Liên hợp quốc đã công bố Báo cáo quản trị AI, thúc giục các quốc gia hợp tác và giải quyết các thách thức toàn cầu liên quan đến trí tuệ nhân tạo...
Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã trích dẫn các biện pháp đầu tiên để quản lý các công nghệ mới bao gồm Trí tuệ nhân tạo. Đây được xem là một "bước tiến lớn" trong việc cải cách các tổ chức tài chính quốc tế và cam kết tăng cường nguồn lực cho các nước đang phát triển để đáp ứng các mục tiêu phát triển của Liên Hợp Quốc vào năm 2030.
Cuối năm 2023, Liên hợp quốc đã thành lập một nhóm chuyên gia hàng đầu về trí tuệ nhân tạo (AI) để tìm ra cách quản lý tốt nhất công nghệ này. Đó là nhóm HLAB-AI (United Nations Secretary-General’s High-level Advisory Body on Artificial Intelligence), gồm khoảng 40 người đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau, như công nghệ, luật pháp và bảo vệ thông tin cá nhân. Họ sẽ cùng nhau thảo luận và đưa ra những khuyến nghị để tận dụng tối đa lợi ích của AI đồng thời giảm thiểu những rủi ro tiềm ẩn.
Báo cáo mới nhất của HLAB-AI, “Quản trị AI cho nhân loại”, được công bố ngày 19/9, ngay trước thềm "Hội nghị thượng đỉnh Tương lai", đã phơi bày những lỗ hổng nghiêm trọng trong việc quản lý trí tuệ nhân tạo (AI) trên toàn cầu. Thậm chí đáng lo ngại hơn, báo cáo còn chỉ ra rằng các quốc gia đang phát triển đang bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua định hình tương lai của công nghệ này.
“Bản chất của công nghệ – xuyên biên giới về cấu trúc và ứng dụng – đòi hỏi một cách tiếp cận toàn cầu”, báo cáo của nhóm chuyên gia do Tổng thư ký Liên hợp quốc chỉ định kết luận.
Trí tuệ nhân tạo đang biến đổi thế giới, từ việc mở ra các lĩnh vực nghiên cứu khoa học mới và tối ưu hóa lưới điện, đến cải thiện sức khỏe cộng đồng và nông nghiệp và thúc đẩy tiến độ thực hiện 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDG).
Tuy nhiên, mặc dù có tiềm năng to lớn song nếu không được quản lý, lợi ích của AI có thể chỉ giới hạn ở một số ít quốc gia, công ty và cá nhân tiên phong, làm gia tăng khoảng cách kỹ thuật số và bất bình đẳng.
Trong nỗ lực giảm thiểu những rủi ro này, báo cáo của Liên hợp quốc đã đề xuất một số khuyến nghị để thiết lập khuôn khổ cho quản trị AI toàn cầu.
Báo cáo cũng bày tỏ mối quan ngại sâu sắc nhất về những cách thức mà AI có thể được xây dựng và sử dụng. Những nguyên liệu thô cần thiết cho công nghệ AI – bao gồm các khoáng sản quan trọng – có thể dẫn đến cuộc chiến giành quyền lực và sự giàu có đối với những nguyên liệu quý hiếm trên quy mô toàn cầu.
Khả năng gia tăng chạy đua vũ trang do những tiến bộ trong công nghệ AI cũng có thể gây nguy hiểm cho an ninh con người. Sự thiên vị và giám sát AI là một lĩnh vực đáng lo ngại khác, với việc tạo ra và phát tán thông tin sai lệch có khả năng gây hại cho người dân.
Liên hợp quốc cho biết chỉ có bảy quốc gia (Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Anh và Hoa Kỳ) là các bên tham gia bảy sáng kiến AI nổi bật, trong khi 118 quốc gia, chủ yếu ở Nam bán cầu, không tham gia vào bất kỳ sáng kiến nào.
Báo cáo của Liên hợp quốc cũng nhấn mạnh “Chúng ta phải thừa nhận rằng trong lịch sử, nhiều cộng đồng đã hoàn toàn bị loại khỏi các cuộc thảo luận về quản trị AI có tác động đến họ".
Để giải quyết những lo ngại này, nhóm chuyên gia của Liên hợp quốc đang đề xuất một số khuyến nghị để điều chỉnh việc sử dụng AI. Cụ thể, HLAB-AI đã đưa ra 7 khuyến nghị chính để quản lý AI hiệu quả hơn.
Thứ nhất là thành lập một hội đồng khoa học về AI. Tương tự như Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu, hội đồng này sẽ nghiên cứu sâu về AI để đưa ra những hiểu biết chung.
Thứ hai là thành lập Quỹ AI toàn cầu. Quỹ này sẽ giúp các nước đang phát triển tiếp cận công nghệ AI, tài liệu và kiến thức cần thiết.
Thứ ba, tổ chức các cuộc đối thoại chính sách thường xuyên, mục tiêu là tăng cường sự hợp tác quốc tế và thống nhất các quy định về AI.
Thứ tư là xây dựng một sàn giao dịch tiêu chuẩn AI. Sàn giao dịch này sẽ giúp các hệ thống AI có thể tương tác với nhau trên toàn cầu.
Thứ năm, thành lập mạng lưới phát triển năng lực AI, mạng lưới này sẽ cung cấp đào tạo và hỗ trợ để nâng cao năng lực AI của các quốc gia.
Thứ sáu, xây dựng khuôn khổ dữ liệu AI toàn cầu. Khung khổ này sẽ đảm bảo tính minh bạch và an toàn của dữ liệu sử dụng trong AI.
Và thứ bảy là thành lập văn phòng AI trực thuộc LHQ. Văn phòng này sẽ điều phối và hỗ trợ việc thực hiện các khuyến nghị trên.
Đặc biệt, HLAB-AI nhấn mạnh rằng bất kỳ việc triển khai AI nào trong bối cảnh quân sự đều phải tuân thủ luật nhân đạo quốc tế và các tiêu chuẩn nhân quyền và khuyến nghị các quốc gia thiết lập khuôn khổ pháp lý và cơ chế giám sát mạnh mẽ.
Các khuyến nghị này kêu gọi các quốc gia thành viên Liên hợp quốc đặt nền móng cho kiến trúc toàn cầu đầu tiên cho quản trị AI dựa trên sự hợp tác và minh bạch quốc tế.