Kinh tế dữ liệu: Thị trường tiềm năng trông chờ khung pháp lý

Lưu Minh Sang (*)| 19/08/2024 15:44

Pháp luật hiện hành thiếu vắng các quy định xác định tính pháp lý, tiêu chuẩn dữ liệu cũng như cơ chế điều chỉnh các quan hệ pháp luật giao dịch, sử dụng dữ liệu… Quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân và an toàn thông tin vẫn ở giai đoạn khởi đầu thực hiện.

Triển vọng thị trường

Trong cuộc đua về phát triển kinh tế số, Việt Nam đang được xem là một ngôi sao sáng về tốc độ tăng trưởng trong những năm gần đây với vị trí đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Theo Báo cáo E-Conomy Sea của Google, Temasek và Bain, quy mô tổng thể nền kinh tế số Việt Nam đạt mức 30 tỉ đô la Mỹ vào năm 2023, dự kiến tiến tới 45 tỉ đô la Mỹ vào năm 2025. Tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng với mức 38% vào năm 2022, 19% vào năm 2023. Điều này phản ánh khá rõ nét về nhu cầu cũng như tiềm năng của ngành công nghiệp dữ liệu.

Điểm sáng của ngành công nghiệp dữ liệu tại Việt Nam có lẽ là sự hình thành và phát triển các trung tâm dữ liệu của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Theo thống kê của Bộ Công an thì hiện có chín doanh nghiệp đang cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu với 43 trung tâm dữ liệu trên toàn quốc, 571.000 máy chủ và 54,7 triệu lõi vật lý.

Ngoài ra, liên quan đến hạ tầng trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây thì hiện có 13 doanh nghiệp đang tham gia cung cấp dịch vụ, 45 trung tâm dữ liệu với 28.000 racks. Nhu cầu đối với dịch vụ này được ước tính tiếp tục gia tăng trong những năm tiếp theo và quy mô thị trường có thể đạt 1,5 tỉ đô la Mỹ trong năm 2026.

Viễn cảnh này cũng đồng pha với quan điểm của JLL về tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường dịch vụ trung tâm dữ liệu ở Việt Nam tại Báo cáo mang tên “Trung tâm dữ liệu Việt Nam – Cơ hội nơi đường chân trời” được công bố tháng 5-2024.

Ngành công nghiệp dữ liệu tại Việt Nam vẫn chưa thực sự hình thành một cách có hệ thống và tạo thành một hệ sinh thái đầy đủ để đáp ứng nhu cầu của kinh tế số.

Luật viễn thông 2023 vừa có hiệu lực đã được bổ sung nhiều quy định về các dịch vụ viễn thông mới, bao gồm dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ trung tâm dữ liệu. Đây có thể xem là một cú huých quan trọng làm bệ đỡ cho sự phát triển mạnh mẽ của thị trường trung tâm dữ liệu tại Việt Nam trong thời gian tiếp theo.

Bên cạnh đó, trong những năm qua, Nhà nước đã bước đầu khởi tạo và hình thành được một số cơ sở dữ liệu quốc gia có giá trị. Hoạt động kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu bước đầu đã thực hiện, góp phần thúc đẩy cải cách hành chính cũng như giúp hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của một số doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh đặc thù như ngân hàng thương mại…

Nút thắt của nền kinh tế dữ liệu

Mặc dù vậy, ngành công nghiệp dữ liệu tại Việt Nam vẫn chưa thực sự hình thành một cách có hệ thống và tạo thành một hệ sinh thái đầy đủ để đáp ứng nhu cầu của kinh tế số. Các hoạt động chia sẻ, khai thác dữ liệu vẫn đang ở giai đoạn sơ khai, tự phát và thiếu tính hệ thống. Chưa kể, các hoạt động trao đổi, giao dịch dữ liệu trái phép còn diễn ra tràn lan và khá nghiêm trọng.

Theo thống kê của Bộ Công an, chỉ trong hai năm 2019 và 2020, bộ này đã phát hiện và xử lý hàng trăm tổ chức, cá nhân liên quan đến mua bán dữ liệu cá nhân trái phép. Thậm chí, hoạt động này còn diễn ra trên quy mô lớn, có tổ chức. Số lượng dữ liệu cá nhân (trong đó bao gồm nhiều dữ liệu nhạy cảm, mang tính nội bộ hay liên quan đến quyền riêng tư) bị thu thập và giao dịch trái phép lên đến gần 1.300 Gb.

Qua đó, có thể thấy hoạt động trao đổi, giao dịch dữ liệu luôn tiềm ẩn hàng loạt rủi ro về lộ lọt thông tin nhạy cảm, thông tin cá nhân của công dân và tác động không nhỏ đến trật tự an toàn xã hội cũng như an ninh quốc gia. Nhìn ở góc độ khác, những số liệu này cũng cho thấy nhu cầu thực sự của các chủ thể trong nền kinh tế đối với dữ liệu và các sản phẩm, dịch vụ phát sinh từ dữ liệu vẫn chưa được đáp ứng.

Trong Chiến lược dữ liệu quốc gia được ban hành theo Quyết định số 142/QĐ-TTg ngày 2-2-2024 của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ định hướng xây dựng các sàn giao dịch dữ liệu trong tương lai. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành thiếu vắng các quy định xác định tính pháp lý, tiêu chuẩn dữ liệu cũng như thiếu cơ chế điều chỉnh các quan hệ pháp luật về trao đổi, giao dịch, sử dụng dữ liệu và sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu. Đồng thời các quy định liên quan đến bảo vệ dữ liệu cá nhân và an toàn thông tin cũng chỉ đang ở những giai đoạn đầu của việc thực hiện, cần phải tiếp tục hoàn thiện.

Vì lẽ đó, việc cùng lúc xây dựng ba dự luật bao gồm Luật Dữ liệu, Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân và Luật Công nghiệp công nghệ số là một bước đi mang tính chiến lược và đúng đắn của Việt Nam. Nếu được thiết kế một cách đồng bộ, nhất quán trong cách tiếp cận, ba đạo luật này có thể tạo nên một không gian pháp lý hoàn chỉnh để hình thành nên một ngành công nghiệp dữ liệu phát triển bền vững và an toàn.

(*) Trường Đại học Kinh tế – Luật, ĐHQG TPHCM

Bài liên quan
  • Hướng đến nền kinh tế hydro xanh
    Với sự kết nối của Viện Chiến lược phát triển Kinh tế số (IDS), những ngày qua, bà Stefanie Peters, Giám đốc điều hành Công ty Neuman & Essers (Đức), đã dẫn đầu đoàn công tác sang tìm hiểu cơ hội kinh doanh và thúc đẩy sản xuất hydro xanh tại Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật Tin tức IDS
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế dữ liệu: Thị trường tiềm năng trông chờ khung pháp lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO