Sự ổn định của pháp luật là quan trọng nhưng trong bối cảnh khoa học, công nghệ phát triển nhanh như hiện nay, việc có các quy định cho phép triển khai thử nghiệm, ứng dụng công nghệ mới cũng quan trọng không kém. Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), dự kiến được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp cuối năm nay, nếu không cập nhật thực tiễn, xu thế của ứng dụng công nghệ mới thì sẽ lạc hậu ngay khi ban hành.
Lợi ích vượt trội
Một trong những xu thế phát triển của các tổ chức tín dụng đó là bên cạnh chuyển đổi số các ngân hàng truyền thống đã xuất hiện các ngân hàng số - còn gọi là ngân hàng internet (internet-only bank, neo bank).
Ngân hàng số hoạt động hoàn toàn trên môi trường số, không có các chi nhánh, phòng giao dịch nhờ các nền tảng công nghệ tài chính, ngân hàng mới vượt trội như: trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), điện toán đám mây (cloud), chuỗi khối (blockchain),... Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, ngân hàng số thường là sự kết hợp, liên kết giữa ngân hàng truyền thống và fintech (công nghệ tài chính) để cung cấp dịch vụ ngân hàng trực tuyến với một số điều kiện nhất định, trên một siêu ứng dụng (super app) di động.
Ở ngân hàng số,các dịch vụ cơ bản được thực hiện trên nền tảng số nên tốc độ rất nhanh, thuận tiện, an toàn, chi phí rẻ, phục vụ mọi đối tượng. Các dịch vụ cũng đa dạng với những khoản/món tiền được quy định cụ thể, không hạn chế về không gian và thời gian;hướng tới cá nhân hóa dịch vụ, ưu tiên sự tiện lợidựa trên các nguồn dữ liệu được phân tích từ hành vi khách hàng để đáp ứng nhu cầu càng đa dạng của người sử dụng dịch vụ ngân hàng. Từ đó, mở ra cơ hội thuận lợi, rộng rãi nhất cho khách hàng, nhất là trên phương diện cung cấp dịch vụ tài chính bao trùm, tài chính toàn diện tới mọi đối tượng yếu thế trong xã hội, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt…
Hiện nay, nhiều nước và vùng lãnh thổ đã ban hành và triển khai cấp giấy phép ngân hàng số như Hàn Quốc, Trung Quốc, Hong Kong, Malaysia, Philippines, Indonesia, Đài Loan… Một số quốc gia phát triển như Anh, Australia, Thụy Sĩ hay Singapore cũng thử nghiệm quy trình cấp phép theo từng giai đoạn, theo đó ngân hàng số mới thành lập sẽ hoạt động với một số giới hạn nhất định trước khi được cấp phép đầy đủ. Một số nước khác lại không tạo ra bất kỳ thủ tục cấp phép cụ thể nào mà chỉ dựa trên quy định cấp phép hiện hành trên cơ sở đánh giá rủi ro của các ngân hàng số như Brazil, Đức, Nam Phi, UAE,…
Bên cạnh ta, Trung Quốc đã có Luật về ngân hàng số (intenet-only bank) từ năm 2020 và đến nay Trung Quốc đã cấp phép cho 5 ngân hàng số. Malaysia đã cấp 5 giấy phép; Singapore: 2, Hong Kong (Trung Quốc): 8, Đài Loan (Trung Quốc): 2 giấy phép[i]… Người viết cũng đã trực tiếp khảo sát, nghiên cứu hoạt động của mô hình ngân hàng internet của Hàn Quốc như Ngân hàng Kakao, Ngân hàng Toss và cảm nhận được những lợi ích vượt trội so với ngân hàng truyền thống ở một số loại hình dịch vụ nhất định theo luật định.
Ba chữ "ngân hàng số" sẽ mở đường phát triển
Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) mới đề cập đến hoạt động ngân hàng điện tử (số hóa ngân hàng truyền thống) mà chưa đề cập đến hoạt động của ngân hàng số như một khái niệm rộng hơn khái niệm ngân hàng điện tử; và do đó cũng chưa quy định những nội dung điều chỉnh mô hình ngân hàng số. Như vậy, hành lang pháp lý hiện hành chưa thật sự tương thích, bao quát toàn bộ quá trình số hóa dịch vụ ngân hàng, chưa thực sự thúc đẩy cho phát triển ngân hàng số.
Ban đầu, trong đề cương xây dựng Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có đề cập đến ngân hàng số (Điều 97). Tuy nhiên, tại các bản dự thảo sau này, không biết vì lý do gì, nội dung này đã được gỡ bỏ. Điều này rất đáng tiếc vì đây là xu thế của chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng. Việc quy định cơ bản nhất về ngân hàng số trong dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sẽ là cơ sở pháp lý để sau này Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, ban hành những quy định chi tiếtcho việc thử nghiệm mô hình ngân hàng số.
Sau hơn 10 năm chúng ta mới sửa Luật Các tổ chức tín dụng và không biết khi nào sẽ sửa tiếp. Vì vậy, thật thiếu sót nếu lần này chúng ta không thảo luận và đưa vào luật các quy định về mô hình ngân hàng số. Bên cạnh đó, trong lúc chúng ta đang nỗ lực tìm tòi những động lực phát triển mới thì theo người viết, quy định về ngân hàng số chính là một trong những động lực đó, tạo ra cơ hội đầu tư, phát triển các nền tảng công nghệ để thúc đẩy hình thành ngân hàng số trong tương lai. Chỉ mấy chữ “ngân hàng số” trong dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có thể tạo ra sự khác biệt, có tác dụng định hướng, thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng trong lần sửa đổi, bổ sung toàn diện luật lần này.
Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đang ở giai đoạn xin ý kiến Quốc hội lần thứ 2 nên các đại biểu Quốc hội có thể thực hiện sáng kiến lập pháp để bổ sung ngân hàng số vào dự thảo Luật. Có thể thiết kế giải thích từ ngữ về ngân hàng số ở Điều 4 và “giao Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập, tổ chức và hoạt động của ngân hàng số” tại Điều 100, sau quy định về cơ chế thử nghiệm trong dự thảo hiện hành. Suy cho cùng, luật pháp và quản lý nhà nước chính là để mở đường, tạo điều kiện để kinh tế đất nước phát triển.
[i]https://fintechnews.hk/18624/virtual-banking/china-leads-2022-ranking-of-top-digital-banks-in-asia-pacific/
https://www.competitionpolicyinternational.com/china-gov-finalizing-laws-for-digital-only-banking/