Gỡ khó cho thị trường tài chính tiêu dùng

Vân Phong| 03/11/2023 08:39

Để hình thành thói quen “vay văn minh, trả văn minh” giữa công ty tài chính tiêu dùng và khách hàng vay tiêu dùng, đồng thời hạn chế tín dụng đen, các chuyên gia khuyến nghị cần sửa đổi một số quy định pháp luật theo hướng bình đẳng hóa quan hệ giữa hai bên và thay đổi phương thức tính lãi suất cho vay.

Người vay và đơn vị cho vay đều gặp khó

Thị trường tín dụng tiêu dùng có xu hướng phát triển nhanh 5 năm gần đây với tốc độ tăng trưởng bình quân 20% một năm. Dư nợ cho vay phục vụ đời sống toàn hệ thống đạt khoảng 2,67 triệu tỉ đồng tính đến 31-8-2023, tương đương 21% tổng dư nợ nền kinh tế, và tăng 2,93% so với cuối năm 2022. Trong đó, dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống của 16 công ty tài chính do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp phép là 135.945,36 tỉ đồng, chiếm khoảng hơn 5% dư nợ cho cho vay phục vụ đời sống.

Tuy nhiên, thị trường tín dụng tiêu dùng đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Bối cảnh kinh tế khó khăn khiến lợi nhuận nhiều công ty tài chính sụt giảm, thậm chí lỗ đậm, cùng tình trạng nợ xấu tăng nhanh, phải thu hẹp quy mô hoạt động. Điều này thể hiện qua kết quả kinh doanh nửa đầu 2023 của một số doanh nghiệp.

Công ty Tài chính Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (FE Credit), đơn vị dẫn đầu về thị phần, có lợi nhuận âm gần 3.000 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm 2023, tương đương với mức lợi nhuận trong nửa cuối năm ngoái 2022. Lũy kế 4 quí, doanh nghiệp này lỗ khoảng 6.000 tỉ đồng.

Điều này khiến vốn chủ sở hữu của FE Credit giảm hơn 35%, từ hơn 15.900 tỉ đồng vào cuối quí 2-2022 xuống còn 10.250 tỉ đồng vào cuối quí 2-2023. Còn tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) giảm từ mức 0,9% về mức âm 29,23%.

Lý giải kết quả, đại diện FE Credit đánh giá lĩnh vực tài chính tiêu dùng trải qua một năm khủng hoảng khi phải đối mặt liên tiếp với nhiều khó khăn, như suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát khiến lãi suất tăng cao. Người lao động thu nhập trung bình thấp, vốn là phân khúc khách hàng chính của họ, mất việc hàng loạt do nhiều doanh nghiệp thiếu hụt đơn hàng hoặc giải thể.

Kinh doanh khó khăn, vốn chủ sở hữu của FE Credit tính đến 30-6-2023 cũng sụt nhưng nợ phải trả ghi nhận tại cuối quí 2-2023 là 55.657 tỉ đồng, giảm hơn 8.300 tỉ đồng so cùng kỳ. Trong đó, dư nợ trái phiếu gần 2.400 tỉ đồng.

Ngoài FE Credit, một công ty khác trong nửa đầu năm nay cũng báo lỗ là Công ty tài chính Shinhan Việt Nam (Shinhan Finance), thành viên của Shinhan Card (Hàn Quốc). Cùng kỳ năm ngoái, Shinhan Finance báo lãi lợi nhuận sau thuế là hơn 90 tỉ đồng, nhưng sang nửa đầu năm nay, đơn vị này báo lợi nhuận âm gần 250 tỉ đồng.

Công ty tài chính cổ phần Tín Việt (VietCredit) ghi nhận lợi nhuận sau thuế âm hơn 73 tỉ đồng trong nửa đầu năm 2023 sau soát xét. Tại báo cáo tự lập trước đó, công ty báo lãi 17 tỉ đồng. Nguyên nhân lỗ chủ yếu đến từ thu nhập lãi thuần trong kỳ của VietCredit đạt 487 tỉ đồng, giảm 25% so cùng kỳ, trong khi dư nợ giảm và chi phí tăng.

Công ty cổ phần kinh doanh F88 thông báo tình hình tài chính nửa đầu năm 2023 với lợi nhuận sau thuế âm 368 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm 2023, trong khi cùng kỳ năm trước vẫn lãi 46,27 tỉ đồng. Điều này khiến tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) giảm mạnh từ mức 9,1% về mức âm 30,1%. Đáng lưu ý, trước khi ghi nhận lợi nhuận âm thì F88 từng ghi nhận lợi nhuận dương nhiều năm liên tiếp.

Không thua lỗ, nhưng Công ty tài chính Home Credit Việt Nam, đơn vị chiếm thị phần thứ hai, ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm giảm hơn 60% so cùng kỳ năm trước, xuống còn 211 tỉ đồng.

Mức sụt giảm mạnh cũng ghi nhận tại Công ty tài chính MB Shinsei (Mcredit) – liên doanh giữa Ngân hàng Quân đội (MB) và Ngân hàng SBI Shinsei từ Nhật Bản. Lãi sau thuế của Mcredit giảm hơn 30% so cùng kỳ, chỉ còn 328 tỉ đồng.

Kết quả kinh doanh của nhóm tài chính tiêu dùng đi xuống trong bối cảnh tệp khách hàng chính của họ rơi vào khó khăn, kéo theo nợ xấu tăng nhanh.

Một báo cáo của FiinGroup cho thấy nợ xấu tại các tổ chức tài chính đã tăng từ mức 10,7% ở thời điểm cuối năm 2022 lên mức 12,5% tại thời điểm cuối tháng 6-2023. Theo đó, nợ xấu của nhiều công ty tài chính trong khoảng 8–10%, cá biệt có công ty ở mức 20%.

Công ty tài chính cổ phần Điện lực (EVNFinance) ghi nhận tổng nợ xấu ở mức 347 tỉ đồng tại thời điểm 30-6-2023, tương ứng tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,13%, giảm 0,51% so thời điểm cuối năm 2022. Tuy nhiên, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) ở mức hơn 122 tỉ đồng tại thời điểm 30-6, chiếm 35,1% tổng nợ xấu và tăng tới 20,6% so thời điểm đầu năm.

Cũng trong giai đoạn 6 tháng đầu năm 2022, EVNFinance đã trích lập dự phòng thêm khoảng 247,8 tỉ đồng – cao hơn rất nhiều so cùng giai đoạn năm 2022, gồm 45,9 tỉ đồng trích lập dự phòng chung và 201,9 tỉ đồng trích lập dự phòng cụ thể. Ngược lại, sử dụng 292,6 tỉ đồng để xử lý rủi ro tín dụng cụ thể, trong khi cùng giai đoạn năm 2022 chỉ là 16,4 tỉ đồng.

Công ty tài chính cổ phần Tín Việt (VietCredit), báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm 2023 ghi nhận tổng nợ xấu ở mức 819,3 tỉ đồng tại thời điểm giữa năm 2023, tương ứng tỷ lệ nợ xấu ở mức 20,1%, tăng 8,2% so thời điểm cuối năm 2022. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) và nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) lần lượt ở mức 312,1 tỉ đồng và 485,8 tỉ đồng tại thời điểm 30-6, tăng tới 33,7% và 102,9% so thời điểm đầu năm.

Đáng lưu ý, giá trị các khoản cho vay cá nhân của doanh nghiệp chiếm tỷ trọng 91,33% tính trên tổng dư nợ. Các khoản cho vay với cá nhân được doanh nghiệp phân loại vào khoản mục hoạt động dịch vụ cá nhân và cộng đồng khi phân loại dư nợ vay theo ngành.

Cũng trong giai đoạn này, VietCredit đã trích lập dự phòng rủi ro cho vay khách hàng thêm khoảng 398,4 tỉ đồng. Ngược lại, sử dụng 293,3 tỉ đồng để xử lý rủi ro tín dụng cụ thể.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nợ xấu tăng mạnh tại các tổ chức tài chính là do ảnh hưởng từ nền kinh tế gặp khó khăn. Trong 9 tháng năm 2023, GDP của Việt Nam tăng 4,24%, mức thấp nhất trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay (trừ năm 2020, 2021 do tác động của dịch Covid-19).

Ngoài ra, nhiều công ty tài chính còn phải đối mặt với làn sóng “bùng nợ” một cách có chủ đích từ phía khách hàng. Nhiều khách hàng không trả nợ, vin vào lý do cơ quan chức năng gần đây “triệt phá đường dây đòi nợ”, khởi tố, bắt giữ nhiều đối tượng thu hồi nợ theo kiểu “cưỡng đoạt tài sản”.

Tại một cuộc họp về vấn đề này, ông Lê Quốc Ninh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tài chính tiêu dùng, cho biết các công ty tài chính tiêu dùng do NHNN cấp phép được quản lý chặt chẽ vì được điều chỉnh bởi các quy định pháp luật chung như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư. Đồng thời, phải tuân thủ Luật Các tổ chức tín dụng, các giới hạn bảo đảm an toàn hoạt động và các quy định khác của Ngân hàng Nhà nước.

Ngược lại, nhiều công ty không phải do NHNN cấp phép đã lợi dụng tên công ty tài chính mở rộng mạng lưới vào các địa bàn khó tiếp cận người dân, cho vay vốn lãi suất rất cao dưới nhiều hình thức, như cho vay nhanh, cho vay tiền mặt vào bất cứ thời điểm nào, chào lãi suất vay rất hấp dẫn nhưng cài cắm các chi phí khác rất cao…

Với hoạt động đòi nợ, các đơn vị này đã dùng mọi hành vi, thủ đoạn manh động để ép người dân trả tiền. Hiện tượng này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh, uy tín của các công ty tài chính, dẫn đến hoạt động cho vay gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh những vấn đề trên, bà Nguyễn Minh Nguyệt, quyền Tổng giám đốc FE Credit, cho biết thực trạng nhân viên thu hồi nợ bị người đi vay dọa ngược, vu khống tăng mạnh trong thời gian gần đây.

“Nếu như 2 năm trước, chỉ có 2 nhân viên thu nợ bị con nợ làm khó thì nay con số này đã tăng lên 24 người trong giai đoạn từ cuối năm 2022 đến đầu năm nay”, bà Nguyệt nói tại hội thảo “Gỡ khó cho vay tiêu dùng – đẩy lùi tín dụng đen”.

Những hệ lụy với người vay và đơn vị cho vay

Nợ xấu vay tiêu dùng tăng nhanh, tình trạng “rủ nhau bùng nợ” dần phổ biến, theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy không chỉ với các công ty tài chính, mà cả với chính người đi vay, những người xung quanh và xã hội.

Với người đi vay, việc không hoàn thành nghĩa vụ trả nợ, lần lữa việc trả nợ, thậm chí tìm cách trốn nợ… của người đi vay sẽ đẩy chính họ vào thế khó.

Việc không trả nợ đúng hạn sẽ làm phát sinh phí phạt trễ hạn. Mức phí phạt sẽ được quy định theo chính sách của ngân hàng, công ty tài chính nơi cấp khoản vay và không hề là khoản tiền nhỏ. Tiếp theo, mọi khoản nợ quá hạn dù chỉ 1 ngày đều được báo cáo và ghi nhận tại Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC).

“Nợ quá hạn càng lâu thì sẽ thuộc danh sách nhóm nợ càng cao. Khách hàng bị ghi nhận có nợ quá hạn tại CIC, thường gọi là ‘lịch sử tín dụng không tốt’, sẽ không còn cơ hội tiếp cận nguồn vốn tín dụng tại bất cứ ngân hàng hoặc công ty tài chính nào khác sau này”, đại diện VNBA phân tích, và cho rằng điểm tín dụng không chỉ là căn cứ để các tổ chức tín dụng ra quyết định cung cấp khoản tín dụng, mà còn có thể ảnh hưởng tới cơ hội đầu tư, việc tuyển dụng, xét visa du học của một cá nhân.

Cũng theo đại diện VNBA, khi người vay không hoàn trả số tiền đã vay ở mức độ nghiêm trọng, các ngân hàng và công ty tài chính hoàn toàn có thể khởi kiện người vay ra Tòa án nhân dân nơi xảy ra hoạt động cho vay.

Trong trường hợp xác định có dấu hiệu của tội phạm, cơ quan chức năng sẽ thực hiện điều tra và áp dụng các hình thức xử lý theo luật hiện hành, có thể bao gồm phạt hành chính, tịch thu tài sản, hay truy tố.

Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, cho biết quy định của pháp luật hiện hành có quy định về thời hạn đòi nợ. Do đó, khi đến với nhau bằng quan hệ vay dân sự thì phải có trách nhiệm trả nợ, đây là trách nhiệm vay dân sự của người đi vay, khi đã vay thì phải trả hết.

Với việc tìm mọi cách để “bùng nợ” vay từ ngân hàng, công ty tài chính tiêu dùng, những con nợ không chỉ đối diện với nguy cơ tiền mất tật mang, mà còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Thứ nhất, nếu khi đi vay, người vay đã xác định làm giả giấy tờ, cung cấp số điện thoại, thông tin cá nhân sai để không liên hệ được thì đây được xác định là hành vi “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” được quy định tại Bộ luật Hình sự.

Thứ hai, nếu đã cung cấp đầy đủ nhưng vẫn “bùng”, trốn trách nhiệm trả nợ. Con nợ sẽ bị xử lý theo Điều 175, Bộ luật Hình sự với tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Nếu cơ quan điều tra có đầy đủ căn cứ sẽ bị khởi tố hình sự.

Thứ ba, trường hợp người đó đi vay nợ nhưng không có ý định vay tiền mà nảy sinh ý định chiếm đoạt khoản tiền này ngay từ ban đầu (trước khi đi vay tiền), hoặc sử dụng các thông tin giả mạo, gian dối để nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì có thể bị xử lý theo Điều 174, Bộ luật Hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Khung hình phạt của 2 tội này cao nhất từ 12 năm lên đến 20 năm tù hoặc tù chung thân.

Với doanh nghiệp tài chính tiêu dùng, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VNBA), cho biết việc “bùng nợ” của khách hàng khiến ngân hàng và công ty tài chính phải tăng chi phí cho hoạt động nhắc nợ, đòi nợ ở các khâu, gồm vận hành, nhân lực và chi phí pháp lý. Ngoài ra, theo quy định của cơ quan quản lý, các tổ chức cho vay bắt buộc phải trích lập dự phòng theo tình hình nợ xấu thực tế, làm ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng kinh doanh.

Bảo vệ quyền lợi hợp pháp của hai bên

Để thị trường tài chính tiêu dùng tăng trưởng trở lại, hạn chế tín dụng đen, các chuyên gia cho rằng cần cơ chế, chính sách để người dân, nhất là công nhân, người lao động khó khăn, thu nhập thấp… tiếp cận vốn vay ở các công ty tài chính tiêu dùng do NHNN cấp phép.

Gói vay với lãi suất hợp lý cho công nhân cũng là mong muốn được bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Đại biểu Quốc hội – Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, nêu tại một hội thảo.

Theo đó, bà đề xuất các tổ chức tín dụng có khảo sát các đối tượng công nhân để thiết kế lãi suất phù hợp hơn.

“Hiện nay công nhân lao động thu nhập thấp đang phải trả lãi suất cao, dẫn đến nhiều người chưa thật sự tiếp cận được nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng”, bà Trân cho biết.

Cũng theo vị này, nhu cầu vay tiêu dùng của công nhân hiện rất lớn do tất cả người lao động đang gặp khó khăn. Khách hàng vay gồm thanh niên có nhu cầu vay cho mục đích tiêu dùng cá nhân và người có gia đình vay để kịp thời giải quyết những vấn đề khó khăn bất trắc trong cuộc sống.

Nhóm thứ nhất là những người có thu nhập thấp, vay nhiều kiểu dẫn đến mất khả năng chi trả và bị tín dụng đen đòi nợ. Còn nhóm thứ hai là những người có nhu cầu thật sự, vay để giải quyết các vấn đề cấp bách chứ chưa đủ khả năng để vay mua nhà.

Về lãi suất cho vay, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết hiện nay lãi suất nguồn vốn đầu vào của các công ty tài chính tiêu dùng đang cao hơn ngân hàng thương mại bởi họ phải huy động từ các tổ chức kinh tế, thay vì từ dân cư như các ngân hàng. Ngoài ra, đối tượng cho vay là đối tượng dưới chuẩn với rủi ro cao, đòi hỏi trích lập dự phòng rủi ro lớn. Tất cả những điều này khiến mức lãi suất cho vay của các công ty tài chính tiêu dùng đang cao hơn ngân hàng thương mại.

Nhưng hiện mặt bằng lãi suất bình quân đang rất thấp, nên ông Hùng kỳ vọng trong thời gian tới, các công ty tài chính tiêu dùng sẽ huy động được nguồn vốn rẻ hơn để từ đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay.

TS Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng của BIDV, cho rằng mức lãi suất và các khoản phí cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính tối đa từ 20-25% một năm là phù hợp, đảm bảo khả năng chi trả của người vay cũng như đặc thù của hoạt động cho vay tiêu dùng.

Với hoạt động thu hồi nợ, các chuyên gia đều đặt vấn đề là tín dụng tiêu dùng phải phát triển, cho vay phải đi đôi với thu hồi nợ, nhưng làm sao để thu hồi nợ cho đúng luật.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng về lâu dài có thể hướng đến đạo luật hoặc quy định riêng cho lĩnh vực đòi nợ, nhưng để hoàn thành một đạo luật riêng cần nhiều thời gian. Do đó, thời gian tới cần rà soát, sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng với quy định cần quan tâm, gồm quy định về công ty tài chính và xử lý nợ xấu.

“Hai nhóm quy định này, nếu có kiến nghị tạm thời giải quyết một số vấn đề có thể tận dụng Luật Các tổ chức tín dụng để giải quyết ngay”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Về dài hạn, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc NHNN, cho biết cơ quan này sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng, khuyến khích các tổ chức tín dụng tăng cường các biện pháp xác thực khách hàng vay vốn để tránh thông tin rủi ro và thu hồi nợ tốt hơn.

Theo bà Tùng, việc triển khai thành công đề án 06 của Chính phủ sẽ giúp làm sạch dữ liệu dân cư, tránh tình trạng sử dụng tài khoản “ảo” để hoạt động tín dụng đen.

“Để triển khai đề án 06 về ứng dụng dữ liệu dân cư trong ngành ngân hàng, NHNN đã phối hợp với Bộ Công an xây dựng kế hoạch phối hợp xác thực khách hàng qua thẻ CCCD gắn chip, ứng dụng VNeID trong mở tài khoản điện tử và triển khai chấm điểm tín dụng tại các tổ chức tín dụng”, bà Tùng cho biết.

Đồng quan điểm, TS Cấn Văn Lực cho rằng cần luật hóa quyền lợi và trách nhiệm của cả hai bên vay và cho vay để công bằng hơn. Đơn cử như cần phải có hệ thống thông tin dữ liệu vay tiêu dùng, từ đó có thể công khai cá nhân có hành vi tín dụng xấu trong quá khứ, giúp các công ty tài chính có thêm thông tin trước khi quyết định cung cấp hồ sơ cho vay.

Bài liên quan
  • Cần đẩy mạnh bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
    Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, để giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) thuận lợi tiếp cận tín dụng nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng thì cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa…

(0) Bình luận
Nổi bật Tin tức IDS
Đừng bỏ lỡ
Gỡ khó cho thị trường tài chính tiêu dùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO