Từ lâu, Singapore đã là một trong những trung tâm tài chính quan trọng nhất của Đông Á. Và trong những năm gần đây, Singapore tiếp tục trở thành thị trường Fintech sôi động bậc nhất nhờ những nỗ lực của cả khu vực tư và công để đổi mới hệ sinh thái công nghệ tài chính quốc gia…
Năm 2023, ngành công nghiệp Fintech Singapore đạt tổng vốn đầu tư 2,2 tỷ USD, bao gồm các hoạt động M&A. vốn cổ phần tư nhân và các giao dịch đầu tư mạo hiểm. Tính đến tháng 10/2023, Singapore có tổng cộng 1.600 công ty Fintech. Theo một nghiên cứu của Singapore Fintech, Singapore chiếm 59% tổng nguồn tài trợ Fintech tại ASEAN và hơn một nửa khối lượng giao dịch của khu vực.
Hiện nay, Singapore hiện được công nhận là một trong ba trung tâm tài chính hàng đầu thế giới, sau New York và London.
Trên thực tế, kể từ khi còn là thuộc địa của Anh, Singapore đã là một trong những trung tâm tài chính quan trọng nhất tại Đông Nam Á.
Sau khi giành được độc lập vào năm 1965, chính phủ Singapore tích cực khuyến khích lĩnh vực tài chính quốc gia tiếp tục phát triển. Theo đó, năm 1968, chính phủ Singapore thành lập Thị trường Đô la Châu Á nhằm mục đích biến Singapore trở thành cầu nối giữa thị trường Mỹ và châu Âu. Năm 2015, Chính phủ Singapore ban hành sáng kiến Quốc gia thông minh nhằm số hóa các chức năng tài chính của nhà nước.
Nhìn chung, trong nhiều năm qua, Chính phủ Singapore đã không ngừng khuyến khích phát triển các dịch vụ tài chính thông qua một loạt các chính sách hỗ trợ, chủ yếu thông qua Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS).
Theo đó, Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS) đã cấp giấy phép ngân hàng số cho các tổ chức phi ngân hàng để khuyến khích họ cung cấp các dịch vụ tài chính đổi mới. MAS cũng thiết lập các chương trình tài trợ và kết nối hợp tác các cơ quan quản lý và các bên liên quan trong ngành để khuyến khích đổi mới công nghệ tài chính một cách lành mạnh và có trách nhiệm.
Ngoài ra, Singapore cũng tích cực tổ chức các sự kiện Fintech, phòng thí nghiệm đổi mới và các sáng kiến khác để tôn vinh và truyền cảm hứng cho cộng đồng Fintech và củng cố vai trò của Singapore ở trung tâm của ngành tài chính toàn cầu. Vào năm 2023, Lễ hội Fintech Singapore – lễ hội Fintech lớn nhất thế giới, đã có đến 66.000 người tham dự từ 150 quốc gia và khu vực.
Thứ nhất, nhà nước là một trong những nhân tố quan trọng trong việc biến Singapore trở thành điểm đến của bất cứ doanh nhân hay nhà đầu tư nào trong lĩnh vực tài chính. Không giống như các trung tâm tài chính khác trên thế giới, Singapore áp dụng cách tiếp cận từ trên xuống để khuyến khích các công ty trong ngành phát triển.
Đơn cử Chương trình Đổi mới và Công nghệ ngành Tài chính (FSTI) 3.0 do Cơ quan tiền tệ Singapore triển khai vào năm 2023, đã khuyến khích và hỗ trợ nhiều dự án tài chính công nghệ trên khắp quốc gia.
FTSI bao gồm một lộ trình đặc biệt dành cho các dự án ESG, hỗ trợ 50% cho các tổ chức tài chính triển khai và mở rộng quy mô các giải pháp công nghệ để có được dữ liệu ESG chất lượng. Ngoài ra, FTSI cung cấp 30% kinh phí cho các dự án tài chính áp dụng trí tuệ nhân tạo.
Bên cạnh đó, hệ sinh thái Fintech Singapore ngày càng mở rộng cũng bởi các công ty trong ngành được hưởng lợi từ mức thuế thấp. Cụ thể, các công ty khởi nghiệp có doanh thu đạt 100.000 USD đầu tiên hoàn toàn được miễn thuế và 200.000 USD thu nhập tiếp theo chỉ phải chịu thuế 50%. Điều này đã tạo ra môi trường thuận lợi để khuyến khích các công ty Fintech phát triển và hạn chế những rào cản về tài chính.
Ngoài ra, Singapore cũng làm rất tốt việc thu hút nhân tài hàng đầu thế giới. Ví dụ, chính phủ gần đây đã triển khai một loại thị thực mới dành riêng cho lĩnh vực công nghệ để thu hút lao động có tay nghề cao trong ngành.
Thứ hai, Singapore là cầu nối để tiếp cận thị trường Đông Nam Á. Theo IMF, Singapore mặc dù là quốc gia nhỏ với chỉ hơn 5 triệu dân, nhưng lại là cửa ngõ dẫn vào toàn bộ khu vực Đông Nam Á, một khu vực có hơn 660 triệu dân và có một số triển vọng tăng trưởng hứa hẹn nhất trên thế giới.
Theo các chuyên gia, Đông Nam Á là khu vực này mang lại nhiều cơ hội lớn cho các công ty tài chính. Đông Nam Á có tỷ lệ cao người dân không được tiếp cận dịch vụ ngân hàng và không được phục vụ đầy đủ bởi các sản phẩm tài chính nói chung. Tuy nhiên, người dân trong khu vực lại có hiểu biết về công nghệ và tỷ lệ thâm nhập di động khá cao.
Đó là lý do tại sao nhiều doanh nghiệp sử dụng Singapore làm căn cứ để mở rộng sang phần còn lại của Đông Nam Á, bao gồm các quốc gia như Malaysia và Indonesia. Và nhờ vị trí là một trung tâm kinh doanh thịnh vượng, bản thân Singapore cũng là một thị trường B2B khổng lồ.
Thứ ba, Singapore có quy định chặt chẽ, thị trường lành mạnh để kinh doanh. Đây cũng là một trong những lý do khiến Singapore luôn đi đầu trong ngành công nghệ regtech (“công nghệ quản lý”) toàn cầu. Trong những năm qua, công nghệ này đã được sử dụng để loại bỏ các sai sót tài chính và toàn bộ lĩnh vực Fintech địa phương đã được hưởng lợi từ những thế mạnh của ngành.
Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS) từng tuyên bố quy định không nên cản trở sự đổi mới. Để đạt được mục tiêu đó, MAS thường xuyên giám sát các dịch vụ mới và liên tục đánh giá xem liệu có thực sự cần thêm quy định hay không. Trên thực tế, Cơ quan tiền tệ Singapore thường nới lỏng các quy định cụ thể để các Fintech có thể đổi mới tốt hơn và nhanh hơn.