Singapore đã đạt được rất nhiều thành tựu trong 60 năm qua. Đó là nhờ nền tảng vững chắc được xây dựng bởi các thủ tướng và chính phủ tiền nhiệm cũng như thế hệ người dân Singapore nối tiếp nhau”. Đó là chia sẻ của tân Thủ tướng Lawrence Wong khi bắt đầu bài phát biểu trực tiếp với người dân đảo sư tử trong Thông điệp tập hợp toàn dân ngày quốc khánh (National Day Rally – NDR), một sự kiện truyền thống thường diễn ra một hay hai tuần sau ngày quốc khánh 9-8 hàng năm.
Không ngần ngại bày tỏ lòng biết ơn với hai vị cựu thủ tướng Goh Chok Tong (nhiệm kỳ 1990-2004) và Lý Hiển Long (nhiệm kỳ 2004-2024), Lawrence Wong tiết lộ rằng ông đã sinh ra và lớn lên trong khu vực bầu cử Marine Parade nơi ông Goh được bầu làm đại biểu quốc hội (ĐBQH).
“Tôi được hưởng rất nhiều từ những thay đổi mà ông Goh mang lại. Marine Parade khi đó là một khu đô thị mới và trường mẫu giáo gần nhất ở khá xa nơi gia đình tôi ở. Tôi nhập học được vài ngày nhưng gặp khó khăn trong đi lại và đứa bé là tôi cứ khóc. Ba mẹ tôi quá mệt mỏi nên đành để con ở nhà và tôi bỏ lỡ gần hết năm đầu tiên ở trường mầm non. May mắn thay, ông Goh đã đưa ra sáng kiến thành lập trường mẫu giáo của Đảng Hành động Nhân dân (PAP) ở Marine Parade, nằm ở vị trí thuận tiện gần nhà tôi. Tôi được học với giáo viên giỏi, cảm thấy thoải mái và hòa nhập tốt. Ở tuổi thiếu niên, tôi thậm chí còn nhận được giải thưởng giáo dục từ ông ấy”, ông Lawrence Wong nói.
Tốt nghiệp phổ thông hạng giỏi, Lawrence Wong nhận học bổng của Ủy ban Dịch vụ Công để sang Mỹ học lấy bằng cử nhân kinh tế tại Đại học Wisconsin – Madison năm 1994 rồi sau đó là cao học kinh tế ứng dụng tại Đại học Michigan năm 1995. Về nước Lawrence Wong bắt đầu làm việc cho guồng máy hành chính công quyền Singapore. Đến năm 2005, ông được chọn làm thư ký riêng (PPS) cho Thủ tướng Lý Hiển Long và phục vụ trong ba năm trước khi được đề bạt làm Cục trưởng Cục Thị trường Năng lượng (EMA) thuộc Bộ Công Thương.
Lawrence Wong thổ lộ vào thời điểm đó, chính trị là điều xa vời nhất trong tâm trí ông và không ai trong gia đình hay bạn bè mong đợi ông sẽ đi theo con đường đó. Nhưng năm 2011 khi Thủ tướng Lý Hiển Long đề nghị tham gia chính trường, Lawrence Wong cảm nhận được những khó khăn mà ông Lý phải đối đầu khi cần tập hợp một đội ngũ trẻ hơn.
Ông tâm sự: “Tôi đã làm việc trong ngành công vụ đủ lâu để hiểu rằng nếu không có những nhà lãnh đạo chính trị giỏi, hệ thống của chúng ta sẽ không hoạt động hiệu quả. Đó là lý do tôi quyết định dấn thân”. Và chuyện gì phải đến đã đến, ông ra tranh cử và được bầu làm ĐBQH để đủ tư cách làm bộ trưởng. Trong 13 năm qua, trước khi được trao quyền làm thủ tướng, ông đã có cơ hội làm việc ở nhiều bộ ngành khác nhau, học hỏi được nhiều điều từ các đồng nghiệp trong nội các.
Việc chuyển tiếp quyền lực lãnh đạo hay gọi vắn tắt là “giao ca thế hệ” có thể được xem là một trong những nền tảng quyết định để đảm bảo duy trì thành công của Singapore kể từ khi đảo quốc này trở thành quốc gia độc lập.
Trong bài phát biểu “chia tay” với người dân Singapore vào đầu tháng 5 vừa qua, ông Lý Hiển Long tự tin cho biết sau hai mươi năm, Singapore ngày càng thịnh vượng hơn với các chiến lược chuyển đổi và nâng cấp nền kinh tế hiệu quả. Việc đầu tư vào các lĩnh vực đầy hứa hẹn như công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, vận tải và dịch vụ tài chính đã mang lại kết quả. Với cơ sở kinh tế ngày càng đa dạng hơn trước, Singapore đã leo lên nấc thang cao hơn trong các chuỗi giá trị, từ nhà máy, dây chuyền sản xuất đến nghiên cứu và phát triển (R&D) về dược phẩm và công nghệ nano. Singapore cũng đã và đang theo kịp những đột phá mạnh mẽ về trí tuệ nhân tạo (AI).
Về thương mại, Singapore còn mở rộng và tăng cường quan hệ đối tác quốc tế, đồng thời nâng cao vai trò của mình với tư cách là trung tâm khu vực và điểm nút toàn cầu. Tất cả những điều này đã thu hút các MNC đến Singapore và cũng giúp các công ty Singapore phát triển thị trường mới ở nước ngoài…
Một cái nhìn khách quan hơn về những thành tựu mà ông Lý đạt được trên cương vị thủ tướng có thể được thể hiện qua bảng tổng kết dưới đây của hãng thông tấn Bloomberg. Theo đó, ông Lý đã lèo lái nền kinh tế vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, đại dịch Covid-19 và xử lý khéo léo và khôn ngoan mối quan hệ giữa Singapore trước cuộc chiến tranh lạnh và căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc.
Xuất khẩu dịch vụ sang đại lục vẫn tăng trưởng mạnh khi Trung Quốc đứng thứ tư trong số các đối tác thương mại của Singapore trong nhiệm kỳ Thủ tướng Lý Hiển Long. Mặc dù chỉ là một chấm nhỏ trên bản đồ thế giới, quốc gia dưới quyền lãnh đạo của ông Lý trong suốt hai mươi năm vẫn nằm trong số những nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới. Singapore cũng được xem là quốc gia hạnh phúc nhất châu Á và được đề cử vào danh sách “Những vùng xanh” (Blue Zones), nơi con người có tuổi thọ cao nhất và khỏe mạnh nhất trên hành tinh.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bloomberg, trong thời gian ông Lý làm thủ tướng, danh tiếng về nền quản trị nhà nước trong sạch của Singapore cũng bị hoen ố do tham nhũng vẫn còn tồn tại với cáo buộc cao nhất đối với một bộ trưởng. Khi chấp thuận đơn từ chức của ông bộ trưởng này, Thủ tướng Lý Hiển Long đã phải khẳng định chính phủ PAP sẽ xử lý trường hợp này một cách “nghiêm khắc” với quyết tâm duy trì sự liêm chính của đảng cầm quyền cũng như danh tiếng của Singapore về sự trung thực và liêm khiết, đáp ứng mong đợi của người dân. Ngoài ra, cuộc giao ca thế hệ cũng diễn ra trong nỗi lo của người dân về lạm phát và chi phí sinh hoạt ngày càng tăng.
Theo cuộc khảo sát hàng quí mới nhất vào tháng 6 của hãng thăm dò dư luận Blackbox Research, 52% số người Singapore được hỏi cho biết chi phí sinh hoạt là vấn đề quan trọng nhất, tiếp theo là tiền lương và tiền công (16%). Đó chính là lý do trong bài phát biểu nhân quốc khánh 9-8, tân Thủ tướng Wong phải đưa những cam kết mà một số nhà phân tích cho là mang tính dân túy (populist), trong đó có việc hỗ trợ người thất nghiệp đi học hoặc học lại kỹ năng, các chính sách duy trì khả năng chi trả nhà HDB, cải thiện chế độ nghỉ phép chung của cha mẹ và tiếp tục trợ cấp nâng cao kỹ năng cho người Singapore.
Về phía ông Lý, cũng trong phát biểu vào tháng 5 vừa qua, ông cảnh báo một giai đoạn rất khó khăn phía trước đang chờ đợi Singapore trong một thế giới có nhiều bất ổn: căng thẳng và cạnh tranh giữa các cường quốc, phi toàn cầu hóa và chủ nghĩa bảo hộ, tiến bộ công nghệ và biến đổi khí hậu, chiến tranh và xung đột vũ trang. Ở nhiều nước, người dân lo lắng và người Singapore cũng nên lo lắng.
Ông thẳng thắn cho rằng nếu người Singapore coi nhẹ tương lai và xem hành trình sắp tới chỉ đơn thuần là du ngoạn cùng chính phủ. Là một quốc gia bé nhỏ đa sắc tộc, đa tôn giáo và phải mở cửa ra bên ngoài, Singapore chắc chắn sẽ bị cuốn theo các thế lực mạnh ngoài nước và các dòng chảy địa chính trị cũng như dễ bị tổn thương trước những gì xảy ra xung quanh và cả toàn cầu. Do đó, Singapore phải tiếp tục tập trung xây dựng đất nước và phát huy tối đa thế mạnh của mình trước sự thật khắc nghiệt của một thế giới nhiều biến động. Ông đưa ra ba nền tảng để Singapore có thể đứng vững và thành công trong tương lai như được tóm tắt trong sơ đồ ở trên.
Về gắn kết xã hội, ông Lý lưu ý Singapore phải luôn ý thức về chia rẽ tiềm ẩn giữa những người “có” và những người “không có”, giữa công dân “sinh ra ở Singapore” và “nhập tịch”, “người bảo thủ” và “người theo chủ nghĩa tự do”, thế hệ “hiện tại” và “tương lai”. Tất cả những khác biệt này có thể bị lợi dụng về mặt chính trị, khiến người Singapore chống đối nhau, quốc gia bị chia rẽ và suy yếu.
Ông cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng đối với khả năng hoạch định dài hạn nhưng điều này chỉ có thể thực hiện được trên sự ổn định và tin cậy về chính trị. Không thể quên rằng toàn bộ hệ thống Singapore được xây dựng trên nền tảng niềm tin vững chắc giữa người dân và chính phủ. Chính đảng cầm quyền PAP được người dân tín nhiệm qua 15 kỳ liên tiếp các cuộc bầu cử công bằng, sòng phẳng. Lời nói đi đôi với việc làm, chính phủ PAP luôn đặt lợi ích tốt nhất của quốc gia lên hàng đầu và cải thiện cuộc sống của người dân.
Theo ông Lý, Singapore hiện có một hệ thống chính trị trong sạch và ổn định như hiện nay là nhờ những cam kết không lay chuyển mang tính nền tảng của hai vị thủ tướng đầu tiên là Lý Quang Diệu và Goh Chok Tong. Hai ông đã làm việc chăm chỉ để xây dựng một hệ thống có thể tồn tại vượt xa nhiệm kỳ thủ tướng của mình.
Ông Lý nhắc nhở rằng Singapore đã thành công và đạt được những thành tựu kinh tế và xã hội đặc biệt, bởi vì hệ thống chính trị của đất nước này rất đặc biệt. Với một đảo quốc không có tài nguyên thiên nhiên, không có đại lục, 700 ki lô mét vuông chẳng là gì cả. Nếu nền chính trị giống các nước khác thì cuối cùng Singapore sẽ trở nên tồi tệ hơn các nước khác.
Nếu bị bao vây bởi chủ nghĩa dân túy, tư duy bộ lạc (tribalism), địa phương hẹp hòi (nativism) hoặc bị ám ảnh bởi những lợi ích ngắn hạn, như một số quốc gia khác – thì Singapore chắc chắn sẽ bị nhấn chìm. Khi đó, tất cả nguồn dự trữ sẽ không tồn tại được lâu, giá trị chẳng còn là bao và người dân không cần xem tài khoản của mình trong ngân hàng còn bao nhiêu tiền.
Một quốc gia sai lầm sẽ không cứu được người dân nên Singapore phải duy trì bằng được ổn định chính trị. Hệ thống chính trị sẽ phát triển theo thời gian nhưng phải theo cách tiếp tục phục vụ lợi ích của Singapore, phục vụ lợi ích người dân và điều này mang lại những cơ hội tốt nhất để xây dựng một tương lai tươi sáng hơn.
(*) Giám đốc Công ty Tư vấn Vietnam Global Network, Singapore