1. Khái quát về ngân hàng kỹ thuật số
Ngân hàng kỹ thuật số (Digital Banking) được hiểu là sự tự động hóa các dịch vụ ngân hàng truyền thống, nó cho phép khách hàng được tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ của ngân hàng thông qua các nền tảng điện tử/trực tuyến1. Nói một cách đơn giản, bằng việc số hóa tất cả các hoạt động của ngân hàng, thay thế cách thức hoạt động truyền thống trước đây bằng việc chuyển đổi số cách vận hành cho hệ thống ngân hàng. Hiện nay, việc các ngân hàng dần chuyển sang mô hình kỹ thuật số đã trở thành xu thế tất yếu xuất phát từ những lợi ích mà nó mang lại, cụ thể:
Thứ nhất, ngân hàng kỹ thuật số cho phép khách hàng thực hiện các dịch vụ ngân hàng một cách thuận lợi và dễ dàng. Điều này được thể hiện qua các khía cạnh sau:
Lợi ích từ khả năng di chuyển: Khách hàng không cần phải đến trực tiếp các điểm giao dịch, xếp hàng chờ đợi, bởi nhờ có công nghệ và các nền tảng trực tuyến mà ngân hàng đã tích hợp thì khách hàng có thể thực hiện các giao dịch tại nhà hoặc bất cứ đâu mà họ muốn.
Tiết kiệm thời gian: Chính vì địa điểm linh hoạt, phù hợp với khả năng di chuyển của khách hàng cũng như không lệ thuộc có khung giờ hành chính như ngân hàng truyền thống nên ngân hàng kỹ thuật số có thể hoạt động 24/7, điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng, vừa giúp họ tiết kiệm được thời gian cũng như lựa chọn được khung thời gian giao dịch phù hợp khi không thể tham gia giao dịch vào các khung giờ hành chính.
Thủ tục đơn giản: Có thể thấy rằng, tại các ngân hàng truyền thống, thủ tục và các loại giấy tờ liên quan được cho là phức tạp và việc hoàn thành chúng là cả một quá trình. Nhưng đối với ngân hàng kỹ thuật số, thủ tục trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Khách hàng chỉ cần một chiếc Smartphone kết nối mạng thì sẽ đều có thể tham gia và thực hiện được giao dịch với ngân hàng bằng việc tải ứng dụng (App) và đăng nhập tài khoản (trước đó ngân hàng sẽ cung cấp cho mỗi khách hàng một tài khoản riêng).
Ngân hàng kỹ thuật số khiến cho hoạt động thanh toán và mua sắm trực tuyến của khách hàng trở nên tiện lợi: Trong một tài khoản hay ứng dụng mà ngân hàng tạo ra thì thường đã tích hợp sẵn tiện ích thanh toán tự động cho các hóa đơn điện tử như chi phí gas, điện nước, điện thoại, hàng hóa, dịch vụ mua sắm... Nhờ vậy, khách hàng không nhất thiết phải sử dụng tiền mặt để chi trả mà chỉ cần sử dụng dịch vụ chuyển tiền tự động qua thẻ là có thể thanh toán được. Điều này khiến cho việc thanh toán và mua sắm trở nên đơn giản cũng như tăng khả năng thực hiện các giao dịch mua sắm trực tuyến.
Thứ hai, ngân hàng kỹ thuật số mang lại nhiều cơ hội và tiềm năng cho các ngân hàng trên thị trường tài chính tiền tệ:
Tiết kiệm chi phí: Việc áp dụng các nền tảng kỹ thuật số trong hoạt động ngân hàng sẽ cho phép các ngân hàng giảm được chi phí liên quan đến thuê nguồn nhân lực2. Tuy nhiên, đây cũng là một nhược điểm của việc triển khai ngân hàng số khi các ngân hàng phải bỏ ra một số vốn không hề nhỏ để đầu tư công nghệ, trang thiết bị để vận hành cả một hệ thống ngân hàng. Điều này vô hình trung tạo ra áp lực cho các ngân hàng trong giai đoạn đầu cũng như chi phí duy trì quá trình hoạt động bình thường của hệ thống số này. Nhưng không thể phủ nhận, một khi ngân hàng đã thành công bước đầu trong việc xây dựng hệ thống số thì ngân hàng sẽ nhanh chóng thu lại được lợi nhuận khổng lồ.
Tăng khả năng cạnh tranh: Chính vì những lợi ích mà việc số hóa các dịch vụ tài chính mang lại, các ngân hàng trên thị trường tài chính sẽ có nhiều cơ hội để cạnh tranh với nhau. Để thu hút được khách hàng, các ngân hàng không thể giữ mãi cách thức vận hành truyền thống mà phải nhanh chóng thay đổi và chuyển sang mô hình ngân hàng kỹ thuật số. Sau khi đã số hóa bước đầu, ngân hàng phải tiếp tục hoàn thiện và phát triển, thích ứng với các biến đổi không ngừng của thị trường số, cải thiện cách thức hoạt động của các giao dịch. Bằng sự cạnh tranh này, thị trường tài chính và các hoạt động ngân hàng sẽ trở nên sôi động hơn.
Tạo điều kiện gia nhập với thị trường tiền tệ thế giới: Hiện nay, hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa quốc tế đã trở nên phổ biến, trở thành động lực để phát triển nền kinh tế. Trong một giao dịch mua bán hàng hóa thì thanh toán được xem là điều khoản quan trọng và cơ bản mà cả bên mua và bên bán quan tâm. Vì vậy, thanh toán qua ngân hàng là hình thức được ưu tiên lựa chọn vì tính an toàn được bảo đảm. Cho nên, khi ngân hàng chuyển đổi số, việc thanh toán sẽ trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn cho ngân hàng trong việc xác minh và thực hiện nghiệp vụ này.
2. Ngân hàng kỹ thuật số tại Singapore
Ngân hàng kỹ thuật số là bằng việc ứng dụng các nền tảng công nghệ vào quá trình thực hiện các nghiệp vụ của ngân hàng, nói cách khác, ngân hàng kỹ thuật số cung cấp các dịch vụ ngân hàng tương tự như các ngân hàng truyền thống nhưng nó hoạt động mà không có cơ sở hạ tầng vật lý, tức là hoạt động qua nền tảng số. Đây được xem là xu thế tất yếu của hệ thống ngân hàng của các quốc gia, trong đó có Singapore. Vào tháng 12/2020, Cơ quan Tiền tệ Singapore (Monetary Authority of Singapore - MAS) đã trao giấy phép ngân hàng kỹ thuật số cho bốn đơn vị gồm một tập đoàn của Singapore là Sintel và Grab; Sea Limited; Ant Financial; một liên minh của Greenland Financial Holdings Group Co.Ltd, Linklogis Hong Kong Ltd và Beijing Co-operative Equity Investment Fund Management Co.Ltd3. Giấy phép ngân hàng kỹ thuật số có ý nghĩa trong việc giúp các dịch vụ tài chính dễ tiếp cận hơn đối với các phân khúc chưa được phục vụ như các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo quy định của nước này, giấy phép ngân hàng kỹ thuật số gồm hai loại là DFB (giấy phép ngân hàng kỹ thuật số đầy đủ)4 và DWB (giấy phép ngân hàng bán buôn kỹ thuật số)5. Có thể thấy rằng, bản chất ban đầu là các doanh nghiệp không hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, do vậy, khi các doanh nghiệp mong muốn thực hiện các nghiệp vụ dưới dạng số hóa thì doanh nghiệp phải tiến hành xin giấy phép ngân hàng kỹ thuật số. Để được cấp giấy phép ngân hàng kỹ thuật số thì đơn vị xin cấp phải đáp ứng các điều kiện cơ bản sau6:
Thứ nhất, ít nhất một pháp nhân trong nhóm ứng viên có từ 03 năm trở lên trong việc điều hành một doanh nghiệp hiện có trong lĩnh vực công nghệ hoặc thương mại điện tử. Ở đây, điều kiện về hiểu biết công nghệ số được xem là tiêu chí bắt buộc đầu tiên để một doanh nghiệp thực hiện ngân hàng kỹ thuật số, có thể vì xuất phát từ chính tính chất quan trọng của các hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng nên khi chúng được vận hành với một cách thức khác, cách thức số, so với cách thức truyền thống, thì MAS đã đặt ra điều kiện này với chủ đích là nâng cao hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực ngân hàng và tạo niềm tin nơi khách hàng.
Thứ hai, chứng minh khả năng đáp ứng các điều kiện về vốn. Đối với DFB, vốn thanh toán tối thiểu ban đầu là 15 triệu đô la Singapore trước khi tăng dần lên 1,5 tỷ đô la Singapore; còn với DWB, số vốn đã trả là 100 triệu đô la Singapore. Ở đây, điều kiện về vốn được xem là yếu tố quan trọng bởi nếu không đáp ứng, thì doanh nghiệp không thể thực hiện chuyển đổi số bởi lĩnh vực ngân hàng mang tính chất rủi ro cao, nếu không đáp ứng tiêu chí về nguồn vốn thì doanh nghiệp không thể duy trì được quá trình vận hành liên tục, dòng vốn không ổn định, từ đó ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng và sự bình thường trong hoạt động ngân hàng.
Thứ ba, tính bền vững trong mô hình kinh doanh của ngân hàng kỹ thuật số bằng cách đưa ra các dự báo tài chính 05 năm của ngân hàng được đề xuất và nó phải theo hướng có lợi nhuận. Dự báo này phải được xem xét bởi một chuyên gia độc lập với ngân hàng. Để đảm tính chính xác, sự trung thực thì việc đánh giá bởi một chuyên gia bên ngoài là điều cần thiết.
Đối tượng của đơn xin cấp phép hoạt động ngân hàng kỹ thuật số là các công ty có trụ sở chính tại Singapore và do người có quốc tịch là Singapore kiểm soát. Tiêu chí kiểm soát ở đây được xác định dựa trên yếu tố phần trăm cổ phần mà người này nắm giữ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nước ngoài vẫn có thể tham gia hoạt động ngân hàng kỹ thuật số với điều kiện là thành lập một liên doanh với một công ty trong nước và cũng phải đáp ứng yêu cầu về trụ sở chính và quyền kiểm soát như đã đề cập. Một vấn đề đặt ra là sau khi được cấp giấy phép, các ngân hàng kỹ thuật số sẽ không hoạt động ngay mà MAS sẽ chia thành hai giai đoạn với mục đích là giảm thiểu rủi ro cho ngân hàng số thời điểm ban đầu, cụ thể7:
Giai đoạn đầu: Ngân hàng kỹ thuật số sẽ bị hạn chế. Tại thời điểm bắt đầu, tức là 02 năm đầu, ngân hàng kỹ thuật số sẽ phải tuân thủ các hạn chế sau:
- Giới hạn về tiền gửi: Tiền gửi tổng hợp sẽ được giới hạn ở mức 50 triệu đô la Singapore và tiền gửi của cá nhân sẽ được giới hạn ở mức 75 triệu đô la Singapore. Ngoài ra, ngân hàng kỹ thuật số chỉ có thể nhận tiền gửi từ một nhóm nhỏ như đối tác kinh doanh, nhân viên hoặc các bên có liên quan.
- Hạn chế kinh doanh: Ngân hàng số chỉ có thể cung cấp các sản phẩm tín dụng và đầu tư đơn giản, điều này cũng đồng nghĩa rằng, ngân hàng không được cung cấp các sản phẩm đầu tư phức tạp và mang tính chất rủi ro cao. Bên cạnh đó, ngân hàng kỹ thuật số cũng sẽ không được tham gia vào các hoạt động đầu tư như trong công cụ phái sinh, tự do kinh doanh và không được thiết lập hoạt động tại hai thị trường nước ngoài trở lên. MAS ngoài việc giới hạn số tiền gửi của cá nhân, tổ chức thì còn chi phối cả các hoạt động kinh doanh của ngân hàng, tức ngân hàng kỹ thuật số chỉ được phép kinh doanh trong phạm vi cho phép và có những hoạt động không được thực hiện.
- Vốn trả trước tối thiểu: Thấp hơn xuất phát từ phạm vi hoạt động hạn chế, cụ thể là ở mức 15 triệu đô la Singapore.
Tất cả các hạn chế trên xuất phát từ mục đích giúp cho ngân hàng kỹ thuật số trong giai đoạn đầu có thể làm quen và thích nghi với cách thức hoạt động số, nhận biết cơ chế vận hành cũng như đánh giá tình hình, hiệu quả hoạt động của ngân hàng, từ đó, có hướng điều chỉnh phù hợp. Một khi ngân hàng kỹ thuật số đã hoàn thành giai đoạn đầu này thì các hạn chế từ MAS về tiền gửi và tự do kinh doanh sẽ được nới lỏng, số vốn trả góp tối thiểu sẽ được nâng lên tương ứng với hồ sơ rủi ro.
Giai đoạn hai: Là giai đoạn chuyển tiếp của giai đoạn đầu, lúc này, ngân hàng kỹ thuật số sẽ được hoạt động đầy đủ: (i) Tất cả các giới hạn trước đó mà ngân hàng kỹ thuật số đã đáp ứng đủ thì được đánh giá là ngân hàng đã kiểm soát được rủi ro, không gây ra lo ngại đáng kể nào; (ii) Khi đánh giá mức độ sẵn sàng của ngân hàng để trở thành một ngân hàng kỹ thuật số “đầy đủ”, MAS sẽ xem xét đến các yếu tố như hiệu quả kinh doanh, tài chính, chất lượng các khoản vay, chất lượng sản phẩm và dịch vụ khách hàng; khả năng quản lý, kiểm soát rủi ro, từ đó, đưa ra kết luận; (iii) MAS sẽ không quy định về khoảng thời gian mà ngân hàng kỹ thuật số từ hạn chế giai đoạn đầu sang ngân hàng kỹ thuật số “đầy đủ” nhưng điều này không đồng nghĩa rằng việc chuyển tiếp giai đoạn được tùy tiện, có nghĩa là nó chỉ được chuyển khi nó đáp ứng đủ các điều kiện đã được quy định.
Có thể thấy rằng, để trở thành ngân hàng kỹ thuật số là điều không dễ dàng, bởi nó phải vừa đáp ứng các điều kiện do MAS đặt ra, vừa phải đảm bảo quy định về chuyển đổi từ ngân hàng truyền thống sang ngân hàng kỹ thuật số. Có nghĩa rằng, nếu ngân hàng không đáp ứng một trong các điều kiện đã đặt ra, hoặc giai đoạn đầu của ngân hàng kỹ thuật số hoạt động không hiệu quả, tiềm ẩn nhiều rủi ro thì sẽ không được phép thực hiện việc chuyển đổi này. Các quy định này bảo vệ tối đa quyền lợi của khách hàng cũng như duy trì sự ổn định của thị trường tiền tệ. Vì khi một ngân hàng chuyển đổi số thất bại sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, trong đó, sự bất ổn trong nền kinh tế, niềm tin của khách hàng bị ảnh hưởng. Do vậy, chuyển đổi số trong ngân hàng mặc dù mang lại hiệu quả vô cùng lớn nhưng việc thực hiện lại rất phức tạp.
3. Liên hệ và một số kinh nghiệm cho Việt Nam
Chuyển đổi số được xem là xu hướng tất yếu hiện nay của các ngân hàng, phù hợp với thời đại và đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Hầu hết, các ngân hàng lớn đã và đang trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số với nhiều mô hình khác nhau, cụ thể8:
(i) Một số ngân hàng thương mại nhỏ đầu tư thẳng vào công nghệ số như OCB, TPBank; trong đó, tất cả các dịch vụ của ngân hàng được tích hợp trên một nền tảng số duy nhất, giúp khách hàng có thể sử dụng tất cả các dịch vụ mà không cần đến trực tiếp các điểm giao dịch.
(ii) Một số ngân hàng có xu hướng thiết lập một mảng kinh doanh mới hoặc thành lập ngân hàng số thuần túy. Tức là nó được xem là một mảng kinh doanh riêng hướng đến phân khúc khách hàng mới, độc lập với hoạt động kinh doanh truyền thống như Timo của VPBank, LiveBank của TPBank...
(iii) Một số ngân hàng thương mại tập trung chuyển đổi số các hoạt động kinh doanh truyền thống kết hợp với việc tạo ra những sản phẩm, kênh dịch vụ mới cho khách hàng, đồng thời khai thác những mảng kinh doanh mới trên cơ sở kết hợp với các ứng dụng Fintech như Vietcombank, VietinBank, BIDV, ACB, MB...
Hàng loạt các ngân hàng hiện nay đã thực hiện việc chuyển đổi số đạt được nhiều thành công. Chẳng hạn, TPBank đã triển khai mô hình ngân hàng LiveBank tự động hoàn toàn giúp khách hàng chỉ mất 3s để nhận diện và 30s xử lý giao dịch; Techcombank chú trọng phát triển trải nghiệm khách hàng trên Ebanking với mục đích giảm thời gian và chi phí giao dịch cho khách hàng; MB đã tích hợp tất cả các giao dịch ngân hàng và quản lý tài chính hoàn toàn miễn phí trên app MBBank và BizBank; Nam A Bank đã ra mắt hệ sinh thái số OneBank...9 Hiện nay, ngân hàng đã chú trọng phát triển công nghệ kỹ thuật số vào hệ thống ngân hàng. So sánh với cách thức chuyển đổi số tại Singapore thì có thể thấy rằng, chuyển đổi số của các ngân hàng tại Việt Nam có sự khác biệt lớn:
Thứ nhất, ngân hàng kỹ thuật số tại Singapore không đương nhiên được thực hiện, tức là trước khi chuyển đổi số, nó phải đáp ứng các điều kiện do MAS quy định. Còn tại Việt Nam, bất kể ngân hàng nào thực hiện nghiệp vụ ngân hàng và có nhu cầu thì cũng đều có thể thực hiện chuyển đổi số. Cũng như đã đề cập, có nhiều mô hình ngân hàng số ở nước ta, hoặc chuyển đổi toàn bộ hệ thống hoặc kết hợp cả cách thức của ngân hàng số và cách thức truyền thống.
Thứ hai, ngân hàng kỹ thuật số tại Singapore khi đã đáp ứng điều kiện thì không ngay lập tức chuyển đổi số hoàn toàn mà phải thực hiện theo 02 giai đoạn. Đối với Việt Nam, giai đoạn thực hiện chuyển đổi số sẽ phụ thuộc vào chiến lược của từng ngân hàng cũng như chi phí đầu tư hệ thống nền tảng kỹ thuật số, đào tạo nguồn nhân lực chuyên môn.
So sánh quy định của hai quốc gia thì có thể thấy rằng, ngân hàng kỹ thuật số tại Singapore chú trọng vào nền tảng của việc xây dựng và vận hành công nghệ số trong ngân hàng, tức là ưu tiên sự an toàn, hạn chế rủi ro xảy ra. Còn quá trình chuyển đổi số tại các ngân hàng của Việt Nam có phần chú trọng hơn về tính thích nghi thời đại, đáp ứng nhu cầu của khách hàng và phù hợp với hướng đi chung của nền kinh tế.
Từ những so sánh và phân tích trên, một số đề xuất được đưa ra nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam như sau:
Thứ nhất, chú trọng vào xây dựng chiến lược. Các ngân hàng khi thực hiện chuyển đổi số cần chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để đảm bảo cho việc chuyển đổi số thành công, không được đi tắt, đón đầu, bởi một khi xảy ra bất kỳ một sự cố nào, đặc biệt là trong lĩnh vực ngân hàng, thì nó không chỉ ảnh hưởng đến chính hoạt động bình thường của ngân hàng mà còn ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Thứ hai, ưu tiên đảm bảo sự an toàn cho khách hàng. Chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng như đã đề cập là quá trình thay đổi cách thức hoạt động từ truyền thống sang áp dụng các công nghệ kỹ thuật số. Việc chuyển đổi này mặc dù mang lại nhiều lợi ích nhưng vẫn sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là sự an toàn và bảo mật thông tin khách hàng. Không chỉ riêng ngân hàng, mà tất cả các lĩnh vực trong xã hội thực hiện chuyển đổi số, lo ngại hàng đầu chính là sự an toàn của thông tin cá nhân khách hàng, bởi hiện nay, những thông tin rất có giá trị, trở thành đối tượng của nhiều cuộc tấn công mạng, đánh cắp dữ liệu. Do vậy, ngân hàng cần có chính sách, xây dựng hệ thống bảo mật để đảm bảo rằng thông tin khách hàng, tài liệu bí mật luôn được an toàn.
Thứ ba, tuân thủ khung pháp lý. Hiện nay, lĩnh vực ngân hàng đã có khung pháp lý điều chỉnh khá hoàn thiện, góp phần quản lý và kiểm soát hoạt động ngân hàng trở nên an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên, ngân hàng số lại là một khía cạnh mới, nhiều vấn đề khác dần phát sinh và các văn bản pháp luật hiện hành chưa có nhiều sự điều chỉnh. Đây được xem là kẽ hở để nhiều đối tượng phạm tội lợi dụng để thực hiện hành vi tội phạm. Bên cạnh đó, cơ chế quản lý chưa thống nhất sẽ trở thành rào cản khiến cho hoạt động chuyển đổi số trở nên khó khăn. Do vậy, việc ban hành các văn bản pháp luật trong thời điểm hiện nay là điều vô cùng cần thiết.
Như vậy, chuyển đổi số hiện nay là xu thế tất yếu của ngành Ngân hàng tại Việt Nam. So sánh với các quy định của ngân hàng kỹ thuật số tại Singapore, Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm từ cơ chế vận hành và quản lý của họ để từ đó, đánh giá thực tiễn chuyển đổi số tại các ngân hàng trong nước để có hướng đi phù hợp hơn. Chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng đang dần thay đổi cuộc sống con người, thay đổi cách vận hành và thực hiện các nghiệp vụ ngân hàng, sự chuyển đổi này đang dần thích ứng với bước chuyển mình của thời đại số.
1 Tavaga (2021), “Digital Banking and its Foray into the banking sector”, truy cập ngày 06/5/2022,
2 NCR Corporation (2020), “Key benefits digital banking brings to your finacial institution”, truy cập ngày 06/5/2022,
3 Ayman Falak Medina (2021), “Singapore Issues First Digital Banking Licenses: Potential for Regional Expansion”, truy cập ngày 07/5/2022,
4 Giấy phép DFB cho phép một tổ chức cung cấp các hoạt động gửi tiền, cho vay, và các khoản đầu tư thông qua nền tảng trực tuyến của minh.
5 Ayman Falak Medina (2021), “Singapore Issues First Digital Banking Licenses: Potential for Regional Expansion”, truy cập ngày 07/5/2022,
6 “Eligibility criteria and requirements for digital banks”, Monetary Authority of Singapore, tr. 1.
7 “Dgital full bank framework”, Monetary Authority of Singapore, Annex A, tr. 2.
8 Nguyễn Văn Hiệu (2021), “Phát triển ngân hàng số ở Việt Nam - Bức tranh hiện tại và triển vọng”, Tạp chí điện tử Ngân hàng, truy cập ngày 07/5/2022,
9 Minh Thành (2022), “Năm 2021, ngân hàng nào thành công nhất trong chuyển đổi số”, Báo Tuổi trẻ, truy cập ngày 07/5/2022,
Tài liệu tham khảo:
1. Ayman Falak Medina (2021), “Singapore Issues First Digital Banking Licenses: Potential for Regional Expansion”, truy cập ngày 07/5/2022,
2. Ayman Falak Medina (2021), “Singapore Issues First Digital Banking Licenses: Potential for Regional Expansion”, truy cập ngày 07/5/2022,
3. Nguyễn Văn Hiệu (2021), “Phát triển ngân hàng số ở Việt Nam - Bức tranh hiện tại và triển vọng”, Tạp chí điện tử Ngân hàng, truy cập ngày 07/5/2022,
4. Hà My (2021), “Phiên họp thứ nhất Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số”, Cổng thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, truy cập ngày 08/5/2022,
5. NCR Corporation (2020), “Key benefits digital banking brings to your finacial institution”, truy cập ngày 06/5/2022,
6. Tavaga (2021), “Digital Banking and its Foray into the banking sector”, truy cập ngày 06/5/2022,
7. Minh Thành (2022), “Năm 2021, ngân hàng nào thành công nhất trong chuyển đổi số”, Báo Tuổi trẻ, truy cập ngày 07/5/2022,
ThS. Phạm Thị Hồng Tâm - Khoa Luật Kinh tế, Đại học Phan Thiết