Hoàn thiện phát triển hệ sinh thái fintech tại Việt Nam

Nguyễn Hoàng Nam| 23/07/2024 08:08

Với tỷ lệ cao dân số trẻ hiểu biết về kỹ thuật số và sử dụng thành thạo các ứng dụng di động, Việt Nam là một trong những thị trường phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái công nghệ tài chính (fintech).

Fintech được Citigroup khởi sướng từ đầu những năm 1990, với tên gọi Hiệp hội Công nghệ dịch vụ tài chính. Mục đích là tạo điều kiện cho các hoạt động hợp tác về công nghệ giữa các bên trên thị trường. Đến đầu năm 2014, fintech nhận được sự chú ý của nhiều tổ chức tài chính lớn tại New York, phát triển nhanh chóng và trở thành một ngành công nghiệp lớn ở Mỹ. Chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm, giá trị đầu tư fintech ở Mỹ đã tăng từ 3,39 tỷ USD lên mức 9,89 tỷ USD.

Xu hướng ứng dụng các giải pháp fintech lan rộng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Dưới sự phát triển không ngừng của các công ty fintech, nhiều sản phẩm, dịch vụ được cải tiến, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Giao dịch fintech ngày nay được biết đến thông qua nhiều dịch vụ tài chính khác nhau như ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán.

Về cốt lõi, fintech được sử dụng để giúp các công ty, chủ sở hữu doanh nghiệp và người tiêu dùng quản lý tốt hơn các quy trình hoạt động tài chính bằng cách sử dụng phần mềm và thuật toán chuyên biệt trên máy tính và các thiết bị thông minh khác. Nhìn nhận dưới góc độ vai trò và chức năng, có thể phân loại fintech thành 4 cấp độ, từ cơ bản đến nâng cao.

Ở cấp độ 1, các công ty fintech đóng vai trò như đơn vị trung gian kết nối, thực hiện thông qua việc hỗ trợ giữa bên có nhu cầu và bên đáp ứng các nhu cầu nhờ vào những thiết bị, sản phẩm công nghệ thông tin như phần mềm máy tính, ứng dụng trên App store.

Ở cấp độ 2, bên cạnh vai trò là trung gian, các công ty fintech dựa vào dữ liệu thu thập để tiến hành tìm hiểu, kiểm tra bên có nhu cầu nhằm đánh giá khả năng trả nợ nếu là hoạt động vay (hay còn gọi là thẩm định); đánh giá mục tiêu tài chính nếu là hoạt động giao dịch, tiêu biểu như hoạt động giao dịch chứng khoán; hay nhận diện thông tin cá nhân nếu là hoạt động thanh toán trực tuyến…

Ở cấp độ 3, các công ty fintech không những là trung gian kết nối, đánh giá khách hàng, mà còn tham gia thiết kế, điều chỉnh sản phẩm, dịch vụ sao cho phù hợp với nhu cầu khách hàng. Các công ty fintech ở cấp độ 3 gần như hình thành hoạt động tư vấn đối với khách hàng, tập trung tìm hiểu tâm lý, thị hiếu đối với sản phẩm, dịch vụ của bên có nhu cầu để gia tăng cơ hội bán sản phẩm.

Ví dụ, trong hoạt động cho vay, công ty fintech sẽ có khả năng chủ động cấu trúc món vay từ lãi suất, chi phí cho đến cách thức trả nợ, cho vay có tài sản đảm bảo hay thực hiện qua tín chấp thông qua trao đổi, thương lượng với khách hàng. Tuy nhiên, quyết định cung cấp sản phẩm, dịch vụ hay không trong trường hợp này vẫn phụ thuộc vào bên đáp ứng các nhu cầu.

Ở cấp độ 4, ngoài các đặc điểm chức năng của 3 cấp độ trên, các công ty fintech còn trực tiếp cung cấp sản phẩm, dịch vụ đến khách hàng. Công ty fintech trong cấp độ 4 hoạt động như một tổ chức với đầy đủ các chức năng từ sản xuất, tư vấn, thương lượng, phân phối và nhận thanh toán. Vì vậy, đây được xem là cấp độ cao nhất của các công ty fintech.

Ngày 6/9/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 100/NQ-CP thông qua đề nghị xây dựng Nghị định liên quan đến cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động fintech trong lĩnh vực ngân hàng. Một trong các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu đặt ra là ban hành khuôn khổ cơ chế quản lý thử nghiệm (sandbox) đối với hoạt động fintech trong hoạt động ngân hàng, thanh toán không dùng tiền mặt…

Nghị định trên được kỳ vọng sẽ sớm được đưa vào thực thi để tạo hành lang pháp lý cho nhu cầu giao dịch, an toàn vận hành và nền tảng quản lý công khai, minh bạch trên thị trường tài chính. Gần đây, để triển khai fintech vào hệ thống nghiệp vụ hoạt động của ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đề xuất 3 lĩnh vực sẽ được thử nghiệm giải pháp fintech bao gồm chấm điểm tín dụng, chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API) và cho vay ngang hàng (P2P Lending).

Ngoài việc phát triển các giải pháp công nghệ tiếp cận dịch vụ tài chính chuyên nghiệp, nhiều tổ chức fintech còn quan tâm đến những thách thức môi trường như phòng chống biến đổi khí hậu, giải quyết vấn đề mất mát đa dạng sinh học, hướng tới những giá trị cộng đồng bền vững.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tin tức IDS
Đừng bỏ lỡ
Hoàn thiện phát triển hệ sinh thái fintech tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO