơn. Đây là những quy định sẽ tạo ra những tín hiệu tích cực cho việc phát triển hoạt động cho vay tiêu dùng và hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.

Một số nội dung chính quy định về hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử tại Thông tư 06 như: quy định các nguyên tắc áp dụng chung phù hợp đặc điểm hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử của TCTD; nhận biết, xác minh thông tin nhận biết khách hàng bằng phương tiện điện tử (eKYC); giao kết thỏa thuận cho vay dưới hình thức hợp đồng điện tử; hồ sơ vay vốn được thiết lập dưới dạng tài liệu, dữ liệu điện tử, lưu trữ hồ sơ trên môi trường số; tổ chức xét duyệt cho vay bằng phương tiện điện tử (thẩm định và quyết định cho vay); giải ngân vốn vay... TCTD tự quyết định biện pháp, hình thức, công nghệ phục vụ hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử; xem xét, quyết định thực hiện hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử theo quy định tại Thông tư.

Bên cạnh đó, để kiểm soát nguồn dữ liệu định danh trong hoạt động eKYC phục vụ việc cho vay bằng phương tiện điện tử, NHNN quy định cho phép TCTD triển khai eKYC khách hàng vay vốn dựa trên việc khai thác dữ liệu định danh cá nhân được xác thực bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc với cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước công dân (CCCD) hoặc bởi tổ chức cung cấp dịch vụ xác thực điện tử theo quy định của pháp luật về định danh và xác thực điện tử.

Việc cho phép tiếp cận, khai thác thông tin khách hàng từ CSDLQG về dân cư và cơ sở dữ liệu CCCD gia tăng nguồn thông tin chính thống rất có giá trị cho TCTD, đảm bảo hoạt động eKYC lành mạnh, minh bạch, an toàn, phòng ngừa kịp thời rủi ro gian lận, rửa tiền, tội phạm, tiết kiệm chi phí và nguồn lực xã hội. Các nguồn dữ liệu để đối chiếu được quy định tại Thông tư 06 rất đa dạng, mang tính chính thống và đáng tin cậy, là nền tảng quan trọng đảm bảo hoạt động eKYC an toàn, lành mạnh, kịp thời phòng ngừa rủi ro gian lận.

Cho khách hàng vay nợ để trả nợ khoản vay tiêu dùng khác  

Thông tư 06 cũng đưa ra nhiều quy định dễ thở hơn với hoạt động vay tiêu dùng.

Thứ nhất, đối với nhu cầu vay vốn phục vụ nhu cầu đời sống tiêu dùng thiết yếu, mục đích tiêu dùng sinh hoạt của cá nhân, hộ gia đình (ví dụ như: vay mua ô tô, mua trang thiết bị tiêu dùng,...), khách hàng không cần phải có phương án, Dự án.

Theo đó, phương án sử dụng vốn của khách hàng chỉ cần có thông tin về tổng nguồn vốn cần sử dụng, mục đích sử dụng vốn, thời gian sử dụng vốn, và nguồn trả nợ của khách hàng, mà không cần phải xây dựng phương án, dự án cụ thể phục vụ nhu cầu đời sống.  Đối với những nhu cầu vay vốn phục vụ đời sống để mua nhà ở, xây dựng, cải tạo nhà ở; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây nhà ở thường có giá trị lớn, khách hàng mới phải bổ sung phương án, dự án trong hồ sơ đề nghị vay vốn đối với nhu cầu vốn này để TCTD có đầy đủ thông tin về mục đích vay vốn của khách hàng và để đảm bảo giám sát việc khách hàng sử dụng vốn vay đúng mục đích.

Thứ hai, Thông tư cũng bổ sung quy định TCTD được xem xét, quyết định cho khách hàng vay để trả nợ khoản vay tại TCTD khác với mục đích vay phục vụ nhu cầu đời sống. Cụ thể, tại Thông 39/2016/TT-NHNN hiện hành, khách hàng chỉ được vay để trả nợ khoản vay tại TCTD khác đối với khoản vay phục vụ sản xuất kinh doanh, không áp dụng đối với khoản vay phục vụ nhu cầu đời sống. Việc mở rộng quy định cho khách hàng trả nợ tại TCTD khách áp dụng đối với cả khoản vay phục vụ hoạt động kinh doanh và nhu cầu đời sống sẽ tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận thêm các vốn tín dụng ngân hàng, có thêm cơ hội lựa chọn dịch vụ và tiện ích tốt hơn tại các TCTD khác (nếu có).

Đơn cử như trường hợp một khách hàng cá nhân đang có dư nợ của khoản vay mua nhà tại một ngân hàng A. Tuy nhiên, khách hàng nhận thấy tại ngân hàng B, cùng khoản vay mua nhà như vậy lãi suất cho vay thấp hơn so với ngân hàng B; đồng thời nếu khách hàng vay vốn sẽ được hưởng thêm ưu đãi đối với một số các dịch vụ khách tại ngân hàng B. Theo đó, với quy định này, khách hàng hoàn toàn có thể đển ngân hàng B đề xuất nhu cầu vay vốn để trả nợ trước hạn cho khoản vay mua nhà mà khách hàng đang vay tại ngân hàng A. Như vậy, khách hàng dễ dàng tiếp cận khoản vay mới với mức chi phí thấp hơn, được tiếp cận và sử dụng thêm các dịch vụ mới.

Ngoài ra, Thông tư 06 cũng bổ sung việc TCTD được xem xét, quyết định cho khách hàng vay để trả khoản vay nước ngoài dưới hình thức mua bán hàng hóa trả chậm. Khoản vay nước ngoài dưới hình thức mua bán hàng hóa trả chậm là hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế, do đó Thông tư 06 bổ sung quy định nêu trên để tạo điều kiện cho khách hàng vay vốn phục vụ nhu cầu này.

Không siết điều kiện vay vốn

Với một số lo lắng Thông tư 06 sẽ siết chặt thêm điều kiện vay, NHNN lên tiếng phủ nhận và khẳng định chỉ áp dụng theo Luật Các tổ chức hiện hành.

Theo quy định tại Luật Các TCTD hiện hành, khách hàng vay vốn phải đáp ứng 03 điều kiện gồm: (i) Mục đích vay vốn hợp pháp, (ii) Có phương án sử dụng vốn khả thi, (iii) Có khả năng tài chính để trả nợ. Đây là các điều kiện vay vốn tối thiểu mà khách hàng phải đáp ứng theo quy định tại Luật Các TCTD.

Theo đó, Thông tư 39/2016/TT-NHNN hiện hành cũng áp dụng các điều kiện này. Cụ thể tại Điều 7 Thông tư 39/2016/TT-NHNN, TCTD xem xét, quyết định cho vay khi khách hàng có đủ các điều kiện sau đây: (i) Khách hàng là pháp nhân có năng lực pháp luật dân sự theo quy định của pháp luật. Khách hàng là cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật hoặc từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật; (ii) Nhu cầu vay vốn để sử dụng vào mục đích hợp pháp; (iii) Có phương án sử dụng vốn khả thi; (iv) Có khả năng tài chính để trả nợ.

Đối với biện pháp bảo đảm trong hoạt động cấp tín dụng, việc áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp bảo đảm là do TCTD và khách hàng thỏa thuận. Thực tế thời gian qua, TCTD đã và đang thực hiện nhiều biện pháp bảo đảm tiền vay với nhiều loại hình tài sản khác nhau, như ô tô, tài sản hình thành trong tương lai, hàng hóa luân chuyển, quyền đòi nợ... hoặc cho vay không có tài sản bảo đảm trên cơ sở đánh giá phương án, dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả, được TCTD đánh giá có khả năng tài chính để hoàn trả nợ vay đầy đủ, đúng hạn cả gốc và lãi. Tài sản thế chấp chỉ là một trong các điều kiện quan trọng nhưng không phải là điều kiện hàng đầu, cũng như không phải là điều kiện bắt buộc theo quy định của pháp luật trong việc bảo đảm hoàn trả cho khoản vay, nâng cao trách nhiệm của khách hàng đối với việc trả nợ ngân hàng.

Ngân hàng chạy đua mua lại trái phiếu trước hạn

Tuần qua, sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ chính thức đi vào hoạt động. Sau 3 phiên giao dịch, thị trường ghi nhận tổng giá trị giao dịch gần 1.788 tỷ đồng. Tuy vậy, lượng giao dịch bình quân các phiên có sự chênh lệch rõ rệt. Phiên giao dịch đầu tiên, tổng giá trị giao dịch lên tới 1.781,34 tỷ đồng (chủ yếu nhờ hơn 71% là giá trị giao dịch trái phiếu Vietcombank). Hai phiên giao dịch sau, quy mô giao dịch nhỏ hơn với lần lượt 25 triệu đồng và hơn 6,3 tỷ đồng do thiếu vắng trái phiếu ngân hàng.

Sở dĩ giá trị giao dịch trong 3 phiên đầu tiên còn hạn chế và có mức độ chênh lệch rõ rệt là bởi các mã trái phiếu giao dịch chưa nhiều. Cụ thể, tuần qua, mới chỉ có các mã trái phiếu của 3 doanh nghiệp phát hành (Vietcombank, VinFast, Tracodi). Hơn nữa, thị trường vẫn có tâm lý nghe ngóng, chờ đợi.

Theo dự kiến của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), sẽ có hơn 1.600 mã trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được đưa vào giao dịch sau khi khai trương hệ thống. Khi đó, thanh khoản của hệ thống sẽ được cải thiện hơn.

Nhận xét về kết quả những phiên giao dịch đầu tiên, các công ty chứng khoán cho rằng, các con số này không nằm ngoài dự báo.

Theo ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup, sở dĩ sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ chưa sôi động sau 3 ngày hoạt động là do mới có khoảng 20 mã trái phiếu được đưa lên giao dịch. Quy định các nhà đầu tư cá nhân chưa chuyên nghiệp chỉ được bán mà không được mua (trong khi nhu cầu mua trái phiếu của thị trường còn thấp) cũng là lý do khiến thanh khoản chưa thể sôi động ngay trong những ngày đầu.

Hơn nữa, bản chất của trái phiếu là đầu tư dài hạn, nhà đầu tư trái phiếu riêng lẻ chủ yếu là các định chế tài chính mua là để giữ đến ngày đáo hạn như một kênh có dòng tiền ổn định, nên không thể kỳ vọng thị trường trái phiếu sẽ có thanh khoản sôi động như cổ phiếu.

“Ngay cả khi 1.200 lô trái phiếu được đưa lên giao dịch, tôi cho rằng, chúng ta không nên kỳ vọng thị trường này sẽ có thanh khoản cao. Giá trị giao dịch có thể cao, song lượng giao dịch sẽ thấp và không thể sôi động như thị trường cổ phiếu được. Việc kê khai giao dịch tập trung chủ yếu là góp phần minh bạch thông tin, tạo cơ chế định danh nhà đầu tư rõ ràng và nhanh chóng, nhằm góp phần bảo vệ nhà đầu tư và tạo cơ chế hình thành đường cong lãi suất trái phiếu doanh nghiệp”, ông Thuân nhận định.

Theo ông Thuân, thị trường trái phiếu đã qua giai đoạn khó khăn nhất và bắt đầu bước vào giai đoạn phục hồi. Tuy nhiên, vẫn cần thêm các giải pháp để mở rộng và phát triển cơ sở nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư tổ chức. 

Trước thời điểm “chợ” trái phiếu riêng lẻ được khai trương, phát hành trái phiếu vẫn diễn ra rất chậm. Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, nửa đầu tháng 7/2023, mới có 5 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ và 1 đợt phát hành ra công chúng được công bố với tổng giá trị 2.195 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 68.503 tỷ đồng, trong đó trái phiếu riêng lẻ chiếm 86,5%. 

Trong khi thị trường trái phiếu tiếp tục trầm lắng, thì các ngân hàng gia tăng mua lại trái phiếu trước hạn. Mới đây, HDBank thông báo sẽ mua lại toàn bộ 1.000 tỷ đồng trái phiếu trước hạn (lô HDBL2225010) vào ngày 28/7/2023. Đây là lần thứ 4 HDBank mua lại trái phiếu trước hạn trong vòng 2 tháng qua.

Tương tự, từ đầu tháng 7 tới nay, LPBank có 3 đợt mua lại trái phiếu trước hạn (ngày 7/7, 14/7 và 19/7) với tổng giá trị mua lại 2.500 tỷ đồng. Trong khi đó, ACB cũng mua lại trước hạn 5.000 tỷ đồng 2 lô trái phiếu vào ngày 7/7 và 14/7. Các ngân hàng khác như ABBank, TPBank, Techcombank… chi hàng ngàn tỷ đồng mua lại trái phiếu trước hạn trong vài tháng qua.   

Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho hay, từ đầu năm đến ngày 14/7/2023, tổng giá trị trái phiếu được các doanh nghiệp mua lại trước hạn là 121.790 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2022. Ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu về giá trị mua lại, chiếm 51% tổng giá trị mua lại trước hạn (tương ứng 61.767 tỷ đồng).

Theo các chuyên gia phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect, sở dĩ ngân hàng chạy đua mua lại trái phiếu trước hạn là do đang dư thừa thanh khoản. Việc mua lại trái phiếu trước hạn sẽ giúp ngân hàng giảm dư thừa vốn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, đồng thời cải thiện Hệ số an toàn vốn (CAR).

Lãnh đạo một ngân hàng TMCP cho hay, một lý do khiến các ngân hàng chạy đua mua lại trái phiếu trước hạn là để cơ cấu lại kỳ hạn trái phiếu và cơ cấu lại lãi suất. Theo đó, không loại trừ việc ngân hàng mua lại trái phiếu kỳ hạn dưới 5 năm để lấy dư địa phát hành trái phiếu mới kỳ hạn trên 5 năm (đủ điều kiện tính vào vốn cấp 2). Điều này cũng hợp lý trong bối cảnh từ ngày 1/10/2023, hệ số vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn sẽ bị giảm từ 34% xuống còn 30%. 

Thực tế, nhiều ngân hàng một mặt mua lại trái phiếu trước hạn ở các kỳ hạn 2-3 năm, một mặt lại phát hành các lô trái phiếu mới kỳ hạn 5-10 năm.

Được biết, nhiều ngân hàng TMCP đang kiến nghị Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thực hiện Nghị định số 08/2023/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 65/2023/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu riêng lẻ để có hướng áp dụng. “Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP cho phép các đơn vị, trái chủ có thể gia hạn thêm 2 năm, nhưng Ngân hàng Nhà nước chưa có hướng dẫn, nên các tổ chức tín dụng không thể áp dụng”, ông Lê Quang Vinh, Phó tổng giám đốc Vietcombank cho biết.

Theo dữ liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, từ nay đến cuối năm 2023, các doanh nghiệp, ngân hàng sẽ phải đáo hạn 147.310 tỷ đồng trái phiếu, trong đó chủ yếu là trái phiếu bất động sản và ngân hàng.

Bài liên quan
  • Ngân hàng Nhà nước sẽ đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu tín dụng
    Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ sử dụng linh hoạt các công cụ chính sách để đảm bảo ổn định tỷ giá, nếu có điều kiện sẽ giảm tiếp lãi suất điều hành; đồng thời chuyển đổi cơ cấu tín dụng sang các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ…

(0) Bình luận
Nổi bật Tin tức IDS
Đừng bỏ lỡ
Ngân hàng rầm rộ công bố báo cáo tài chính quý II; Lo tiền rẻ chạy vào lĩnh vực rủi ro
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO